Nhà Cha chạm vào loang lổ rêu phong

  • Thread starter Thread starter Nguyên
  • Ngày gửi Ngày gửi

Nhà  Cha chạm vào loang lổ rêu phong

Nguyên
Nguyên
  • Thành Viên 28
Ánh nắng chiều cuối đông rải đầy trên mấy tán cây cao, còn sót lại vài hạt nắng rơi rớt xuống bụi cỏ um tùm bên dưới. Màu vàng phủ trên những căn nhà cao tầng mới mọc lên san sát, phủ trên cả những chiếc xe máy, ô tô đắt tiền mà cách đây độ chục năm còn chưa xuất hiện. Vàng cả những con đường tưởng như quen thuộc lại trong một ánh nhìn thoáng qua vụt trở mình lạ lẫm.

Nhà. Lạ lắm. Xe. Lạ lắm. Nắng, đâu đâu cũng nắng vậy mà vẫn lạ. Người, cùng một loại dáng hình, cùng một màu da, cùng một tiếng nói, cùng khuôn mặt trong trí nhớ đã phủ bụi, chỉ thêm vài vết dấu phong sương do thời gian in khắc, vậy mà sao, vẫn chẳng tài nào thấy thân quen.

Chỉ có lạnh là quen. Lạnh như những ngày miền núi ngâm mình trong sương giá, như những đêm bếp lửa bập bùng vẫn không ngăn nổi hơi thở mùa đông, lạnh như bảo hoa mơ, hoa mận nở muộn hơn một chút. Lạnh như vậy, Vũ mới biết mình không đi nhầm đường. Đây đúng là nơi anh được sinh ra, là tuổi thơ của anh. Bên dưới mấy tán cây cao, đằng sau đám cỏ dại, vẫn là mái ngói nâu, bậc thềm đầy rêu và khoảng sân gạch cũ, là nhà của anh.

Vũ dừng chân trước khoảng sân cỏ dại um tùm, cách một cánh cổng sắt hoen gỉ. Cánh cổng qua chục năm không ai chạm vào, đã lỏng lẻo đến mức tưởng như chỉ cần đẩy nhẹ một cái là rời ra.

“Lạ thật đấy…” Vũ thở ra một hơi dài thườn thượt, đôi mắt lại dán vào vết bụi bẩn bám trong lòng bàn tay, sau động tác vừa rồi. Dẹp tạm đám suy nghĩ ngổn ngang trong lòng sang một bên, anh rút chìa khóa trong túi ra, tra vào ổ khóa lỏng lẻo.
Đẩy cánh cổng sắt, chầm chậm bước vào trong.

Ngoài cái lạnh quen thuộc của mùa đông miền núi, thì trong mắt anh, tất cả những gì anh gặp kể từ khi đặt chân xuống mảnh đất này, đều lạ. Sau mười năm lưu lạc, đứa con xa nhà tìm về chốn cũ, mà đến ngôi nhà thân quen cũng lạ tới như vậy.
Anh không kìm nổi lòng mà tự hỏi, mình về để làm gì? Về nhà, có phải thật sự là về nhà hay không? Ngôi nhà chẳng có chút hơi ấm của gia đình, chỉ là một cái xác trống rỗng, anh còn về để làm gì?

“Cha chạm vào, loang lổ rêu phong, mơ các con trở về. Về lại mái nhà xưa, về với tiếng cười thuở ấu thơ…” [1]

Vũ lẩm nhẩm hát theo, hát xong lại ngơ ngẩn nhìn quanh: “Không biết nhà ai bật bài hát xưa như thế?” Trong trí nhớ của anh, lần đầu tiên nghe bài hát này là cách đây mười mấy hai mươi năm.

Hồi đó, bố anh buôn bán ngược xuôi, chắt bóp lâu lắm mới mua được một cái tivi đen trắng. Tivi đầy muỗi, thỉnh thoảng lại tậm tịt, hình người loằng ngoằng trên màn hình nhìn không ra mặt mũi, nhưng Vũ thích lắm. Tối tối, anh và đám trẻ trong xóm đều tụ lại nơi khoảnh sân gạch này, chờ mong cái hộp nho nhỏ mang tên tivi sẽ đưa mình tới với vùng đất xa xôi hơn, đẹp đẽ hơn.

Mỗi khi cái tivi đầy muỗi không bắt được kênh nào, đám trẻ lại nằm dài ra sân gạch, nhìn lên bầu trời đêm đầy sao sáng. Vũ luôn là đứa trẻ hiểu biết trong mắt đám bạn chơi cùng, vì anh kể được tên của rất nhiều ngôi sao trên bầu trời cao rộng.

“Bố, bố, ngôi sao kia tên là gì?” Những ngày đám bạn không sang nhà, anh thường hay ngồi bệt xuống nền gạch, dựa vào chân ghế của bố, ngửa đầu, rồi tùy tiện chỉ tay vào một ngôi sao trên trời và hỏi.

Nếu bố anh biết, sẽ nói tên của ngôi sao cho con trai, còn nếu không, ông sẽ lảng đi bằng cách chỉ sang một ngôi sao khác. Khoảng trời nhìn từ sân trước của căn nhà cũ, vừa cao vừa rộng, là những điều thú vị nhất trong mắt của thằng nhóc con năm ấy.

Anh nhớ, một đêm nào đó, sau khi dọn dẹp xong mâm cơm cúng ngày giỗ mẹ, bố con anh bê ghế ra trước sân nhà. Bố lại ngước mắt lên nhìn trời, nhưng không nói cho con trai ngôi sao nào có tên gọi là gì như mọi khi, mà nhớ về người vợ đã khuất: “Người ta bảo mỗi người chết đi sẽ biến thành một vì sao. Bằng cách đó, họ có thể dõi theo người họ thương yêu…”

“Nếu vậy, mẹ con nhất định là ngôi sao sáng nhất. Ngôi sao kia kìa, à không, là ngôi kia!” Ngón tay ngắn ngủn chỉ lung tung lên trời, đôi mắt muốn díu lại vì buồn ngủ vẫn cố chấp mở ra để tìm ngôi sao của mẹ.

“Sao con lại nghĩ mẹ sẽ là ngôi sao sáng nhất?”

“Bởi vì mẹ rất yêu bố và con! Cả bà nữa, bà sẽ là ngôi sao sáng ngay bên cạnh ngôi sao của mẹ!” Tình yêu sẽ làm người ta tỏa sáng, chắc chắn vậy.

Lời khẳng định non nớt của đứa trẻ năm xưa dội về trong tiềm thức. Bàn tay Vũ run run, khóe môi cũng run run. Đôi mắt lại nhìn chằm chằm góc tường rêu phong loang lổ, mờ mờ dấu than củi năm xưa ai đó nguệch ngoạc viết lên những nét chữ trẻ con. Trải qua bao năm mưa nắng, dòng chữ đã mờ lắm rồi, nhưng anh vẫn đọc được một cách dễ dàng. Vì nó không chỉ được viết trên tường, mà còn ghi tạc vào trí nhớ của anh.

Một cơn gió lạnh buốt thổi qua, khiến vạt nắng chiều trở nên ảm đạm. Mặt trời đã chuẩn bị rơi xuống phía sau dãy núi phía xa. Khóe môi Vũ cũng run rẩy theo bàn tay vừa chạm vào cánh cổng sắt cũ kĩ.

Một giọt nước lạnh buốt rơi xuống, đọng lại trên mu bàn tay vài giây, trước khi trượt xuống và biến mất trong đám cỏ dại.
Căn nhà cũ từng thuộc về hai bố con anh nhỏ lắm. Nhà ba gian. Một gian khách đặt bộ bàn ghế uống nước, đặt cả bàn thờ gia tiên. Một gian buồng trong đặt giường bố mẹ. Và một gian ngoài, là nơi kê giường của hai bà cháu và góc học tập nhỏ. Sau này, mẹ và bà lần lượt ra đi sau những cơn bệnh nặng, căn nhà nhỏ ba gian chỉ còn hai bố con nương tựa vào nhau.

Cửa sổ là hai ô vuông sát cạnh nhau, cánh cửa là tấm ván gỗ bố xin của nhà họ hàng nào đó, đẽo gọt lại, lắp thêm bản lề và chốt cửa. Cửa sổ bình thường luôn mở, để cậu nhóc bên trong mỗi khi gặp bài toán khó sẽ chống cằm nhìn ra nào trời nào đất bên ngoài. Mỗi khi mưa to gió lớn, bố lại đứng trong nhà, cười cười bảo con trai chạy nhanh ra ngoài nâng cánh cửa lên, để bố kéo vào, chốt lại.

“Bố phải nhờ mình giúp mới đóng được cửa, mình là siêu nhân nhỏ của bố!” Đó là niềm tự hào đầu tiên trong cuộc đời của Vũ.

Cho tới khi Vũ nhận ra rằng sức một người có thể dễ dàng kéo cánh cửa kia lên và chốt lại, chẳng cần ai giúp sức, thì anh đã không còn cơ hội vạch trần trò lừa bịp năm xưa của bố nữa. Vì người bố thích lừa trẻ con của anh, đã sớm nối gót mẹ và bà, rời xa anh rồi.

Anh cẩn thận gạt đám cỏ dại mọc trên sân gạch, đi vào trong, dừng lại trước bức tường cũ nát. Giống như một nghi thức kì quái mà chỉ mình anh hiểu, anh lại đưa tay chạm vào từng thứ một, bức tường trắng nguệch ngoạc vài nét chữ, tấm ván gỗ mục từng là cánh cửa sổ. Và chạm cả vào tàu lá của bụi chuối còi cọc còn sót lại sát hiên nhà.

Ngày trước, xung quanh nhà trồng rất nhiều chuối tiêu. Hai bố con Vũ hì hục đào hố trồng cây, đắp đất suốt mấy ngày, mới trồng được hơn hai chục gốc chuối.

“Thế này đã là nhiều lắm rồi.” Bố anh bảo vậy: “Sau này cây chuối lớn lên, sẽ đẻ nhánh, thành hơn hai chục bụi chuối. Sẽ giống quê mình lắm!”

Vũ không biết “quê” trong lời của bố là quê nào, vì anh được sinh ra ở mảnh đất này, được bố mẹ bám núi bám rừng mà nuôi lớn. Đồng ruộng thẳng cánh cò bay, chuối tiêu trồng đầy cả vườn nhà, chỉ là những lời kể xa xăm khi bố nhìn về một phương trời xa xôi nào đó.

Mãi sau này, khi Vũ lớn lên, đặt chân trên khắp các con đường to rộng hoặc là nhỏ hẹp của mọi miền Tổ quốc, in dấu tay của mình lên khắp các vùng quê đang đổi mới từng ngày, anh mới biết quê trong lời bố là nơi bố đã sinh ra, nơi bố dứt áo ra đi từ khi chưa đầy mười tuổi. Anh giật mình thảng thốt tìm “quê của bố” trong lời kể năm xưa ấy, rồi lại chợt nhận ra, cuối cùng quê của bố, và cả của anh, chỉ còn nằm gọn trong ngôi nhà nhỏ này thôi.

Sau khi bố mất, anh chẳng về thăm nơi này lần nào nữa. Đồ đạc trong nhà vừa cũ kĩ lại vừa xấu xí, có cho cũng chẳng ai thèm lấy. Anh bỏ mặc nó ở trong nhà, để cỏ dại phủ kín, như phủ kín ngôi nhà nhỏ đầy ắp kí ức tuổi thơ.

Bàn chân giẫm lên thứ gì đó cồm cộm. Anh cúi xuống, chợt đỏ hoe đôi mắt. Thứ anh nhặt được, là một quân cờ tướng bằng nhựa dẻo, qua năm tháng phôi pha, màu đỏ vốn có chỉ còn lờ nhờ. Tâm trí anh lại bắt đầu trôi về những ngày xa xôi lắm.
Bố anh thích đánh cờ tướng lắm. Ông thường đi đánh cờ với vài người bạn tốt, đến đêm muộn mới về nhà. Hồi mẹ vẫn còn, đêm nào mẹ cũng để lại một ngọn đèn đợi bố. Mẹ mất rồi thì tới bà. Bà cũng mất rồi, Vũ trở thành người đêm nào cũng để lại một ngọn đèn leo lét trong căn nhà nhỏ, chờ tiếng xe máy của bố dừng lại trước sân nhà.

Vũ không thích bố đi nhiều như vậy, không muốn bố về khuya như vậy. Vì anh làm hết bài tập trong sách giáo khoa, thêm cả sách nâng cao, đọc tới nhàu nát mấy cuốn sách khoa học cũ, chống cằm gà gật bao lâu mà bố vẫn chưa chịu về.

“Sao bố không ở nhà mà cứ đi suốt thế? Bố không đánh cờ một mình được ạ?” Trong đầu óc ngây ngô của thằng nhóc con năm ấy, chẳng có chút khái niệm gì về cái thú chơi cờ của bố.

Bố anh chỉ cười, vươn tay xoa đầu con trai: “Bao giờ con biết đánh cờ, có thể đánh được với bố, thì bố không đi nữa.”

Vũ không thích ngồi cả tiếng đồng hồ nhìn tới toét mắt mấy quân cờ tròn tròn khắc mấy chữ tượng hình loằng ngoằng. Anh giống những thằng nhóc quanh nhà, thích bóng đá, cầu lông.

Rồi lớn lên, anh nhớ lại tiếc nuối của bố năm xưa, cũng lò mò học chơi cờ tướng. Tới khi anh có thể đánh ngang tay với nhiều người chơi giỏi trong các hội chơi cờ khác nhau, thì người anh muốn so cờ nhất, đã chẳng còn nữa rồi. Chỉ còn vài cuốn sách đã quăn mép và những quân cờ tróc nước sơn nằm im lìm trong góc phòng, lặng lẽ làm bạn với anh.

Hoa mơ nơi góc vườn năm nay nở sớm, trắng cả cành cây. Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhà đã cũ lắm rồi, vách tường xiêu vẹo, vườn sắp thành vườn hoang, cây cối năm xưa bố trồng giờ đổ nghiêng đổ ngả, cây nào còn trụ lại cũng bị dây leo phủ kín. Chẳng có thứ gì thắng nổi sự càn quét của thời gian.

Thế mà Vũ vẫn nhớ, gốc cây nào trông như thế nào, chạm vào góc nhà nào có cảm giác thế nào. Anh vẫn nhớ, hình ảnh những giọt mưa lất phất bay qua cửa sổ, in xuống nền những vệt nước dài, vẫn nhớ cái cảm giác gió lùa vào khe cửa, lạnh tím tái đôi chân trần.

“Cuối cùng… vẫn chỉ có lạnh là quen…” Vẫn là một mình anh nhẹ giọng thở than, tự nói với chính mình.

Dòng thời gian ác nghiệt lấy đi hết những gì ấm áp nhất trong kí ức tuổi thơ, lại chẳng chịu vùi lấp đi trí nhớ của anh. Dòng đời vẫn ngược xuôi, vẫn xô bồ ngoài kia, cuốn anh theo guồng quay của nó suốt bao năm, mà chẳng chịu xóa đi những cảm giác khiến người ta luyến lưu trong tiềm thức. Để những mảnh kí ức sắc nhọn cứ cứa vào trái tim, và gió lạnh cuối đông liên tục lùa vào cõi lòng trống hoác.

6237



Bài hát xưa cũ lại vọng về từ một căn nhà nào đó, giọng hát của cô Mai Hoa qua tiếng loa rè rè có vẻ hơi nghèn nghẹt: “… Ngôi nhà xưa vẫn âm thầm bước chân con thời thơ dại, mái trường xưa đâu đây vẫn lanh lảnh vọng tiếng cười vui. Gió bão bay qua ngôi nhà cúi đầu xót xa. Nghe từng bước chân qua, bước chân nào của con…” [2]

Bên kia hàng rào, có một người đàn ông đang đứng, nhìn cậu trai trẻ đang trầm ngâm cạnh góc tường cũ, trên khuôn mặt già nua khắc khổ của ông khẽ nở nụ cười. Nụ cười thấu suốt, giống như, ông đọc được suy nghĩ, nhìn được cảm nhận của chàng trai trẻ.

Ông cũng đâu biết cậu trai trẻ đó có cảm thấy như vậy thật không, nhưng vẻ mặt đó, và những hành động đó, làm ông tưởng rằng vừa nhìn thấy hình ảnh của chính mình, làm ông nhớ lại, chính mình đã từng có khi nào giống như thế.

Ông đi vào nhà, ôm bàn cờ tướng ra, đi sang sân của căn nhà cũ, khoảng sân cỏ dại mọc kín.

“Vũ đã về đấy à? Chơi với bác một ván cờ chứ. Ngày trước bố cháu hay chơi cờ với bác lắm đấy.” Ông ngồi bệt xuống, ròi vừa bày bàn cờ ra, vừa chép miệng: “Bố cháu ấy à, chơi cờ giỏi lắm, lại chẳng chịu nhường nhịn ai bao giờ. Hồi đó có mấy cuộc thi đánh cờ đầu xuân ấy, thi vui thôi, giải có mấy chục nghìn, năm nào bố cháu cũng hăm hở lắm, đăng kí thi, chẳng thua bao giờ. Rồi đến một năm kia, người ta tổ chức thi, lại mời bố cháu làm giám khảo. Vì bố cháu đánh hay quá, nếu cứ thi thì cứ mãi được giải nhất mất.”

Vũ giật mình, dứt ra khỏi dòng hồi ức. Anh cười cười ngồi xuống phía đối diện: “Lâu rồi không gặp bác. Bác vẫn khỏe chứ ạ?”

Bác già cũng cười cười, đặt quân cờ xuống bàn, "cộp" một nhát: “Ừ, vẫn khỏe. Chỉ có điều lâu rồi không có ai chơi cờ cùng, mấy ông bạn cũ như bố cháu cũng lần lượt đi cả rồi… Kìa, đánh đi, con trai ông Học chắc cũng không đến nỗi không biết chơi cờ đâu nhỉ?”

Mặt trời dần dần ngả về rặng núi nhàn nhạt, mờ mờ ở phía Tây. Nắng nhạt dần.

“Chiếu tướng.” Giọng chàng trai trẻ vang lên, chấm dứt thế cờ dang dở.

Bác già trầm ngâm, đôi mắt già nua nheo lại, vẫn dán chặt bàn cờ: “Thì ra là nước này đi như vậy, bác không nhìn ra. Cháu giỏi lắm, giỏi lắm, đúng là cha nào con nấy.”

Sương giá lẳng lặng giăng khắp các ngóc ngách. Vũ lẳng lặng giúp bác già thu lại bàn cờ, vừa kịp cất đi những quân cờ đầu tiên, thì bất chợt, nghe thấy ông cất tiếng: “Năm xưa bố bác cũng muốn bác ngồi chơi cờ cùng như thế này. Nhưng hồi đó bác không thích cờ tướng, cứ ngồi xuống là bác lại nhấp nhổm không yên, chẳng đánh được ván cờ nào tử tế cả.”

Vũ ngừng động tác. Anh đưa mắt nhìn chăm chú, như muốn nghe cho hết lời ông muốn nói.

“Bây giờ bác lại muốn mấy thằng con trai ngồi lại đánh cờ với bác. Lạ lùng nhỉ? Hồi còn trẻ, ai cũng đi tìm niềm vui ở những nơi xa xôi nào đó. Mãi sau này mới muốn quay lại với niềm vui giản đơn xưa cũ… Giống như một vòng tuần hoàn vậy, lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại, đời cha cũng thế mà đời con cũng thế.”

Nghĩ tới chuyện cũ của mình, Vũ cũng thở dài, thật lâu sau mới lên tiếng, giọng nói có chút ngập ngừng: “Vậy con trai bác... không bao giờ đánh cờ với bác sao?”

Bác già khẽ lắc đầu, đưa đôi tay già nua xếp những quân cờ còn lại thành một bàn cờ không hoàn chỉnh. Xếp xong, mới ra hiệu cho chàng trai đối diện lôi mấy quân cờ kia ra, mở miệng trả lời: “Chúng nó còn ở phương trời nào xa lắm.”

Đôi mắt nhập nhèm nhìn lên bầu trời cao xanh, lại nhìn chằm chằm con đường nhựa trải dài. Như thể chỉ cần nhìn lâu hơn một chút, trước mắt ông sẽ hiện lên con đường đất đỏ năm xưa, và mấy thằng con trai đang nhảy chân sáo trên đường về nhà.

Mặt trời đã khuất bóng, đêm dần buông. Dưới ánh đèn leo lét của căn nhà đợi bóng người xa vắng, giữa hai người một già một trẻ, là một ván cờ mới dang dở.


Tác giả: Nguyên
Bài dự thi viết chủ đề Nhà 2021


[1], [2]: Mượn lời bài hát “Chuyện phố phường”, nhạc phim “Chuyện phố phường”,
do nhạc sĩ Trọng Đài sáng tác và ca sĩ Mai Hoa thể hiện.

 
  • Love
Reactions: Trần Hàn
1K
1
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.