Chia Sẻ  Có hay không chuyện nhà thơ Văn Giá đạo nhái?

Những ngày này, giới thi văn đã ồn ào, náo nhiệt bởi lời tố của Trần Mạnh Hảo với thi sĩ Văn Giá đạo bài "Ngẫu hứng phố" của nhạc sĩ Trần Tiến. Văn học trẻ cũng đã tổng hợp một số tin tức, bài viết xoay quanh ồn ào này:

“Ngẫu hứng phố” của nhạc sĩ Trần Tiến mở đầu bằng những câu:

“Hà Nội cái gì cũng rẻ
Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi
Hà Nội cái gì cũng rẻ
Chỉ có đắt nhất tình người thôi
Hà Nội cái gì cũng buồn
Buồn thương đến thế mùa thu ơi
Hà Nội cái gì cũng vui
Rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè”.

Và đây là những câu đầu trong “Mùa thi đổ lửa” của nhà thơ Văn Giá:

“Ở Quảng Trị cái gì cũng thiếu
Chỉ có gió Lào và cát trắng thừa thôi
Ở Quảng Trị cái gì cũng héo
Chỉ có phượng hồng và hoa giấy thắm tươi
Ở Quảng Trị tất thảy đều hiền lắm
Chỉ Quốc lộ là hung dữ nhất thôi
Cô giáo coi thi xe máy về phố thị
Xe tải tông ngang
Nấm mộ chân đồi”.

Bài thơ “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá đăng trên báo Văn nghệ, bộ mới, số 01, ngày 3 tháng 7 năm 2021. Trên số báo này Văn Giá được chọn một chùm thơ gồm 3 bài, trong đó có “Mùa thi đổ lửa”. Người vinh dự được chọn thơ cho báo Văn nghệ, bộ mới, số 01, chính là nhà thơ, nhà văn Nguyễn Việt Chiến. Ông chia sẻ: “Tôi không biết bài hát của Trần Tiến”. Lý do Nguyễn Việt Chiến chọn “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá để đăng, chỉ đơn giản là: “Bài thơ rất hay”. Ngay đến bây giờ, khi cuộc tranh luận Văn Giá “đạo” hay không “đạo” ca từ Trần Tiến nổ ra, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vẫn bảo lưu ý kiến đánh giá về “Mùa thi đổ lửa”. Ông xin đính chính: “Bài thơ của anh Văn Giá có tên “Mùa thi đổ lửa”, chứ không phải “Mùa thi đỏ lửa” như một số người đang nhầm”. Nhà thơ Văn Giá cũng khẳng định: “Bài thơ của tôi có tên Mùa thi đổ lửa”. Vì một số người nhầm bài thơ của Văn Giá là “Mùa thi đỏ lửa” nên lại khoác thêm cho anh “tội” mới: Văn Giá mô phỏng ý “Mùa hè đỏ lửa” của Phan Nhật Nam.

:hi::hi:
Quay lại cuộc tranh luận “Mùa thi đổ lửa” “đạo” hay không ca từ Trần Tiến. Người tuyển chọn thơ Nguyễn Việt Chiến, sau đó, đã tìm “Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến để tham khảo ca từ. Ông đưa ra nhận xét: Có sự giống nhau giữa mô-tip, mô thức thơ giữa hai tác phẩm. Nhưng nội dung hoàn toàn khác nhau. Trần Tiến nói về Hà Nội. Văn Giá nói về Quảng Trị. Để làm rõ thêm cuộc tranh luận, Nguyễn Việt Chiến kể: “Trang thơ tôi chọn gồm có nhiều tác giả: Ly Hoàng Ly, 6 bài; Văn Giá, 3 bài; Hoàng Thụy Anh, 3 bài; Lâm Huy Nhuận, 3 bài. Lúc đầu, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng, trang thơ ấy chỉ có mấy bài hay thôi. Trong đó Trần Mạnh Hảo đánh giá cao bài “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá và 3 bài của Lâm Huy Nhuận. Còn tác giả khác bị chê lung tung. Nhưng ngày hôm sau, Trần Mạnh Hảo lại lật ngược vấn đề, “đập” luôn Văn Giá”.

Hỏi nhà thơ Trần Mạnh Hảo, ông giải thích: “Mới đầu tôi khen 3 bài của Lâm Huy Nhuận và bài “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá. Về sau tôi đọc kỹ lại, tôi nhớ ra Trần Tiến có bài “Ngẫu hứng phố”. Trần Mạnh Hảo nói thêm: “Nếu không đạo bài của Trần Tiến thì Văn Giá đã kiện Trần Mạnh Hảo ra tòa”.

Trước câu hỏi của phóng viên: “Anh có ý kiến gì khi Trần Mạnh Hảo nói anh “đạo” Trần Tiến?”, nhà thơ Văn Giá đáp: “Không có ý kiến gì”. Một người ngoài cuộc quan sát cuộc tranh luận này, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, cho rằng: Nên gọi là ảnh hưởng thì đúng hơn là “đạo”. Văn Giá mô phỏng cấu trúc bài hát “Ngẫu hứng phố”. Nhà thơ Trần Tuấn trên “Văn học Sài Gòn” cũng nêu ý kiến của mình: Theo anh, Trần Mạnh Hảo hơi quá lời. Trần Tuấn công nhận “Mùa thi đổ lửa” có một số câu đã trùng với mô thức/trật tự biểu đạt ở phần đầu của ca khúc “Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến .

Cũng có một số cây bút đứng về phía Trần Mạnh Hảo, lên án Văn Giá khá gay gắt. Nhà thơ Trần Nhương dự đoán cuộc tranh luận “sẽ rất hot” giữa mùa dịch. Nhưng có lẽ, “Trần Ham Vui” (nickname của Trần Nhương) đã nhầm. Người có ý nghĩa nhất trong cuộc tranh luận này đã lên tiếng. Nhạc sỹ Trần Tiến không hề biết chuyện làng văn đang tranh luận bài “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá “đạo” ca từ “Ngẫu hứng phố” của ông. Ông không muốn “đổ thêm dầu vào lửa”: “Tôi không đánh giá bài thơ đó “đạo” hay không. Bởi vì bài hát của tôi để tặng cho mọi người. Tôi giữ làm của riêng làm gì đâu? Ai muốn dùng làm gì thì dùng. Muốn nghĩ thêm cái gì thì nghĩ. Bởi cuộc đời ngắn lắm. Giữ bản quyền làm gì cho khổ”.

Tác giả “Ngẫu hứng phố” chia sẻ thêm: “Người ta lấy ca từ của tôi nhiều lắm, nào sắc màu tình yêu, sắc màu quần áo hay thành phố trẻ chẳng hạn… Người ta cũng lấy giai điệu nọ, giai điệu kia của tôi. Nhưng tôi không phản ứng. Tôi viết để cho mọi người, tặng mọi người”. Quan điểm của Trần Tiến: “Viết không phải là sản phẩm của cá nhân. Nếu viết là sản phẩm của cá nhân thì không phải viết mà là sản xuất. Sản xuất thì tạo ra thành phẩm, thành phẩm mang bán, được tiền. Nhạc phẩm của tôi không phải thành phẩm. Nhạc phẩm của tôi là những bông hoa mang tặng mọi người. Mọi người thích vứt đi thì vứt. Mọi người thích mang về bày thì bày. Nếu thấy thơm hãy hôn nó. Thế thôi. Có gì đâu?”.

(Theo Nông Hồng Diệu)

***

Trần Mạnh Hảo là một nhà thơ, nhà văn kiêm nhà báo Việt Nam. Ông có khá nhiều bài viết “chỉnh đốn” giới thi sĩ, đanh đá, và cũng không phải lần đầu Trần Mạnh Hảo tố một thi sĩ đạo thơ:

Ví như, người ta khen ngợi Vi Thùy Linh, thì Trần Mạnh Hảo lại cho rằng đó không phải là thơ mà chỉ là văn xuống dòng, một sự ghép nhặt từ ngữ:

“Người xưa đã từng khuyên “Ða ngôn bất thiện” đó ư? Ai tin được một người yêu lắm lời, cứ suốt ngày xoen xoét, suốt ngày đại ngôn ăn nói to lớn toàn những từ sáo rỗng, ba hoa? Trong thơ có nói, nhưng toàn chỉ là những câu nói xuống dòng thì sao có thể gọi là thơ? Thơ không loại trừ ngay cả sự đanh đá. Nhưng sự đanh đá hầu như không phải là con đường dẫn đến thi ca. Khi ông Kha xui Vi Thuỳ Linh “Cứ xổ hết ra đi!” là quyền của ông và các ông. Nhưng xin quý vị trường thơ “trào vọt” cần trước hết phải phân biệt được ẩn ức thơẩn ức giun sán tuy có thể cùng xài một động từ “xổ”, nhưng vốn là hai cách “xổ” rất khác nhau vậy...”

Rồi ông cũng phê bình cả Nguyễn Duy:

Câu thơ "Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru" của Nguyễn Duy đã đạo câu thơ Xuân Quỳnh: "Dẫu con đi đến suốt đời/Vẫn không đi hết những lời mẹ ru". Câu thơ Xuân Quỳnh ở bài Lời ru, còn câu thơ Nguyễn Duy trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa.

Trần Mạnh Hảo nhận định hai câu thơ trên “giống nhau như lột” và phân tích: “Lời ru ra đời trước Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa 18 năm, thiết tưởng Nguyễn Duy đã thuộc làu bài thơ Xuân Quỳnh, rồi trong tiềm thức viết ra một câu thơ y chang, thành ra vô tình mắc tội đạo văn”.

Sau những lời tố đạo thơ về Văn Giá, đã có nhiều ý kiến xuay quanh đề tài này, người đồng tình, người phản bác, và nổi bật nhất có hai bài viết như sau:

:no:1/ ÔI LỜI VỀ ỨNG XỬ TRONG VĂN HÓA PHÊ BÌNH – Trần Hạnh

Những ngày qua, trên trang của nhà thơ TMH có nêu ra vấn đề về một bài thơ của một nhà thơ đăng trên báo Văn nghệ. Trên fb của nhà thơ TMH rất nặng lời khi kết tội NPBVH Văn Giá "đạo văn" phần lời bài hát "Ngẫu hứng phố" của nhạc sĩ Trần Tiến để đưa vào bài thơ "Mùa thi đổ lửa" của mình. Tuy không liên quan gì, nhưng cá nhân tôi thấy nhà thơ và một bộ phận rất đông những nhà văn nhà thơ nào đó hùa nhau vào rỉa rói với những lời lẽ rất thiếu tế nhị, thậm chí là chợ búa và thiếu văn hóa trước một vấn đề chưa phân định đúng sai rõ ràng.

Trong số đám đông hùa vào nhau ầm ĩ kết tội, tôi có đọc được một bài viết công tâm của anh Trần Tuấn và tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định đó xin trích một đoạn để mọi người cảm nhận về sự việc này :

"Trong bài thơ "Mùa thi đổ lửa", có thể thấy một số câu đã trùng với mô thức/trật tự biểu đạt (phần đầu) của ca khúc "Ngẫu hứng phố". Như "Ở Quảng Trị cái gì cũng thiếu/ Chỉ có gió Lào và cát trắng thừa thôi - Ở Quảng Trị tất thảy đều hiền lắm/ Chỉ Quốc lộ là hung dữ nhất thôi" (MTĐL). Với "Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi/ Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất tình người thôi" (NHP). Tất nhiên theo tôi, tác giả bài thơ nếu tỉnh táo và ý thức được về sự bị ảnh hưởng ấy (về trật tự ngữ nghĩa) của mình với ca khúc trên, thì chỉ cần thêm một dấu chú thích bên dưới hoặc ghi mấy chữ phía trên có nhắc đến tác phẩm của NS Trần Tiến là ổn.

Nhưng cũng phải thấy, các mô thức biểu đạt ngôn ngữ luôn là cái khuôn dùng chung từ khi nó ra đời. Nhất là trong lĩnh vực sáng tạo/sáng tác, những phép tu từ đăng đối, so sánh, đòn bẩy, liên tưởng…của ngôn ngữ luôn có sự va chạm, giao thoa giữa các tác giả từ cổ chí kim. Cho đến rộng hơn là những "cái vỏ" trường phái như lãng mạn, cổ điển, siêu thực, hiện thực huyền ảo,… với những thủ pháp chung. Miễn sao người sáng tạo thể hiện/đưa ra được tư duy/tư tưởng riêng cho tác phẩm của mình. Ở đây, có thể thấy "Mùa thi đổ lửa" không hề "ăn cắp văn, ăn cắp ý, ăn cắp lời của nhạc sĩ Trần Tiến" như quy kết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

Cũng như hai câu thơ này của Trần Mạnh Hảo "Anh đi khắp trái đất này/Cũng không đi khỏi chân mày mắt em" (Bài Gương mặt em rất thánh – TMH, tập thơ Giáng tiên - NXB Trẻ 2002), có ai quy kết ông "đạo văn" từ hai câu thơ nổi tiếng "Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài" (Bài Nông trường cà phê, 1958) của nhà thơ Tế Hanh đâu? Nhưng bảo có ảnh hưởng không? Chắc chắn là có..."

( trích từ fb của Trần Tuấn )

Mọi người thấy đấy, trong cuộc sống này có rất nhiều sự trùng lặp hết sức ngẫu nhiên, không cố ý. Trong toán học đó gọi là sác xuất. Trong văn chương cũng vậy, dù không cố ý nhưng vẫn bị trùng lặp là chuyện bình thường. Tất nhiên, nếu trùng lặp nhiều và viết sau thì rất dễ bị coi là đạo văn, dù không cố ý thì vẫn là điều không hay và tất nhiên là điều không tác giả không mong muốn. Sinh nghề tử nghiệp, trong nghề ai cũng khó tránh khỏi gặp phải những " tai nạn" nho nhỏ. Vậy thì bạn bè ta, đồng nghiệp ta ứng xử với nó ra sao?

Trước tiên là nhà thơ TMH đã rất nặng lời với việc đó và chụp mũ tác giả là "đạo thơ" là ăn cắp. Liệu nhà thơ TMH có hiểu khái niệm ăn cắp là một hành động có chủ đích, có ý thức, và phải lập mưu để chiếm lấy nó, phải chịu hậu quả khi bị lộ tẩy ( danh dự, tiền bạc, án phạt, tính mạng...). Điều đó thì một người như tác giả bài thơ trên chả dại gì mà đánh đổi. Thứ hai, ăn cắp là vì thiếu thốn, ai đó thiếu năng lực, thiếu địa vị ăn cắp thơ vì thèm được đăng báo, thèm được vào hội, thèm được thể hiện với bạn bè... điều đó tác giả có thiếu đâu. Vậy sao mọi người chụp mũ cho tác giả từ ăn cắp?

Đành rằng tác giả có chủ quan, không kiểm tra lại bài thơ của mình trước khi gửi đăng thì cũng là cái lỗi thường tình, là bài học kinh nghiệm cho bản thân có đến mức mọi người phải dồn ép tác giả đến chân tường, bắt phải xin lỗi. Chưa dừng ở đó, những nhà thơ của chúng ta tranh thủ chửi rủa tất cả ban bệ trong ban biên tập và trong BCH HNV với những ngôn ngữ thiếu văn hóa. Điều này khiến cho chúng tôi, những kẻ ngoại đạo văn chương, những độc giả thấy thương thay cho nhà văn TMH cũng như bạn bè của ông, rặt một phường chợ búa. Trước một "tai nạn" của bạn văn mà hả hê như một cuộc liên hoan. Bừng bừng sát khí như một bầy người đói lâu ngày săn được một con nai bằng những mũi tên độc vậy. Điều đó cho thấy sự đố kỵ rất hèn kém. Khi phê bình người khác, trước tiên bản thân mình phải dùng lời lẽ chuẩn mực, đúng đắn và có văn hóa hơn người khác đã.

Bác TMH trước khi nói người khác hãy nhìn lại mình và những bài thơ của mình trong suốt hành trình sáng tác xem giống bao nhiêu người. Ngay cả bài thơ "cứu" của ông có hai dòng năm chữ thì tới 4 chữ giống bài hát "Mẹ ơi con đã già rồi " của nhạc sĩ Trần Tiến cũng ai nói gì đâu. Cuộc sống chẳng bao giờ tròn vẹn cả, đến vòng tròn mặt cắt của ống nước khi nhìn nghiêng cũng ra hình bầu dục cơ đấy. Mong nhà thơ TMH Hãy đặt địa vị mình vào vị trí người khác để cảm nhận, và tưởng tượng, ngày nào đó khi xảy ra "tai nạn", nhà thơ có muốn những bầy sói lao đến cắn xé đến te tua hay không? Phàm đã là sói, cắn được người này thì cũng cắn được người khác và quay lại cắn chính bạn. Đám đông chẳng phải là cái đúng. Chỉ có sự nhân ái, sẻ chia, bao dung và thân tình là mãi mãi bền lâu.

(Hạnh Trần)


:hi:2/ Mấy dòng thưa với nhà thơ Trần Mạnh Hảo

Vừa rồi thấy trên fb của nhà thơ Trần Mạnh Hảo “tố” nhà phê bình văn học Văn Giá “đạo văn” phần lời bài hát “Ngẫu hứng phố” của nhạc sĩ Trần Tiến để đưa vào bài thơ “Mùa thi đổ lửa” của mình. Dù không liên quan, nhưng thấy đây là câu chuyện văn chương đáng nói, nên cũng góp vài lời.

Xem kỹ hai tác phẩm (nguyên văn mời đọc ở bên dưới), tôi cho rằng ở đây nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã quá lời, quá cực đoan.

Trong bài thơ “Mùa thi đổ lửa”, có thể thấy một số câu đã trùng với mô thức/trật tự biểu đạt (phần đầu) của ca khúc “Ngẫu hứng phố”. Như “Ở Quảng Trị cái gì cũng thiếu/ Chỉ có gió Lào và cát trắng thừa thôi – Ở Quảng Trị tất thảy đều hiền lắm/ Chỉ Quốc lộ là hung dữ nhất thôi” (Mùa thi đổ lửa). Với “Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi/ Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất tình người thôi” (Ngẫu hứng phố). Tất nhiên theo tôi, tác giả bài thơ nếu tỉnh táo và ý thức được về sự bị ảnh hưởng ấy (về trật tự ngữ nghĩa) của mình với ca khúc trên, thì chỉ cần thêm một dấu chú thích bên dưới hoặc ghi mấy chữ phía trên có nhắc đến tác phẩm của nhạc sĩ Trần Tiến là ổn.

Nhưng cũng phải thấy, các mô thức biểu đạt ngôn ngữ luôn là cái khuôn dùng chung từ khi nó ra đời. Nhất là trong lĩnh vực sáng tạo/sáng tác, những phép tu từ đăng đối, so sánh, đòn bẩy, liên tưởng…của ngôn ngữ luôn có sự va chạm, giao thoa giữa các tác giả từ cổ chí kim. Cho đến rộng hơn là những “cái vỏ” trường phái như lãng mạn, cổ điển, siêu thực, hiện thực huyền ảo,… với những thủ pháp chung. Miễn sao người sáng tạo thể hiện/đưa ra được tư duy/tư tưởng riêng cho tác phẩm của mình. Ở đây, có thể thấy “Mùa thi đổ lửa” không hề “ăn cắp văn, ăn cắp ý, ăn cắp lời của nhạc sĩ Trần Tiến” như quy kết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

Cũng như hai câu thơ này của Trần Mạnh Hảo “Anh đi khắp trái đất này/Cũng không đi khỏi chân mày mắt em” (Bài Gương mặt em rất thánh – TMH, tập thơ Giáng tiên – NXB Trẻ 2002), có ai quy kết ông “đạo văn” từ hai câu thơ nổi tiếng “Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài” (Bài Nông trường cà phê, 1958) của nhà thơ Tế Hanh đâu? Nhưng bảo có ảnh hưởng không? Chắc chắn là có.

Như ví von “Mắt ta đêm nay/Khác nào hai giếng nước” (Trần Mạnh Hảo, bài Tổ quốc), với “Riêng những câu thơ còn xanh/Riêng những bài hát còn xanh/Và đôi mắt em như hai giếng nước” (Văn Cao, bài Thời gian)?

Và nữa, thử so sánh hai bài thơ dưới đây.

Bài RU NGƯỜI TRĂM NĂM của Trần Mạnh Hảo

Ngủ đi người của anh ơi
Xin nhờ ngọn gió ru nơi em nằm
Anh ngồi thức với xa xăm
Tới em phải vượt hàng trăm tinh cầu

Lời ru nào sợ xa đâu
À ơi vũ trụ chìm sau mi dài
Bay bay hai cánh tơ ngài
Ngủ đi cặp mắt thức hoài chờ trông

Anh ru từng búp tay hồng
Xin nhờ ngọn gió bế bồng trên tay
Nâng niu mười nhánh sông gầy
Khép vơi thành nụ, xoè đầy thành hoa

Từng đi nghìn dặm sơn hà
Hai bàn chân của em là mùi hương
Cái hôn trên gót còn vương
Lời ru em hóa con đường em đi

Ngủ ngon khoé miệng thầm thì
Cháy tan trời đất cũng vì vành môi
Vuốt ve khe suối núi đồi
Ngủ đi da thịt ngời ngời thương yêu.

Tóc em anh đến trăm chiều
Bao nhiêu sợi tóc bấy nhiêu nỗi niềm
Tay anh em gối trăng liềm
Giấc mơ chớ hiện ra điềm bể dâu

À ơi cái ngủ đi đâu
Tình yêu ru đến bạc đầu chưa thôi
Cách xa như đất với trời
Đêm đêm anh lặng ru người trăm năm.

(TMH, tập thơ Mình anh trong một thế giới, 1991)

Và bài thơ NGẬM NGÙI của Huy Cận

Nắng chia nửa bãi; chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi! hãy ngủ… anh hầu quạt đây.

Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ…

Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…
– Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…

(Huy Cận, Lửa thiêng, 1940)

Đã có ai bảo nhà thơ Trần Mạnh Hảo “đạo văn, đạo ý” của Huy Cận chưa?

***

Tôi, kẻ viết mấy dòng này hơn chục năm trước từng được nhà thơ Trần Mạnh Hảo “phong” là “nhà ma học” (sau tập Ma thuật ngón), và nhận mấy trăm comment hùa theo “mắng mỏ” trên Blog nhà văn NQL. Nên nghiệm ra rằng đến làm “thơ ma” mà còn bị, huống gì…

Trần Tuấn

Còn ý kiến của các độc giả yêu thơ nhìn nhận thế nào? Hãy để lại bình luận ở đây nhé.
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
có phải văn giá đạo thơ trần mạnh hảo tố văn giá đạo thơ trần tiến lên tiếng về đạo nhái văn giá đạo ngẫu hứng phố
632
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.