Đề thi Cơ sở làm nên tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, ôn thi tuyển sinh 10, đầy đủ và chi tiết

Đề thi  Cơ sở làm nên tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, ôn thi tuyển sinh 10, đầy đủ và chi tiết

Triều Anh
Triều AnhTriều Anh đã được xác minh
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Vậy là sắp đến ngày ôn văn luyện võ để thi tuyển sinh 10. Đừng bỏ qua bài thơ Đồng chí của Chính Hữu vì đây là một trong những bài thơ có tỉ lệ ra đề rất cao. Nào cùng nhau ôn lại cơ sở làm nên tình đồng chí nhé.
0CA75B1D-F05B-44FC-9524-86EB7D136EAA.jpeg

Ảnh sưu tầm


Xem thêm:
Vẻ đẹp tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

Viết bài văn trình bày cảm nhận về đoạn thơ sau:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đối tri kỉ.
Đồng chí!

(Trích Đồng chí, Chính Hữu, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam 2015, trang 128)
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

I. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Chính Hữu: nhà thơ chuyên viết về người lính và chiến tranh. thơ ông giàu cảm xúc với nhiều cung bậc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc.
- Giới thiệu về tác phẩm: Bài thơ được sang tác 1948, sau khi tác giả tham gia chiến dịch Việt Bắc. Đây là bài thơ tiêu biểu về đề tài đồng chí.
- Nêu vấn đề nghị luận: Cơ sở hình thành tình đồng chí đồng đội.
- Trích dẫn thơ (chú ý cách trích dẫn)

II. Thân bài

1. Khái quát


- Mạch cảm xúc của bài thơ.
- Vị trí đoạn thơ.

2. Cảm nhận

Tình đồng chí là hội tụ, hòa quyện của những tình cảm đẹp như tình giai cấp, tình đồng đội, tình người. Càng đẹp hơn nữa khi những người lính biết sẻ chia khó khăn, gian khổ, thiếu thốn trong cuộc kháng chiến của dân tộc vì độc lập, tự do của đất nước.
Cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính:

a. Chung hoàn cảnh xuất thân

Những câu thơ trong khổ thơ mở đầu giống như lời tâm sự, chia sẻ của những người chiến sĩ. Trước tiên, họ tâm sự về hoàn cảnh gia đình, xuất thân:​

Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,

- Các câu thơ đối xứng, song hành tạo ra sự hài hòa, cân xứng. Nước mặn đồng chua: Thành ngữ chỉ vùng đất nhiễm mặn ở ven biển và vùng đất phèn có độ chua cao. Đất cày lên sỏi đá: Hình ảnh chỉ vùng đất cằn cỗi khô hạn, đất đai bạc màu. Dù ở miền đồng bằng ven biển nước mặn đồng chua hay vùng trung du đất cày lên sỏi đá, những người nông dân mặc áo lính ấy đều cùng chung cái nghèo khổ, lam lũ..

Đó là những vùng đất xấu, khó trồng trọt, khó canh tác. Quê hương anh, làng tôi đều chung cái nghèo. Những người lính là những người nông dân, là người con của làng quê lam lũ, vất vả với cày cấy, ruộng đồng. Tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân của những người lính. Chính sự đồng cảm giai cấp đã giúp họ sát cánh bên nhau chiến đấu để bảo vệ quê hương, đất nước.

b. Chung mục đích, lí tưởng chiến đấu, cùng sát cánh bên nhau

Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đội tri kỉ

- Từ những con người xa lạ chẳng hề quen biết, vì tình yêu Tổ quốc, họ đã đứng trong cùng một đội ngũ, cùng nhau thực hiện mục đích, lí tưởng cao đẹp. Câu thơ Súng bên súng, đầu sát bên đầu sử dụng nghệ thuật tiêu đối, điệp ngữ làm nổi bật hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt nhưng những người lính vẫn sát cánh bên nhau, cùng nhau chiến đấu, cùng nhau đối diện với hiểm nguy.

- Súng bên súng, đầu sát bên đầu vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Súng tượng trưng cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đầu chính là chí hướng, lí tưởng cao đẹp. Những người lính trong kháng chiến chống Pháp cùng chung đội ngũ, chung mục đích và lí tưởng chiến đấu.

- Ngoài ra, họ còn chung hoàn cảnh chiến đấu gian khổ. Hình ảnh Đêm rét chung chăn thể hiện sự gần gũi, sẻ chia những khó khăn, thiếu thốn trong đời lính. Về cái thân tình ấm áp không gì hơn là hình ảnh đắp chung chăn. Họ hiểu và chia sẻ với nhau sự thiếu thốn vật chất trong những ngày đầu kháng chiến. Trong đoạn thơ, những chữ anh, tôi đan cài, đối xứng thể hiện tình cảm gắn bó, keo sơn, khăng khít giữa những người chiến sĩ. Chính vì vậy mà từ đôi người xa lạ, họ đã trở thành đội tri kỉ (hiểu bạn như hiểu mình).

- Không chỉ dừng lại ở đó, Chính Hữu nâng tình cảm đó lên một tầng cao hơn - tình đồng chí. Đây là một tình cảm mới mẻ, cao đẹp, thiêng liêng!

- Hai tiếng đồng chí được tác giả tách ra thành một câu thơ như một dụng ý nghệ thuật vừa tạo ra sự hài hoà, cân đối của bài thơ vừa tạo ra điểm nhấn. Câu thơ rất ngắn gọn, chỉ có hai tiếng được tách ra thành một dòng thơ riêng giống như một bản lề khép lại sáu câu thơ đầu đồng thời mở ra những câu thơ tiếp theo. Đồng chí! như khẳng định sự thiêng liêng cao đẹp của tình cảm: tình bạn - tình người - tình tri kỉ - tình đồng chí, đồng đội...

3. Đánh giá nghệ thuật

Cơ sở của tình đồng chí cao đẹp của những người lính cách mạng trong bài thơ Đồng chí được nhà thơ Chính Hữu thể hiện thành công bằng những nét nghệ thuật đặc sắc: Những câu thơ đối nhau, hình ảnh thơ sóng đôi, ngôn ngữ thơ giản dị, chắt lọc tinh tế lắng đọng, nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng, sử dụng thành ngữ sáng tạo....Thể thơ tự do, giọng thơ giàu chất trữ tình.

III. Kết bài

- Hình ảnh những người lính trong toàn bài thơ nói chung và cơ sở của tình đồng chí trong đoạn thơ nói riêng đó được Chính Hữu khắc họa thật chân thực.
- Tình đồng chí ấy sẽ tạo nên sức mạnh để người lính chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược. Tình cảm cao đẹp này còn mãi với quê hương, với Tổ quốc...​

...................................................
CHÚC CÁC EM ÔN TẬP THẬT TỐT!
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
chính hữu cơ sở làm nên tình đồng chí đồng chí
573
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.