Nhà Đứa con

Nhà Đứa con

Thị đã lấy chồng được dăm sáu năm rồi mà vẫn chưa có một mụn con nào. Một buổi chiều, thị thẫn thờ ngồi trước bậc cửa nghĩ ngợi lung tung. Nhìn đứa con hàng xóm chạy qua chạy lại, thị não hết cả ruột gan. Đứa con chạy trước, người mẹ một tay cầm bát cơm, tay còn lại lăm lăm cây roi chạy theo sau để dọa nạt. Thấy vậy, thị bĩu môi. Giá mà thị có một đứa con thị sẽ nâng niu cho thỏa lòng mong ước.

Đang ủ rũ thì mụ Tám từ ngoài sân nói vọng vào:

- Nghĩ gì mà ngồi thừ ra thế? – lúc nào cũng vậy, cái giọng oang oang của mụ còn tới trước cả tiếng bước chân.

Ngẩng mặt lên nhìn, thị thở dài bảo:

- Có nghĩ gì đâu.

Thị nói thế âu cũng là điều dễ hiểu. Bao nhiêu năm rồi, cái nỗi đau ấy cứ chảy âm ỉ trong lòng thị mà chẳng chịu nguôi ngoai. Thay vì khơi nó lên, thị để nó nằm yên.

Hỏi là hỏi cho có lệ vậy thôi chứ mụ biết tỏng chuyện con cái là khúc mắc trong lòng thị bấy lâu nay. Mụ vừa đi tới vừa nói:

- Không phải giấu. Chuyện cô không có con cả làng này ai chẳng biết.

Thị đã tránh đi không nói mà người ta vẫn cứ nhắc đến. Đã vậy thì còn biết chối làm sao nữa, thị buông tiếng thở dài.

- Thế muốn có con không?

Nghe vậy, đột nhiên thị tỉnh hẳn ra, đôi mắt sáng lên như vớ phải vàng, cái lưng khom khom cũng theo đó mà thẳng hơn.

- Có được không mụ? Nếu được thì nói cho tôi biết với.

Ánh mắt mong mỏi của thị thật đáng thương làm sao. Chỉ chờ có vậy, mụ Tám lót dép ngồi xuống trước mặt thị, phe phẩy cái nón lá trên tay bảo:

- Được chứ sao không.

Rồi mụ kể. Mụ nói rằng bà Dậu ở làng bên nhiều năm rồi cũng không có con. Rồi một ngày người ta thấy bà ấy đem về một đứa bé. Từ ngày nhận con nuôi, ngôi nhà có sinh khí hơn hẳn. Ông chồng bà ấy không còn trêu hoa ghẹo bướm bên ngoài nữa mà hết lòng vun vén cho cái gia đình nhỏ. Dù không phải con ruột nhưng họ hết lòng yêu thương, chăm sóc nó. Thời gian dần qua, họ cũng không còn bận tâm đến mấy lời bàn tán nữa.

Mụ kể tới đây, thị chăm chú hỏi:

- Như vậy có được không?

- Có gì mà không được. Miễn là có tiền thôi. – mụ lên giọng, cắt ngang cái sự lo lắng ấy của thị.

Và mụ bắt đầu giảng giải cho thị hiểu. Chuyện nhận con cũng giống như khi ta thực hiện một giao dịch. Nếu nói khéo thì là nhận con nuôi. Nói thẳng ra là bán con. Nhưng thế thì đã làm sao? Một nhà năm sáu miệng ăn, đã không làm ra tiền mà cứ giữ khư khư mấy đứa con bên mình thì chẳng mấy chốc mà chết đói. Thôi thì ban phước cho người ta một đứa con, mình cũng có chút tiền để trang trải cuộc sống. Ấy là ta nghĩ như vậy nhưng người đời cứ bảo mình độc ác. Hãy nhìn thoáng một chút, đấy là ta đang gửi “gửi tạm” con cho người khác nuôi. Người ta vui mà con mình cũng được cơm no áo ấm. Trên thực tế, nó với mình vẫn cùng chung một dòng máu đấy thôi, lệch đi đâu được. Với lại, người ta cần con, mình cần tiền. Và như thế ta thỏa thuận với nhau, ai cũng được toại nguyện.

Mà chuyện này phải kín miệng như bưng. Nếu để lộ ra thì hàng xóm lại lôi nó ra mà đàm tiếu. Dẫu biết rằng chúng ta đang giúp nhau, có gì mà phải sợ. Nhưng ở đời, có những chuyện một khi đã truyền đi, bản thân của nó sẽ ngày một méo mó. Rồi cuối cùng, chính chúng ta là nạn nhân của những sự việc không mong muốn ấy. Vậy tại sao mụ Tám lại rõ? Có trời mà biết.

Cái hy vọng đã được thắp lên, thị vội vã hỏi:

- Thế tốn có nhiều không mụ?

Nếu gặp phải người túng thì kì kèo một chút cũng bớt được phần nào, còn gặp người vững hơn thì phải nương theo họ. Mình cần con, người ta cũng cần tiền nhưng không có mối này thì có mối khác. Chuyện gì mà phải lo. Vậy là mình vô thế yếu.

- Nhưng lỡ không được thì sao?

- Vẽ chuyện.

Rồi như thể để thị tin rằng nó hoàn toàn có thể xảy ra, mụ thuyết phục:

- Về bàn bạc với ông chồng cô xem sao. Lão ấy thường xuyên đi làm ăn xa, mối quan hệ rộng, lại thêm cái tài khéo ăn khéo nói. Ai mà chẳng xuôi.

Tin vào lời mụ Tám, thị mang theo cái dự định đã ấp ủ suốt một buổi chiều để nói với chồng.

Đêm xuống, trên chiếc giường ọp ẹp, lão chồng đang lim dim con mắt, nghe thị nói xong mà tỉnh cả người.

- Mình có muốn nhận con nuôi không?

Nằm bên cạnh, lão chồng xoay người sang nhìn thị, nhíu mày hỏi:

- Sao phải nhận con nuôi? Con đẻ vẫn tốt hơn chứ!

Nghe vậy, thị lại tủi thân, đôi mắt cụp xuống, thở ra một hơi dài thườn thượt. Ai chẳng biết con ruột tốt hơn con nuôi. Khổ nỗi, thị có đẻ được đâu. Một người phụ nữ mà không sinh được con thì chính là con gà mái không biết đẻ trứng. Cái điều ấy làm thị buồn lắm.

Đã bao nhiêu lần, thị nghe mẹ chồng hạch sách nặng nhẹ bằng những lời lẽ cay nghiệt.

- Vẫn chưa có thai à?

- Đúng là loại đàn bà vô dụng. Có mỗi việc đẻ thôi cũng không làm được. Biết thế, tôi đã chẳng rước cô về cái nhà này.

Những lúc ấy thị như một con chó cụp đuôi chỉ biết lẩn trốn khi bị chủ đánh, không dám phản kháng. Bởi thị biết. Thị biết cái bụng của mình không đẻ được. Lỗi tại thị, thị cố nhiên là phải chấp nhận cái sự thật ấy.

Một lần, hai lần rồi thêm bao nhiêu lần, thị cũng không nhớ nữa. Thị cứ cố gắng, cố gắng mãi nhưng cái bụng thị chẳng thể phình to ra được. Lúc thấy mấy mụ đàn bà trong xóm vác cái bụng khệ nệ đi qua đi lại trước cửa nhà, thị lại ao ước có được cái diễm phúc đó. Dù khi sinh con, người ta la làng như thể chửi cha mắng mẹ thiên hạ, đau đớn không thể nào tả nổi. Nhưng lúc cơn đau đã qua rồi, căn nhà lại văng vẳng tiếng khóc cười của trẻ con. Nhìn cái cục thịt đỏ hỏn gói gọn trong lớp vải dày, người ta hiển nhiên quên đi sự thống khổ vừa qua. Chao ôi! Một đứa con chính là cái ước mơ lớn nhất trần đời này của thị. Vậy mà ông Trời cứ khăng khăng không đáp ứng cái nguyện vọng ấy. Càng nghĩ lại càng buồn.

Lão chồng thị không phải là người có tính trăng hoa. Lão cũng cố hết sức để làm tròn trách nhiệm của một người chồng hay nói đúng hơn là nhiệm vụ của tổ tiên để lại. Nhưng mà… không được là không được. Và tất nhiên, trong mắt người đời, cái lỗi lầm ấy thuộc về con vợ của lão.

Mẹ lão cứ bảo bỏ thị đi cho rồi. Đứa này không đẻ được thì lấy đứa khác về làm vợ. Đàn ông mà, không giúp tổ tiên duy trì hương hỏa thì tội phải biết. Ấy thế mà lão cứ lảng tránh, hết lần này đến lần khác. Cứ nghĩ đến chuyện bỏ vợ, lão lại thấy tội thị quá, không đành lòng. Với lại, làm vợ chồng bao nhiêu năm nay, lão hiểu hết những tủi nhục mà thị phải chịu. Thay vì nổi giận với tất cả mọi người, thị chỉ lầm lũi gặm nhấm cái nỗi buồn ấy một mình. Bao nhiêu nước mắt, thị chưa bao giờ để lão chồng nhìn thấy. Ngoài mặt cứ cười cười nói nói nhưng trong lòng thị đau, đau như thể bản thân đang mang phải trọng tội. Mà đúng là trọng tội thật. Cái tội không giúp cho ông chồng ba đời độc đinh có một đứa con để nối dõi tông đường.

Thay vì trả lời câu hỏi của lão, thị chầm chậm lên tiếng:

- Mình ạ! Nào tôi có muốn nhận con nuôi khi bản thân mình có thể sinh con đâu. Nhưng mà ông trời ông ấy không gọi thì tôi vâng làm sao được. Nếu cứ đợi mãi, tôi e là đến cuối đời vẫn không có ai bưng trà rót nước. Thôi thì hai ta nhận một mống con về nuôi, mai sau xảy ra bề gì còn có người đứng ra lo hậu sự.

Chưa bao giờ lão thấy thị buồn như vậy. Khuôn mặt, ánh mắt, lời nói của thị như thể đang thương thay cho cái số phận hẩm hiu của mình. Rồi chưa để lão chồng kịp suy nghĩ, mắt thị đã ngấn nước. Lúc này đây, bao nhiêu dồn nén trong mấy năm qua cứ theo nước mắt mà tràn ra. Thị khóc.

Khóc vì buồn. Khóc vì tủi. Khóc vì giận. Khóc vì ấm ức. Khóc vì bất lực. Bao nhiêu là lý do đều gói gọn lại thành dòng nước nóng hổi lăn dài trên má.

Lão chồng thấy thế thì không gặng hỏi nữa, đặt bàn tay lên vai thị mà vỗ về an ủi.

- Thôi được rồi. Để tôi tính xem thế nào.

Trên chiếc giường trong căn nhà được chắp nối bằng những bức tường cũ kỹ, sạm màu, người thì khóc, kẻ thì nhíu mày suy nghĩ. Một đêm qua, căn nhà trở lại sự im lặng vốn có.

Trước khi nói ra cái nguyện vọng của mình, thị chỉ lấn cấn mỗi chỗ mẹ chồng. Bà ấy mà biết được, lại không chửi lên đầu lên cổ thị. Sau khi để lão chồng nói chuyện riêng với mẹ, cái sự lo lắng của thị trở nên thừa thãi. Ban đầu, tuyệt nhiên bà không đồng ý. Vậy mà không biết lão chồng đã nói những gì mà bà ấy cũng xuôi chèo mát mái. Mọi vấn đề đã giải quyết xong rồi, thị đợi ngày mình có con.

Vào một đêm vắng vẻ, ngoài trời tối đen như hũ mực, thị nóng lòng sốt ruột mong chồng mau mau trở về.

- Không biết có được không nữa.

Hết đứng rồi lại ngồi, hết ra rồi lại vào. Cứ thế, thị nhấp nhổm không yên. Đúng là càng mong thì càng lâu, càng chờ thì lại càng sốt ruột. Cho tới khi lão chồng của thị về đến trước sân, nụ cười trên môi thị mới xuất hiện. Lão chồng bước vào, ôm đứa bé trong tay.

Chẳng cần nói năng gì, thị vội vã nhận lấy đứa bé chuyền từ tay lão chồng sang. Vạch miếng vải sang một bên, khuôn mặt bầu bĩnh của đứa bé đang ngủ yên làm thị thấy sung sướng. Cái sự sung sướng ấy xuất phát từ tâm nguyện đã hoàn thành. Nói gở chứ nếu bây giờ có chết, thị cũng bằng lòng.

- Tôi đi tắm cái.

Suốt một đêm dài, lão lang thang ngoài đường để ôm đứa bé trở về nhà, cả người nhớp nháp mồ hôi, đôi chân dính đầy bùn đất, người rít rát không chịu được. Để lại đứa bé cho vợ, lão chồng lấy cái khăn rồi đi ra phía sau.

Ngồi trên giường, thị thích thú với “món quà” mà hai vợ chồng đã lao tâm khổ tứ mới có được. Sau đêm nay, thị đã có con. Mà không, nói đúng ra là bây giờ thị đã có con. Mà có con rồi, thị không cần phải ghé mắt sang nhà hàng xóm mỗi bận để ngắm nghía mấy đứa trẻ vui đùa nữa. Có đứa bé này, căn nhà thị sẽ nhộn nhịp lên cho mà xem.

Đêm đó, lão chồng mệt nên vừa bước lên giường đã ngủ say như chết. Còn thị, thị không ngủ. Thị ngồi đó, ôm khư khư đứa bé trong tay như sợ ai cướp đi mất. Chẳng ai biết được, thị vui như thế nào đâu. Thay vì oán trách ông trời như trước kia, bây giờ thị lại sinh ra mang ơn nhiều hơn. Có lẽ do ông trời hay tổ tiên phù hộ mà mọi việc trót lọt để thị có đứa con để nuôi nấng. Thị mong cho trời mau sáng. Trời sáng, thị sẽ được khoe với mọi người cái niềm vui này. À! Nhưng mà không! Chuyện này nên để tự nhiên thì hơn, nói rồi thành ra thiên hạ được nước mà gièm pha, chỉ trỏ. Chắc mẩm như vậy, thị gật đầu. Và thị đặt tên cho đứa con là cu Tí.

Kể từ hôm đó trở đi, người ta không còn thấy thị ngồi trước bậc cửa để mà thở vắn than dài. Bấy giờ thị cũng có con như ai, tội gì phải làm cái việc vô nghĩa ấy nữa. Lần đầu tiên trong đời được làm mẹ, thị tỏ ra mình là một người mẹ mẫu mực. Lão chồng thấy vậy cũng yên tâm phần nào. Căn nhà ảm đạm như thay da đổi thịt, không còn ủ rũ như trước.

Mới đó đã bốn năm trôi qua.

***

Rồi một buổi sáng tinh mơ, khi vừa thức dậy, thị thấy nhộn nhạo trong người nên chạy ra sau hè nôn ọe không ngừng. Cái bụng cứ rộn rạo, nước mắt, nước mũi, nước dãi cứ theo đó mà chảy ra. Phải ngồi bên cái mương một hồi lâu, thị mới có thể đứng dậy.

- Mệt thế không biết!

Than vãn một câu, thị đến bên cái lu múc một ca nước rồi súc miệng. Sau vài lần như thế, thị mới tỉnh táo trở lại. Nhưng mà sao cái cổ họng nó cứ đăng đắng thế này. Khó chịu chết đi được!

Từ sáng sớm, lão chồng đã đi câu với người hàng xóm. Tới chiều, người ta mới thấy lão xách cái cần câu cùng giỏ cá thủng thẳng trở về. Vừa bước vào nhà, lão bảo thị:

- Mình nướng giùm tôi mấy con cá để nhắm rượu, còn lại thì để dành đó kho mà ăn cơm.

Thị đi tới cầm lấy cái giỏ cá từ chồng. Vừa cầm, thị đã không chịu được liền để nó trên bàn, vội vã chạy ra sau hè mà nôn, mà ọe. Cái tiếng ọe cứ thay nhau mà truyền đến bên tai lão chồng. Không biết thị bị gì, lão đi ra hỏi:

- Mình bị sao thế?

Nôn xong rồi, thị mới ngước mặt lên trả lời:

- Tôi cũng không biết. Sáng giờ cứ nhộn nhạo trong người, khó chịu lắm. Có khi phải đi gặp thầy lang một chuyến.

- Vậy mình đi đi, để cá đó tôi làm cho.

Lão chồng khuyên vợ. Bây giờ thị mà bệnh xuống thì ai chăm sóc cho cu Tí. Đi được một lát, thị về. Vừa bước vào nhà, lão chồng liền hỏi ngay:

- Thế thầy lang bảo sao? Mình bị bệnh gì?

Ngồi xuống cái ghế đẩu, thị nói:

- Thầy lang bảo tôi có thai rồi.

- Sao? – Lão chồng tựa hồ như không nghe rõ nên hỏi lại. Bởi chính lão cũng như thị, nghi ngờ cái điều vừa nghe được, không biết là đúng hay sai.

- Tôi có thai rồi.

Đáng lẽ ra phải sung sướng khi cái bụng của thị cũng bắt đầu rục rịch. Nhưng cái ước muốn ấy đã không còn là ao ước kể từ ngày có cu Tí. Nên vui hay nên buồn đây?

Khi cu Tí gần được năm tuổi, thị mới hiểu được cảm giác sinh con là như thế nào. Ngồi ở trước sân, lão chồng nóng ruột theo vợ khi bên trong cứ vang lên tiếng la hét không ngừng. Kế bên lão, đứa con chưa hiểu chuyện vẫn mải chơi. Cứ vậy, một lúc sau, tiếng khóc truyền đến bên tai thì lão chồng mới thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng, thị cũng sinh rồi.

Nằm trên giường, mặt thị mướt mát mồ hôi, tóc tai bù xù, đôi môi nhạt thếch. Bà mụ đặt đứa bên cạnh thị rồi nở cười bảo:

- Giờ thì có thêm một cu cậu nhé!

Nói tiếng yếu ớt cảm ơn bà mụ, thị nhìn đứa con bên cạnh mà mỉm cười. Hóa ra, trong cuộc đời mỗi người, cảm giác được làm mẹ là thiêng liêng như vậy.

Từ này có cu Tèo, thị đâm ra bận rộn hơn hẳn. Hết nhà cửa đến con cái, thị làm liền tay mà không hết việc. Đợi con lớn lên thêm một chút, thị sẽ đi làm để san sẻ gánh nặng với chồng. Giờ có hai đứa con, cuộc sống khó khăn hơn trước. Bởi thế nên khi cu Tèo được hai tuổi, thị để hai anh em nó ở nhà chơi với nhau rồi đi làm.

Một buổi chiều đi làm về, thị thấy cu Tèo khóc ré lên trước cửa nhà. Thị vội vã dựng cái cuốc vào gốc cây rồi ngồi xuống hỏi:

- Sao lại khóc thế này? Nín đi, nói mẹ nghe xem nào.

Thằng bé bấy giờ mới thút thít bảo:

- Anh Tí xô con. Anh Tí… không cho con chơi chung.

- Được rồi, được rồi. Để mẹ đánh anh Tí nhé! Ngoan nào, nín đi. Mẹ có mua bánh về cho con đây. – vừa nói thị vừa kéo áo lên lau nước mắt cho đứa con trai. Sau đó, thị ôm đứa con trên tay, đi vào nhà. Để thằng bé ngồi ăn bánh trên ghế, thị gọi thằng Tí:

- Tí ơi! Ra đây mẹ bảo.

Nó không trả lời. Thị vòng ra sau hè thì thấy nó đang ngồi vắt vẻo trên cây ổi, mắt nhìn ra xa.

- Sao mẹ gọi không ư hử? Xuống đây nhanh lên!

Thằng bé từ từ tụt từ trên cây xuống. Đứng trước mặt mẹ, nó xị mặt như con gà bị mắc mưa.

- Nói mẹ nghe! Sao con xô em? Hai anh em phải yêu thương nhau chứ!

Cu Tí ấm ức bảo:

- Từ ngày có nó, bố mẹ đâu có thương con nữa. Cả bà cũng vậy, cái gì cũng nhường hết cho nó. Con ghét nó.

Nghe vậy, thị dịu dàng bảo:

- Ai nói bố mẹ không thương con. Em nó con nhỏ, con là anh hai, con phải nhường em chứ!

- Vì con là con nuôi, nó là con ruột. – thằng bé hét lên rồi bật khóc.

Thị tức quá liền khoặm mặt lại bảo:

- Ai nói con thế?

- Mụ Tám… Cả bà cũng nói như vậy. Bố mẹ là kẻ nói dối.

Rồi không chần chừ gì nữa, thị lôi nó ra trước sân đánh cho một trận. Nằm trên tấm phản, nó khóc nấc lên. Thị quất roi vun vút vào mông nó. Cứ một roi thị lại bảo:

- Không được nói vậy nghe chưa Tí?

Mới đánh được ba roi thị đã bắt đầu run rẩy cả bàn tay, mặt thị nhăn lại, khóe mắt ửng đỏ. Thị tức vì không thể nói rõ ràng cho nó hiểu rằng: Dù con không phải con ruột của mẹ nhưng mẹ chưa bao giờ không yêu thương con. Cả con và cả cu Tèo nữa, đều là phước phần mà ông trời đã ban cho mẹ. Nếu con biết được như vậy, con sẽ không nghĩ lung tung nữa. Nhưng bây giờ nó mới bảy tuổi, thị có nói kiểu gì nó cũng không nghe lọt tai.

Tối hôm đó, thị không ngủ ngay. Sau khi ru cu Tèo ngủ xong, thị đặt nó bên cạnh chồng rồi tới tấm phản vuốt lại mái tóc cho cu Tí. Thị chậm rãi vạch mông nó ra xem, vừa nhìn vừa ứa nước mắt. Thị đi tới bên tủ, lấy thuốc rồi nhẹ nhàng bôi lên vết thương cho nó. Mỗi lần bôi là mỗi lần thị khóc. Thị không trách nó, thị trách mình vì đã không kiềm chế được cơn giận mà đánh con.

Bôi thuốc xong rồi, thị nằm xuống bên cạnh nó rồi kéo chăn lên đắp cho cả hai mẹ con. Thị ôm nó vào lòng rồi nhè nhẹ xoa lưng cho nó ngủ. Cứ như vậy cho tới hết đêm.

Hóa ra thằng bé chưa ngủ. Nó mở mắt trong lòng mẹ, cảm nhận được hơi ấm đang truyền cho qua mình. Rồi nó cảm thấy lòng nhẹ tênh, vòng tay qua lưng ôm chặt lấy mẹ. Lúc này, nó không còn giận mẹ vì đã đánh nó nữa.

Chiều hôm sau, khi đi làm về, thị bắt một con gà rồi làm thịt. Trong xó bếp, thị ngồi xổm, hơi nghiêng người về phía trước mà thổi cơm. Khói bếp xuyên qua mái lá, lởn vởn trong ánh chiều muộn rồi tan dần. Nhân lúc thị không để ý, cu Tí rón rén đến bên cái tủ gỗ, bắc cái ghế đẩu lên rồi thò tay lấy một cái đùi gà giấu sau lưng, chạy tọt ra trước sân.

Đến khi dọn cơm ra, trong đĩa chỉ còn một cái đùi gà. Thị ngỡ là mình để quên trong tủ chén nên quay lại lấy. Nhưng căng mắt ra nhìn mãi mà chẳng thấy đâu. Quay trở lại bàn ăn, thị nhíu mày hỏi:

- Còn một cái đùi gà nữa đâu rồi?

- Con không biết – cu Tí trả lời.

Lúc này, cu Tèo khẽ cúi mặt, hai tay vân vê lấy vạt áo còn dính mỡ. Nhìn sang nó, thị hiểu ngay:

- Con đã lén ăn rồi phải không?

Mãi một lúc sau, thằng bé mới lí nhí đáp:

- Dạ!

Thị không nói gì nữa, chỉ lắc đầu.

Ngồi vào bàn ăn, cu Tèo thích thú với tay lấy cái đùi gà còn lại trong đĩa. Nó định ăn thì lão chồng liền bảo:

- Cái đùi gà đó là của anh. Con ăn rồi thì thôi.

Vừa dứt lời, lão gắp cái đùi gà từ chén cu Tèo sang cho cu Tí rồi nhẹ nhàng nói:

- Ăn đi con.

- Dạ. - thằng bé cười híp mắt, bắt đầu thưởng thức lớp thịt ngọt ngào sắp tan ra.

6637


*Ảnh sưu tầm

Bài dự thi viết về chủ đề Nhà 2021
Tác giả: Trần Hàn
 
Sửa lần cuối:
1K
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top