Hướng dẫn Đề thi học sinh giỏi: "vai kịch cuối cùng" và "chiếc thuyền ngoài xa"

Hướng dẫn  Đề thi học sinh giỏi: "vai kịch cuối cùng" và "chiếc thuyền ngoài xa"

Viet Phong
Viet Phong
  • Du Mục Số 39 đến từ Vietnam
ĐỀ CHÍNH THỨC ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2018- 2019
Môn: NGỮ VĂN – Lớp 12
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)


Câu 1 (8.0 điểm)

VAI KỊCH CUỐI CÙNG​

Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng.
Vào buổi chiều, ông thường ra nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.

Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hành khách mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết.

Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: “Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người.”

Hôm sau người em thấy ông mở chiếc vali hóa trang ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc veston cũ, mặc rồi chống gậy đi. Ông nhờ chuyến xe ngựa của trạm, lên tàu đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: “Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu…”

Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quít, nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.

Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào của nhà hát. Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.


Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về ý nghĩađược gợi ra từ câu chuyện trên.

Câu 2 (12 điểm)

Có ý kiến cho rằng: Nhìn thấy cái khác thường trong cái bình thường và trong cái khác thường nhìn thấy cái bình thường – đó là phẩm chất của những nhà nghệ sĩ đích thực.
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, hãy làm sáng tỏ.

=====Hết=====
Họ và tên thí sinh :………………………………………………. Số báo danh …………………………

HƯỚNG DẪN CHẤM

Ngữ văn 12

Câu 1 (8.0 điểm).
Yêu cầu chung:

– Nắm chắc phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận xã hội.
– Biết vận dụng hiểu biết xã hội để bàn luận vấn đề một cách hợp lí.
– Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ, trôi chảy; hạn chế tối đa việc mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể :
Đây là một vấn đề mang tính chất gợi mở, HS có thể trình bày theo cách riêng của mình. Khuyến khích sự sáng tạo, cá tính của học sinh dựa trên lập luận chặt chẽ, có tính thuyết phục.

Ý nghĩa câu chuyện (3.0 điểm):

– Hình ảnh cậu bé đợi tàu, vui mừng đón chào chuyến tàu băng qua là biểu tượng của khát khao giao hòa cùng cuộc sống, tìm kiếm niềm vui, làm tươi sáng cuộc đời cậu nơi vùng núi vắng vẻ. Trái tim đó không bình lặng mà luôn khao khát, luôn ấp ủ những ước mơ trong cuộc sống. Bóng dáng bé nhỏ của chú bé đã ánh lên tinh thần, niềm tin bất diệt của con người, không có một khó khăn hay trở ngại nào có thể làm trái tim kia lung lay và từ bỏ khát vọng. Mỗi ngày trôi qua, ngóng chờ những chuyến tàu vụt qua, cậu bé đang nuôi dưỡng, bồi đắp thêm cho hi vọng của cuộc đời cậu một cách nhẫn nại.(0.75 điểm)

–Hình ảnh không hành khách nào trong chuyến tàu vẫy chào cậu gợi lên sự lạnh lùng, thờ ơ và vô cảm của con người trong xã hội hiện nay. Sự ích kỉ cá nhân đã lấn át trái tim yêu thương và sự sẻ chia của con người trong cuộc đời. Điều đó như một lưỡi dao giết chết niềm tin, ước mơ, khát vọng của con người trong cuộc sống.(0.75 điểm)

– Hình ảnh người diễn viên đó quyết định đóng một vai phụ – một hành khách trên chuyến tàu và vẫy chào cậu bé là biểu tượng của tình yêu thương, sự đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc, biết quan tâm chia sẻ với những người xung quanh. Hành động tuy nhỏ nhưng làm cuộc sống trở nên ấm áp, thức tỉnh bao trái tim con người.Việc làm rất nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa. Nó đã khích lệ tinh thần cậu bé, tiếp thêm cho cậu sức mạnh và niềm tin, là bệ đỡ cho những bước đường tương lai của cậu. (0.75 điểm)

=> Câu chuyện cảm động đã nêu lên bài học cuộc đời sâu sắc: Sống và nuôi dưỡng niềm tin, kiên trì nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ; hãy luôn yêu thương thấu hiểu, đừng lạnh lùng vô cảm.(0.75 điểm)

Bàn luận (4.0 điểm):

– Niềm tin và ước mơ giúp con người có ý chí và nghị lực vượt qua những trở ngại của cuộc sống, đẩy lùi bóng tối và vượt qua được chính mình. Đánh mất niềm tin cuộc sống, con người sẽ đánh mất tất cả.“Một người đánh mất niềm tin vào chính mình thì còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa”.Giống như cậu bé trong câu chuyện, trong bất cứ hoàn cảnh nào bạn cũng không được đánh mất niềm tin. “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất dần sau lưng bạn”.

– Sự thờ ơ, vô cảm đang là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện nay. “Nơi lạnh nhất không phải là nơi Bắc cực mà là nơi không có tình yêu thương”. Sự dửng dưng của những người hành khách trên chuyến tàu vô tình giết chết niềm tin và khát vọng trong tâm hồn ngây thơ của cậu bé. Sống lạnh lùng vô cảm, con người sẽ chìm trong âm u, đen tối và hèn kém. Vô cảm khiến cái ác và cái xấu lên ngôi, giết chết niềm tin của con người.

– Sự thấu hiểu và tình yêu thương là những tình cảm nồng nhiệt, đẹp đẽ của con người, tình cảm cho đi không cần nhận lại, giúp con người có thêm nghị lực để vượt qua mọi khó khăn thử thách, là động lực để con người ngày càng hoàn thiện hơn, khi đó đau khổ vơi bớt, hạnh phúc được nhân đôi, giúp con người bước tới thành công. “ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ để làm gì em biết không?/ để gió cuốn đi…/ để gió cuốn đi…”. Dù chỉ là vai kịch, nhưng người diễn viên già đã giúp giữ lại niềm tin trong ánh mắt và nụ cười của cậu bé và trong mỗi chúng ta.

– Tình yêu thương là cội nguồn của cuộc sống. Nó nâng đỡ ước mơ, củng cố niềm tin và đẩy lùi sự thờ ơ, vô cảm của con người. Tuy nhiên, yêu thương phải được đặt đúng nơi, đúng chỗ, tránh bị lợi dụng; niềm tin là cần thiết nhưng tránh niềm tin mù quáng…
(HS cần lấy được ví dụ cho mỗi luận điểm)

Bài học nhận thức và hành động (1.0 điểm):

– Câu chuyện về cậu bé đợi tàu và hành động của người diễn viên già đã cho chúng ta có được bài học ứng xử quý giá trong cuộc sống.

– Thấy được vai trò niềm tin và tình yêu thương trong cuộc sống, mỗi người phải bồi đắp cho mình những tìm cảm nhân văn cao đẹp để hoàn thiện bản thân, xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Phê phán những con người sống dửng dưng vô cảm…

Biểu điểm.
– Điểm 7-8: Bài viết nắm chắc vấn đề, đáp ứng tốt những yêu cấu của kiểu bài nghị luận xã hội, có ý kiến sắc sảo, có kiến thức xã hội phong phú.
– Điểm 5-6: Bài viết hiểu vấn đề, biết làm bài nghị luận xã hội, dẫn chứng sinh động, không mắc lỗi.
– Điểm 3-4: Hiểu vấn đề nhưng lập luận chưa chặt chẽ, ý vẫn chưa sáng, còn vài lỗi về diễn đạt.
– Điểm 1-2: Hiểu vấn đề lơ mơ, chưa làm rõ quan niệm, chưa chú ý minh hoạ bằng dẫn chứng cụ thể, diễn đạt còn nhiều lỗi.
– Điểm 0: Không viết gì, hoặc không hiểu gì về đề.

Câu 2 (12 điểm)

Có ý kiến cho rằng:

Nhìn thấy cái khác thường trong cái bình thường và trong cái khác thường nhìn thấy cái bình thường – đó là phẩm chất của những nhà nghệ sĩ đích thực.
Anh chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xacủa Nguyễn Minh Châu, hãy làm sáng tỏ.

Yêu cầu chung

– Nắm chắc phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận văn học.
– Biết vận dụng kiến thức lí luận văn học để bàn luận vấn đề một cách hợp lí.
– Bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, có cảm xúc.
Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày, sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau:

Giải thích (1.0 điểm):
– Người nghệ sĩ đích thực: là những người sáng tạo nghệ thuật chân chính, có tài năng, tâm huyết, khát vọng, nhân cách, là những người sáng tạo ra cái đẹp, ra những tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa.
– Cái khác thường: là cái độc đáo, đặc sắc, mới lạ,…
– Cái bình thường: là cái giản dị, gần gũi, quen thuộc, vốn có…

=> Ý kiến bàn về vai trò của cái nhìn của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ chân chính là những người có khả năng phát hiện ra những cái độc đáo, đặc sắc, mới lạ ở những mảng đề tài, hình tượng, chủ đề…tưởng chừng như rất quen thuộc, bình thường. Đồng thời cũng là người phải có khả năng khiến cho những cái độc đáo, mới lạ trở nên gần gũi, chân thật với cuộc sống và người tiếp nhận.

2.Bình luận, chứng minh (10.0 điểm):

a.Bình luận(1.0 điểm): Khẳng định ý kiến trên là đúng.

+ Phát hiện ra những cái mới mẻ, độc đáo từ những điều bình thường, những đề tài quen thuộc là yêu cầu bắt buộc của sáng tạo nghệ thuật nói riêng và văn học nói chung. Bởi sự lặp lại là cái chết của nghệ thuật. Người nghệ sĩ không thể lặp lại người khác và chính bản thân mình. Chính việc phát hiện ra những điều độc đáo, mới mẻ sẽ giúp cho nhà văn hình thành được phong cách riêng. Hơn nữa có độc đáo, mới mẻ mới cuốn hút được người tiếp nhận. Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập. (Macxen – Pruxt)

+ Người nghệ sĩ cũng cần làm cho những điều phi thường trở nên gần gũi chân thật. Bởi vì xét đến cùng nghệ thuật sinh ra là để phục vụ đời sống, người tiếp nhận tìm đến với tác phẩm nghệ thuật cũng vì tác phẩm mang bóng dáng của cuộc đời. Nếu chỉ mải mê khai thác những cái phi thường, mới lạ, nghệ thuật sẽ trở nên xa lạ với cuộc đời, sẽ không chinh phục được người tiếp nhận. Nghệ thuật là cái độc đáo, nhất là trong hình thức thể hiện nhưng nó vẫn phải hướng đến những cái quen thuộc, gần gũi và nhân văn trong đời sống con người.

Chứng minh qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (9.0 điểm):

HS có thể có nhiều cách làm khác nhau, nhưng cần phải đảm bảo các ý chính sau:

– Sau 1975, Nguyễn Minh Châu là cây bút tiên phong trong công cuộc đổi mới cách tân văn học. Ông là người mở đường “ Tinh anh và tài năng” nhất của nền văn học nước nhà. Ngòi bút của ông có sự chuyển biến từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng thế sự đời tư.Chiếc thuyền ngoài xa (1983) là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách tự sự – triết lí của ông sau năm 1975. Tâm điểm của những khám phá, sáng tạo của nhà văn là con người trong cuộc sống mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Nhà văn cũng nhìn thẳng vào hiện thực với tất cả cái xù xì, thô giápcủa nó: một gia đình hàng chài đói nghèo, lam lũ, lạc hậu, thường xuyên diễn ra bạo hành gia đình. Từ đó, tác phẩm đặt ra vấn đề: cần nhìn cuộc sống một cách đa diện, đa chiều, khám phá bản chất thật của cuộc sống. (1.0 điểm)

– Cái nhìn mới mẻ, độc đáo của nhà văn:nhìn thấy cái khác thường trong cái bình thường.(3.5 điểm)
Nhân vật trung tâm là người đàn bà hàng chài, kiểu nhân vật tính cách – số phận quen thuộc trong văn học. Từ kiểu nhân vật quen thuộc ấy,bình thường ấy, người đọc vẫn nhận ra sự khác thường trong cái nhìn của nhà văn: đằng sauvẻ bề ngoài lam lũ, thất học, dốt nát tăm tối ở người đàn bà lại là người phụ nữ sâu sắc, thấu trải lẽ đời; đằng sau vẻ bề ngoài xấu xí, thô mộc lại là một người vợ vị tha, bao dung, nhân hậu, một người mẹ giàu đức hi sinh, giàu tình thương con; đằng sau vẻ nhẫn nhục cam chịu lại là một người phụ nữ cứng cỏi, can đảm. Chính chị đã khiến cho Phùng và Đẩu bừng tỉnh, giác ngộ, đặt cuộc sống vào cái nhìn nhiều chiều để phát hiện ra vô vàn những nghịch lí. Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, tác phẩm thể hiện tiếng nói nhân đạo sâu sắc mới mẻ, phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp của những hạt ngọc khuất lấp trong lam lũ đời thường…

– Cái nhìn mới mẻ, độc đáo của nhà văn:trong cái khác thường nhìn thấy cái bình thường.(3.5 điểm)
Trong tác phẩm, có vô số cái khác thường, nhưng từ cái khác thường ấy, nhà văn đã nhìn thấy cái bình thường, khám phá ra chân lí của đời sống: đằng sau sự cam chịu, nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài là tình mẹ thương con; đằng sau sự vũ phu tàn độc của người đàn ông là gánh nặng mưu sinh trở thành ẩn ức; đằng sau sự đối lập của cảnh con thuyền ở ngoài xa và con thuyền cập bờ là hiện thực cuộc sống như nó vốn có; đằng sau cái cảm giác lạ lùng của Phùng mỗi khi nhìn lại tấm ảnh chiếc thuyền ngoài xa chính là mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống…

– Đặc sắc nghệ thuật góp phần thể hiện cái nhìn của nhà văn(1.0 điểm):
+ Xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn.
+ Đổi mới kết cấu tác phẩm.
+ Đổi mới về nghệ thuật trần thuật…
+ Sử dụng ngôn ngữ, xây dựng hình ảnh…

=> Nguyễn Minh Châu có nhiều đóng góp cho công cuộc đổi mới văn học. Xứng đáng là người mở đường tinh anh và tài năng nhất.

Mở rộng, nâng cao(1.0 điểm):
– Vấn đề cái nhìn trong văn học rất quan trọng, là vấn đề sống còn của người nghệ sĩ. Đối với nhà văn cũng như đối với nhà họa sĩ, phong cách không phải là vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cái nhìn. Đó là một sự khám phá mà người ta không thể làm một cách cố ý và trực tiếp; bởi đó là một sự khám phá về chất, chỉ có được trong cách cảm nhận về thế giới , một cách cảm nhận không do nghệ thuật đem lại thì mãi mãi sẽ không ai biết đến (Macxen – Pruxt).

– Để tạo được phong cách riêng, mỗi nhà văn còn cần tạo cho mình một giọng riêng và phải thực sự là người nghệ sĩ ngôn từ. Muốn vậy, người nghệ sĩ cần có trong mình: tài năng, phong cách, tâm huyết với nghề cũng như lòng tự trọng .

– Bài học đặt ra với người cầm bút: cần không ngừng khám phá, sáng tạo để làm ra những sản phẩm độc đáo.

– Với người tiếp nhận: Cần trân trọng những đóng góp, khám phá sáng tạo của mỗi nhà văn.

Biểu điểm:
– Điểm 10-12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.
– Điểm 8-9: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.
– Điểm 6-7:Bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.
– Điểm 4-5: Bài viết đáp ứng khoảng ½ nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.
– Điểm 2-3: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.
– Điểm 1-2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.
– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì ./.



Nguồn : Sưu tầm
 
Từ khóa Từ khóa
bài văn nghị luận học sinh giỏi ngữ văn ngữ văn 12 nguyen minh chau vai kịch cuối cùng
8K
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.