Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 2 - có đáp án

Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 2 - có đáp án

Đề thi thử THPT quốc gia môn Văn bài Chiếc thuyền ngoài xa

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:

Ích kỉ và biết yêu bản thân đúng cách là hoàn toàn đối lập nhau.

Sự ích kỉ và sự yêu bản thân một cách lành mạnh cần được phân biệt rõ.

Con người ích kỉ thích mình là trung tâm của sự chú ý, thích được công nhận và không quan tâm đến người xung quanh.

Trong khi đó, yêu bản thân làm cho chúng ta tôn trọng mong ước của chúng ta cũng như của những người khác hơn. Có nghĩa là chúng ta có thể cảm thấy tự hào về bản thân mình vì những cái mình đạt được mà không cần nói cho tất cả mọi người biết và chấp nhận những thiếu sót của mình để cải thiện bản thân.

Một tình yêu bản thân lành mạnh sẽ không buộc chúng ta phải giải thích vì sao chúng ta đi nghỉ, hay phải mua giày mới, hoặc chiều chuộng bản thân mình tí chút. Chúng ta cảm thấy thoải mái khi làm việc này hay việc kia làm cho đời sống chúng ta tốt đẹp hơn lên.


Khi chúng ta thực sự coi trọng giá trị của mình, không cần phải nói với người ngoài là chúng ta tốt hay giỏi như thế nào. Chỉ có người không thuyết phục được bản thân là họ có giá trị thật sự thì mới oang oang với mọi người về lòng tốt của mình.

(Andrew Matthews - Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, Tập 1, NXB Trẻ, 2011, tr. 24-25)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, sự ích kỉ và yêu bản thân một cách lành mạnh khác nhau như thế nào?

Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: Khi chúng ta thực sự coi trọng giá trị của mình, không cần phải nói với người ngoài là chúng ta tốt hay giỏi như thế nào?

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1
(2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về tác hại của lối sống ích kỉ.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật người đàn bà hàng chài được nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện trong đoạn trích sau:

Người đàn bà dường như lúc này mới cảm thấy đau đớn - vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã.

- Phác, con ơi!

Miệng mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy. Thằng nhỏ cho đến lúc này vẫn chẳng hề hé răng, như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt, và cái thằng nhỏ, lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt.

Thế rồi bất ngờ người đàn bà buông đứa trẻ ra, đi thật nhanh ra khỏi bãi xe tăng hỏng, đuổi theo lão đàn ông. Cả hai người lại trở về chiếc thuyền.

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu,

Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr. 72-73)



Đáp án
I. ĐỌC HIỂU

Câu 1
. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Điểm khác nhau giữa sự ích kỉ và yêu bản thân một cách lành mạnh:

+ Người ích kỉ thích mình là trung tâm của sự chú ý, thích được công nhận và không quan tâm đến người xung quanh.

+ Còn yêu bản thân là tôn trọng mong ước của mình cũng như của những người khác; cảm thấy tự hào vì những cái mình đạt được nhưng cũng biết chấp nhận cả những thiếu sót của mình để cải thiện bản thân.

Câu 3.

Ý kiến được hiểu là:

+ Khi ta thực sự coi trọng giá trị bản thân, tức là nhận biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình; biết cách phát huy tối đa những tiềm lực vốn có và sửa chữa những khuyết điểm để hoàn thành tốt các công việc đảm nhận..., cộng đồng, xã hội sẽ ghi nhận thành quả của chúng ta mà không cần ta phải nói ra bằng lời.

+ Một lời khuyên đối với mỗi người: cần biết coi trọng giá trị của bản thân mình.

Câu 4.

HS rút ra một thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân. Có thể theo gợi ý sau:

Mỗi người cần biết tự hào và yêu bản thân một cách lành mạnh.

II. LÀM VĂN

Câu 1.


HS lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được vấn đề cần nghị luận. Có thể theo hướng sau:

Lối sống ích kỉ là lối sống của những người chỉ biết có mình, vì mình, chỉ sống cho bản thân, lo cho lợi ích bản thân mà không quan tâm tới những người khác. Lối sống ấy không chỉ làm hại chính bản thân người đó mà còn làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh. Người sống ích kỉ sẽ bị mọi người xa lánh nên sẽ có một cuộc sống cô độc, buồn tẻ. Vì thờ ơ với cộng đồng, với những người xung quanh nên khi gặp khó khăn, họ sẽ không được ai giúp đỡ... Nếu xã hội có nhiều người ích kỉ thì chắc chắn xã hội đó sẽ không thể tiến bộ, văn minh và phát triển được.

Câu 2.

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo được các yêu cầu sau đây:

* Giới thiệu khái quát tác giả Nguyễn Minh Châu, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận.

* Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật người đàn bà hàng chài:


+ Tâm trạng và hành động của nhân vật được đặt trong tình huống: nhân vật bị gã chồng đánh đập một cách thô bạo; đứa con (thằng Phác) vì thương mẹ, bảo vệ mẹ nên đánh lại bố và bị bố tát cho ngã dúi xuống cát. Người bố đánh Phác rồi bỏ đi.

+ Tâm trạng: đau đớn về thể xác và tinh thần; xấu hổ, bất lực, nhục nhã vì không thể bảo vệ, che chở và không thể cho con một cuộc sống bình yên.

+ Hành động: ôm con, chắp tay vái lạy con thể hiện tình thương yêu con, muốn tạ lỗi với con, lo sợ con làm điều dại dột với bố; buông con ra đi theo chồng thể hiện sự chấp nhận số phận.

+ Tâm trạng và hành động của nhân vật được thể hiện qua một tình huống đặc sắc; ngôn ngữ kể kết hợp miêu tả tự nhiên, sinh động; hình ảnh so sánh giàu ý nghĩa triết lí; giọng điệu cảm thương,...

* Đánh giá:

+ Tâm trạng và hành động của nhân vật người đàn bà hàng chài nói lên tình thương con, ý thức vị tha sâu sắc của một người mẹ.

+ Tâm trạng và hành động của nhân vật người đàn bà hàng chài góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo và phong cách nghệ thuật truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu.
 
2K
0
1
Trả lời

Đang có mặt