Hành động nào chứng tỏ bạn là con người được giáo dục

Hành động nào chứng tỏ bạn là con người được giáo dục

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
Những hành động nhỏ nhưng chứng tỏ bạn là con người được giáo dục
(Bài viết được tổng hợp dưới dạng các mẩu chuyện nhỏ, ý nhỏ)
1. Lời cảm ơn

Mùa hè năm ngoái tôi đi làm tình nguyện ở khu cách li, lúc đó tôi còn là một sinh viên trường y. Làm tình nguyện ở bệnh viện thật sự rất vất vả, nhất là trong lúc bệnh dịch phức tạp xảy ra. Tôi xách hành lí dùm mọi người, phát đồ ăn, nước uống, chỉ đường, hướng dẫn mọi người phải tự bảo hộ bản thân như thế nào…nhiều người thấy mấy người chúng tôi mặc áo tình nguyện liền cho rằng việc chúng tôi giúp họ là điều đương nhiên, thậm chí còn đặt đồ online rồi nhờ chúng tôi chạy ra cổng khu cách li lấy đồ, nhận tiếp tế đủ thứ từ người thân gửi tới. Ai ai cũng đeo khẩu trang, chỉ nhìn ra đôi mắt nheo lại như đang cười của chúng tôi nhưng không hề thấy được sự vất vả, buồn bã trong lòng. Nhưng chúng tôi không hề oán trách gì cả, vì tự chúng tôi cũng hiểu được, phải đứng yên một chỗ trong hai tuần lễ thật khó khăn với mọi người.

Cho đến một lần, một cô gái rụt rè tới chỗ tôi, tôi không biết cô ấy trông như thế nào dưới lớp khẩu trang, chỉ thấy cô ấy ăn mặc giản dị, bước về phía tôi, nói lời cảm ơn chân thành tới tôi cùng một lá thư, một chai nước và khăn giấy nhỏ nói là để cảm ơn tôi. Giây phút ấy khóe mắt tôi cay cay, nghẹn ở cổ họng một chút. Lúc ấy, tôi mới thực sựu cảm thấy rằng có một loại vẻ đẹp không nằm ở ngoại hình hay vật chất mà nó là vẻ đẹp của việc được giáo dục.

Dù chúng tôi tự nguyện làm những việc này vì quốc gia, vì tấm lòng muốn góp sức của chính mình, nhưng lời cảm ơn nhỏ bé ấy khiến tôi thấy mọi việc mình làm thật xứng đáng, được tôn vinh và càng kiên định với công việc mình làm. Cám ơn cô gái mà tôi chưa biết tên ấy.
4569

2 . Trời mưa, hãy giũ ô, gấp gọn hoặc cởi áo mưa gấp gọn ở bên ngoài trước khi vào cửa hàng, nơi làm việc hoặc vào nhà.

3. Ở thư viện (và cả quán xá có nhiều học sinh đang ôn bài), kéo ghế một cách nhẹ nhàng, để điện thoại ở chế độ im lặng, nếu có cuộc gọi tới hãy ra ngoài rồi trả lời. Nhiều người giải trí giữa lúc học tập hoặc giữa chỗ có nhiều người học đã cố gắng đeo tai nghe, nhưng chú ý tránh xem những video hài hước để đề phòng tiếng cười không kiềm chế hoặc do đeo tai nghe mà chính bản thân phát ra tiếng ồn vô thức.

4. Vứt rác luôn không phải điều khó, nhưng cầm rác trên tay để mang tới vứt đúng nơi quy định thì ở nước ta lại không phải việc làm của số đông. Hãy tập thói quen vứt rác đúng chỗ và nhặt rác lên cho dù không phải của mình.

5. Mượn thì phải trả, trả đúng, trả đủ, nguyên vẹn. Nếu là mượn sách, hãy dùng postcard thay bị cuộn trang hoặc gập trang để đánh dấu, vì với bạn nó đơn giản là một quyển sách, với người khác nó lại là bảo bối.

Mượn xe máy thì nhớ đổ đầy xăng trước khi trả xe.

Nhờ người khác mua đồ, lấy đồ dùm thì nhớ trả lại luôn và trả làm tròn lên nhé, ví dụ tiện đường bạn nhờ người ta mua trà sữa trị giá 27.500 thì hãy trả đủ 28.000 hoặc 30.000.
4571

6. Tôn trọng quyền riêng tư của người khác:

Nếu bạn của bạn cho bạn xem một bức ảnh trong điện thoại của họ, đừng tiện tay lướt qua những tấm khác. Khi người khác nhập mật khẩu điện thoại, máy tính,... nên quay đầu nhìn chỗ khác. Ai cũng có tính tò mò, nhưng nên kiềm chế nó, đừng khiến nó biến bạn thành kẻ soi mói.

7. Khi đưa các vật sắc nhọn như dao, kéo, nên chủ động để hướng nhọn về phía mình.

8. Học vấn cao không đồng nghĩa với việc được “giáo dục tốt”,và ngược lại.

Trong một chiều mưa đột ngột, dưới mái hiên một tòa cao tầng, tôi, bạn của tôi và hai người đàn ông nữa, một người mặc áo vest sang trọng, đi giày da, xách cặp, hiển nhiên là một ông chú có địa vị cao trong xã hội, người còn lại thì mặc quần áo bảo hộ của công nhân giống như mới ở công trường về. Tầm năm sáu giờ chiều, đúng tầm tan học tan làm lại còn mưa, đường xá rất dễ bị tắc nghẽn. Ông chú giày da có vẻ mất kiên nhẫn, gọi điện thoại một lúc mới có người nghe, vừa nói đã thấy ông ta gắt gỏng: “Sao mãi anh còn chưa tới?”

Bên kia giải thích gì đó lại thấy ông ta nói tiếp:

“Anh nhanh lên đi, tôi còn rất nhiều việc phải làm nữa đấy”. Nói xong ông chú ngắt điện thoại với tâm trạng không vui. Tôi đoán người kia là tài xế của ông ấy. Tắt điện thoại xong, ông chú đó liền rút ra hộp thuốc lá, châm thuốc hút.

Mưa vẫn rất to, dù hộp thuốc nhìn có vẻ đắt tiền, có pha chút mùi bạc hà, nhưng khói thuốc vẫn là khói thuốc, đối với con gái bọn tôi thực sự không dễ ngửi, có chút không thích. Cô bạn tôi còn khẽ đưa ngón tay qua ngang mũi nhằm giảm bớt sự khó chịu. Dù không thích nhưng chúng tôi cũng không dám thể hiện quá rõ, vừa vì ngại cũng vừa vì sẽ không được lịch sự. Chú công nhân nãy giờ không nói gì, thấy vậy liền quay ra nói với chú giày da: “Em không ngửi được mùi khói thuốc, anh làm ơn có thể không hút được không” . Ông chú kia lại lần nữa không vui vẻ tắt điếu thuốc.

Ba người chúng tôi liếc mắt nhìn nhau như một sự thỏa thuận ngầm. Chỉ thấy chú nhìn bọn tôi hơi cười.
4570

Bỗng nhiên có một chiếc xe máy, bà mẹ chở con gái ngã xuống đường, có lẽ do đường trơn, bà mẹ không làm chủ được tay lái. Chú công nhân là người chạy ra nhanh nhất, lao ra màn mưa tới nhấc chiếc xe đang đè lên hai mẹ con lên. Tình hình có vẻ không được tốt, tôi thấy chú hướng về phía chúng tôi gào lên: “Ra giúp một chút, gọi cứu thương đi”. Tôi cũng cuống cuồng giục bạn tôi rút điện thoại ra gọi cấp cứu, còn tôi chạy ra đường. Chú dắt chiếc xe vào lề đường nhanh chóng, sau đó ra bế cô bé lên, còn tôi đỡ người mẹ rồi nhặt những đồ rơi ra khỏi chiếc túi.

Có lẽ nhận thấy xe cứu thương sẽ rất lâu mới có thể tới nên chú bàn bạc với người mẹ sau đó chú chở hai mẹ con đi tới nơi xử lí vết thương.

Tôi không thể quên ánh mắt ghét bỏ, đôi chân lùi mấy bước về sau của ông chú giày da khi mẹ con cô bé kia tới gần. Có lẽ ông ấy giàu có, học vị cao, được nhiều người ngưỡng mộ nhưng không bao gồm tôi. Chính câu chuyện chiều mưa này mà tôi cũng nhận ra nhiều điều.

Được khen giàu, khen sang không bằng được khen “có học”. Tiền lương cao chỉ chứng tỏ đời sống vật chất của bạn cao chứ không chứng minh đóng góp xã hội của bạn.

Theo bạn, câu chuyện nào trong thực tế cuộc sống này để lại ấn tượng cho bạn về con người có giáo dục? Hãy comment xuống bên dưới bài viết này nhé.

Phong Cầm
 
Từ khóa
cam nghi cảm ơn giáo dục loi song nghe nghiep tình nguyện tôn trọng đạo đức
  • Like
Reactions: Thy Việt
970
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top