Baivanhay Hình tượng sông Đà (đoạn thác đá dựng vách thành và mặt ghềnh Hát Loóng)

Baivanhay Hình tượng sông Đà (đoạn thác đá dựng vách thành và mặt ghềnh Hát Loóng)

Hình tượng của dòng sông Đà vừa hùng vĩ vừa lãng mạn đã trở thành một trong những kiệt tác của Nguyễn Tuân. Với bút pháp nghệ thuật độc đáo cùng tâm hồn trân trọng cái đẹp của nhà văn, tác phẩm "Người lái đò sông Đà" đã chiếm trọn tâm tình của độc giả đương thời.

BẢNG VÀNG HELLOVĂN (32).png


Nguyễn Tuân – “Định nghĩa đầy đủ nhất về một người nghệ sĩ”. Khát khao cống hiến cho nghệ thuật, khát khao đi tìm và thể hiện những cảm giác mạnh mẽ dữ dội, cộng với chất nghệ sĩ phóng túng, tự do đã thúc đẩy Nguyễn Tuân tìm đến tận cùng của cái đẹp. Những dòng văn của ông luôn mang đến cho người đọc cảm giác được khám phá những hình tượng đặc biệt. Đến với “Người lái đò sông Đà”, bằng “nghệ thuật bậc thầy của ngôn từ”, ông đã sáng tạo nên hình tượng con sông Đà - một trong những kiệt tác của nghệ thuật văn xuôi. Hình tượng đặc sắc này đã thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

Tiếp xúc với văn chương của Nguyễn Tuân, ta bắt gặp ẩn tàng trong những trang văn là “cảm xúc mạnh, là hơi thở nồng” (Nguyễn Đăng Mạnh) của cái tôi trữ tình nghệ sĩ mang khát vọng cuồng nhiệt, muốn biến những trang văn thành những trang hoa lộng lẫy, yêu kiều, vừa mê hoặc, vừa thách đố người đọc. Được biết tới trong nền văn học Việt Nam với hình ảnh của một người nghệ sĩ ngông nghênh, kiêu bạc, dùng cả cuộc đời của mình để theo đuổi chủ nghĩa xê dịch, đi một lối đi riêng biệt trong văn chương, Nguyễn Tuân in dấu đậm nét bản ngã của mình trong từng tác phẩm, từng hình tượng. Sông Đà là một hình tượng điển hình như vậy. Tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà” được in trong tập tùy bút “Sông Đà” (1960), gồm 15 bài tuỳ bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Tác phẩm được viết trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc sau kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo và cho ra đời thiên tùy bút để lại ấn tượng với đọc giả.

Việc xây dựng hình tượng trong những trang viết của mình đối với mỗi tác giả là việc đặc biệt quan trọng. “Một mình đi một lối”, Nguyễn Tuân thể hiện cái ngông nghênh kiêu bạc của mình khi vẽ ra rất nhiều hình tượng đặc biệt. Một Huấn Cao tung hoành ngang dọc với giấc mơ lớn giữa một thời đại mục ruỗng, chịu cảnh tù đày nhưng vẫn trong tư thế khoan thai, đậm tô từng nét chữ rất vuông, rất đẹp trong “Chữ người tử tù”. Một Bát Lê được nhìn ở góc độ tuyệt kỹ trong nghề nghiệp đao phủ của mình với “Bữa rượu máu” hay một người “ăn mày” cổ quái với tài uống trà trong “Những chiếc ấm” cũng đạt tới độ tuyệt mỹ khi lão có riêng một bộ ấm chén uống trà vẫn cất trong bị ăn mày. Vào nhà phú hộ ăn mày, lão không xin cơm, xin gạo, chỉ xin “được uống nguyên một ấm trà mới”. Vừa đưa chén trà lên miệng, lão đã kịp phát hiện trà của phú hộ có lẫn mùi trấu, nên uống vào không thấy “khoái hoạt”. Vậy mới thấy, những hình tượng được xây dựng trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân đều bao chứa những tính cách đặc biệt. Sông Đà cũng là một hình tượng như vậy. Trải suốt từ trang đầu đến trang cuối tác phẩm là hình ảnh dòng sông Đà được chụp lại ở nhiều chiều, nhiều góc độ khác nhau, cụ thể mang trong mình hai tính cách đặc biệt đó là hung bạo và trữ tình. Qua việc tìm hiểu dòng sông, người đọc được hiểu thêm về một con người, một nghệ sĩ “suốt đời đi tìm cái thật và cái đẹp” - nhà văn Nguyễn Tuân, bởi vì hình tượng con sông vĩ đại của vùng đất Tây Bắc xa xôi là sự thể hiện khá đầy đủ phong cách hay cái nhìn cuộc sông của nhà văn, ở đó, bạn đọc đã thấy một con người ưa sự độc đáo trong sự tài hoa - uyên bác; một cá tính mạnh mẽ luôn săn tìm những gì dữ dội. mãnh liệt; một thầy phù thủy ngôn từ, hình ảnh...

Viết về sông Đà trong những năm tháng cách mạng đã thành công, người nghệ sĩ này cởi mở hơn với cuộc đời và đó cũng là thời điểm Nguyễn Tuân xoay ngòi bút của mình hướng về những vẻ đẹp đời thực. Hay nói cách khác là cách người nghệ sĩ này đang đi tìm chất vàng mười trong chính vẻ đẹp đất nước và tâm hồn nhân dân Việt Nam. Dòng sông Đà trong tác phẩm của Nguyễn Tuân bên cạnh vẻ dữ dội, hung bạo như “kẻ thù số một” của con người, cũng có lúc hiện lên rất bay bổng mơ màng, có nét trữ tình của một con người nồng nàn xúc cảm. Bằng cảm hứng ngợi ca, tự hào, hình tượng sông Đà được nhấn mạnh bởi đặc điểm riêng có: “Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu” có nghĩa là mọi dòng sông đều đổ theo hướng Đông, duy chỉ có sông Đà chảy theo hướng Bắc. Sự độc đáo của hình tượng này rất giống với bản ngã của Nguyễn Tuân – người nghệ sĩ đã từng tuyên bố và thể hiện rất chính xác, chân thực tuyên bố đó: “Lòng kiêu hãnh đã xui khiến ta chỉ chơi một lối độc tấu trong văn chương.”

Tình yêu cuộc sống, lòng ham hiểu biết về con sông, cây cầu của non sông đất nước cũng như ý thích đi lại hoạt động…đã tạo cho mỗi trang viết của Nguyễn Tuân ngồn ngộn kiến thức, thể hiện một sự hiểu biết tường tận từng chi tiết được nói tới trong văn mình. Dòng sông Đà có thể được tái hiện rất trữ tình, thơ mộng nhưng cũng có lúc khúc Đà giang vĩ đại hiện lên chính xác trong từng con số. Nguyễn Tuân thoắt trở thành nhà địa lý khi đưa ta về với thượng nguồn sông Đà ở Cảnh Đông tỉnh Vân Nam sau đó chan hòa vào sông Hồng, chảy trên đất Việt 500 cây số trong tổng chiều dài 883 nghìn thước mét, khi kể ra rất chính xác, cụ thể về “những cái thác, những cái ga nước trên sông Đà từ Vạn Yên về xuôi”. Sông Đà hiện lên trong những trang văn của Nguyễn Tuân trước hết là ở vẻ đẹp hung bạo. Cảnh đá bờ sông dựng vách thành khiến người đọc có những liên tưởng thú vị, cũng để họ có thể hình dung ra được hành trình thuyền trôi trên sông Đà đáng sợ đến nhường nào. Đá ở đây “dựng vách thành”, “chỉ đúng lúc ngọ mới có mặt trời”. Lòng sông hẹp có quãng con nai, con hổ có thể nhảy vọt từ bờ bên này sang bờ bên kia. Đá còn chẹt lòng sông như một cái yết hầu. Có thể thấy, sự nguy hiểm của đá bờ sông tạo lũy thành đã khiến người đọc liên tưởng ra cảm giác lạnh lẽo, lo sợ. Đó cũng là lý do Nguyễn Tuân viết rằng: “Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy đang mùa hè mà cũng thấy lạnh” rồi bất ngờ đưa ra một liên tưởng thú vị: “cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mây nào vừa tắt phụt đèn điện”. Còn phép so sánh nào độc đáo và hiệu quả hơn thế! Cảm giác đem đến cho người đọc rất bất ngờ. Họ hồi hộp, nín thở khi đi ngang qua những quãng sông hẹp như vậy. Nếu không khéo léo chèo lái, con thuyền rất có thể sẽ bị kẹt lại ngay.

Sự hung bạo của dòng sông Đà còn được thể hiện qua quãng mặt ghềnh Hát Loóng “dài hàng ngàn cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được ngang qua đấy.” Sông Đà bấy giờ mang dáng vẻ của một loài thủy quái, hợp lực bởi sóng, gió, đá xô nhau tạo ra một mặt ghềnh hò la mang dội, cốt là để đe dọa con thuyền nào tới đây. Sự dữ dằn của dòng sông Đà được đặc tả với một câu văn dài, sử dụng biện pháp tu từ so sánh giúp người đọc dễ dàng trong việc hình dung, liên tưởng hơn. Dùng những hình ảnh cụ thể, gần gũi để nói về những hình ảnh khó tưởng tượng, làm được điều này, không ai khác ngoài “thầy phù thủy ngôn từ” Nguyễn Tuân.

Những dòng văn của Nguyễn Tuân đã giúp ta hình dung ra được sự hung bạo của con Sông Đà. Nó giống như một loài thủy quái, hung hăng, bạo ngược biết bày thạch trận, thủy trận hòng tiêu diệt thuyền bè trên dòng nước của nó, một thứ thiên nhiên Tây Bắc với "diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một". Con sông mà "hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà". Chẳng thế mà sông Đà được gắn với câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh “Núi cao sông hãy còn dài – Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”.
 
949
2
1

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Phần mở rộng của bài viết quá dài (đoạn 2,3). Cần phân tích xoáy sâu vào đặc điểm hung bạo của sông Đà ở đoạn vách đá và ghềnh Hát Lóong, phân tichs nghệ thuật xây dựng hình tượng sông Đà. Bài viết diễn đạt tốt. Đây là một đề văn hay, tần suất ra đề cao.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top