Khối 11: Bàn luận về chủ đề sống chậm

Khối 11: Bàn luận về chủ đề sống chậm

Họ và tên: Đào Minh Anh
Năm sinh: 2005
Tên trường: Trường THPT Đặng Thúc Hứa
Tên lớp: 11A
Huyện: Thanh Chương
Tỉnh: Nghệ An
Có lẽ, cuộc sống với những dòng chảy xô bồ khiến con người ta quên mất đi về những thứ tươi đẹp đang diễn ra quanh mình. Mỗi ngày là một cuộc đua từ lúc mở mắt ra cho đến khi chợp mắt. Những công việc dày đặc, những ấn định thời gian, những mục tiêu phải đạt, những doanh số phải hoàn thành, … tất cả đều làm chúng ta tất bật, quay cuồng trong công việc. Sự bận rộn ấy dường như đã trở thành đương nhiên, mà cứ hễ hỏi thăm nhau, người ta đều kêu “dạo này bận lắm”! Lạ thay! Công nghệ thay đổi từng ngày, giao thông thông minh từng bước, máy móc tự động hóa ngày càng cao, thông tin liên lạc dễ dàng thuận tiện… Mọi thứ đang dần hướng đến sự giải phóng sức lao động con người, vậy mà không hiểu sao, 24 giờ một ngày vẫn là không đủ. Nhiều người vẫn phải “vắt chân lên cổ” để chạy đua với thời gian. Chúng ta từng tước mỗi ngày có thêm vài giờ để thỏa thích vào đam mê, chờ đợi cuối tuần để giải quyết hết những công việc tồn đọng. Thế nhưng, khi “cơn bão” mang tên COVID-19 xuất hiện đã gây ra làn sóng ảnh hưởng, khó khăn chưa từng có trên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Khi chỉ thị 16 được áp dụng cho các tỉnh thành “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” ngồi một mình trong căn nhà nhỏ, có bao giờ bạn đã dừng lại đôi chút để cảm nhận những gì tốt đẹp trong cuộc sống chưa? Ta hãy dành chút ít thời gian tĩnh tại để ngắm nhìn một bông hoa đẹp, nghe tiếng chim đang ríu rít, lặng mình trong một bản nhạc cổ điển, hít thở và ngắm nhìn trời xanh… Tâm hồn con người như một mảnh đất, nếu không có những nguồn nước mát lành ấy tưới tắm, thì đất sao màu mỡ và những mầm xanh bé bỏng sao vươn lên tươi tốt được? Sống chậm còn là để dành thời gian nghĩ về cuộc sống và những người xung quanh. Sống chậm lại còn là để lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Một chút lặng lẽ, riêng tư cho chính mình để nghĩ về những gì đã qua, những gì sắp tới, những gì được mất. Bạn đã từng nghe đến “sống chậm chưa” ? Và bạn hiểu cụm từ đó đến mức độ nào? “Sống chậm” trong tôi là không phải hối hả chạy theo đồng tiền, không phải vì thời gian, công việc mà quên đi gia đình mình cũng cần được an ủi, quan tâm hay lơ là với sức khỏe bản thân. Sống chậm không phải là lãng phí thời gian mà là trân trọng thời gian, quý trọng những kí ức, những kỉ niệm, quý những gì đã mất như món đồ chơi, chiếc răng sữa thuở ấu thơ… cho đến những gì to tát hơn sau này. Tôi yêu cảm giác này, yêu cảm giác được ăn cơm cùng những người thân yêu trong gia đình. Dù cho chúng ta đi làm kiếm tiền nhiều đến cỡ nào cũng không thể mua nổi cái khoảnh khắc ấy. Có tiền mà không có người thân bên cạnh thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Trong bài hát “ Đi về nhà” của Đen Vâu có từng viết “ Về ăn cơm mẹ nấu, về mặc áo mẹ may
Về đưa ba ra chợ mua cây đào cây mai về bày
Cả năm trời làm việc nhiều khi rã rời như cái máy
Về nhà thấy áp lực nhẹ như bấc thổi cái là bay
Ấm êm hơn bếp lửa, ngọt bùi hơn lúa non
Nhà vẫn luôn ở đó, mong chờ những đứa con
Dẫu cho mưa cho nắng vẫn không bao giờ nề hà
Hạnh phúc chỉ đơn giản là còn được về nhà”.
Gia đình luôn mong chờ ta, là nơi luôn dang rộng vòng tay đón chúng ta trở về sau những ngày mệt mỏi. Vì vậy, hãy trân trọng thời gian quý báu bên gia đình khi còn có thể. Ngoài kia, có những người vì cuộc sống mưu sinh đã phải xa quê đi kiếm sống, những anh chị sinh viên đang học tập ở các tỉnh thành khác vì dịch bệnh mà phải mắc kẹt tại chỗ, không thể về nhà được. Ngồi ăn cơm với gia đình - một đều tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng lại quá xa vời so với thời điểm dịch bệnh đang phức tạp như thế này. Và bạn có biết rằng mỗi ngày thức giấc là một niềm vui, một niềm hạnh phúc bởi chúng ta vẫn đang còn sống, đang còn ở bên cạnh sum vầy cùng người thân. Hãy yêu thương, quan tâm và chăm sóc gia đình nhiều hơn nữa. Đó là một ánh nhìn, một nụ cười, một hành động và lời nói quan tâm giúp cha mẹ bớt mệt nhọc hơn sau một ngày lao động vất vả. Đó là cử chỉ ân cần trìu mến với những người đang gặp khó khăn. Đó là sự lo lắng, sốt ruột, thương xót khi “khúc ruột miền Trung” vừa oằn mình đối diện với cơn bão số 5 (bão Conson) vừa phải gồng mình không cho dịch bệnh xâm nhập. Yêu thương nhiều biến con người trở thành người nhân hậu, cao cả, lớn lao hơn. Khi yêu thương nhiều hơn tức là cho đi nhiều hơn thì ta lại được nhận về nhiều hơn. Sống với những người xung quanh bằng sự chân thành, ta sẽ nhận lại được những tình cảm quý trọng thương yêu, sự thành thật từ những người bạn… Yêu thương nhiều hơn còn là sống vị tha, bao dung, biết sẻ chia và làm cho cuộc sống tốt đẹp. Sống chậm sẽ giúp chúng ta thay đổi cả những suy nghĩ của mình. Chúng ta sẽ không còn những suy nghĩ ích kỉ, chỉ biết lo cho bản thân mà còn biết quan tâm đến cả những người xung quanh. “Dòng đời vẫn vội trôi thật nhanh chỉ còn mình tôi ở lại…” Cuộc sống vẫn cứ hối hả trôi như lời bài hát, và con người cũng bị cuốn vào nhịp hối hả ấy. Cuộc sống phức tạp, nhưng không phải không thể kiểm soát được. Nó bắt nguồn từ chính thái độ, cách đón nhận cuộc sống, cách hành động của ta làm cho cuộc sống không nhàm chán mà còn tăng thêm giá trị. Chúng ta hoàn toàn có thể sống chậm theo cách riêng của mình, cho phép mình được nghĩ ngợi, cho phép mình được cởi bỏ những điều khó khăn, để mở lòng với mọi người, để mềm yếu một chút. Sẽ cho ta nghị lực, niềm tin để vượt qua khó khăn, trở ngại đang chờ ở phía trước. Giữa mùa dịch, sống chậm lại như thế này mới nhận rõ được nhiều điều mà những vội vã, tất bật thường ngày mình đã vô tình lướt qua. Bây giờ chỉ mong một điều rằng đại dịch nhanh qua khỏi để mọi người còn về quây quần bên gia đình, trả lại sự nhộn nhịp cho phố phường.
 
  • Like
Reactions: baivanhay
598
1
1
Trả lời
Cảm ơn bạn đã tham dự cuộc thi
Bài dự thi khối 11: Bàn luận về chủ đề sống chậm
Kết quả bài dự thi sẽ được công bố vào ngày 30/9/2021. Bạn theo dõi cuộc thi tại đây và chia sẻ bài viết của bạn cũng như cuộc thi đến các bạn của mình nhé
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.