Chia Sẻ Kiến thức trọng tâm bài thơ Tràng giang của Huy Cận, Ngữ văn 11 cho 2k6!

Chia Sẻ Kiến thức trọng tâm bài thơ Tràng giang của Huy Cận, Ngữ văn 11 cho 2k6!

H
Hoàng Cung
  • Người yêu văn chương đến từ Sóc Trăng
Trong tập thơ “Lửa thiêng”, nhà thơ Huy Cận đã có lần tự hoạ chân dung tâm hồn mình: “Một chiếc linh hồn nhỏ - Mang mang thiên cổ sầu”. Nỗi sầu thiên cổ ấy trùm lên cả tập “Lửa thiêng” và hội tụ ở “Tràng giang”, một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám.

I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả:
Huy Cận là nhà thơ lớn của phong trào Thơ mới; hồn thơ luôn khao khát, lắng nghe sự hòa điệu giữa lòng người với tạo vật; một phong cách thơ hiện đại mà thấm đượm nhiều yếu tố cổ điển; giàu chất suy tưởng, triết lí.
2. Tác phẩm:
- “Tràng giang” được Huy Cận viết vào tháng 9 năm 1939. Khi đó chàng sinh viên 20 tuổi đang học trường Cao đẳng Canh nông, những buổi chiều nhớ nhà thường đạp xe ra bến Chèm nhìn dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy, nỗi nhớ không những không vơi đi mà cứ theo sóng nước sông Hồng tràn ngập cõi hồn. “Từng lời, từng lời bắt đầu như có dòng nước lũ muốn cuốn ra từ cõi lòng tôi” (Huy Cận) là bài thơ xuất sắc, được in trong tập “Lửa thiêng”, rất tiêu biểu cho “nỗi buồn sông núi” của Huy Cận.

- Tập thơ “Lửa thiêng” là tập thơ đầu tay của Huy Cận in năm 1940, tập thơ khẳng định một trong những vị trí hàng đầu của ông trong phong trào thơ mới. Nỗi buồn là đặc trưng cơ bản xuyên suốt “Lửa thiêng”. Tập thơ mang màu sắc cổ điển, nhưng rất mới mẻ, hiện đại.

II. Đọc hiểu văn bản
1. Nội dung

a. Ý nghĩa nhan đề và lời đề từ


- Nhan đề:

+ Ban đầu bài thơ có nhan đề “Chiều bên sông”, một nhan đề gắn với bút pháp tả chân khách thể tự nhiên, tức nhà thơ thiên về miêu tả những hình ảnh cụ thể, chân thực của sự việc. Tác giả đổi tên thành “Tràng giang” khiến bài thơ có sự chuyển dịch từ thực sang ảo, thi nhân đã nội cảm hoá khách thể tự nhiên.

+ Hai chữ “Tràng giang” với âm hưởng của từ Hán – Việt gợi không khí cổ kính và đầy tính khái quát. Tràng giang đồng nghĩa với “trường giang” (con sông dài), nhưng nếu là trường giang thì cái hay của nhan đề sẽ giảm đi rất nhiều. Cách hiệp vần “ang” tạo dư âm vang xa, trầm lắng, mênh mang. Như vậy, “tràng giang” không chỉ là con sông dài (trường giang) mà còn là con sông rộng lớn, không phải là một con sông cụ thể nào mà đó là con sông mang ý nghĩa khái quát gợi lên nỗi buồn mênh mang, rợn ngợp.

- Lời đề từ:

+ “Trời rộng”, “sông dài” là không gian mênh mông, vô biên.

+ “Bâng khuâng”, “nhớ” là tâm trạng buồn, cô đơn giữa “trời rộng”, “sông dài”.

Đối diện với cái vô cùng, vô tận của không gian và cái vô thuỷ vô chung của thời gian, con người cảm nhận một cách thấm thía nỗi cô đơn, sự nhỏ nhoi của chính mình, thấy bơ vơ lạc lõng. Đó là nỗi niềm của cái tôi nhà thơ. Lời đề từ vừa tô đậm thêm cảm giác “Tràng giang” vừa thâu tóm cảm xúc chủ đạo vừa gợi ra nét nhạc chủ âm cho cả bài thơ.

b. Khổ 1

- Bài thơ mở ra bằng cảnh tượng sông nước mênh mông, bát ngát và nỗi buồn cũng trải ra bất tận, khôn cùng. Động từ “gợn” khiến nhiều người thắc mắc khi liên hệ với hoàn cảnh ra đời bài thơ. “Sóng gợn” gợi tả những vòng xoáy đang lan ra, loang ra, gối lên nhau, xô đuổi nhau đến vô tận giống như nỗi buồn âm thầm mà da diết, khôn nguôi.

- Từ “tràng giang” được đặt ngay sau (sóng gợn tràng giang) khiến người ta có cảm giác những con sóng cứ nối nhau đến tận cuối trời sông nước và cùng với nó là nỗi “buồn điệp điệp”. Cả thi sĩ và người đọc đều bị cuốn vào “điệp điệp” những con sóng và “điệp điệp” những nỗi buồn – nỗi buồn chồng chất tầng tầng, lớp lớp.

- Câu một tả sóng, câu hai tả những luồng nước: “Con thuyền xuôi mái nước song song”. “Xuôi mái” có thể là con thuyền nương theo dòng nước mà trôi, có thể là con thuyền bất lực ngay cả với mái chèo của mình, lênh đênh cho dòng nước cuốn đi. Không gian vừa mở ra theo chiều rộng vừa vươn theo chiều dài gợi lên cái không cùng của vũ trụ vô biên. Cái nhỏ nhoi của con người càng nổi bật trên cái mênh mông, xa vắng của trời rộng, sông dài. Ngược lại cái mênh mông, hoang vắng của trời nước càng tô đậm thêm cảm giác lẻ loi, cô đơn của con thuyền.

Hai câu đầu của bài thơ thấp thoáng âm hưởng hai câu thơ trong “Đăng cao” của Đỗ Phủ:

Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ

Bất tận trường gian cổn cổn lai


(Ngàn cây bát ngát lá rụng xào xạc

Dòng sông dằng dặc nước cuồn cuộn trôi)

Huy Cận đã ngấm thơ Đường từ thời niên thiếu. Thơ Huy Cận mang âm hưởng Đường thi cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cái tôi Huy Cận là cái tôi Thơ mới. Cũng là nghệ thuật đối xứng và cách dùng từ láy nhưng Huy Cận đã đẩy những từ láy xuống cuối câu tạo nên những dư ba, âm hưởng vang xa như dội mãi vào vô biên. Cảm giác buồn cứ dâng mãi bao trùm cả không gian mênh mông từ mặt sông, con sóng, dòng nước, con thuyền.

Hai câu thơ mang một nỗi sầu lớn bởi vì nó còn gợi cảm giác chia lìa, không gắn bó. Con thuyền cô đơn, vô định, xuôi dòng nước mà như không có mối liên hệ với nước, đi với dòng để chia li với dòng.

- Câu thứ ba cũng gợi cảm giác chia lìa: thuyền về một ngả, nước lại một đường, khối sầu toả đi khắp trăm ngả buồn thương. Nỗi buồn ở hai câu trước tuy có “điệp điệp” nhưng chưa đủ kiến tạo cảm giác cô liêu. Đến câu thứ ba, từ “buồn” chuyển sang “sầu”, nỗi buồn có sự tăng cấp, dòng nước đã đồng nghĩa với dòng sầu. Dòng sầu thảm trong lòng nhà thơ đã tuôn chảy ra hoà vào trăm ngả dòng sông. Đây là thời điểm mà tâm hồn thi nhân đã nhập vào cảnh một cách trọn vẹn.

- Câu thứ tư có một chi tiết tưởng vụn vặt, tầm thường nếu đặt vào hệ thống thi liệu cổ điển. Nhưng đây lại là một câu thơ hiện đại tuyệt bút. Nhà thơ không nói một cánh bèo, một cánh hoa hay một chiếc lá mà chọn một cành củi khô, chính xác là “củi một cành khô”. Cách đảo từ cho thấy rõ hơn cái khô của củi, cái bé nhỏ gầy guộc của cành. “Củi một cành khô” mà “lạc” những “mấy dòng” giữa “trăm ngả” sầu thương thì thật đáng sợ, thật khủng khiếp. Đấy là thân phận của những kiếp phù sinh bé nhỏ, lênh đênh, lạc loài nổi trôi giữa dòng đời vô định. Đấy là hiện thân của cái tôi cá nhân tự ý thức thấy mình bơ vơ giữa cõi người, bé nhỏ giữa dòng đời và trở thành tha hương trên chính quê hương của mình.

c. Khổ 2

- Khổ thứ hai xuất hiện thêm nhiều chi tiết trong bức tranh “Tràng giang”: cồn nhỏ, gió, làng xa, chợ chiều, bến sông, nắng, trời,... Tưởng với từng ấy chi tiết, bức tranh sẽ có thêm sức sống nhưng trái lại tất cả chỉ càng làm cho cảnh vốn mênh mang, hiu quạnh càng thêm hiu quạnh, mênh mang. Không gian hoàn toàn im ắng, vắng lặng đến tê rợn.

- Cồn thì nhỏ. Cây cỏ lơ thơ, đìu hiu trong gió càng tô thêm vẻ hoang vắng, tiêu sơ. Làng thì xa, chợ thì vãn, không một chút động tĩnh khiến bến sông trở nên “cô liêu” giữa “sông dài, trời rộng”. Đã thế, ánh nắng chiều với những tia dài nhuộm màu hoàng hôn như đẩy cả bầu trời lên cao hơn tạo nên một không gian vừa rộng, vừa dài, vừa cao, vừa sâu đến rợn ngợp. Nhà thơ dường như cố lắng nghe tiếng của sự sống nhưng chỉ nghe thấy tiếng dội hoang vắng của cõi lòng. “Đâu” là đâu rồi ? Ở đâu ? không có, không còn nữa. Không gian rơi vào câm lặng, một sự câm lặng đến khủng khiếp con người có cảm giác bị bỏ quên giữa nơi hoang vắng, lạnh lẽo.

- Đọc hai câu sau, người ta như bắt gặp không khí thơ cổ điển qua hình thức đăng đối, đối trong từng câu và đối giữa hai câu:

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.


Câu trên là sự vô biên được mở theo chiều cao, chiều sâu. Câu dưới là sự vô cùng được mở theo chiều dài, chiều rộng. Cả bốn chiều không gian giãn nở đến vô cùng, vô tận. Hai động từ “xuống”, “lên” đem lại cảm giác chuyển động rõ rệt. Nắng càng xuyên xuống, trời càng được nâng lên. Sự chuyển động được hoàn tất bởi cụm từ “sâu chót vót”. “Chót vót” là từ láy dành độc quyền chỉ chiều cao. Huy Cận đã dùng để chỉ chiều sâu. Có người cho là vô lí nên đã chữa lại “sầu chót vót”. Tiếc rằng, “sâu chót vót” mới là sự xuất thần của hồn thơ. Đây không phải là sự “lạ hoá” của ngôn từ mà là sự “lạ hoá” của cái nhìn do cảm giác đưa lại. Không phải nhà thơ đứng dưới mặt đất nhìn lên trời, cũng không phải nhà thơ đứng trên đỉnh trời nhìn xuống đất mà thi nhân như đang đứng trơ vơ giữa vũ trụ thăm thẳm để nhìn xuyên vào lòng trời, ruột đất. Cảm giác này thường xuất hiện trong “Lửa thiêng”. Chính vì thế mà Xuân Diệu trong lời tựa tập thơ đã viết: “Cảm giác trỗi nhất của ta là một cảm giác không gian... Ta đứng trên thiên văn đài của linh hồn nhìn vào cõi bát ngát”.

Câu sau còn mở ra cái tít tắp, bát ngát. Sông dài ra, trời rộng thêm, cộng hưởng với cái cao, cái sâu gợi ra một thế giới quạnh hiu cơ hồ tuyệt đối hoang vắng và trong cái thiên nhiên hoang vắng ấy, bến sông trở nên bé nhỏ, đơn côi đến tội nghiệp, cô quạnh, giá buốt đến rùng mình. “Bến cô liêu” chính là cái tôi mang nỗi “sầu vạn kỉ” của Huy Cận.

d. Khổ 3

- Các sự vật được đặt cạnh nhau: bèo thì hàng nối hàng, bờ xanh thì tiếp bãi vàng, hai bờ sông như hai đường song song,... không đò, không cầu. Đặt cạnh nhau nhưng tất cả đều không có một mối liên hệ, không cần nhau, không tìm thấy nhau. Những điều ấy chỉ gợi cảm giác buồn bã, hiu quạnh, trống vắng.

- Những từ ngữ: mênh mông, hàng nối hàng, lặng lẽ, dạt, không một chuyến đò, không cầu,... càng tô đậm cảm giác hiu quạnh đến khủng khiếp.

Nhắc đến một chuyến đò, một cây cầu bởi nhà thơ thèm khát sự sống, thèm khát tri kỉ, tri âm. Tìm mà không gặp, ước mà không thấy nên rơi vào cô đơn tuyệt vọng.

e. Khổ 4.

- Hai câu đầu mang màu sắc cổ điển

+ Thể hiện rõ ở các hình ảnh: mây, núi, cánh chim, bóng chiều.

+ Hình ảnh: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc” khiến người đọc liên tưởng đến hai câu thơ của Đỗ Phủ trong bài “Thu hứng”:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng

Tái thượng phong vân tiếp địa âm


(Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm

Mặt đất mây đùn cửa ải xa)

Lớp lớp mây trắng “đùn” lên, chồng lên nhau thành những núi mây. Ánh hoàng hôn chiếu vào như dát bạc, núi mây trở thành núi bạc. Cảnh tượng thật hùng vĩ nhưng không vì thế mà nỗi sầu vơi đi. Những núi mây kia vẫn là những núi buồn khổng lồ.

+ Hình ảnh cánh chim lẻ loi, cô độc bay nghiêng trong ánh hoàng hôn đã trở thành tín hiệu thẩm mĩ trong thơ cổ điển:

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

(Bà Huyện Thanh Quan)

Chim hôm thoi thót về rừng

(Nguyễn Du)

Lạc hà dữ cô lộ tề phi (Ráng chiều và cánh cò cùng bay)

(Vương Bột)

Tuy nhiên, cánh chim nhỏ trong thơ mới nói chung và trong khổ thơ này của Huy Cận nói riêng không chỉ có ý nghĩa báo hiệu hoàng hôn mà còn là biểu tượng cho cái tôi nhỏ nhoi, cô độc trước cuộc đời ảm đạm không có nổi một niềm vui. Cả bài thơ thiếu hẳn sự sống. Cánh chim nhỏ là dấu hiệu duy nhất của sự sống nhưng cái mầm sống ấy xuất hiện khi hoàng hôn đang tàn và nỗi sầu dậy khắp bầu trời. Cánh chim biểu hiện cho khát vọng, cho sự vươn tới, cho niềm ước mơ và sự háo hức,... Nhưng nỗi sầu dâng kín, “bóng chiều” đổ, cánh chim chao nghiêng như một tia nắng rớt xuống. Hình ảnh ấy mới buồn thương và tội nghiệp biết bao !

- Hai câu kết đưa người đọc trở về một tứ thơ Đường của Thôi Hiệu:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu


(Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai) (Tản Đà dịch).

Tuy cách xa nhau hàng nghìn năm, hai nhà thơ đều có cảm giác buồn nhớ quê khi đứng trước cảnh sông nước lúc chiều tà. Huy Cận đã đưa khói hoàng hồn vào nỗi sầu xa xứ từ trong Đường thi cổ điển vào “Tràng giang” để gợi ra nhiều liên tưởng làm cho ý thơ thêm sâu, tình thơ thêm nặng và câu thơ thêm phần cổ kính.

Điểm khác biệt là Huy Cận không thấy khói, sóng mà vẫn rất buồn, rất nhớ. Nỗi buồn của Thôi Hiệu là nỗi buồn vì không thể hoà nhập cái “tiểu ngã” của mình vào cái “đại ngã” của vũ trụ để thoát tục lên tiên. Huy Cận, chàng thi sĩ thơ mới đi tìm đồng cảm, tri âm giữa cõi người nhưng chỉ gặp cô đơn, trống vắng. Nỗi buồn của Huy Cận là nỗi buồn đau của một cái tôi cá nhân luôn đối diện với chính nỗi cô đơn của lòng mình.

- Lối hô ứng của khổ thơ này với khổ thơ đầu: các từ láy: “lớp lớp”, “dợn dợn” hô ứng với “điệp điệp”, “song song” tạo nên cảm giác chồng chất tầng tầng lớp lớp những con sóng (cũng là những nỗi sầu). Cả bài thơ là sự cộng hưởng của ngôn từ để làm thành một khối sầu lớn mà trong lòng nó luôn có những con sóng vật vã, thao thức.

2. Nghệ thuật

- Sự kết hợp hài hoà giữa sắc thái cổ điển và hiện đại.

- Nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm.

3. Ý nghĩa văn bản

Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, niềm khát khao hoà nhập với cuộc đời và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của tác giả.​
 
Từ khóa
cảnh sông hồng mênh mông sóng nước củi một cành khô huy cận không khói hoàng hôn sâu chót vót sầu trăm ngả tràng giang
770
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top