Chia Sẻ Làm sao để sống được với nghề viết lách?

Chia Sẻ  Làm sao để sống được với nghề viết lách?

Bich Khoa
Bich Khoa
  • CLB VHT thành viên 33
Viết lách chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với bất kỳ nhà văn nào. Dưới đây là một số chia sẻ của Nhà văn Hiền Trang với tư cách là một nhân vật của cuốn sách “Người Trong Muôn Nghề: Ngành Sáng Tạo & Nghệ Thuật có gì?” mới ra mắt:

FB_IMG_1634688351752.jpg


“Khi nói đến nhà văn chuyên nghiệp, bạn nghĩ về điều gì? Phải chăng là người ngồi bứt lông nhổ tóc hàng giờ trên bàn làm việc, chán lại ra làm một ly vang, rồi lên giường nằm khoèo đợi giây phút lóe sáng của cảm hứng? Tôi chưa là nhà văn chuyên nghiệp, nhưng tôi tin, nếu muốn thành nhà văn chuyên nghiệp, tôi sẽ phải cực kỳ kỷ luật. Tôi phải biết một ngày tôi cần viết bao nhiêu từ. Tôi phải viết cái gì. Tôi phải viết ra sao. Mọi thứ phải có quy trình. Sáng tạo cũng thế.

Đừng tin ai nói rằng viết cần một niềm cảm hứng đột khởi, bởi nếu bạn không phải là Vladimir Nabokov[1] (mà đến Nabokov cũng lao động rất miệt mài, nếu ta đã không tài năng lại còn không miệt mài thì sao có thể cạnh tranh với ai), bạn sẽ kết thúc cuộc đời mình như anh chàng suýt-thành-nhà-văn nhưng tình vỡ mộng tan chỉ vì nhà lắm ruồi quá trong một truyện ngắn của Aziz Nesin[2]. Anh ta cứ đợi, đợi, đợi hết lần này tới lần khác, đợi đến khi có tiền, đợi đến khi nhà to hơn, đợi đến khi không phải đèo bòng vợ con, và rồi đợi đến khi… không có đám ruồi vo ve làm phiền thì anh ta sẽ viết một áng văn bất hủ. Tất nhiên, cuối cùng anh ta chẳng viết ra gì, đừng nói là áng văn bất hủ mà một áng văn thôi anh ta cũng không viết được.

Viết văn, như mọi nghề nghiệp, cần tính kỷ luật rất cao. Ai từng đọc Martin Amis[3] viết về lịch làm việc của ông chắc hẳn chẳng muốn làm nhà văn nữa. Tôi không nói bạn phải gục xuống bàn phím mà viết, nhiều người nghĩ phải làm việc đến phát cuồng mới viết ra được văn hay. Tôi chắc chắn là không. Nếu bạn là Nabokov, bạn không phải gục xuống bàn phím mà viết đâu. Tôi sẽ không giả vờ như thể năng khiếu không quan trọng trong viết văn, rất cần là khác, dù cố gắng mài dũa thế nào chúng ta cũng không thành Nabokov. Xin báo một tin buồn, những người có năng khiếu thường là những người chăm chỉ, họ viết dễ như lấy đồ trong túi nên họ viết hoài, càng viết thì họ càng viết hay. Cho dù có kể câu chuyện James Joyce[4] nặn cả ngày mới ra 7 từ đi chăng nữa, nhưng sao nào, ông đã viết Ulysses dày thế cơ mà. Nói chung, trong viết lách, năng khiếu là cần thiết. Năng khiếu ở đây là khả năng tưởng tượng, khả năng mô tả, sự thính nhạy với cuộc sống, khả năng hấp thụ cuộc sống, và cả sự kiên nhẫn nữa. Sự kiên nhẫn, tôi không nói nhầm đâu. Chúng ta thường nghĩ người có năng khiếu thì không kiên nhẫn. Tôi không nghĩ thế. Phải có năng khiếu mới kiên nhẫn được, bởi họ biết họ sẽ làm được, họ biết họ có năng khiếu mà.

Ừ thì chúng ta cũng không nên chấp nhận mình chỉ có thế và không cố gắng, nhưng hãy biết giới hạn của mình, đừng để giấc mộng văn chương đè lún lên bạn, bởi bạn biết không, tôi dám cá nó sẽ khiến bạn điên tiết vì bạn không đạt được gì cả. Phần lớn chúng ta sẽ không đạt được gì đáng kể, trò “xổ số văn chương” này không trao giải cho chúng ta đâu. Chúng ta hãy nghiêm túc nhất có thể, chẳng hạn như đặt ra mục tiêu mỗi ngày phải viết bao nhiêu từ, phải đọc bao nhiêu trang sách, một tuần phải xem bao nhiêu bộ phim. Ngoài đọc sách thì xem phim và nghe nhạc rất quan trọng. Tôi nghĩ những nhà văn giỏi đều có nhạc tính rất cao, và khả năng mường tượng bằng hình ảnh siêu đẳng. Dù ta không có tài lắm, điều tốt là ta vẫn có thể trau dồi kỹ năng qua những thứ này. Nhưng, mài dũa và cố gắng không có nghĩa mơ quá xa. Hãy mơ từng bước một thôi, con đường sẽ tự mở ra từng chút (và nếu đến một lúc nó đi vào ngõ cụt, hãy cứ vui vẻ chấp nhận).”

[1] Vladimir Vladimirovich Nabokov: nhà văn, nhà thơ Nga, sáng tác bằng tiếng Nga và tiếng Anh, tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng thế giới. Ngoài văn xuôi và thơ, ông còn là dịch giả, dịch những tác phẩm kinh điển từ tiếng Nga sang tiếng Anh và ngược lại.
[2] Aziz Nesin: nhà văn châm biếm được ngưỡng mộ ở Thổ Nhĩ Kỳ, tác giả của hơn 100 cuốn sách.
[3] Martin Amis: nhà văn châm biếm người Anh nổi tiếng.
[4] James Joyce: nhà văn và nhà thơ biệt xứ Ireland, được đánh giá là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Sưu tầm
 
Từ khóa Từ khóa
nhà văn
1K
2
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.