Lưu Trọng Lư – “chiến tướng” của phong trào Thơ mới

Thi sĩ Lưu Trọng Lư là một trong số những người khởi xướng và cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào Thơ mới phát triển mà xin gọi ông là “chiến tướng” của phong trào Thơ mới. Ông sinh năm 1912, mất năm 1991 quê ở làng Cao Lao Hạ (nay thuộc xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), em ruột thi sĩ Lưu Kỳ Linh.

Ngay từ khi Thơ mới vừa mới định hình, Nguyễn Xuân Huy và T.K (Lê Tràng Kiều) trong bài viết Một trào lưu mới trong thi ca: Thơ mới in trên báo Tân Thiếu niên ở Hà Nội (1933) đã kịp thời theo dõi “lược sử Thơ mới” và ghi nhận đóng góp của Lưu Trọng Lư ở vị thế người phụ họa, tiếp nối, phát triển tư tưởng Thơ mới của Phan Khôi.

Được ví như một “chiến tướng”, ngay từ đầu Lưu Trọng Lư đã xuất hiện cả trên tư cách nhà thơ và người phê bình, luận thuyết, đấu tranh cho thắng lợi của Thơ mới.

Lưu Trọng Lư định nghĩa thế nào là Thơ mới trong thơ của mình?​


Trong bài Lại nhớ Vân, Lưu Trọng Lư viết:

“Thừa lương khách đã vắng
Trời nước mông mênh duy
còn có bốn mặt nhìn nhau lặng
Hôm nay dạ lại bần thần
Nhìn đám mây chiều lại
nhớ Vân!”


Tuy câu nhiều chữ, câu ít chữ, không có bó buộc vào niêm luật, mà đọc lên cũng êm tai, mỗi câu có một điệu riêng, như một khúc âm nhạc, diễn được cái cảm của nhà làm thơ, và người xem thơ, cùng với người viết cùng cảm như nhau” (Phong hóa, 1933)…

Ngay từ khi các bài thơ được in rải rác, trước ngày ra đời tập Tiếng thu (1939), thơ Lưu Trọng Lư đã được bạn đọc hết sức quan tâm.

Nhạc điệu trong thơ Lưu Trọng Lư và chính chất nhạc đó đã kiến tạo nên một chất giọng thơ kiểu mới. “Muốn chứng tỏ các nhà thơ cổ biết rằng Thơ mới là một thứ thơ có âm nhạc hẳn hoi, không gì hay hơn là đưa thơ của Lưu Trọng Lư mà nói, một thi sĩ xưa nay rất chú trọng về mặt âm nhạc của thơ. Lưu Trọng Lư chính là một người đầu tiên gieo hạt Thơ mới vào đất Bắc”, (Lê Tràng Kiều). Thế Lữ và Huy Thông thường ngẩng lên trời nhìn núi sông cao rộng mà ca những bài ca hùng tráng… Trọng Lư chỉ cúi đầu xuống đất, bước từng bước, sợ sệt, ngại ngùng như bao giờ cũng lo đạp phải những cái linh thiêng của trời đất rơi rác xuống…

Những tình cảm tả trong thơ Trọng Lư là một thứ tình cảm dồi dào, mới mẻ, tế vi, tế vi quá cho nên người đọc khó nhận ra, vì thế, những bạn hâm mộ Thơ mới ít ưa thơ Trọng Lư bằng thơ Thế Lữ là một nhà Thơ mới, “mới” một cách táo bạo.

Nhưng đối phó với phái thơ cũ, thì thơ Trọng Lư là một cái chiến lũy chắc chắn vô cùng, vì thơ Trọng Lư có một cái âm nhạc rất dồi dào, rất phong phú… Ta chỉ tiếc một điều, thơ Trọng Lư cũng phiêu lưu, nay đây mai đó. Khi đăng ở báo này, khi đăng ở báo nọ, cho nên không mấy ai đọc được hết…

Có ai bình tĩnh hỏi lòng hơn nhà thơ Lưu Trọng Lư, khi mỗi mùa thu đến, lại cởi lòng ra mà: “Lắng nghe trăng dải bên thềm…” Có ai nhớ một lần, mùa thu chàng Lưu đã e dè ngồi trong rừng thu để nhìn: “Con nai vàng ngơ ngác,/ Đạp trên lá vàng khô”…

Đời Lư là đời một người giang hồ lãng tử, không kể ngày mai, không thể chống chọi lại với những tiếng gọi huyền bí xa xăm. Nó bắt chàng một sớm, một chiều, lại thắt lại chiếc áo tơi, lại cất gót lên đường, mặc dầu chàng đã được ăn yên, ở yên ở chỗ trước. Nhờ thế mà thơ chàng đã nhuốm được cái phong vị não nùng của non sông đất nước, cái linh hồn hồn nhiên, nhẹ nhàng, lặng lẽ của thời qua.

Có người sẽ hỏi: Thơ nào chẳng là tình cảm? Thơ tình cảm đây là sánh với những trường thơ lạ khác mà mang danh.

Viết bài này tôi chủ ý nói đến một thứ thơ thuần tình cảm mà thôi – thứ thơ mà ông Lưu Trọng Lư đứng đầu trong phái.

“Thơ Lưu Trọng Lư là thơ của người đời, thơ của thiên nhiên.” (Việt Châu)​

“Tôi sẽ thấy ai rất đáng bỉ, khi họ sẽ phê bình thơ Lưu Trọng Lư với những chữ: Hứa hẹn, tài hoa, chân tài, thiên tài, v.v… Ông Lưu Trọng Lư, cũng như tác phẩm của ông không cần một chút xíu nào cái giọng phê bình rất nhạt (tuy rằng kêu) ấy. Phải chăng, ông Lưu Trọng Lư! một tiếng khen thành thật, một niềm tri kỷ thanh cao quý gấp vạn lần lời xu phụ, tán – dương – vô – ý – thức?”.

“Phải! Phiêu lưu, Lưu Trọng Lư là một chàng phiêu lưu. Đời Lư là đời một người giang hồ lãng tử, không kể ngày mai, không thể chống chọi lại với những tiếng gọi huyền bí xa xăm. Nó bắt chàng một sớm, một chiều, lại thắt lại chiếc áo tơi, lại cất gót lên đường, mặc dầu chàng đã được ăn yên, ở yên ở chỗ trước. Nhờ thế mà thơ chàng đã nhuốm được cái phong vị não nùng của non sông đất nước, cái linh hồn hồn nhiên, nhẹ nhàng, lặng lẽ của thời qua”, (Trần Thanh Mại), đồng thời ông cũng thẳng thắn chỉ ra những câu chữ, hình ảnh, thi tứ mà ông cho là trùng lặp, kể cả phần tranh minh họa “theo phái lập thể” (cho dù hậu thế có thể cảm nhận khác hơn): “Lưu Trọng Lư còn có cái tật xấu nữa là ít săn sóc đến những câu của mình đã viết ra.Như trong bài Giang hồ mà cái năng lực dẫn khởi, não nùng không còn chối cãi được nữa, chàng luôn luôn vấp phải những ý tứ và những chữ lặp đi lặp lại nhiều lần” (Đông Dương tuần báo, Sài Gòn, 1940).

Tiếng thu Tác giả Lưu Trọng Lư.png

(Lưu Trọng Lư – “chiến tướng” của phong trào Thơ mới)​

Lấy thước đo giá trị nghệ thuật làm lẽ sống​


Nhà phê bình Kiều Thanh Quế sau khi điểm danh 32 tác giả và số tập thơ kèm theo (cả Thơ mới và cũ) trong sách Ba mươi năm văn học (1941), đã xác định: “- Lưu Trọng Lư trong rừng thẳm, trên lưng “con nai vàng ngơ ngác”, nâng niu chiếc sáo trúc thổi khúc Tiếng thu (1939) tuyệt vời”…; thì qua ba năm sau, ông viết bài Thi sĩ Lưu Trọng Lư với Tiếng thu (Tri tân, 1944).

Trong phần mở đầu, Kiều Thanh Quế tán đồng các ý kiến của Trần Thanh Mại, Nguyễn Vỹ và đi đến xác quyết thơ Lưu Trọng Lư “bao giờ cũng chỉ biết chú trọng có âm thanh và nhạc điệu” gắn với các thuộc tính “Khi thì nỉ non…”, “Khi thì lẳng lơ…”, “Khi thì sang sảng như tiếng hát đò đưa…”, “Khi thì buồn bã lạ…”, “Khi thì ai oán não nùng, đầy vơi niềm trắc ẩn, tràn ngập lòng xót thương”: “Đừng ai cố tìm tư tưởng trong thơ Lưu Trọng Lư. Vì vô ích. Lưu Trọng Lư bao giờ cũng chỉ biết chú trọng có âm thanh và nhạc điệu (như Paul Verlaine, đứng đầu phái thơ Tượng trưng ở Pháp, bao giờ cũng bảo: “Thêm nhạc điệu nữa đi, và lúc nào cũng phải có nhạc điệu”)”…

Rồi đến Thanh Châu trong bài Hoa với đời sống tinh thần của chúng ta in báo Trung Bắc tân văn đã nhắc tới bài thơ Lưu Trọng Lư đề tặng Nguyễn Bá Trác (người đã viết Hạn mạn du ký sau khi đi Nhật Bản về): “Xưa nay, muốn chỉ những người đã cất bỏ được cái gánh nặng công danh, để nghĩ đến cái đời sống tinh thần trong sạch của mình riêng, người ta chỉ cần gợi hai tiếng “tùng cúc” trong một câu thơ là đủ.

Khi nhà thơ Lưu Trọng Lư tới thăm ông tổng đốc Nguyễn Bá Trác, một hưu quan ở quê nhà, thi sĩ cũng đã có tặng câu: Ở đây, hoa đã nở mùi thuyền. Ý muốn nói rằng cái mùi hoa ở trước sân cụ Nguyễn đã nhuốm mùi đạo như cái bông hoa ở chỗ tu hành rồi. Cái mùi hoa đó, cũng lại là mùi hoa cúc. Bởi vì thi sĩ đã kết bài thơ ấy bằng hai câu: Một thiên hạn mạn đây là hết,/ Cúc gọi thu về dưới cố viên” (1942) …

Trong chuyên khảo Việt Nam thi ca luận, nhà nghiên cứu Lương Đức Thiệp có cách thẩm âm và cảm nhận riêng về đặc tính nhịp điệu thơ họ Lưu (được phân tích và khái quát chủ yếu qua các bài Tiếng thu, Gió, Đan áo): “Trong ông Lưu Trọng Lư, phảng phất một xu hướng nữa về thơ. Thơ là Nhạc. Đọc lên, ngâm lên, nó phải réo rắt trầm bổng, nhặt khoan như những khúc đàn. Cả tài nghệ của thi nhân quy tụ vào điểm đó.

Hình ảnh, mầu sắc, ý tình phải nhường một chỗ lớn cho âm điệu. Bởi quá thiên về nhạc điệu, ông Lưu Trọng Lư, đại diện ý thức cho chủ trương này, đã cho chúng ta nhiều “bản đàn lời”, nghĩa là nhiều bài thơ gần như không đủ nghĩa, hay thiếu cả nguồn cảm xúc chân thành. Trong bài thơ có nhiều chữ chỉ đứng làm “vì”, đứng để lấp những chỗ trống không!… “Bài thơ” của ông thường ngắn, nhưng đó không phải là ngắn theo cách tổng hợp” (Khuê Văn xuất bản cục, Hà Nội, 1942).

“Trong thơ Lư, nếu có tả chim kêu hoa nở, ta chớ tin, hay ta hãy tin rằng tiếng kêu kia màu kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó mới là quê hương của Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ hai mươi, ngày ngày nện gót giày trên các con đường Hà Nội, mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào…

Tôi chỉ biết, dầu có ưa thơ người này người khác, mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Có những bài thơ cứ vương vấn trong trí tôi hằng tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta”…(Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam)

Trong tâm thế hướng đến phác họa toàn cảnh bức tranh văn học nửa đầu thế kỷ, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại đã nhấn mạnh tính phổ quát của những cảm thu, tình thu, cảnh thu, sắc thu, chiều thu, ngày thu và tâm tưởng bốn mùa thu, đồng thời đi sâu phân tích những đặc điểm thuộc về thi tứ, cảm xúc, âm điệu, nội dung và hình thức nghệ thuật các bài thơ, câu thơ trong thơ họ Lưu: “Ấy, đọc Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, tôi vừa tưởng nhớ đến tiếng thu, cái tiếng thu làm cho cỏ cây rầu rĩ úa vàng, tôi lại vừa cảm thấy cái tiếng thu cứ ít lâu lại cứ văng vẳng bên mình, cái tiếng mà ta không thể căn cứ vào thời gian và không gian mà cho tinh chất…

Cái hay trong thơ của Lưu Trọng Lư ở sự thành thực, tấm lòng sầu não của ông thế nào, sự ước mong của ông thế nào và có thể thổ lộ ra được chừng nào, ông thổ lộ ra chừng ấy. Ông không hề gò từng chữ, bó từng câu để cho lạc mất ý mình; thơ ông nếu lời tinh tế thì tự nó tinh tế, chứ thật ông không bao giờ gọt dũa.

Đọc thơ Lưu Trọng Lư, ta nên coi như những tiếng buồn thảm của lòng mà không nên xét về nghệ thuật. Tuy thế, thơ ông vẫn có một cái đặc biệt là rất giàu về âm điệu, nên đọc dễ nhớ, dễ thuộc lắm. Còn ý và lời thơ thì nửa cũ, nửa mới, làm cho những người chuộng hẳn cũ và những người thích hẳn mới đều không ưa, nhưng thơ họ Lưu đã tự vạch lấy cái địa vị rất xứng đáng của mình.

Có thể nói thơ ông là tấm gương phản chiếu tâm hồn một hạng thanh niên Việt Nam buồn nản trong lúc hai văn hóa Đông Tây giao nhau. Thử hỏi những người thanh niên trí thức Việt Nam, mấy ai không nghe văng vẳng “tiếng thu” ngân trong những lúc lặng lẽ mơ màng với hồn thơ và hồn đất nước?” (Quyển III, 1943) …

Trên tất cả, thơ Lưu Trọng Lư đã được người đương thời yêu mến, tiếp nhận, luận bình, đánh giá cao bằng chính thước đo giá trị nghệ thuật. Có thể xác định Lưu Trọng Lư đã góp phần quan trọng làm nên lịch sử phong trào Thơ mới và cũng đã trở thành lịch sử ngay giữa thời Thơ mới.

Những ý kiến của người đương thời luận bình về thơ Lưu Trọng Lư cho phép hậu thế hình dung về một thời luận bình văn chương thực sự sôi nổi, khách quan, phong phú, đa dạng, nhiều chiều.



LA NGUYỄN HỮU SƠN
Báo Giáo Dục & Thời Đại
(Người đăng đặt lại tên và chỉnh sửa vài chỗ)​
 
Từ khóa Từ khóa
chiến tướng của phong trào thơ mới lại nhớ vân lưu trọng lư một trào lưu mới trong thi ca nhạc điệu phong trào thơ mới tiếng thu việt nam thi ca luận
1K
0
2
Trả lời

Một số bài thơ hay nhất của Lưu Trọng Lư​


1. Tiếng thu​

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

2. Nắng mới​

Mỗi lần nắng mới hắt bên song.
Xao xác gà trưa gáy não nùng;
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời,
Lúc Người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.
Hình dáng Me tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.

3. Một mùa đông​

Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.
Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa.
Đây là dải Ngân Hà,
Anh là chim Ô Thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua.
Để mặc anh đau khổ,
Ái ân giờ tận số,
Khép chặt đôi cánh song!
Khép cả một tấm lòng!

4. Thơ sầu rụng​

Vừng trăng từ độ lên ngôi,
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ.
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng,
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo.
Năm năm tiếng lụa xe đều...
Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây.
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay,
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông.
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng,
Thời gian lặng rớt một dòng buồn tênh.

5. Giang hồ​

Mời anh cạn hết chén này,
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn.
Tiếng gà đã rộn trong thôn,
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay.
Để lòng với rượu cùng say,
Chừ đây lời nói chua cay lạ thường!
Chừ đây đêm hãy đầy sương,
Con thuyền còn buộc, trăng buông lạnh lùng!
Chừ đây trăng nước não nùng,
Chừ đây hoa cỏ bên sông rũ buồn.
Tiếng gà lại rộn trong thôn...
Khoan đừng tơ tưởng vợ con ở nhà
Giờ này còn của đôi ta,
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người,
Ô sao rượu chẳng kề môi,
Lời đâu kiều diễm cho nguôi lòng chàng?

Tay em nâng chén hoàng hoa,
Sá gì hớp rượu vì ta bận lòng.
Hãy gượm lắng nghe dòng sông chảy,
Gió đùa trăng trên bãi lạnh lùng.
Sá gì hớp rượu, bận lòng,
Đợi gì môi nhấp rượu nồng mới say?
Hãy nhích lại đưa tay ta nắm
Hãy buông ra đằm thắm nhìn nhau.
Rồi trong những phút giây lâu,
Mắt sầu gợn sóng, lòng đau rộn tình.
Phút giây ấy, ta mình ngây ngất,
Bỗng con thuyền buộc chặt, rời cây.
Cho ta khất chén rượu này,
Vì ta em hãy lựa dây đoạn trường.
Khoan để đốt chút hương trầm đã!
Đợi trầm bay rộn rã lời ca...
Nghe xong ta ngắm lời xa,
Dòng sông Ngân đã nhạt mờ từ lâu.
Tiếng gà đã gáy mau trong xóm,
Bình minh đà rạng khóm tre cồn.
Trông nàng môi nạt màu son,
Giật mình ta nhớ vợ con ở nhà,
Từ đấy chẳng bao giờ phiêu lãng,
Niềm thê nhi ngày tháng quen dần.
Đôi phen nhớ cảnh phong trần:
Bóng nàng ẩn hiện xa gần đâu đây.
Tưởng nghe tiếng gọi nơi hồ hải,
Mắt lệ mờ ta mải trông theo,
Trong buồng bỗng tiếng con reo,
Vội vàng khép cửa gió heo lạnh lùng.

Đêm ấy rượu nàng ta không uống,
Từ sau thề không uống rượu ai.
Đòi phen ngồi ngóng chân trời,
Chẳng bao giờ nghĩ đến đời phiêu lưu.
Ngoan ngoãn như con cừu non dại,
Cỏ quanh vườn cắn mãi còn ngon.
Sau lưng nghe tiếng cười dòn,
Vội vàng ngoảnh lại... thằng con vẫn cười.
Nó đưa ta một chai rượu bé,
Bảo rằng: "Đây, rượu mẹ dâng cha"
Giật mình ta mới nhớ ra:
Là ngày sinh nhật vợ ta đó mà!
Ta uống chẳng hoá ra lỗi hẹn,
Mà từ nan đâu vẹn đạo chồng!
Than ôi! trời giá đêm đông,
Màu du tử thực bên lòng hết sôi?
Chén lại chén kề môi thủ thỉ,
Càng vơi càng tuý luý càng đầy!
Lúc tỉnh rượu lặng ngồi bên án,
Trông vào gương, lằn trán có vôi;
Vợ con khúc khích đừng cười,
Còn ta vô ý lệ rơi xuống bàn,
Hết say vẫn bàng hoàng trong mộng
Xót xa thay cái giống giang hồ!
Ngón đàn thêm một đưòng tơ,
Mà người sương gió nghìn thu nhọc nhằn,

Thôi rồi ra chốn nước non,
Lồng son lại để sổ con chim trời.
Thú hồ bể quyến mời du tử,
Niềm thê nhi khôn giữ được người.
Biết sao trái được tính trời,
Giang hồ cốt ấy, trọn đời phiêu linh...
Hôm nay ngồi rũ canh trường,
Nơi thuyền trọ, rượu quỳnh tương ai mời
Người dâng rượu xa nơi trần giới,
Lạnh lùng thay gió thổi đêm đông!
Tuy người đã khuất non sông,
Mặt hoa lãng đãng như lồng dưới trăng
Mường tượng thấy tung tăng cười nói,
Như tưởng chừng người mới hôm qua!...
Nào hay nghìn cổ cách xa,
Tài tình đến thế mà ra hão huyền!
Hoạ còn chút trong thuyền dấu cũ,
Cây đàn tranh mốc ủ trên phên,
Phím long, dây đã rỉ rền,
Còn nguyên trên gỗ ghi tên họ người.
Nàng xưa vốn một loài trăng gió
Cũng vì vương víu nợ cầm ca
Một đi lìa cửa lìa nhà,
Nắm xương tàn lạnh phương xa gửi nhờ.
Đêm nay hoạ có mình ta,
Đốt hương trầm cũ chờ ma dạo đàn.

6. Tình điên​


Mười bảy xuân em chửa biết sầu
Mối tình đưa lại tự đâu đâu...
Em xinh em đẹp, lòng anh trẻ,
Dan díu cùng nhau giấc mộng đầu.
Tình trong như nước biển trong xanh
Huyền ảo như trăng lọt kẽ mành;
Phơi phới như hoa đùa nắng sớm,
Rạt rào như sóng vỗ đêm thanh...
Hôm ấy trăng thu rụng dưới cầu,
Em cười, em nói suốt trăng thâu;
Yêu nhau những tưởng yêu nhau mãi,
Tình đến muôn năm chửa bạc đầu...
Ngày tháng trôi xuôi với ái ân...
Bên cầu lá rụng đã bao lần!
...
...
Tình ái hay đâu mộng cuối trời
Nhầm nhau giây lát hận muôn đời
Kẻ ra non nước, người thành thị,
Đôi ngả tình đi, người mỗi nơi.
Hôm nay ngồi ngóng ở bên song,
Ta được tin ai mới lấy chồng;
Cười chửa dứt câu, tình đã vội...
Nàng điên trên "gối mộng" người thương.
Ta mơ trong đời hay trong mộng?
Vùng cúc bên ngoài, đọng dưới sương
Ta dí đôi tay vào miếng kính,
Giật mình quên hết nỗi đau thương...
Ta hát dăm câu vô nghĩa lý;
Lá vàng bay lả vào buồng ta.
Ta viết dăm câu vô nghĩa lý;
Người điên xem đến hiểu lòng ta.

7. Giữa mùa gió thổi​

Hỡi em khăn đỏ bao nhiêu tuổi
Rằng em vừa đúng tuổi lên mười.
Hỏi ông tóc bạc bao nhiêu tuổi
Rằng: lão trời cho đúng tám mươi.
Em nói: Gió mùa xuân thổi
Áo đẹp rũ lên đường.
Lão nói: gió mùa xuân thổi
Gậy trúc cũng lên đường
Tiếng hỏi tiếng chào vang lối xóm
Pháo từng chiếc một đốt liền tay.
Mùa này quyết được hơn mùa trước.
Cứ gọi tung trời gậy lão bay...

8. Lại mùa phượng đỏ​

Chao ôi, phượng đỏ ngập trời
Tiếng ai như tiếng gọi "đò ơi!"
Đò về Mĩ Lợi,
Đò tới Qui Lai
Đò ơi, đò ngược đò xuôi
Cho ta về với những nơi hẹn hò.

9. Thu Hạ Long​

Đôi hài nhè nhẹ bước ra
Màn đêm cuốn lại, mặt hoa rạng dần
Mừng sương tan, khướu hót gần
Rừng xa thông vút điệu đàn hoà âm
Hút nhìn: Mặt nước lặng tăm
Cánh buồm soi bóng, lướt thầm trên gương
Em vừa khoác nhiễu lam sương
Đã vân tím nhạt, chuyển sang lụa đào
Buồm bay hay cánh hải âu?
Nắng vàng thu hay nắng đầu xuân tươi?
Biển, trời: Hai gái sinh đôi
Thuyền trôi hay chính núi trôi bập bềnh?
Cảnh sao thật, nét sao tranh?
Nét oai dáng hổ, nét thanh vẻ Kiều
Mỗi thoáng nhìn, một nét yêu
Một ngày xáo động biết bao tâm tình
Cảnh ơi! Sao đó với mình
Như chung chiếc võng một cành đung đưa
Tiếng còi vừa động "từng" xa
Mây ùn lại cơn dông qua ào ào
Lòng gương sóng dậy xôn xao
Bão chưa tan đã ánh sao đỉnh trời.

10. Trên bãi biển​

Thừa lương khách đã vắng,
Trời nước mênh mông, duy còn bốn mắt nhìn nhau lặng,
Trên cát, vô tình, vạch chữ: Vân,
Tay vạch vừa xong, sóng xoá dần...
Mỉm cười, Vân sẽ nói:
“Người yêu Vân hỡi!
Sao người lại quá điên?
Thân này cũng diệt, nữa còn tên?”
Hẳn tưởng nghìn thu, nhờ bãi cát,
Tan tác, nào hay, vì sóng bạc.
Cuộc trăm năm đừng có đa mang:
Tình nhân chung kiếp dã tràng.
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.