Một thời đã rất xa đọng mãi

Một thời đã rất xa đọng mãi

Buổi đầu của lớp học vỡ lòng
Năm 1972, tôi vào học lớp mẫu giáo. Thời ấy, chiến tranh chưa kết thúc. Thi thoảng vẫn tiếng gầm rú của máy bay Mỹ trên bầu trời. Hễ nghe tiếng kẻng liên hồi vang lên là chúng tôi bị lùa xuống hào trú ẩn ấn mà tôi khắc ghi mãi trong đời buổi cắp sách đi học lớp Vỡ lòng tại trung tâm nhà trẻ làng đóng tại ngã tư thuộc đội sản xuất 10 của làng Dương Hòa. Miền quê thuở ấu thơ, tôi và chúng bạn cùng người thân gắn bó với bao nhiêu “ nỗi vui buồn giấu trong sự vất vả, thấm giọt mồ hôi mặn mà ấm áp tình làng, nghĩa xóm gợi thương, gợi nhớ lao xao”.
Ngày ấy, mẹ tôi dẫn tôi đi học trên con đường làng, nước mắt tôi giàn giụa chảy mỗi khi bước những bước đi lúc chầm chậm, khi vội vàng vào lớp. Bị ăn đòn roi nhiều cũng vì “ mít ướt” đeo túi đi học. Không biết sao mà lại sợ đến như thế! Không chỉ riêng tôi mà cái Năm, Sáu nhà ông bà Gần, cái Thu, cu Hòe nhà chị Ngọc Sự. Thằng Tuấn nhà bà Xa... cũng thế! Nhưng cái Năm, Thu, Sáu là con gái nên chúng nó dịu dàng một chút chẳng ai mà bắt nạt được. Còn mấy đứa con trai ngày nào cũng ỏm tỏi náo loạn con ngõ nhỏ bởi tiếng gào khóc. Người ta cứ tưởng nhà ai đó “ cơm không lành, canh chẳng ngọt” ẩu đả nhau mỗi sáng. Lũ chó tưởng gì sủa ầm lên. Hóa ra chúng tôi đi đến trường làng mà sợ bị anh Chiến Đỉnh gần trường bắt nạt. Nỗi sợ ấy hết khi người lớn can ngăn và thế là … không còn nữa. Quen dần, chúng tôi tự rủ nhau tới lớp. Lớp học đơn sơ nhưng sạch sẽ. Một khuôn viên được xây dựng thành 2 khu. Khu nhà ngang là dành giữ trẻ. Dường như chẳng khi nào vắng tiếng khóc của mấy đứa nhỏ còn đang nằm nôi tập nói, tập đi. Khu nhà dọc chạy song song với con đường đất là ba lớp học vỡ lòng dành cho chúng tôi. Lớp học của tôi ngăn vách đan bằng tre đóng khung chắn xung quanh. Trong lớp khoảng 10 bộ bàn ghế gỗ xoan kê đá tảng, mỗi bàn là 2 đến 4 đứa ngồi học. Chiếc bảng đen bằng gỗ dựng trên vách đóng hai miếng ván nhưng không được khít lắm mà hở nhìn thấy vách phía sau.​
919E137E-B0F8-426E-8152-831BDEE78A7A.jpeg

( Học vỡ lòng - Văn học trẻ - ảnh Internet)
Nền phòng học không hiểu sao mà nền đất trơn bóng như láng xi măng Hải Phòng. Bạn bè tôi đông lắm. Chúng tôi được học với cô Khanh. Cô là cô giáo đầu tiên cho tôi biết được con chữ và biết đọc, biết viết. Những bài học đầu tiên chúng tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ. Sau mỗi tiết học, là thời gian giải lao. Nhìn xuống cái ao làng trước mặt là cứ muốn xuống tắm nhưng người lớn đã rào cẩn thận phòng chúng tôi không mảy không may sa chân thì “ chết đuối”. Thi thoảng vẫn loáng thoáng nhiều đứa bên kia ao bì bõm tắm, vùng vẫy dưới làn nước ao thỏa thích.
Cách học thời đó khác nhiều so với bây giờ nhưng dễ nhớ, dễ đọc và thấm sâu vào lòng, vào dạ. Những bài trong sách tập đọc như: con ong chăm chỉ, chó bảo gà, con quạ khôn ngoan, hai con dê qua cầu...đứa nào cũng thuộc không sót lấy một từ. Không hiểu sao mà chúng tôi giỏi thế. Học tới bài nào là thuộc làu làu như cháo nhuyễn. Sách học có ba cuốn: tập đọc tập 1,2,3 của Nhà xuất bản Giáo dục năm 1973. Giờ này tìm không ra nổi cuốn sách thời đó nữa nhưng vào Internet hỏi Gu gồ biết tất tần tật bởi năm tháng đã quá xa.
Những tháng năm học trường xã
Học hết Vỡ lòng mới được lên cấp I học. Ngôi trường cấp I, II xã Thiệu Hưng nằm cạnh quốc lộ, nhựa trải phẳng lì. Tôi nhớ rất rõ về buổi học đầu tiên trên ngôi trường mới. Nói là ngôi trường mới chứ trường đã có tự bao giờ rồi. Cô Khanh và cô Minh dắt chúng tôi đi theo hai hàng. Tay đứa này nắm tay đứa kia rảo bước. Ôi chao ơi! Sao mà đi học xa thế! Đi mãi... đi mãi...mới tới nơi. Chúng tôi ngạc nhiên là khi buổi đón “ lớp vỡ lòng” vào học sao trang trọng quá. Tiếng trống ếch của các anh chị lớp lớn khua vang làm chúng tôi choáng ngợp với cái không khí rộn ràng, trang nghiêm. Học sinh đông lắm, xếp hàng ngoài sân như một rừng người. Cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ được trang hoàng lộng lẫy. Hình như là lễ khai giảng. Cô Khanh và cô Minh giao lại chúng tôi cho một cô giáo khác rồi chờ để dắt chúng tôi về trường làng cũ căn dặn: Từ nay, các em sẽ không học ở đây nữa mà đi học ở trên ngôi trường hồi sáng nhé!
Xa trường làng, ban đầu đứa nào cũng luyến tiếc nhưng không bị lưu ban là hạnh phúc cho cha mẹ nhiều. Và từ đó, chúng tôi phải xa cô... Một trang vở lại được sang trang mới.
Tôi được xếp vào lớp 1G, lớp học do cô Liễn chủ nhiệm. Lớp học đông lắm tầm cỡ 36 đứa được xếp lẫn với học sinh hai làng Kiến Hưng và Trí Cẩn. Ban đầu, còn bỡ ngỡ, rụt rè chưa quen bè, quen bạn. Về sau quen dần và thích nghi với môi trường, đứa nào đứa nấy hoan hỉ và chăm chỉ học tập. Trường tôi rộng lắm, được xây kiên cố thành 3 dãy xếp hình chữ U thuộc hai cấp học: cấp I và II. Chúng tôi bị học buổi chiều do cấp học nhỏ để tránh cái lạnh mùa đông. Chỉ các anh chị cấp II học buổi sáng. Giờ ra chơi ngộ nhỡ lỡ đà chạy chơi xa là trống vào lớp chạy không kịp nên đứa nào chỉ quanh quẩn chơi trước lớp.
Thoắt cái, cũng hết một cấp học rồi chúng tôi tốt nghiệp lên học cấp III. Như một quãng đường dài đi không hết, thời gian trôi nhanh và lưu giữ lại trong quá khứ. Kỉ niệm thời đi học xa dần thành kí ức khó quên. Đôi khi trong mỗi giấc mơ tôi vẫn bắt gặp thấy mỗi lần đi học với chúng bạn là đằng khác. Đời học sinh khép lại nuối tiếc. Một trang vở nữa lại mở ra.
Gặp lại con người một thời làm chúng tôi bị đòn roi
Tràng cười giòn tan, sang sảng vô tư mà mộc mạc đậm chất quê, anh Chiến Đỉnh nhìn chúng tôi kể ra không sót những lần hăm dọa bọn trẻ để rồi cuộc ẩu đả xảy ra Anh kể một cách tự nhiên làm cho ai cũng cười chảy nước mắt. Uống hớp nước chè Thái Nguyên ngọt vào miệng rồi lại móc túi thuốc lào Vĩnh Bảo se tròn bỏ vào cái nỏ điếu bật hộp quẹt ga rít sâu điếu thuốc thật mạnh nhả khói thuốc lan khỏi miệng anh liến thoảng “ ai bảo bay đông quá, tao sợ bay đánh thì một mình tao thua nên tao làm vậy đấy!” A...a..a thì ra là như thế! Mấy đứa trẻ nhỏ ngồi nghe chúng tôi kháo nhau chuyện ngày xưa cười lăn lóc ra cái chiếu cói Nga Sơn trải ngoài sân gạch nhà tôi. Thi thoảng chúng nhìn cái mặt ông Chiến mà tủm tỉm cười sảng khoái, sai việc gì cũng làm nhưng cười vui không ngớt.
Thuở ấu thơ như thế đấy. Những khu học ấy nay đã là nơi sinh hoạt của bà con quê tôi mỗi độ xuân về. Cái ao làng vẫn còn đó, thả mắt nhìn tôi cảm thấy mình đã già đi nhiều. Cái Thu, cu Hoè nhà chị Ngọc, cái Năm, Sáu nhà ông bà Gần và cu Tuấn nhà bà Xa đã là ông, bà của những đứa trẻ bây giờ. Và tôi vẫn ở xa quê hương, lâu lâu mới về thăm nhắc lại chuyện xưa lòng dâng tràn niềm xúc động.
Bài của Phùng Văn Định​
 
Từ khóa
kí ức thuở xa vỡ lòng
  • Love
Reactions: Hoa Phù Sa
1K
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top