Nhà Mưa Hà Nội ướt mềm những chênh chao

Nhà Mưa Hà Nội ướt mềm những chênh chao

T.Thảo
T.Thảo
  • Thành Viên 18
Mưa!

Từng hạt rơi lộp độp xung quanh căn phòng nhỏ. Yên ắng quá! Mưa lạnh. Cái lạnh luồn qua khe cửa sổ mang theo chút ẩm ướt làm người ta vội rùng mình tái tê. Cái lạnh đôi khi chỉ vì hơi mát cơn mưa, cái lạnh của gió hay cái lạnh trong con tim khắc khoải, lạnh vì nhớ mông lung một điều gì khó gọi thành tên.

Tôi trằn trọc không sao ngủ được. Tôi bật dậy pha một ly cà phê lúa mạch. Hơi ấm lan từ bàn tay lên khắp cơ thể rồi tỏa ra khắp phòng, như thể đã xua đi một phần hàn khí lạnh căm. Hương thơm dìu dìu xoa nhẹ cánh mũi, lấn át của mùi mưa. Nhấm từ ngụm ấm nóng vào cổ mà vị đắng ở đâu cứ như nuốt trọn cả thân thể tôi. Sao người ta bảo cà phê lúa mạch không đắng? Chà! Một làn khói mỏng. Hà Nội những ngày cuối thu. Lại một đêm không ngủ...

Ngoài kia mưa vẫn đang vần vũ bầu trời đen kịt. Mấy giọt đi lạc vào ô cửa sổ trong suốt, làm nhòe đi những ánh điện của thành phố. Hà Nội vẫn sáng đèn đây thôi, chỉ là sự ồn ào thường nhật thì đâu chẳng thấy. Tôi đưa mắt xuống dòng đường vắng những bóng xe. Tiếng chổi tre cũng chìm vào u tịch. Chỉ thấy những áo xanh nghiêm túc ngồi bên góc đường canh gác giấc ngủ bình yên cho mọi người. Có chú khẽ ngáp dài, có người khẽ run run, người tựa vào vai đồng đội chìm vào giấc ngủ ngắn rồi bỗng giật mình tỉnh giấc mỗi lần xe cấp cứu hú còi đi qua. Những ngày Hà Nội giãn cách, những ngày Hà Nội vì Covid mà căng mình chống dịch.

Từ ngày giãn cách xã hội, cuộc sống của tôi trở nên tẻ nhạt, nhàm chán, mệt mỏi. Mọi thứ đảo lộn. Tôi cũng thường thức giấc đêm khuya. Trong thành phố rộng lớn cũng có biết bao người đang thao thức. Thức để chống dịch, thức để làm việc, vì thất tình, xem phim, chơi game hay giản đơn là không ngủ được. Chỉ biết rằng, thành phố này, lại có thêm một người thức trắng đêm. Tôi bước đến chiếc sofa, ngồi tựa đầu vào thành ghế và nghĩ về những điều đã xa...
Dòng sữa mẹ thấm ngọt bờ môi, vị thấm ngọt chảy vào đời đứa con bé bỏng còn nằm trong nôi. Những trưa hè ả oi, con ve sầu mệt lả núp mình trong mấy gốc cây khô, mẹ phe phẩy quạt mo, đưa cơn gió mát lành vào chiêm bao. Giấc mơ trưa của con có cô Tấm, bà tiên, có tiếng mẹ ru dịu dàng:

“ ...À a à ơi
Trưa hè bên chiếc võng ơ đưa
Mẹ ru con ngủ ơ, ơ giữa trưa bóng tròn.
À a à ơi
Đức mẹ nặng nề là con nhớ công cha
Là công cha đức mẹ có ơ nặng nề...”

Những câu hát ấy hơn chục năm nay chưa từng nghe lại một lần. Có lẽ đã dần phai mờ trong tâm thức. Vậy mà đêm mưa đã đem nó về, một thoáng bồi hồi, làm ấm lòng người con xa xứ.

Nhớ bao lần trốn mẹ đi chơi cùng mấy đứa bạn trong xóm để cùng đùa nhau trên một dải sông làng. Con sông ấy như sợi chỉ bạc nối kết quê hương, thêu dệt bao kỷ niệm thời trẻ dại. Chúng tôi thỏa sức tắm mình trong dòng nước mát, hò hét nhau bắt mấy con cá bống luồn lách ở kẽ đá. Mệt lả rồi thì ngồi dưới bóng tre nhìn lên bầu trời. Dường như con mắt ngày ấy có thể nhìn xuyên qua tấm màn xanh thẳm kia. Không biết, bên ngoài bầu trời sẽ là thế giới như thế nào nhỉ? Có đầy ấm áp và bình yên? Có mây trắng đuổi nhau? Có mộng mơ cánh chim trời vụt qua tầm mắt? Ai mà biết được, ngay cả bây giờ. Chỉ nhớ rằng, nơi ấy có những tiếng cười thơ ngây, cũng có giọt nước mắt tủi hờn. Chỉ cầm đắm mình xuống dòng sông, nó sẽ cuốn đi tất cả phiền muộn, ưu tư.

Chúng tôi chạy đuổi trên những cánh đồng đầy rơm rạ, hoang hoải đến những típ tắp ngoài xa, dang tay vuốt ve những bông lúa trổ đòng sực nức mùi cốm sữa, cứ ngào ngạt và đầy mê luyến. Ngồi trên đám cỏ tết nhẫn, tết vòng hoa rồi đứa nào cũng cười lí lắc. Đó chính là ước vọng tuổi thơ về cuộc sống đầy đủ, về manh áo mới, về bữa cơm no, những cuốn tập khi năm mới cần kề. Khi ấy nắng khẽ khàng ươm da, gió lùa qua mái tóc. Lũ trẻ đi mòn cả nẻo đường quê, cứ đi, hòa mình vào trời đất, quyện vào hồn quê lúc nào chẳng hay. Thế mà cứ mãi mong một mùa nghỉ hè, một mùa ve kêu, một cơn gió lộng để mà ngồi thả hồn giữa một khoảng đất đầy hoa dại.

Tôi còn tham gia một trò chơi liều mạng khấn gọi ma quỷ mà dân gian gọi là “ ma lon ”. Để một cái lon, vài cây kẹo cùng ba nén hương là hoàn tất công đoạn chuẩn bị. Dù hãi sợ nhưng không đứa nào chịu bỏ đi, chúng tôi bấu víu vào vai áo nhau, vươn mắt tò mò nghe bọn con trai đọc “ kinh khấn “. Rồì một, hai, ba... bọn tôi vừa hét vừa chạy tán loạn sợ bị ma trói chết. Nhưng... chạy cả buổi, chạy tới lúc hoàng hôn gõ cửa trời cũng chẳng thấy ma đâu. Dưới ánh chiều đỏ rực, bóng chúng tôi như hòa vào nhau, cười nắc nẻ trong tiếng sáo diều vi vu của mục đồng vắt vẻo lưng trâu, tiếng của các bà, các mẹ đi làm đồng về. Ấy mà khi bóng tối bao trùm vũ trụ, tôi vẫn sợ một thứ gì siêu nhiên, nhân lúc tôi ở một mình mà bắt đi mất. Bây giờ thứ quỷ ma kia chẳng còn làm tôi phải run mình. Nhưng tôi cũng nhận ra có thứ đáng sợ hơn, đó chính là những bề bộn, những lo toan cuộc sống. Phút giây ít ỏi mà đáng yêu ấy, biết tìm đâu?

Những hồi ức cứ ùa về tâm trí tôi như một thước phim quay chậm, làm lòng này cứ quay cuồng với bao cảm xúc ngổn ngang. Rồi tôi nhận ra ngày xưa ngọt ngào như viên kẹo đường. Những viên kẹo đầy màu sắc, hương thơm và vị ngọt đan xen nhau trong khoang miệng, tôi muốn ngậm mãi không thôi. Là những tháng vô lo vô nghĩ, không quá ngắn, cũng chẳng đủ dài, chỉ vẹn tròn những cảm xúc đắm say. Đến giờ tôi mới nhận ra, thưở xưa dẫu nhiều thiếu thốn mà giàu niềm vui, trong sáng như trời xanh chưa từng vướng bụi. Kỷ niệm xinh tươi như làm cho người ta trẻ lại, tôi chợt nở một nụ cười ngây ngô, nụ cười thương mến ngày thơ ấu.

Có lẽ giờ đây, lòng tôi đang chờ một chuyến tàu bắc ngang để trở về những ngày xa xưa lắm. Tôi chỉ mong một chuyến tàu để đi mà không cần quay lại. Tôi mong một tấm vé hạng trung thôi mặc tháng năm cứ ngày thêm dài rộng. Và dẫu thời gian chẳng hề biết đợi tôi vẫn khao khát một tiếng ru, một dòng nước, một ánh chiều lam quyện hồn vào thương nhớ, để được vui, được sợ, được ngây thơ thêm lần nữa. Mà khó thật đấy! Bởi chúng ta đều lớn rồi. Lớn thế rồi mà chẳng tìm được người lái tàu, người bán vé bởi chẳng ai có thể cho tôi trở về.

Đã bao lâu rồi nhỉ? Những ký ức này đã bao lâu tôi chưa từng nghĩ đến? Giờ tự nhiên lại cảm thấy xót xa. Có phải do vòng xoáy cuộc đời cứ cuốn ta đi mãi xa, những bề bộn toan tính đã làm ta chẳng còn nhớ gì về tuổi thơ nữa? Há chăng nếu không có những nốt trầm như đêm nay, ta sẽ chẳng bao giờ nghĩ mình có những hồi ức tươi đẹp ấy? Tôi đọc thầm bài thơ của Nguyễn Duy:

“ ...Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường... ”
( Ánh trăng)

À! Khi con người có cuộc sông đầy đủ, hiện đại, người ta dễ quên đi quá khứ gian lao mà tươi đẹp, quên đi những tri kỷ mình đã từng rất thương yêu. Có lẽ không thứ gì là mất đi cả, chỉ là lòng người đã đổi thay. Tôi đã hiểu tường tận những áng văn chương ngày xưa từng học. Tôi đã hiểu rằng những hồi ức dấu yêu kia vẫn còn vẹn nguyên trong ngăn tủ dẫu nhiều cũ kỹ, ta chỉ cần phủi một lớp bụi, nó vẫn đẹp như ngày đầu tiên. Tôi chợt thấy thổn thức trong lòng. Chắc là bây giờ, cũng có biết bao kẻ xứ người nhớ quê, nhớ nhà, nhớ những kỷ niệm tuổi thơ và nhận ra bản thân mình đã vô tâm lãng quên đi những điều quan trọng.

Tôi với tay lấy bức ảnh đã lâu không chùi rửa. Qua tấm kính mờ tôi thấy gương mặt mẹ cha hiện lên đầy thương mến. Đó là bức ảnh cả nhà tôi chụp lúc tôi lên đường đi Đại học. Tôi vuốt tay lên những nếp nhăn nhọc nhằn của mẹ cha, những vết chân chim hằn in vất vả của năm tháng. Cha một đời oằn vai gánh nặng, mẹ một đời đôi dép lạc bàn chân. Thân cò gầy khó nhọc ngược xuôi chỉ mong con được thành tài, có được cuộc sống sung túc. Hai con người ấy có bao giờ nghĩ cho bản thân mình đâu, bởi tình yêu đã gom hết cho đứa con này. Công lao ấy, ân tình thiêng liêng ấy biết lấy chi đáp đền!

Bây giờ tôi cũng biết được nụ cười ngày chia tay lại đong đầy nước mắt, nhưng là nước mắt nuốt vào trong không biểu hiện. Câu nói “ Con lên đường mạnh giỏi! “ sau cái ôm thắm thiết của mẹ cha thực ra là lời luyến lưu không buông, chẳng muốn con xa rời . Đến giờ tôi mới hiểu cái cảm giác ngắm nhìn một thứ gì đấy mà ta luôn khao khát, một thứ gì đấy ở trong tầm tay ta thôi, nhưng không thể nào với tới được. Thấy thương quá đi thôi! Thấy nhớ cha mẹ quá đi thôi!

Covid như này chắc là ai cũng khổ lắm! Người mỏi mệt chống dịch, người lo lắng mưu sinh, người ngóng đợi gia đình qua từng giờ tin tức... còn tôi chênh chao nỗi nhớ nhà. Dịch bệnh cướp cuộc sống bình yên của chúng ta, làm xa xót bao bóng áo trắng căng mình, xót bao nước mắt tiễn người ra đi. Khiến cho những người cha, người mẹ thất hứa với đứa con không thể về cùng đón sinh nhật, khiến cho bao người đau đớn vì mất đi người người thân, khiến kẻ khát quê không về được nữa. Mong sao Covid mau đi, dịch bệnh biến mất để ta có thể yên lòng, để có thể làm những điều mình muốn, đề đắp bù những vô tâm.

Tôi lấy chiếc smartphone soạn một dòng tin nhắn: “ Bố mẹ ơi, đợi Hà Nội khỏe rồi con sẽ về... “. Nhưng tôi chỉ để đấy thôi, không gửi. Tôi thừa biết giờ này bố mẹ tôi không ngủ được, vẫn thao thức với vô vàn nỗi âu lo. Nhớ tôi đấy thôi! Nhưng chẳng dám gọi vì sợ giấc ngủ tôi không tròn. Thôi việc gì thì cứ để ngày mai. Tôi tin rằng, khi mặt trời ló rạng, thành phố này sẽ tốt hơn một chút.

Đêm nay quả thực vẫn rất dài...




6138
 
937
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top