Một làn gió lạ chen vào tiết trời mùa thu xua đuổi ánh nắng yếu ớt của ông mặt trời vào mấy đám mây đang bảng vảng trên trời. Lúc thì ló rạng ra, khi thì bị che khuất trốn lờ mờ, lờ mờ ẩn hiện trong màn mây mỏng bay tứ tung như bị làn khói trời vây đuổi. Hình như nàng thu đang bị lấn dần bởi cô mùa đông thì phải. Hơi mát của gió thu như tan dần, tan dần rồi mất hẳn. Tiếc nuối đến ngỡ ngàng khi mọi vật xung quanh của mùa thu ở lại giấu vào trong không gian xa xôi.
Mùa đông, gió Đông Bắc mang hơi lạnh tràn về. Hơi ẩm đang lấn chiếm không gian khắp mọi nơi. Cảnh vật đổi thay khi thời tiết chuyển mùa. Mấy cây xoan già trước khi mùa đông về, lá từ màu xanh đã ngả sang màu vàng, chỉ cần chớm rét là lá sẽ tự lìa cành rụng xuống gốc cây, để lại cành khẳng khiu tưởng bị chết khô vươn tay đón cái lạnh vào người đến hiu hắt. Có lẽ cơn gió mạnh xô tới thì cành xoan ngã đổ. Nhưng không, những cành cây đó sẽ đón chào mà không cần sự trợ giúp đặc biệt nào chống lại những cơn thịnh nộ gió mùa đông bắc đến kiên cường.
(Đông về - Văn học trẻ. Ảnh sưu tầm)
Khi đông về, trời không biết mây đen ở đâu cứ vùn vụt theo làn gió thổi giăng bốn bề. Bầu trời đang cao bỗng chốc như sập xuống, xung quanh lờ mờ, trời tối hẳn lại, cuốn bụi bay tung mù khắp không gian. Chân núi phía xa cánh đồng không còn nhìn rõ như mấy hôm trước nữa. Thời tiết khác đi rất nhiều. Mùa đông lan tràn rải khắp làng mạc, thôn xóm. Mưa lất phất rơi xuống. Ban đầu, gió lùa mây giăng khắp trời rồi cùng bắt tay tạt mưa mỗi lúc một nặng hạt. Trong cơn mưa, gió lùa trong không gian rung cây cối, lá vàng rụng rải khắp ngõ thôn xóm, làng quê, thỉnh thoảng im lìm rồi lại kéo dài, tăng mạnh. Gió thốc vào người lạnh buốt làm người ta có cảm giác như ai đó dội một cốc nước đá bất ngờ đến rùng mình. Mùa đông đang bắt đầu và không biết đến khi nào trời mới ấm lại. Mùa đông về trong ba tháng, từ đầu tháng Mười cho đến hết tháng Mười Hai dương lịch. Từng đợt gió mùa Đông Bắc tràn về tận đẩu, tận đâu nơi miền núi phía Bắc. Mỗi đợt như thế kéo dài trong bao lâu là còn tùy thuộc vào thiên nhiên. Tôi chỉ biết thưởng thức mùa đông trong tâm tưởng của trẻ thơ được sống trong khung cảnh ấy với thời khắc và những kỉ niệm vơi đầy của ngày đông từ năm này qua năm khác.
Gió bắt đầu thổi tràn qua cánh đồng làng quê tôi len lỏi vào thôn xóm bởi ngày hôm trước trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã dự báo: “Hiện nay có một bộ phận không khí lạnh đang tràn xuống các tỉnh miền Bắc nước ta. Đêm nay và ngày mai trời trở rét”. Đây là thông điệp được truyền đi trên sóng phát thanh quê tôi để ai ai cũng biết mà còn lo tránh rét.
Gió mùa Đông Bắc khác hẳn với gió Đông Nam mát mẻ ngày hè và ngược với gió Tây Nam nóng rát là thổi lành lạnh, làm cho tiết trời khô ẩm. Gió thổi những cây cỏ may bên đường như bong tróc hết hoa bay theo làn hướng về phía Đông Nam. Gió vỗ liên hồi mặt nước ao làm trôi dạt đám bèo tổ ong né vào bờ như trốn tránh. Gió làm những tàu lá chuối trong vườn quật điên đảo đến rối bù. Gió rung cành xoan già trụi lá run rẩy với trời đông heo hắt. Và khoảng trời như bí xị với mọi người, mọi vật muốn trút cơn giận cho bõ tức khi gió thổi nhiều hơn vì không được ánh nắng vàng rọi vào. Gió rít mỗi lúc một mạnh, khoảng không của cánh đồng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Gió thổi hướng bắc phả tạt những cơn dài vào mặt rất hung tợn. Nếu biết cách để trốn nó chỉ có những ụ đất cao, kênh đào khô nước, ống cống bắc qua một con mương nào đó là ấm và an toàn nhất. Trời vẫn miên man lạnh. Càng về chiều thì gió thổi càng mạnh hơn. Hơi ẩm lồng vào các khoảnh ruộng làm cho không gian như vắng lặng, buồn tênh. Thấp thoáng xa xa vài người nông dân trùm khăn kín mặt, đội nón lá chất đống rạ khô đốt khói bay mù mịt một khoảng đồng. Những khoảnh ruộng mùa đông chỉ còn rạ mọc măng sót lại dành cho trâu bò ra đồng thưởng thức. Chúng tôi rủ nhau đi chăn dắt ở cánh đồng xa nhất. Thả trâu, bò xong, cả nhóm tụ lại chơi nhiều trò chơi dân gian đầy thú vị vơi đi cái lạnh. Bày ra đủ thứ để chơi cho khuây khỏa mà vui như: đánh khăng, bắn bi, đánh bài tam cúc rồi tú lơ khơ. Đứa nào thua trận thì bị một cái cú lên đầu đau điếng đến nhớ đời hay quỳ gối dưới cỏ, lằn đỏ gối. Cứ thế, ngày này qua ngày khác in hằn vào kí ức.
Thời gian dài trôi qua, tôi cũng chẳng còn được đón những cơn gió đông ấy nữa. Bao nhiêu mùa đông qua đi là bấy nhiêu mùa tôi không còn được cảm nhận hơi huống gió lạnh về nhưng cũng không quên được kí ức cùng bạn bè chơi trò chơi dân gian ngoài cánh đồng ngày ấy. Nhớ cái cú đầu đau, nhớ ruộng đồng lao xao mùa gió và nhớ người thân giờ ở những nơi nào xa thăm thẳm cuối trời yên giấc ngủ nghìn thu.
Bài của Phùng Văn Định
Mùa đông, gió Đông Bắc mang hơi lạnh tràn về. Hơi ẩm đang lấn chiếm không gian khắp mọi nơi. Cảnh vật đổi thay khi thời tiết chuyển mùa. Mấy cây xoan già trước khi mùa đông về, lá từ màu xanh đã ngả sang màu vàng, chỉ cần chớm rét là lá sẽ tự lìa cành rụng xuống gốc cây, để lại cành khẳng khiu tưởng bị chết khô vươn tay đón cái lạnh vào người đến hiu hắt. Có lẽ cơn gió mạnh xô tới thì cành xoan ngã đổ. Nhưng không, những cành cây đó sẽ đón chào mà không cần sự trợ giúp đặc biệt nào chống lại những cơn thịnh nộ gió mùa đông bắc đến kiên cường.
(Đông về - Văn học trẻ. Ảnh sưu tầm)
Khi đông về, trời không biết mây đen ở đâu cứ vùn vụt theo làn gió thổi giăng bốn bề. Bầu trời đang cao bỗng chốc như sập xuống, xung quanh lờ mờ, trời tối hẳn lại, cuốn bụi bay tung mù khắp không gian. Chân núi phía xa cánh đồng không còn nhìn rõ như mấy hôm trước nữa. Thời tiết khác đi rất nhiều. Mùa đông lan tràn rải khắp làng mạc, thôn xóm. Mưa lất phất rơi xuống. Ban đầu, gió lùa mây giăng khắp trời rồi cùng bắt tay tạt mưa mỗi lúc một nặng hạt. Trong cơn mưa, gió lùa trong không gian rung cây cối, lá vàng rụng rải khắp ngõ thôn xóm, làng quê, thỉnh thoảng im lìm rồi lại kéo dài, tăng mạnh. Gió thốc vào người lạnh buốt làm người ta có cảm giác như ai đó dội một cốc nước đá bất ngờ đến rùng mình. Mùa đông đang bắt đầu và không biết đến khi nào trời mới ấm lại. Mùa đông về trong ba tháng, từ đầu tháng Mười cho đến hết tháng Mười Hai dương lịch. Từng đợt gió mùa Đông Bắc tràn về tận đẩu, tận đâu nơi miền núi phía Bắc. Mỗi đợt như thế kéo dài trong bao lâu là còn tùy thuộc vào thiên nhiên. Tôi chỉ biết thưởng thức mùa đông trong tâm tưởng của trẻ thơ được sống trong khung cảnh ấy với thời khắc và những kỉ niệm vơi đầy của ngày đông từ năm này qua năm khác.
Gió bắt đầu thổi tràn qua cánh đồng làng quê tôi len lỏi vào thôn xóm bởi ngày hôm trước trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã dự báo: “Hiện nay có một bộ phận không khí lạnh đang tràn xuống các tỉnh miền Bắc nước ta. Đêm nay và ngày mai trời trở rét”. Đây là thông điệp được truyền đi trên sóng phát thanh quê tôi để ai ai cũng biết mà còn lo tránh rét.
Gió mùa Đông Bắc khác hẳn với gió Đông Nam mát mẻ ngày hè và ngược với gió Tây Nam nóng rát là thổi lành lạnh, làm cho tiết trời khô ẩm. Gió thổi những cây cỏ may bên đường như bong tróc hết hoa bay theo làn hướng về phía Đông Nam. Gió vỗ liên hồi mặt nước ao làm trôi dạt đám bèo tổ ong né vào bờ như trốn tránh. Gió làm những tàu lá chuối trong vườn quật điên đảo đến rối bù. Gió rung cành xoan già trụi lá run rẩy với trời đông heo hắt. Và khoảng trời như bí xị với mọi người, mọi vật muốn trút cơn giận cho bõ tức khi gió thổi nhiều hơn vì không được ánh nắng vàng rọi vào. Gió rít mỗi lúc một mạnh, khoảng không của cánh đồng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Gió thổi hướng bắc phả tạt những cơn dài vào mặt rất hung tợn. Nếu biết cách để trốn nó chỉ có những ụ đất cao, kênh đào khô nước, ống cống bắc qua một con mương nào đó là ấm và an toàn nhất. Trời vẫn miên man lạnh. Càng về chiều thì gió thổi càng mạnh hơn. Hơi ẩm lồng vào các khoảnh ruộng làm cho không gian như vắng lặng, buồn tênh. Thấp thoáng xa xa vài người nông dân trùm khăn kín mặt, đội nón lá chất đống rạ khô đốt khói bay mù mịt một khoảng đồng. Những khoảnh ruộng mùa đông chỉ còn rạ mọc măng sót lại dành cho trâu bò ra đồng thưởng thức. Chúng tôi rủ nhau đi chăn dắt ở cánh đồng xa nhất. Thả trâu, bò xong, cả nhóm tụ lại chơi nhiều trò chơi dân gian đầy thú vị vơi đi cái lạnh. Bày ra đủ thứ để chơi cho khuây khỏa mà vui như: đánh khăng, bắn bi, đánh bài tam cúc rồi tú lơ khơ. Đứa nào thua trận thì bị một cái cú lên đầu đau điếng đến nhớ đời hay quỳ gối dưới cỏ, lằn đỏ gối. Cứ thế, ngày này qua ngày khác in hằn vào kí ức.
Thời gian dài trôi qua, tôi cũng chẳng còn được đón những cơn gió đông ấy nữa. Bao nhiêu mùa đông qua đi là bấy nhiêu mùa tôi không còn được cảm nhận hơi huống gió lạnh về nhưng cũng không quên được kí ức cùng bạn bè chơi trò chơi dân gian ngoài cánh đồng ngày ấy. Nhớ cái cú đầu đau, nhớ ruộng đồng lao xao mùa gió và nhớ người thân giờ ở những nơi nào xa thăm thẳm cuối trời yên giấc ngủ nghìn thu.
Bài của Phùng Văn Định