Nhà Muốn có một mái nhà bình yên

Nhà Muốn có một mái nhà bình yên

T.Thảo
T.Thảo
  • Thành Viên 18
Sau một trận mưa đêm rả rích, sáng nay mây đen cũng kéo nhau về chốn nào, để lộ bầu trời trong xanh như được gột rửa sạch sẽ. Ánh nắng đầu ngày vươn cao xua tan những những ảm đạm của đêm mưa, những u tịch của tháng ướt.

Trên con đường đất lầy lội, Hòa thất thểu đi về phía chợ. Cô bé gầy gò đến nỗi hai má hóp lại, mái tóc chỉ dài đến ngang lưng, nước da hơi ngăm và đôi mắt vô hồn. Hòa mặc tấm áo nâu còn ẩm – có lẽ là do cơn mưa đêm qua, mang đôi dép cao su rộng quá cỡ chân, trên lưng còn đeo cái bọc màu trắng.

- Mẹ kiếp, mày dám dở trò ở địa bàn của tao hả? Thằng chó.

Tiếng mắng chửi thô tục phát ra trong một con hẻm tối tăm. Hòa đến gần hơn thì thấy có ba người đàn ông còn trẻ nhưng trông mặt dữ tợn đang giáng những cú đấm thật mạnh vào một kẻ nhỏ con khác. Tiếng kêu, tiếng chửi rủa, tiếng tra tấn từ da thịt kèm những vết máu nơi khóe miệng người đàn ông khiến Hòa chợt rùng mình. Đây chính là cảnh tượng mà cô thấy mấy ngày hôm trước, những cảnh tượng thật kinh khủng. Tiếng xin lỗi, tiếng kêu cứu xin tha đập thẳng vào não Hòa làm đầu cô trở nên choáng váng. Không thể chịu nổi cảnh này nữa, Hòa lấy hết can đảm dang tay đứng chắn trước con người tội nghiệp kia. Chân cô run lẩy bẩy, gắng gượng thét lớn:

- Mấy người làm cái gì vậy? Đánh... đánh người là phạm pháp, sẽ bị bắt đi tù...

- Con bé nào đây. Không phải chuyện của mày. Cút đi.

Nói rồi người đàn ông đẩy Hòa ra xa. Bùn đất trơn làm cô bé ngã một cái đau điếng. Không gian trở nên mơ hồ. Lúc này, cô chỉ còn cảm nhận được thứ mùi hôi tanh nồng nặc bốc lên, chỉ còn thấy bóng tối đang dần kéo đến.

- Sao mày lại ra tay với trẻ con hả?

- Bọn em... bọn em đâu có. Đấy là nó tự...

- Im mồm!

“ Giọng nói này là... “. Hòa rơi vào bất tỉnh.

Lũ côn đồ kia vội vàng kéo nhau ra khỏi ngõ sau tiếng mắng chửi của người đàn ông. Hắn quay về phía mặt đất thấy tấm thân nhỏ bé nhem nhuốc bùn đất đang nằm bất động. Nhìn khuôn mặt héo hon tội nghiệp, hắn thở dài một tiếng rồi bế Hòa về nhà.

Hòa mơ màng tỉnh dậy với cơn đau đầu dữ dội, cả người ê ẩm, họng thì khát khô không thể lên tiếng, cơ thể nặng trịch như bị thứ gì đè xuống. Cô cố ngồi tựa vào thành giường. Chưa kịp lấy lại ý thức thì mắt cô đã vội nhìn xung quanh, một căn phòng xa lạ nhưng có cảm giác vô cùng ấm áp.

- Tỉnh rồi à? Uống nước đi.

Hắn bước đến ngồi vào chiếc ghế đẩu cạnh giường, đặt cốc nước xuống bàn.

Hòa cầm ca nước còn ấm nóng uống nhẹ từng ngụm. Hơi ấm ấy phần nào làm dịu cái cổ đang đau rát của cô, cơ thể cũng dể chịu hơn nhiều. Rồi Hòa nhìn người đàn ông bên cạnh, vẻ bất ngờ.

- Đây là nhà tôi. Hôm qua thấy nhóc ngất xỉu, cũng không biết nhà nhóc ở đâu nên đành đưa về nhà mình. Mà sao nhóc nhịn đói tới ngất đi vậy?

Mặc kệ những câu hỏi ấy, Hòa cứ đăm chiêu nhìn chàng thiếu nên trước mặt. Lần đầu tiên cô nhìn gã ở khoảng cách gần như vậy, khuôn mặt trẻ có chút thư sinh, giọng nói vô cùng ấm áp. Thực ra anh ta cũng không có gì đáng sợ lắm! Ít nhất là trông dễ nhìn hơn gần trước cô gặp gã ở con hẻm tối. Chưa để Hòa kịp lên tiếng, gã cất giọng đầy nghiêm túc:

- Bọn người kia chính là đàn em của tôi, chúng nó đều là những thằng côn đồ đầu đường xó chợ không được dạy dỗ đàng hoàng nên đã có những lời nói thô tục. Chúng nó đã làm nhóc ra như vậy thì cũng là lỗi của tôi, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Về tôi sẽ dạy bảo chúng nó. Nhóc muốn gì thì cứ nói đi.

- Em không sao, chỉ là lần sau không để chuyện như vậy xảy ra là được. Nhưng mà... tại sao?

- Nếu tôi nói đó là bắt cướp thì nhóc có tin không? - Gã cười nhạt một tiếng.

Bỗng dưng ánh mắt trong vắt như hồ xuân kia mở tròn to, ánh lên sự ngưỡng mộ khôn xiết:

- Thế là anh hùng rồi!

Hắn nhún vai, giọng điệu cợt nhả:

- Hà, chỉ là vùng này nhiều trộm cướp nên có gì thì người ta nhờ chúng tôi. Cũng không có gì to tát.

- À mà, em là Hòa, mười bốn tuổi. Còn anh?

Hòa nở nụ cười rạng rỡ như làm sáng bừng cả không gian. Nụ cười trong chiến tranh mà ngây thơ đến thế, thuần khiết đến lạ, làm cho hắn có chút ngạc nhiên.

- Anh tên Chi, hai mươi lăm tuổi.

“ Ọt... ọt... “. Tiếng bụng Hòa kêu khiến Chi sự nhớ đến cái nồi cháo đun dở trên bếp. Và quả nhiên, khi bê cháo ra, mùi khê bốc lên khét lẹt. Hòa mở cửa sổ cho bớt mùi, Chi vò đầu:

- Thôi, chỗ này bỏ đi.

- Không đâu, cháo mới cháy thôi mà, vẫn ăn được, không thể lãng phí

Hòa vội giằng lại nồi cháo từ tay Chi, múc ra một bát và cầm thìa múc trông rất ngon lành. Thấy đứa trẻ cố chấp như vậy, hắn cũng lấy thìa múc miếng cháo bỏ vào miệng và không thể giấu nổi nét mặt khó chịu. Rõ ràng là khó ăn đến vậy, mà sao con bé cứ phải cố nuốt cơ chứ? Nhìn cái vẻ mặt không biến sắc, lòng Chi đột nhiên dâng lên cảm xúc khó tả, xúc động, đắng nghẹn như có một thứ gì vướng ở cổ. Hắn nắm chặt lấy tay Hòa ngăn không cho thìa cháo tiếp theo.

- Không cần ăn nữa. Đã nói không cần ăn nữa.

Hòa chỉ cúi mặt xuống không nói gì. Chi cũng thả dần bàn tay nhỏ, chiếc thìa đầy cháo rơi xuống bàn. Một lúc mới thấy Hòa run run đôi môi, giọng nghẹn ngào:

- Giá mà... giá mà mẹ em cũng có cháo như này để ăn nhỉ?

- Hả? – Hắn ngơ ngác thốt không nên lời.

- Lúc nãy anh có hỏi vì sao em nhịn đói ấy... Thầy em đã ra đi ở chiến trường Nam Bộ. Mẹ em ở nhà đau buồn đổ bệnh, nhưng nhà lại bị trộm nên không có tiền mua thuốc cho mẹ, đến cả một bát cháo khê cũng không có. Thầy mẹ đi rồi, em sống với dì. Có hôm em nghe lén dì nói chuyện, nói nhà không đủ điều kiện nuôi em nữa. Em không trách họ, tại nhà dì cũng nghèo lắm, dì cũng tội nghiệp như vậy thôi. Em đã bỏ đi và định đến chợ tìm việc, nhưng không ai nhận. Em nhịn đói mấy ngày rồi. Sống trong thời loạn lạc khổ lắm phải không anh?

Nước mắt Hòa từ từ rơi xuống, rơi vào bát cháo ăn dở, rơi cả vào lòng Chi. Hòa lấy tay lau vội nước mắt, ngửa mặt lên, đôi mắt vẫn ầng ậng nước. Con bé rành rọt:

- Nhưng dù sao đi nữa, em không khóc đâu, cũng chẳng bỏ cuộc. Thầy mẹ nói cái tên của em ẩn chứa niềm hi vọng và ước mong của họ, khao khát mãnh liệt về một đất nước độc lập hòa bình. Vì thế cho dù là con gái, em vẫn phải mạnh mẽ, can đảm, phải luôn tiến về phía trước. Thầy ra đi để bảo vệ Tổ quốc, vì mục đích cao cả hơn. Biết bao lớp trẻ cũng đi không tiếc thanh xuân, dâng hiến trọn cuộc đời cho Cách mạng. Nhiều lúc em muôn lớn thật nhanh để có thể ra mặt trận chiến đấu. Nhưng đâu phải ai cầm súng thì mới là yêu nước. Những người tri thức có thể ở hậu phương kiến thiết đất nước, đánh đuổi “ giặc dốt “... Thế nên sau này em muốn trở thành một nhà giáo, đứng trên giảng đường mà truyền dạy cho con cháu về những chiến công, những hi sinh của cha ông để dành lại được nền độc lập. Anh Chi à!

Nghe những lời nói thốt ra từ môi miệng của một đứa trẻ mới có mười bốn tuổi đời, Chi không khỏi thảng thốt. Mười bốn năm trời con bé đã trải qua những gì? Có thể là do có người thầy làm lính nên từ nhỏ cô bé đã tiếp xúc với những tư tưởng Cách mạng. Cũng có thể do trải qua nhiều biến cố nên có suy nghĩ chín chắn hơn những đứa trẻ đồng trang lứa. Chỉ biết rằng trước mắt anh là một đứa trẻ con trưởng thành, một đứa trẻ biết điều đến đáng thương. Ấy vậy mà ở cô bé này, Chi vẫn nhìn ra trong sâu thẳm vỏ bọc kia là trái tim biết yêu và cũng biết đau, biết cười và cũng biết khóc, biết uất ức, biết tổn thương, một trái tim còn thơ ngây bị dày vò bởi hoàn cảnh, nhưng luôn hướng đến sự lạc quan và những ước mơ của mình. Chi đưa nhẹ tay xoa đầu Hòa, anh dỗ dành bằng cái giọng ngào ngọt:

- Không sao, từ giờ em cứ ở đây. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Chúng ta tin vào Bác Hồ mà nhỉ?

Hòa chỉ gật đầu khe khẽ.

- Em rất thích đi học phải không?

Dường như mọi u buồn biến đi đâu mất, Hòa cười đến típ cả mắt, đáp lại ngay:

- Có chứ, được đi học thích lắm!

- Vậy từ mai anh sẽ cho em đi học.

- Thế thì khi nào rảnh thì anh cũng ra đây ăn cùng em, ăn một mình buồn lắm!

Khoảng thời gian sau đó, ngày nào Chi cũng đem đồ ăn sang cho Hòa và cùng nhau dùng bữa. Bữa cơm cũng thêm đôi tiếng nói, chút tiếng cười, thêm niềm vui và sự ấm cúng của gia đình vốn mất đi. Và cũng chẳng biết từ bao giờ, hai con người này đã vô thức coi đây là một bữa cơm gia đình thực sự, thành thói quen, cũng thành hạnh phúc.

Có một chiều thu trời đổ mưa to, Hòa đứng ở bậc thềm lớp học. Hòa thấy các bạn được người thân đến đón, bất giác nhìn vào màn mưa trắng trời, cô bé dường như cũng đang đợi chờ một thứ gì đó thân quen. Chi cầm chiếc ô đen vượt qua làn mưa đến chỗ Hòa. Nhướn mày, hắn giục:

- Có đi không thì bảo.

- Có, em có.

Hai người đang đi thì Chi lôi từ trong túi cái khăn len và đặt vào tay Hòa:

- Sắp lập đông rồi, mặc cho ấm vào.

Hòa đưa tay mân mê chiếc khăn, hít mà mùi len mới. Hắn nhìn cô bé, dịu dàng, yêu thương và nở một nụ cười rất khẽ. Chợt Hòa chạy tới ôm eo hắn làm hai người chao đảo.

- Nào, nào, ngã bây giờ! – Chi có chút hốt hoảng.

Hòa ôm chặt lấy eo anh, dụi dụi đầu vòng lòng anh.

- Cảm ơn anh trai!

- Đừng có tùy tiện gọi thế chứ.

- Đâu có, thật mà!

Hòa nhìn hắn với đôi mắt long lanh đầy kì vọng, ngây thơ mà đầy tâm sự.

- Anh Chi có bao giờ mong ước có một gia đình không, nơi ta có thể vui, buồn, an ủi và hạnh phúc? Anh có mơ về một ngày không còn chiến tranh, đạn bom, một ngày sống bình yên với những người mà mình yêu quý? Anh có muốn được về nhà không? Em thì rất muốn được như thế!

Bình thở dài, ôm lấy cổ Hòa, chỉ khẽ nói:

- Ừm...

- Thực ra, mẹ anh đã mất từ khi anh mới tròn một tuổi, thầy anh cũng đổ máu nơi chiến trường... Thực ra, anh cũng mong ước một nơi như vậy...

Và tối ấy, trong căn nhà nhỏ có hai con người tựa lưng vào nhau mà tâm sự điều gì đó lâu lắm, tâm sự cho tới tận đêm khuya. Những ngôi sao cũng phải mỏi mắt ngóng chờ câu chuyện của hai anh em ấy trong một giấc mơ nhiệm màu.

Chớp mắt cái năm mới đã sang. Chi dẫn Hòa đi khắp chợ để sắm sửa đào mai rực rỡ, bánh chưng bánh tét không thua gì những gia đình bình thường khác. Hai con người như tan hòa vào không khí nhộn nhịp của vùng quê, hòa tiếng cười vào đoàn người đông vui tấp nập. Đây là cái tết ấm no nhất của Hòa. Và từ giờ, có lẽ đây là cái tết hạnh phúc nhất. Mùa xuân năm 1975.

Đêm giao thừa, Hòa và Chi nằm bên nhau cùng nhìn lên trời ước nguyện. Có thể những điều ước này không tới được các vì sao, sẽ chẳng thành hiện thực, nhưng là ước mơ tuổi trẻ, chỉ cần hai người hiểu là đủ rồi. Thời khắc chuyển giao năm mới, trong muôn vàn tiếng hò reo, Chi đã hỏi Hòa thế này:

- Hòa ơi, nếu như có thể quay ngược thời gian, khi ấy có thể thay đổi được quá khứ, vậy em sẽ ngăn cản việc bố em đi linh chứ?

Cứ tưởng hòa sẽ suy nghĩ một hồi lâu nhưng cô lại trả lời ngay lập tức:

- Có lẽ, không đâu! Có ai muốn người thân mình phải ra tiền tuyến đâu anh, chẳng ai muốn người thân mình phải gặp nguy hiểm, rồi ra đi mãi mãi. Sợ lắm chứ! Nhưng mà nếu ai cũng vậy thì lấy người đâu mà giúp nước đây? Đâu thể vì lợi ích cá nhân mà bỏ bê đất nước. Đâu thể ích kỉ như vậy, anh Chi nhỉ? Quay lại một lần nữa, dẫu có phải chịu thêm đau thương, em vẫn muốn ủng hộ bố trên con đường Cánh mạng.

Chi mỉm cười. Vậy là hắn có thể yên tâm về quyết định của mình. Anh sẽ ra chiến trường, chiến đấu vì Tổ quốc. Vì cuộc chiến trường kì mà công nhân, nông dân, sinh viên, bất kể lứa tuổi, không màng giai cấp đều xung phong ra tiền tuyến dẫu biết đời Cách mạng “ Là gươm kề tận cổ, súng kề vai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa ” (Tố Hữu) . Những lời kêu gọi kháng chiến, những tiếng hô hào quyết tâm của đồng bào ta cứ như ngọn lửa cuộn trào trong tim chàng trai trẻ ấy. Chi biết nước mất thì nhà tan, để bảo vệ cuộc sống yên bình của quê hương, bảo vệ nụ cười của những em thơ tới trường, bảo vệ Hòa, bảo vệ gia đình nhỏ của mình, anh phải đi. Anh phải làm tròn trách nhiệm với quê hương và theo đuổi lí tưởng của bản thân như Hòa đã từng nói: “ sau này em muốn trở thành một nhà giáo... ”

Vào ngày kia, khi sớm mai gõ ô cửa sổ gỗ, Hòa tỉnh dậy thì không còn thấy anh trai đâu nữa rồi, chỉ có một lá thư đặt gọn gàng trên bàn học. Một lá thư dài ba trang giấy chứa bao tâm tư, bao điều chưa kịp nói của Chi mà Hòa chỉ nhớ vỏn vẹn có ba câu ngắn: “ Anh sẽ đi để giải phóng đất nước ”, “ Chờ ngày hòa bình anh về nha, Hòa! “ và một dòng cuối thư “ Anh trai của em ”.

- Em đã nói sẽ không cản rồi mà, em không cản đâu mà, sao mà anh cứ đi mà không báo trước như vậy...

Hòa ngồi sụp xuống đất, ôm chặt lá thư vào trong lòng, dòng lệ từ hốc mặt tuôn ra, nóng bỏng trên lên má rồi rơi xuống đất lạnh. Trái tim cô bé chợt đập nhanh đau thắt, buồn sầu, lắng lo. Cô nức nở khóc, bao nhiêu cảm xúc trong đáy lòng nổ tung ra thành nỗi nghẹn ngào. Phải rồi! Nhìn người thân của mình đối mặt với hiểm nguy và thậm chí là cả cái chết mà nói không đau, thì đó là một lời nói dối. Làm sao có thể hiểu nỗi lòng của cô lúc này, mới có được hạnh phúc mà phải vội vàng chia ly?

Lũ đàn em của anh Chi chỉ dám đứng ngoài cửa. Nghe tiếng khóc nức nở của Hòa, đứa nào đứa nấy nhìn nhau xúc động không nói nên lời. Vì có lẽ khi nói ra, nước mắt cũng sẽ chảy thành dòng như cô bé tội nghiệp kia.

Hòa đã khóc rất lâu, khóc đến sưng cả mắt. Nhưng rồi nhớ lại những kỉ niệm trước kia, những câu nói, nụ cười ấy, Hòa dũng cảm đứng lên, gấp gọn gàng lá thư, lau nước mắt, ngồi vào bàn học và bắt đầu viết:

“ Gửi anh trai.

Em sẽ ở đây chờ anh về. Ngày hòa bình anh Chi lại ăn cơm với Hòa nha... “




5962
 
  • Like
Reactions: Phong Cầm
621
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top