Tôi gặp được nàng khi bình minh vừa ló dạng. Những tia nắng đầu tiên chiếu xuyên qua từng nhành cây, kẽ lá rồi tinh nghịch đùa giỡn trên đôi vai gầy của cô thôn nữ. Cô ấy đang thoăn thoắt hái vải để mong sao kịp giờ đem ra chợ bán. Ở đất Lục Ngạn này, cứ đến mùa thu hoạch vải, nhà nhà lại làm việc thâu đêm suốt sáng, không lúc nào ngơi nghỉ…
Đây cũng là lần đầu tiên tôi được hòa mình vào khung cảnh nên thơ của mùa vải ngọt. Xa xa kia là những đồi vải bạt ngàn mù tít đến tận chân trời. Giữa bức tranh thôn dã ấy, nàng chính là một đốm sáng sống động và rực rỡ. Nàng trông khoảng mười tám, đôi mươi tuổi với khuôn mặt trái xoan ẩn sau chiếc nón vải rộng vành che sương, che nắng. Bên cạnh nàng có một chiếc đèn nhỏ đã tắt lửa nhưng vẫn còn đẫm sương đêm. Đó là minh chứng cho thấy nàng đã làm việc với gia đình khi trời còn đang tối. Bởi lẽ, quả vải “đỏng đảnh” đâu chịu rời cành lúc trời mưa và cũng không ở lâu được dưới nắng nóng. Chỉ có thu hoạch từ tờ mờ đến sáng sớm, đổi yêu thương và khó nhọc, những quả vải căng mọng với cuống lá hãy còn tươi xanh mới kịp đến với người mua. Bằng đôi bàn tay nhanh nhẹn, nàng khéo léo vin cành, cắt vải rồi tuốt bỏ bớt lá, bó lại thành chùm. Nàng vừa mang nét đẹp của một thiếu nữ duyên dáng lại vừa nhí nhảnh di chuyển khắp nơi như đứa trẻ vô lo, vô nghĩ. Thoáng chốc, tôi lại thấy nàng nhoẻn miệng cười rồi tung tăng bông đùa với các cô, các bà. Phải chăng, niềm hân hoan của mùa vải ngọt đã làm cho nàng quên đi những giọt mồ hôi còn vương trên mái tóc?
Tôi chợt nhớ lại những lúc mình vùng vằng vì mẹ nhờ làm cỏ cho luống rau sau nhà. Từ bé đến lớn, ngoài ăn học ra thì ngẫm lại tôi chưa làm được việc gì có ích để phụ giúp gia đình. Trông thấy nàng, cảm giác hổ thẹn bất chợt ùa về trong tâm trí, thôi thúc tôi phải sống khác đi. Trên đời có ngàn vạn điều làm người ta vui sướng nhưng cảm giác hạnh phúc khi được lao động chân chính thì không phải ai cũng cảm nhận được. Bởi lẽ, chúng ta đã quen than vãn và đâu biết rằng phút giây hiện tại đáng được trân trọng đến nhường nào!
Tôi thật sự trân trọng phút giây được gặp nàng, dù chỉ đứng từ xa. Nàng đang hướng mắt nhìn lên các cành cao để kiếm tìm những quả ngọt còn sót lại. Nàng đâu biết rằng có một kẻ lang thang cũng đang dõi theo nàng mà trầm trồ, ngưỡng mộ. Kẻ ấy muốn đến bên hỏi thăm nàng nhưng không thể thốt nên lời. Không khí lao động tươi vui ấy không nên bị chen ngang bởi một khách lạ. Chốc lát nữa thôi, tôi phải rời xa núi đồi để trở về với chốn thị thành nhộn nhịp. Vậy hà cớ chi phải gieo thêm bận lòng cho người ở lại?
Và cuối cùng, tôi đã rời miền Lục Ngạn khi chưa kịp biết tên nàng. Đã hai mùa vải trôi qua, vì dịch bệnh, tôi chưa có lần nào được trở lại. Không biết giờ này nàng đang làm gì? Liệu trong những hàng vải ngọt thơm được bày bán ở khắp chợ quê, có chùm quả nào được nàng tự tay nâng niu mà hái xuống? Trong niềm vấn vương nhung nhớ, tôi đã vẽ một bức tranh về nàng thơ của mình.
Bức tranh Nàng Vải. Ảnh: Kiều Giang
Trong bức tranh của tôi, nàng là một “đại sứ” thầm lặng cho quả vải quê hương. Như công việc thường ngày, nàng thuận tay bẻ một nhành vải để làm chiếc trâm cài điểm tô cho mái tóc. Nếu như quả vải là một thức quà vừa bình dị nhưng cũng vừa sang trọng thì vẻ đẹp của nàng vừa mộc mạc, tự nhiên; lại vừa yêu kiều, diễm lệ. Giữa muôn loài hoa trái rực rỡ sắc màu, nàng vải khoác lên mình bộ cánh màu đất nâu xen chút rêu phong của núi đồi. Kì lạ thay, bộ trang phục ấy được đính kết bằng những chùm vải đỏ rực đong đưa theo từng bước chân uyển chuyển của nàng. Sang hè, nàng lại đến, đem quả ngọt dành tặng cho đời…
Trong cuộc hành trình vạn dặm, có những người mặc cho ta vô tình lướt qua nhưng vẫn để lại dấu ấn khó phai. Cảm ơn mùa vải ngọt đã cho tôi được gặp nàng. Dẫu cho lớp bụi thời gian có xóa nhòa tâm trí, nàng vải vẫn mãi là một nốt trầm xao xuyến trong trái tim tôi.
“Ai về Lục Ngạn cho ta gửi
Một khúc tình thơ viết tặng nàng”. (Lời thơ Phạm Đức Quang)
Tác giả: Kiều Giang
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết Mùa vải ngọt
CLB Văn Học Trẻ 2021
Đây cũng là lần đầu tiên tôi được hòa mình vào khung cảnh nên thơ của mùa vải ngọt. Xa xa kia là những đồi vải bạt ngàn mù tít đến tận chân trời. Giữa bức tranh thôn dã ấy, nàng chính là một đốm sáng sống động và rực rỡ. Nàng trông khoảng mười tám, đôi mươi tuổi với khuôn mặt trái xoan ẩn sau chiếc nón vải rộng vành che sương, che nắng. Bên cạnh nàng có một chiếc đèn nhỏ đã tắt lửa nhưng vẫn còn đẫm sương đêm. Đó là minh chứng cho thấy nàng đã làm việc với gia đình khi trời còn đang tối. Bởi lẽ, quả vải “đỏng đảnh” đâu chịu rời cành lúc trời mưa và cũng không ở lâu được dưới nắng nóng. Chỉ có thu hoạch từ tờ mờ đến sáng sớm, đổi yêu thương và khó nhọc, những quả vải căng mọng với cuống lá hãy còn tươi xanh mới kịp đến với người mua. Bằng đôi bàn tay nhanh nhẹn, nàng khéo léo vin cành, cắt vải rồi tuốt bỏ bớt lá, bó lại thành chùm. Nàng vừa mang nét đẹp của một thiếu nữ duyên dáng lại vừa nhí nhảnh di chuyển khắp nơi như đứa trẻ vô lo, vô nghĩ. Thoáng chốc, tôi lại thấy nàng nhoẻn miệng cười rồi tung tăng bông đùa với các cô, các bà. Phải chăng, niềm hân hoan của mùa vải ngọt đã làm cho nàng quên đi những giọt mồ hôi còn vương trên mái tóc?
Tôi chợt nhớ lại những lúc mình vùng vằng vì mẹ nhờ làm cỏ cho luống rau sau nhà. Từ bé đến lớn, ngoài ăn học ra thì ngẫm lại tôi chưa làm được việc gì có ích để phụ giúp gia đình. Trông thấy nàng, cảm giác hổ thẹn bất chợt ùa về trong tâm trí, thôi thúc tôi phải sống khác đi. Trên đời có ngàn vạn điều làm người ta vui sướng nhưng cảm giác hạnh phúc khi được lao động chân chính thì không phải ai cũng cảm nhận được. Bởi lẽ, chúng ta đã quen than vãn và đâu biết rằng phút giây hiện tại đáng được trân trọng đến nhường nào!
Tôi thật sự trân trọng phút giây được gặp nàng, dù chỉ đứng từ xa. Nàng đang hướng mắt nhìn lên các cành cao để kiếm tìm những quả ngọt còn sót lại. Nàng đâu biết rằng có một kẻ lang thang cũng đang dõi theo nàng mà trầm trồ, ngưỡng mộ. Kẻ ấy muốn đến bên hỏi thăm nàng nhưng không thể thốt nên lời. Không khí lao động tươi vui ấy không nên bị chen ngang bởi một khách lạ. Chốc lát nữa thôi, tôi phải rời xa núi đồi để trở về với chốn thị thành nhộn nhịp. Vậy hà cớ chi phải gieo thêm bận lòng cho người ở lại?
Và cuối cùng, tôi đã rời miền Lục Ngạn khi chưa kịp biết tên nàng. Đã hai mùa vải trôi qua, vì dịch bệnh, tôi chưa có lần nào được trở lại. Không biết giờ này nàng đang làm gì? Liệu trong những hàng vải ngọt thơm được bày bán ở khắp chợ quê, có chùm quả nào được nàng tự tay nâng niu mà hái xuống? Trong niềm vấn vương nhung nhớ, tôi đã vẽ một bức tranh về nàng thơ của mình.
Bức tranh Nàng Vải. Ảnh: Kiều Giang
Trong bức tranh của tôi, nàng là một “đại sứ” thầm lặng cho quả vải quê hương. Như công việc thường ngày, nàng thuận tay bẻ một nhành vải để làm chiếc trâm cài điểm tô cho mái tóc. Nếu như quả vải là một thức quà vừa bình dị nhưng cũng vừa sang trọng thì vẻ đẹp của nàng vừa mộc mạc, tự nhiên; lại vừa yêu kiều, diễm lệ. Giữa muôn loài hoa trái rực rỡ sắc màu, nàng vải khoác lên mình bộ cánh màu đất nâu xen chút rêu phong của núi đồi. Kì lạ thay, bộ trang phục ấy được đính kết bằng những chùm vải đỏ rực đong đưa theo từng bước chân uyển chuyển của nàng. Sang hè, nàng lại đến, đem quả ngọt dành tặng cho đời…
Trong cuộc hành trình vạn dặm, có những người mặc cho ta vô tình lướt qua nhưng vẫn để lại dấu ấn khó phai. Cảm ơn mùa vải ngọt đã cho tôi được gặp nàng. Dẫu cho lớp bụi thời gian có xóa nhòa tâm trí, nàng vải vẫn mãi là một nốt trầm xao xuyến trong trái tim tôi.
“Ai về Lục Ngạn cho ta gửi
Một khúc tình thơ viết tặng nàng”. (Lời thơ Phạm Đức Quang)
Tác giả: Kiều Giang
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết Mùa vải ngọt
CLB Văn Học Trẻ 2021
- Từ khóa
- lục ngạn mùa vải ngọt nàng thơ nàng vải xứ vải