Ngoại truyện Người con gái Nam Xương - Cuộc sống thiếu mẹ

Ngoại truyện Người con gái Nam Xương - Cuộc sống thiếu mẹ

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Ngoại truyện: Chuyện người con gái Nam Xương - Cuộc sống thiếu mẹ từ góc nhìn bé Đản (Giờ đã lớn khôn)

Lúc Đản đã lớn, trở thành một chàng trai mười lăm tuổi cao lớn, rắn rỏi, Đản vẫn không nguôi ngoai về câu chuyện của mẹ cậu năm xưa. Từ lúc lọt lòng, sớm tối đều bên mẹ. Mẹ của Đản luôn dịu dàng luôn ôm ấp, chở che, quạt gió, hát ru cậu trong những đêm hè. Thế mà, một ngày nọ, mẹ đi mãi không về. Lúc ấy, Đản còn nhỏ, chỉ biết khóc khi nhớ mẹ, cậu khóc tới khàn cổ, khóc tê tâm phế liệt, tới mức bà Dậu nhà bên cũng phải chạy sang ôm cậu vào lòng mà khóc theo, mà mẹ vẫn nãi không xuất hiện. Mẹ bỏ Đản rồi ư? Khi lớn thêm chút, dù chẳng ai nói rõ với Đản năm ấy xảy ra chuyện gì, vì sao mẹ biến mất, nhưng cậu đã nghe ngóng người ta nói mà đoán được tám, chín phần.

“Nhìn này, nó là con trai Trương sinh đó, mẹ chết con còn bé tí tội nghiệp chưa?”

“Mày có nhớ mẹ không con? Mẹ mày chết rồi, bỏ con cái bơ vơ, khốn nạn thế không biết”

“Nghe bảo mẹ nó mất nết bị chồng ghen, đánh chửi nhục quá nên đầm sông phỏng?” – “Không phải đâu, tôi nghe bà Dần gần nhà nói họ Trương đó đi xa về, chẳng biết sao nghe con nói thế nào lại ghen bóng ghen gió, đánh đập nhục nhã vợ, ai ngăn cũng không nghe,
Vũ nương oan quá, nhục quá nhảy sông Hoàng Giang”

Cũng có người thương xót nó, gọi nó lại cho cái bánh kẹo, dúi cho nó quả chuối quả na, rồi bảo nó tội nghiệp. Nó chả biết đầm sông tự tử là gì, hư nết là gì. Thế rồi, những thứ đó như ám ảnh theo nó tới khi nó lớn. Nó ngây thơ hỏi bà, hỏi bố, hỏi những người nó biết:

“Hư thân là gì hả bố?”

“Mẹ đi đầm sông là đi đâu hả bà?”


Không ai trả lời cậu, chỉ thở dài thườn thượt, xoa đầu cậu rồi quay đi. Lúc Đản hiểu hết, cậu luôn áy náy trong lòng. Phải chăng mình không nói những câu ngu xuẩn kia thì mẹ không phải chịu oan khuất nhường ấy. Ôi, giá như Đản không đòi bố, giá như năm ấy Đản thôi ngốc nghếch để nhận ra làm gì có người cha nào giống cái bóng chẳng biết nói năng, chẳng có mặt mũi mà cậu vẫn một lòng coi đó là cha mình. Mẹ của Đản, lúc nuôi con một mình chờ ngày chồng về, đã vừa làm mẹ, vừa làm cha, cực khổ không kêu, mệt mỏi không bỏ. Càng nghĩ lòng Đản càng thắt lại. Đản càng chú ý hơn đến những người phụ nữ quanh mình, giúp đỡ, tôn trọng họ hơn. Có lẽ bởi vậy, có người nói cậu ẻo lả chẳng được tích sự gì. Đàn ông phải làm chủ gia đình, phải có công danh, gánh vác việc lớn, còn đàn bà thì chẳng được tích sự gì, đàn bà là giống tiểu nhân, chỉ đứng sau phụ việc. Than ôi, công danh để làm gì khi vợ con còn khổ, làm chủ gia đình làm gì khi không giúp đỡ một việc gì trong nhà, chỉ ở đó quát nạt, mắng nhiếc chứng tỏ địa vị, dùng vũ lực với người yếu thế, cả đời chờ đợi cái thứ gọi là công danh rạng danh dòng tộc, phù phiếm biết bao. Đản chẳng màng, cũng không để ý lời người đồn đoán.

5544

(Ảnh minh họa: Vũ nương nuôi con một mình chờ ngày chồng về)

Mấy hôm trước, Đản có nghe chuyện Đỗ nương làng bên, bị đồn hư thân, vụng trộm với Vinh đồ tể, chẳng biết là thật hay hư, nhưng dòng họ bên chồng, dòng họ Đỗ đều quyết định cạo đầu Đỗ nương, cho vào lồng heo thả trôi dòng. Vinh đồ tể sau đó cũng bị đánh một trận bầm dập mặt mày. Đản có tình cờ gặp lão đang say khướt, nói chuyện với ông chủ ở quán nhậu, chẳng biết ông chủ có nghe cậu nói hay không, nhưng có lẽ lão chỉ muốn giãi bày nói ra. Chuyện với Đỗ nương, lão với thị oan lắm, giá như lão không ghẹo thị cười, không trêu đùa tặng thị thêm xắt mỡ khi thị mua khúc dồi, bị người ta nhìn thấy người ta đồn đoán chắc thị cũng không cần chết. Đỗ nương bị giết chết, lão luôn ám ảnh nhiều ngày chưa nguôi. Ánh mắt hằn tơ máu, tóc rũ rượi bù xù, miệng bịt giẻ không cho thị giải thích lấy một lời. Thị mấy hôm trước lão gặp, còn là thiếu phụ xinh đẹp thướt tha, có hơi hay xấu hổ làm người ta muốn ghẹo câu cho thị cười. Vậy mà nay… không nhịn được lão khóc nấc lên, mạng người sao rẻ rúng quá.

Còn chồng Đỗ nương thì sau đó nhanh chóng mời bà mối đi hỏi vợ khác, đến mồ mả không làm cho vợ cũ. Nghe mà nguội lạnh trong lòng. Có phải mẹ cậu ngày đó không đầm sông, thì cái kết cũng chẳng khác Đỗ nương là bao?

Từ khi hiểu chuyện, Đản sinh lòng giận cha, giận mình, ngày càng ít nói hơn. Đản thường ngẩn ngơ nhìn xa xăm. Đản sang làng bên hỏi chuyện Linh Phi, người làm nghề chèo đò mà tích nhiều công đức nên được thần trả ơn. Sau khi được thần cứu nạn, Linh Phi kể với mọi người trong làng, dân làng càng tin, càng thờ phượng thần, lập miếu bên sông thờ thần. Cũng nhờ ông mà mẹ Đản được bà, được bố lập đàn giải oan, nhưng sau bao năm, nỗi đau trong lòng cậu chẳng thể nguôi. Sau những buổi học chữ thầy Nho, Đản thường không ở nhà mà ra bến sông ngồi nhìn dòng nước xiết, nhặt cá, cua, rùa, ốc mắc cạn mà thả chúng. Đản ăn chay, tích đức, cúng chùa quét miếu, hi vọng một ngày được thần nhìn thấy tấm lòng của cậu mà ban ơn phước cho cậu được gặp lại mẹ.

Tháng năm dần trôi, bố Đản đã lấy thêm vợ, Đản có thêm em. Cậu cảm thấy sống một cuộc sống mà không cách nào hòa nhập vào trong đó, giống như một lữ khách lang thang trên đường tìm đích đến của mình, chỉ tạm dừng chân nơi đây. Trương sinh luôn cảm thấy có lỗi với đứa con trai cả, ngoài dốc lòng nuôi nấng, cũng không chửi đánh, không thể gần gũi thêm. Đản cảm thấy, cha mình đã vượt qua được tội lỗi trong lòng, tiếp nhận cuộc sống mới, nhưng với cậu, cuộc sống cứ bình đạm trôi qua mắt cậu giống bèo trôi theo dòng nước, không vui, không buồn. Đản chỉ vui khi cứu vớt được những sinh linh nhỏ, đọc kinh cầu siêu, thắp nén hương trầm cho Vũ nương, cho Đỗ thị và những người phụ nữ oan khuất.

Rồi một ngày, vẫn chiều chiều như thường ngày cậu đi ra bờ sông, thơ thẩn tìm tựa lưng vào cạnh miếu nhìn xuống dòng nước trôi. Chiều nay, lại có chuyện khác thường. Đản nhìn thấy một cô gái khóc lóc bên sông, thương tâm lắm, có lẽ đã gặp chuyện buồn, chuyện oan khuất trong cuộc sống. Chẳng biết cô gái khóc ở đấy tự bao giờ, nhìn mái tóc vấn cao, cài trâm, Đản đoán được cô gái đã có gia đình. Cô gái nức nở dường như không ngừng được, nàng lấy tay quệt ngang nước mắt, sau đó chậm rãi đứng lên, lại đứng sững ở đó hồi lâu, đột nhiên như quyết tâm điều gì, cô gái đi tới bên rìa sông, nhảy xuống.

Đản quan sát cô gái từng chút một, nhưng vẫn thấy đột ngột quá, chẳng hề suy nghĩ, Đản nhảy xuống bơi theo dòng nước siết. Sông Hoàng Giang nhìn rõ đôi bờ, nhưng bơi qua mới biết dòng sông rộng, nước siết biết mấy. Đản dùng hết sức bình sinh mà bơi đến chỗ cô gái, ngụp lặn kiếm tìm hồi lâu mới túm được cô gái. Đản chống chọi dòng nước, kéo thêm một người nặng theo mình, cố sức lắm mới kéo được vào bờ. Thở dốc, Đản nhìn cô gái trắng bệch gương mặt, chẳng biết còn sống không, Đản lại cõng nàng trên lưng, nặng nề đi theo hướng nhà thầy lang trong làng.

Cô gái ấy tên là Hoàng Nhan ở bên bờ bên kia sông, mới cưới chồng, một đám môn đăng hộ đối vừa lòng đẹp ý họ hàng đôi bên. Ấy thế mà sau đêm tân hôn, chồng nàng làm ầm ĩ lên là nàng thất tiết trước khi cưới, đêm tân hôn không có máu trinh. Cả họ hàng bên chồng kéo lê nàng trở về nhà mẹ đẻ trả con. Cô gái mới 15 tuổi, chẳng biết điều gì, cũng không hiểu tại sao mình không có máu trinh tiết như bao người khác. Từ nhỏ nàng đã được nuôi dạy cẩn thận, ngoan ngoãn có tiếng, cập kê tới, nàng trổ mã xinh đẹp yêu kiều, lại con nhà gia giáo, nhiều bà mối tới cửa làm mai. Nếu ông trời có mắt, sao nàng lại phải chịu nỗi oan khuất này. Nàng muốn hỏi các Ngài lí do. Được người cứu sống, nàng cũng chẳng biết nên vui hay nên buồn.

Đản nhìn cô gái, cô gái nhìn Đản, hai người nhìn nhau chẳng nói gì, từ ánh mắt trống rỗng của nàng, tương lai mờ mịt, chẳng biết đi đâu về đâu bây giờ. Đản quay đi, tựa lưng bên hiên cửa, ngước mắt nhìn trời. Cậu cũng muốn hỏi ý tứ của thần tại sao?

Đêm hôm đó, Đản mơ thấy mẹ của mình. Sau bao năm tháng, Vũ nương vẫn trẻ, vẫn đẹp như thế. Chỉ khác là, người mẹ đôn hậu, dịu dàng của Đản, giờ cài trâm ngọc rực rỡ, quý phái vô cùng. Vẫn gương mặt ấy nhưng giống như được tăng thêm lớp hiệu ứng lung linh, khí chất khác biệt, không còn giống trí nhớ của cậu. Mẹ cậu thấy cậu, liền mỉm cười cất tiếng nói:

“Là Đản, đứa con trần gian gắn bó với xác thịt của ta đấy ư?”


Đản ngơ ngác, đứng yên không nói.

“Có lẽ, con không biết, thân xác của ta đã làm mồi cho cá tôm, linh hồn ta trở lại nơi thủy cung này, trở thành tiên nữ dưới thủy cung. Con hãy sống cuộc sống tự do của mình đi, nương ở đây tốt lắm, trải qua sinh tử, trải qua kiếp nạn, cái ta lo lắng cũng chỉ còn có con. Nay ta thấy con lớn khôn, lại làm nhiều điều thiện đức, mai sau có lẽ sẽ được phúc phận quan thầy không kém. Ta mừng vui lắm. Hãy trở về và đừng lưu luyến chuyện năm xưa nữa. Nương đi đây”

Nói rồi, Vũ nương biến mất, Đản chợt tỉnh mộng, hẳn là mẹ báo mộng cho Đản, mọi thứ hiện ra rõ mồn một trong đầu cậu. Đản thấy lòng nhẹ hẳn. Cậu lại nhớ tới cô gái mình cứu hôm qua, vội chỉnh tề mũ áo qua nhà thầy lang xem. Tiếc là, ngay trong đêm cô đã đi mất, chỉ để lại lá thư cám ơn cho Đản và thầy lang, ơn nghĩa này suốt đời nàng không quên.

Cầm lá thư sững người hồi lâu, người con gái ấy một thân một mình biết đi về đâu, về nhà liệu nàng có được dung chứa, đi nơi khác cũng có chỗ dung thân. Rồi chính cậu cũng chẳng biết, nếu đuổi theo nàng, tìm được nàng, cậu có thể làm gì để giúp nàng, để thay đổi. Chẳng thể làm gì. Đản cáo biệt thầy lang rồi đi về. Chân cậu lại không dừng ở nhà, mà lững thững bước về phía ngôi chùa cũ. Cậu bước vào chùa, quỳ xuống dưới chân tượng Phật, cúi đầu.

Tác giả: Phong Cầm - Văn học trẻ bài viết
 
Từ khóa
chuyện người con gái nam xương ket thuc khac chuyen ngươi con gai nam xuong ngoại truyện ngoai truyen nguoi con gai nam xuong tai lieu chuyen nguoi con gai nam xuong
  • Like
Reactions: Viet Phong
516
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top