Neil Amstrong là phi hành gia đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Cột mốc ấy được cả thế giới biết đến như một bước ngoặt của lịch sử loài người trong hành trình khám phá vũ trụ bao la, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới trong nền kỹ thuật hàng không thế giới. Có lần, một người bạn hỏi tôi chặng đường mà con người khai phá tri thức về vũ trụ rộng lớn. Đầy tự tin, tôi kể lại cách mà Amstrong in những dấu chân đầu của nhân loại ở chốn xa xôi chưa từng được chạm đến. Và rồi, cô bạn nghĩ ngợi đôi chút, lại quay sang hỏi: "Vậy còn người thứ hai đặt chân lên mặt trăng thì sao?". Khoảnh khắc ấy, tôi bỗng ngớ người và chợt nhận ra bản thân chẳng hề biết điều gì về người đó cả, dù chỉ là một cái tên. Như một thứ đã ăn sâu vào tiềm thức, con người luôn hướng đến và theo đuổi ánh hào quang trên chóp đỉnh cuộc đời. Ta khắc ghi thật sâu, nhớ thật kĩ tên tuổi của những "người đầu tiên", "người về nhất" và "người mở đường" những lại quên bẫng những người đừng sau, thậm chí còn chẳng hề để tâm đến. Vậy nếu ta không phải là những người đứng đầu thì sao? Nếu chỉ là người về nhì, về ba, thậm chí là người cuối cùng đặt chân đến vạch đích thì liệu cuộc hành trình đến chốn nhân gian của ta có trở nên vô nghĩa?
Viết trong "Người hạnh phúc không nhất thiết là người đứng đầu", Dư Oánh chia sẻ: "Trong quá khứ của tôi, trong nền giáo dục mà tôi đã tiếp nhận, theo đuổi vị trí đứng đầu là một việc hiển nhiên. Đương nhiên, đó là ước mơ của mỗi đứa trẻ tốt, là hình mẫu của một nhân viên tốt, là mục tiêu theo đuổi của một vận động viên xuất sắc,…". Chúng ta đang sống trong một thế giới quá đề cao giá trị của việc trở thành người đứng đầu. Dường như "trở thành nhà vô địch" hay "dẫn đầu mọi cuộc thi đấu" không chỉ là khẩu hiệu của một nhãn hàng lớn như Milo mà còn là đích đến, là mục tiêu sống chung của cả một cộng đồng. Tâm lý ham muốn chiến thắng và trở thành người đứng đầu xuất phát từ những tư tưởng sai lầm trong một nền giáo dục chuộng thành tích, khi mà việc phải giành được tấm huy chương vàng được hô hào như một lẽ tất yếu trong mọi cuộc thi. Tâm lý đó vốn dĩ không hề sai trái mà ngược lại, nó còn là động lực để con người bứt phá khỏi những giới hạn của bản thân và chạm tay đến thành công. Nhưng dần dà, điều đó càng trở nên cực đoan, khiến con người nhìn nhận một cách ngờ nghệch về thế giới, chạy đuổi theo những thành công và rồi dần cảm thấy trông rỗng, chán nản tột cùng. Họ hướng về vạch đích với ham muốn đứng đầu như thiêu thân lao vào lửa. Nếu không có sự nhận thức về bản thân và thế giới một cách thật rõ ràng, sâu sắc chắc chắn không khỏi bị ngọn lửa ấy làm bỏng rát.
Thật ra, chúng ta đâu cần phải là người đứng đầu trong một cuộc đua thì mới thật hạnh phúc. "Chúng ta hay có xu hướng bám lấy những người siêu phàm, những người được cho là một tay thay đổi thế giới, mà bỏ qua câu chuyện của những kẻ người trần mắt thịt như chính bản thân chúng ta, những người đang lê lết đau đớn ở cuối đoàn marathon" (Đặng Hoàng Giang, Vẻ đẹp của người chạy Marathon về chót). Đôi lúc chiến thắng còn trở nên thật vô nghĩa nếu ta giành được nó một cách dễ dàng, không còn niềm vui thích đơn thuần khi được trải nghiệm những thứ mới mẻ, được cọ xát với những người giỏi hơn mình, được vẫy vùng trong biển lớn. Một cuộc đua chân chính là được cảm nhận trọn vẹn niềm vui thích khi bứt phá khỏi những giới ranh có sẵn của bản thân. Dù về nhất, về nhì hay trở thành người về chót đi nữa, hãy cứ cười thật tươi vì ta đã làm hết sức mình. Sau câu hỏi bất ngờ nhận được từ cô bạn nhỏ, tôi đã trở về nhà và tìm hiểu về người thứ hai đặt chân lên mặt trăng. Anh ấy tên Buzz Aldrin. Đọc những bài báo về anh, tôi nghĩ Aldrin đã có một chuyến du hành đúng nghĩa. Từ khoảnh khắc đặt chân lên vệ tinh xa xôi ấy, tâm trí anh đã không còn dừng lại ở một Mặt trăng nhỏ bé, ước mơvề một cuộc viễn chinh ở một vùng đất khác- Sao Hỏa đã nhen nhóm trong trí óc của Aldrin. Chia sẻ về câu nói của người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, Aldrin đùa rằng: "Đó có thể là một bước đi nhỏ với Amstrong, nhưng là một bước đi lớn đối với tôi". Dấu mốc của anh có thể ít được nhân loại để tâm đến, nhưng với chính bản thân Aldrin nó là một cột mốc vĩ đại và anh đã tận hưởng trọn vẹn điều đó. Đâu nhất thiết phải viết nên hành trình của những vì sao thì mới được xem là cao cả, đời cỏ dại cũng có những trang gian khổ và kì diệu của riêng nó. Nếu chẳng thể tỏa sáng trong màn đêm tối, chi bằng cứ cắm rễ thật sâu vào đất mẹ, góp nhặt những sắc xanh cho đời.