Nguyễn Nhật Ánh – nhà văn của thiếu nhi

Nguyễn Nhật Ánh viết cả thơ, tản văn, truyện… nhưng nhắc đến tên ông, người ta thường nhớ đến truyện thiếu nhi của ông. Bắt đầu sự nghiệp bằng một tác phẩm thơ, tình cờ, ông đến với truyện thiếu để rồi bén duyên với nó. Nguyễn Nhật Ánh được bạn đọc (cả trẻ thơ và người lớn) yêu mến không chỉ bởi nhà văn đã nói rất đúng, rất tài về thiếu nhi, làm cho các em cảm thấy gần gũi, thân thiết, mà còn bởi nhà văn đến với thiếu nhi bằng tình yêu thương, trân trọng thật lòng. Không vì đối tượng còn nhỏ tuổi mà nhà văn có quyền qua loa, dễ dãi.

Nguyễn Nhật Ánh – nhà văn của thiếu nhi
1. Con người và sự nghiệp sáng tác

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 07/05/1955 tại xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Đất Quảng Nam có vùng cát mênh mông trắng xóa, vùng đất chịu nhiều thiệt thòi, gian khó bởi thời tiết khắc nghiệt, nhưng bù lại cũng được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp hấp dẫn, phong cảnh kì thú, đặc sản tươi ngon:

Quảng Nam có lụa Phú Bông
Có khoai Trà Đõa, có sông Thu Bồn
Trăng rằm đã tỏ lại tròn
Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi.



Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say.

Dù không sinh cơ lập nghiệp ở nơi chôn rau cắt rốn nhưng ông cũng đã có tuổi thơ gắn bó với dòng sông, cánh đồng, bờ tre, bông hoa khế, con chuồn chuồn nước… Ông nhớ và yêu phong vị những món ăn đất Quảng và yêu cả dòng máu “người Quảng Nam hay cãi” trong con người mình, yêu cái giọng nói trọ trọe “en không en tét đèn đi ngủ” (ăn không ăn tắt đèn đi ngủ) nhiều khi đến buồn cười với niềm tự hào không hề giấu giếm. Với Nguyễn Nhật Ánh, Quảng Nam là một cái tên gợi thương gợi nhớ, gợi vui gợi sầu, gợi biết bao kỉ niệm với cái chợ Đo Đo chỗ Quán gò đi lên, với những món văn mang hương vị của những miền quê đất Quảng. Ai đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh cũng không xa lạ với hình ảnh làng Đo Đo - một hình tượng văn học trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông. Lần đầu xuất hiện trong Mắt biếc năm 1990, và mới đây là trong cuốn truyện Ngồi khóc trên cây. Làng Đo Đo đã trở thành một địa danh thân thương ghi dấu những kỷ niệm ấu thơ của biết bao cô cậu học trò và của chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà khi nói về nó, lòng ông tràn đầy xúc cảm. Hầu hết những tác phẩm của ông đều lấy bối cảnh Quảng Nam, khi thì Bình Quế, Bình Tú, khi thì Tam Kỳ… Chính nhà văn cũng tâm sự rằng: “Tôi viết về Bình Quế trong Mắt biếc, Bình Tú trong Đi qua hoa cúc, Bình Trung trong Hạ đỏ và… Tam Kỳ trong Hoa hồng xứ khác”. Ông kể về dải đất trắng miền Trung với một giọng tự hào: “Người Việt Nam mình ai mà chưa từng lưu giữ những xúc cảm với thiên nhiên. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, của làng quê mà. Nơi tôi sinh ra cũng vậy, bên này là biển, bên kia là rừng núi, đồng bằng chỉ có một xíu vậy thôi”. Cũng vì lẽ đó, Nguyễn Nhật Ánh dành cho thiên nhiên, quê hương xứ sở thứ tình cảm rất tự nhiên, trong sáng. Ông thổi tình yêu ấy vào nhân vật, thổi vào mọi giác quan của người đọc.

Ông có nhiều bút danh như Anh Bồ Câu, Chu Đình Ngạn, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông... Thuở nhỏ ông theo học tại các trường Tiểu La, Trần Cao Vân và Phan Chu Trinh. Từ 1973 Nguyễn Nhật Ánh chuyển vào sống tại Sài Gòn, theo học ngành sư phạm. Ông đã từng đi Thanh niên xung phong, dạy học, làm công tác Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Từ 1986 đến nay ông là phóng viên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng, lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải Phóng Chủ nhật…

Khởi đầu sự nghiệp sáng tác bằng thơ, Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi, tác phẩm đầu tiên được in cũng là một tập thơ mang tên “Thành phố tháng tư” in chung với Lê Thị Kim tại NXB Tác phẩm mới (1984), sau đó là Đầu xuân ra sông giặt áo, Tứ tuyệt cho nàng, Lễ hội của đêm đen, Thơ tình Nguyễn Nhật Ánh. Ngoài ra, thơ Nguyễn Nhật Ánh còn được chọn đăng trên nhiều công trình khác nhau với nhiều tác giả khác như Thơ tình áo trắng, Thơ Thành phố Hồ Chí Minh hai mươi năm (1975 – 1995), Thơ tình tuổi học trò, Mùa hạ trong thi ca… Với thế giới thơ, có lúc chúng ta gặp một “chàng học trò” Nguyễn Nhật Ánh nghịch ngợm mải chơi, có lúc chúng ra gặp một “chàng trai” Nguyễn Nhật Ánh đang yêu hay xốn xang với những thay đổi trong tâm lí, tình cảm của mình. Nguyễn Nhật Ánh viết về tình yêu đôi trẻ với nhiều cung bậc cảm xúc như đắm say, hờn giận, hiểu lầm, lỗi hẹn, nuối tiếc, dang dở, cả sự chia li và suy tư… Giữa muôn vàn những sợi tơ cảm xúc ấy, người đọc vẫn nhận thấy trong thơ tình của Nguyễn Nhật Ánh cái tinh thần của Puskin trong Tôi yêu em ngày nào: “Đôi chân quen nhún nhảy của em/ Đã bắt đầu thất thểu/ Dưới gánh nặng khổ đau”; “Bấy giờ anh sẽ ở bên em/ Với mơ ước nhỏ nhoi/ Được chia sớt cùng em/ Một phần cơ cực”. Thơ Nguyễn Nhật Ánh không cầu kì hoa mĩ mà rất giản dị, chân thành, dễ đọc, dễ nhỡ, dễ “vào”. Bạn đọc còn bắt gặp rất nhiều bài thơ của ông trong những tác phẩm truyện khi nhà văn mượn lời nhân vật để làm thơ. Thơ Ánh rất hay nhưng dường như độc giả biết đến cái tên Nguyễn Nhật Ánh như một nhà văn nhiều hơn. Độc giả không khỏi ngỡ ngàng, ngưỡng mộ trước khả năng làm việc của Nguyễn Nhật Ánh, hơn trăm đầu sách trong vòng hơn hai mươi năm cầm bút chuyên nghiệp, trong đó có nhiều cuốn sách được tái bản nhiều lần. Ta có thể liệt kê một loạt tác phẩm của nhà văn như: Truyện nhiều tập có Kính vạn hoa, Chuyện xứ Langbiang; Truyện dài: Thằng quỷ nhỏ, Cô gái đến từ hôm qua, Bong bóng lên trời, Phòng trọ ba nguời, Quán Gò đi lên, Thiên thần nhỏ của tôi, Hạ đỏ, Bàn có năm chỗ ngồi, Còn chút gì để nhớ, Những chàng trai xấu tính, Chú bé rắc rối, Mắt biếc, Nữ sinh, Bồ câu không đưa thư, Buổi chiều Windows, Trước vòng chung kết, Hoa hồng xứ khác, Những cô em gái, Đi qua hoa cúc, Trại hoa vàng, Út Quyên và tôi, Ngôi trường mọi khi, Chuyện cổ tích dành cho nguời lớn, Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Chúc một ngày tốt lành, Ngồi khóc trên cây, Đảo mộng mơ, Lá nằm trong lá…

Tập hợp các tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Nhật Ánh, có thể chia một cách tương đối làm hai loại: những tác phẩm viết cho lứa tuổi cấp 3 (nhà văn thường chú trọng đến những rung động đầu đời, những tình cảm có phần mộng mơ) như: Nữ sinh, Cô gái đến từ hôm qua, Bồ câu không đưa thư, Ngôi trường mọi khi…; Những tác phẩm viết cho lứa tuổi từ cấp 2 trở xuống (nhà văn tập trung vào đời sống học đường và những mối quan hệ xã hội, gia đình hình thành nhân cách các em, những trò nghịch ngợm, tưởng tượng chỉ trẻ em mới có…) như Kính vạn hoa, Bàn có năm chỗ ngồi, Chú bé rắc rối, Đảo mộng mơ…

Trước Nguyễn Nhật Ánh đã có cả một thế hệ các tác giả đã rất thành công khi viết cho thiếu nhi như Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Phùng Quán, Đoàn Giỏi… Nhưng đến Nguyễn Nhật Ánh, ông vẫn tạo dựng được cho mình một phong cách riêng, một lối đi riêng để tạo nên thành công và phong cách riêng cho mình mà đã ảnh hưởng đến lối viết của rất nhiều nhà văn thiếu nhi trẻ sau ông. Ta có thể mượn lời của nhạc sĩ Hà Quang Minh để nói về thế giới mà Nguyễn Nhật Ánh đã tạo ra cho các em thiếu nhi: “Thế giới của Nguyễn Nhật Ánh đẹp như bóng râm đầy những cây minh quyết mà Cosimo đã sống, đẹp như mộng địa mà Peter Pan vẫn bay lượn cùng những thiên tinh bé nhỏ của mình, hoang sơ như cung Hằng nơi chú Cuội ngẩn ngơ đợi trâu về…” . Chính sự tự nhiên trong những trang văn, sự sống động của những hồi ức kỉ niệm, sự ngộ nghĩnh táo bạo của những tưởng tượng đã tạo ra một thứ hương hoa, mật ngọt hấp dẫn bầy ong thiếu nhi. Nguyễn Nhật Ánh viết gì cũng đều thu hút lứa tuổi thiếu nhi đọc, bởi vì chính ông đã tạo nên một thương hiệu đáng tin không cần kiểm chứng. Nguyễn Nhật Ánh đã chạm tới được trái tim tuổi thơ và cả trái tim của những người từng là trẻ nhỏ bằng một trái tim đồng cảm, chân thành.

2. Truyện thiếu nhi – dòng chảy chủ đạo trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh viết cả thơ, tản văn, truyện… nhưng nhắc đến tên ông, người ta thường nhớ đến truyện thiếu nhi của ông. Bắt đầu sự nghiệp bằng một tác phẩm thơ, tình cờ, ông đến với truyện thiếu để rồi bén duyên với nó. Tác phẩm văn xuôi đầu tay của Nguyễn Nhật Ánh mang tên Trước vòng trung kết (1985) nhanh chóng gây được ấn tượng với độc giả nhỏ tuổi, các tác phẩm sau đó cũng đa phần viết cho các em. Có lẽ ngay từ lúc đó, lúc bắt đầu viết cuốn Trước vòng chung kết thì Nguyễn Nhật Ánh đã ý thức được đối tượng trong tác phẩm này cũng như các tác phẩm sau sau này của ông sẽ là các em thiếu nhi. Cũng có thể đó chưa phải là sự chọn lựa rõ ràng nhưng là một “điềm báo”. Và sau nhiều lần khám phá, thử nghiệm ở những lĩnh vực khác, với những đối tượng khác thì Nguyễn Nhật Ánh nhận ra cái “tạng” mình hợp với thiếu nhi hơn cả. Gần như toàn bộ truyện của Nguyễn Nhật Ánh là viết cho thiếu nhi. Trong hệ thống các tác phẩm ấy có thể phân loại thành các nhóm nhỏ hơn nữa là các truyện viết cho tuổi cấp 3 và nhóm truyện viết cho tuổi cấp 2 trở xuống. Sự phân loại này chỉ mang tính tương đối và dựa chủ yếu vào lứa tuổi của các nhân vật để phân loại. Nguyễn Nhật Ánh lại tự phân loại tác phẩm của mình thành truyện viết bằng tưởng tượng và truyện viết bằng kỉ niệm, trong đó truyện viết từ kỉ niệm chiếm đa số. Với gia tài đồ sộ, lượng viết đều tay, Nguyễn Nhật Ánh thực sự là một người chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi, ông đã và đang nỗ lực để cho ra những tác phẩm phục vụ độc giả thiếu nhi. Truyện thiếu nhi không chỉ là dòng chảy đưa nhà văn lên đến bục vinh quang mà có lẽ đó cũng sẽ là dòng chảy suốt cuộc đời nhà văn, giống như ông đã từng nói: “Chú chưa bao giờ thấy chán viết truyện cho trẻ em. Nếu các độc giả nhỏ tuổi vẫn còn thích đọc truyện của chú, chú sẽ viết cho… tới già. Chú giống như người bán kẹo kéo cho trẻ em, các cháu đang thích, không có lý gì chú chuyển qua bán... món nhậu” .

Bằng tâm huyết với đề tài và đối tượng thiếu nhi, nhà văn cũng đã có nhiều niềm vui, niềm vinh dự từ chính những sáng tác của mình. Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lãnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995). Năm 1998 ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam. Năm 2008, Nguyễn Nhật Ánh xuất bản truyện có tên Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tác phẩm này được báo Người Lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008 và đoạt giải thưởng văn học ASEAN năm 2010.

Hiếm nhà văn nào lại có được “vinh dự” như Nguyễn Nhật Ánh khi không chỉ được giới chuyên môn thừa nhận, quan trọng nhất, Nguyễn Nhật Ánh được chính các độc giả nhỏ tuổi coi là nhà văn của mình, dành sự yêu mến sâu sắc dành cho ông, và các bậc phụ huynh cũng tin tưởng, hài lòng. Trẻ em thì tìm được nụ cười, còn người lớn sau những phút thư giãn, thích thú, họ rút ra được những bài học sâu sắc trong cách nuôi dạy con trẻ, cuộc sống gia đình, đối xử với cha mẹ và thầm cám ơn nhà văn bởi món quà đầy ý nghĩa ấy.

3. Nội dung và nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh

Về nội dung, truyện Nguyễn Nhật Ánh là bộ “tiểu bách khoa về thiếu nhi”, ở đó tập hợp đủ mọi gương mặt, mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh và mọi tính cách của thiếu nhi. Truyện Nguyễn Nhật Ánh là thế giới học đường thu nhỏ với hình ảnh của học trò, thầy cô giáo, của lớp học, mái trường, những giờ lên lớp và những giời ra chơi, những bài học, môn học và những kì nghỉ hè. Truyện Nguyễn Nhật Ánh còn là những bài học quý trong cuộc sống cho thiếu nhi và cho cả người lớn.

Về nghệ thuật, truyện Nguyễn Nhật Ánh thường có cốt truyện li kì, mang màu sắc trinh thám, các nhân vật thường được chú ý miêu tả về ngoại hình, những nét tính cách nổi bật, tạo ấn tượng khó quên nơi độc giả. Truyện Nguyễn Nhật Ánh có ngôn ngữ giản dị, trong sáng, gần gũi như đời sống nhưng cũng rất thông minh, hóm hỉnh, hài hước và giàu hình ảnh.

4. Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh


Mỗi một người cầm bút đều có quan điểm sáng tác riêng, nếu không trực tiếp nói ra thì cũng thể hiện bằng chính những chủ đề, đề tài, nhân vật trong tác phẩm của mình. Lòng yêu đời, yêu cuộc sống, yêu con người và lòng yêu nghề đã giúp cho người nghệ sĩ nói chung và nhà văn nói riêng sẵn sàng chấp nhận khó khăn để tạo ra cái đẹp cho đời.

Nguyễn Nhật Ánh là một người yêu nghề viết văn và đặc biệt là sáng tác cho thiếu nhi. Lòng yêu nghề ấy cũng là một phẩm chất mà nhà văn đặt lên hàng đầu khi lựa chọn con đường sáng tác. Ông đã tâm sự rất thật với độc giả khi giao lưu trực tuyến: “Lòng yêu nghề là đức tính cơ bản, nó sẽ giúp giải quyết tất cả những thứ khác. Nếu một nhà văn cầm bút vì yêu nghề chứ không phải vì bất cứ động cơ nào, nhà văn đó sẽ dễ được người đời thể tất cho những nhược điểm khác” . Nguyễn Nhật Ánh cắt nghĩa thật giản dị khi được hỏi về việc viết văn của mình: “Xét về mặt lao động, công việc của nhà văn cũng giống như những nghề khác trong xã hội. Người thợ mộc hành nghề bằng cưa bào đục thì nhà văn hành nghề bằng giấy bút. Nhưng một chiếc ghế làm ra, mỗi lần chỉ có một hoặc vài người ngồi, và nó chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất, trong khi một cuốn sách in ra, có hàng ngàn hàng trăm ngàn hàng chục người đọc. Chính vì tác động rộng rãi của chữ nghĩa lên tinh thần của đám đông nên xưa nay thiên hạ vẫn thường gắn công việc viết văn với hai từ cao quý là ‘sứ mệnh’. Là một nhà văn chuyên tâm viết cho thanh thiếu niên, tôi nghĩ công việc của tôi là giúp cho các bạn đọc trẻ giàu có cảm xúc hơn, qua đó sống tốt hơn” . Giữa bao nhiêu nghề nghiệp, có thể đỡ vất vả hơn về mặt tinh thần và cũng mang lại cho con người cuộc sống đầy đủ hơn, những công việc mà Nguyễn Nhật Ánh hoàn toàn có thể làm được, ông vẫn là người thủy chung với định hướng về công việc sáng tác của mình. Giữa một thực tế là văn học thiếu nhi Việt Nam đang đối diện với rất nhiều vấn đề, nhiều thử thách để tồn tại và khẳng định mình thì ngày ngày Nguyễn Nhật Ánh vẫn cặm cụi viết, vẫn cho ra những tác phẩm mới cho thiếu nhi. Bạn đọc quan tâm đến Nguyễn Nhật Ánh, đến các tác phẩm của ông cũng quan tâm đến “sự thành công, nổi tiếng, giàu có” của nhà văn. Nhưng với ông: “Tiền bạc đối với một nhà văn nếu có chỉ là cái đến sau. Nếu để kiếm tiền không ai chọn nghề viết văn. Khi ngồi vào bàn, nhà văn chỉ tìm kiếm một thứ duy nhất: những ý tưởng. Tôi rất thích một câu nói không biết của ai: “Lợi và danh đi trước sáng tác là một tai họa, đi song hành với sáng tác là một cản trở, còn đến sau sáng tác là hợp quy luật” ”. Lòng yêu nghề cộng hưởng với tài năng và vốn sống đã tạo nên nguồn năng lượng dồi dào và bầu nhiệt huyết trong con người bé nhỏ của nhà văn.

Nguyễn Nhật Ánh hầu như không quan tâm gì nhiều đến cái gọi là bí quyết. Nếu có bí quyết thì theo ông, đó là “tôi viết hồn nhiên như cậu học trò ngồi viết chuyện đời mình”. Nguyễn Nhật Ánh viết một cách thong dong, viết như đang bước vào một thế giới khác bỏ quên hết những phiền muộn của đời thường. Chỉ duy lòng yêu nghề thôi chưa đủ, muốn những trang văn của mình đến được và ở lại trong lòng độc giả, đặc biệt là các em thiếu nhi, nhà văn còn là người lao động cần cù, chăm chỉ và yêu đối tượng của mình, yêu các em. Ông đặt đối tượng bạn đọc ở một vị trí quan trọng, quan tâm tới cảm thụ, tâm lí của lứa tuổi tiếp nhận. Nhà văn tâm sự “có lẽ do tâm hồn của tôi gần gũi với tâm hồn của các em nên những gì tôi viết ra, các em cảm thấy như chuyện của chính mình”; “[...] nhà văn viết trước hết là để cho mình, để đi đến cùng những giấc mơ của mình. Bạn đọc yêu thích một nhà văn nào đó vì họ có những cảm xúc giống như của nhà văn, vì nhà văn đó đã vẽ ra được những giấc mơ của chính họ. Đó chính là sự đồng cảm giữa nhà văn và bạn đọc” .

Nguyễn Nhật Ánh được bạn đọc (cả trẻ thơ và người lớn) yêu mến không chỉ bởi nhà văn đã nói rất đúng, rất tài về thiếu nhi, làm cho các em cảm thấy gần gũi, thân thiết, mà còn bởi nhà văn đến với thiếu nhi bằng tình yêu thương, trân trọng thật lòng. Không vì đối tượng còn nhỏ tuổi mà nhà văn có quyền qua loa, dễ dãi. Trái lại, Nguyễn Nhật Ánh xác định rõ việc sáng tác không chỉ về thiếu nhi mà còn cho thiếu nhi, nhà văn càng trân trọng hơn bao giờ hết từng lời nói, từng ngôn từ. Ông không chỉ là nhà văn, ông còn là người bạn, nhà tâm lí, nhà giáo dục. Chính nhà văn cũng cho rằng: “Tôi vẫn nghĩ một nhà văn viết cho thiếu nhi bao giờ cũng đồng thời là một nhà giáo dục. Bởi vì cùng với bố mẹ và các thầy cô, nhà văn viết cho thiếu nhi là một trong những trụ đỡ tinh thần quan trọng của các em. Nhưng dĩ nhiên để thành công, nhà văn phải làm sao cho tính giáo dục thấm nhuần vào từng trang văn mới mong tránh được sự gượng gạo và áp đặt” .

Như vậy, quan niệm sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ thể hiện tâm huyết của nhà văn dành cho tuổi thơ mà còn thể hiện nhận thức đúng đắn về vai trò của “nghề văn” trong việc chuẩn bị cho các em những hành trang cần thiết để tự tin bước vào đời. Không chỉ chú trọng đến cuộc sống thực tế, Nguyễn Nhật Ánh còn bồi dưỡng tâm hồn cho các em, nuôi dưỡng bản chất hồn nhiên, khiến cho các em giữ được ước mơ, biết quan tâm đến ông bà, cha mẹ, anh chị, quan tâm đến bạn bè,... Và nói như nhà báo Trần Nhã Thụy thì: “đây là một nhà văn thông minh, và xứng đáng với hai từ “nhà văn” của mình”.

- Phong Cầm tổng hợp -
 
Từ khóa Từ khóa
nguyễn nhật ánh nhà văn thiếu nhi quan niệm nghệ thuật quan điểm sáng tác văn học thiếu nhi
2K
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.