Chia Sẻ Nguyễn Trung Thành - sinh ra để dành cho Tây Nguyên

Chia Sẻ Nguyễn Trung Thành - sinh ra để dành cho Tây Nguyên

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Nhà văn Nguyễn Trung Thành đã gắn bó với Tây Nguyên hơn nửa cuộc đời. Thậm chí nhiều người còn lầm tưởng ông là người con sinh ra và lớn lên giữa núi rừng đại ngàn. Nhà văn đã dành cho con người và văn hóa nơi đây tình cảm trân quý, kính trọng, một tâm thức hiện sinh luôn cựa quậy trong ông.

14138A41-C0DF-442A-938E-1CBF6D6E8FCD.jpeg
Ảnh: Nhà văn Nguyễn Trung Thành (sưu tầm)

Xem thêm:
Bài soạn Rừng xà nu
Cuộc đời, sự nghiệp và phong cách sáng tác của nhà văn Nguyễn Trung Thành
8 nhận định hay về nhà văn Nguyễn Trung Thành
Nguyễn Trung Thành - sinh ra để dành cho Tây Nguyên
Cảm nhận về truyện ngắn Rừng xà nu

1. Nguyễn Trung Thành - gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên như máu thịt

- Từ tuổi thanh xuân đến lúc đầu bạc, chưa bao giờ Nguyễn Trung Thành ngừng suy nghĩ, tìm hiểu, sống sâu với văn hóa Tây Nguyên. Qua các sáng tác của mình, ông đã giúp cho nét đẹp núi rừng nơi đây hiện lên một cách sinh động, hấp dẫn, phong phú và có hồn. Sở dĩ tác giả có thể xây dựng những anh hùng, những bản làng thành công đến thế, là bởi ông đã có thời gian dài sinh sống với nó, hòa mình với nó. Với tài văn của mình, Nguyễn Trung Thành viết nên các tác phẩm về con người và vùng đất Tây Nguyên với lòng mến yêu trân quý nhất. Trong cuốn bút ký Các bạn tôi trên ấy xuất bản năm 2013, ông đã bộc bạch: “Tôi bước chân lên Tây Nguyên lần đầu cách đây đúng 57 năm”. Những người bạn nơi đây đã trở thành người anh em ruột thịt để chia sẻ đắng cay ngọt bùi trong tháng ngày gian khổ của kháng chiến.

- Không chỉ gắn bó với con người Tây Nguyên, ông còn gắn bó với cả một vùng văn hóa huyền thoại đầy kỳ bí với cái nhìn của một nhà văn hóa thực thụ, “nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu.” Với Nguyễn Trung Thành, rừng Tây Nguyên thực sự là giá trị văn hóa luôn ám ảnh ông, quyến rũ mời gọi tìm hiểu và khám phá. Đó là một người mẹ vĩ đại, bao dung, cung cấp cho đứa con đồng bằng của mình sự sống mà sinh sôi, nảy nở.

Một nét văn hóa quan trọng khác ở nơi đây là nhà rông, ông cho rằng nhà rông của mỗi làng đều có diện mạo riêng, dáng điệu, tâm hồn riêng. Đây là linh hồn của làng, người ta gọi một ngôi làng không có nhà rông là “làng đàn bà”. Nhà văn hóa Tây Nguyên Nguyễn Trung Thành còn quan tâm đến một di sản vật thể khác là “tượng gỗ rừng già”. Việc đẽo tượng trong quan niệm của họ là sự giao cảm và tương thông giữa con người với thần linh, một điều hoàn toàn kỳ thú và bí ẩn. Trong tâm thức nhà văn của núi rừng ấy, văn hóa Tây Nguyên là những giá trị huyền thoại cần phải bảo tồn và phát triển, giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn về miền đất huyền ảo này.​

2. Nguyễn Trung Thành - người viết tiếp sử thi Tây Nguyên

Với tư cách người đầu tiên đưa vùng đất Tây Nguyên vào văn chương, Nguyễn Trung Thành đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong nền văn học hiện đại. Cũng như nhiều nhà văn khác, trải qua hai cuộc chiến, ông là nhà văn – chiến sĩ đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nếu nói Nguyễn Tuân suốt đời săn tìm cái đẹp thì cũng có thể nói, Nguyễn Trung Thành suốt đời săn tìm tính cách anh hùng, sự tích anh hùng. Đối với ông đây không chỉ là câu chuyện văn chương mà còn là lẽ sống, tôn vinh những con người đẹp như ánh mặt trời.

Người anh hùng Núp là sự tổng hòa của tính cách ngoan cường, kiên định trong con người Tây Nguyên, tài năng và sự thông minh của anh đã dần cảm hóa dân làng, tạo nên sức mạnh kháng chiến của toàn thể đồng bào. “Núp con người tốt, biết làm ăn, thanh niên trong làng làm rẫy không ai bằng Núp. Lũ làng có ai đau, Núp trước tiên đi vô rừng hái cái lá tốt về cho uống mau lành; lũ làng có ai chết, Núp trước tiên đi vô núi tìm cái cây to về làm hòm. Con người có cái tay giỏi, đan cái gùi cũng được. Già làng nói biết nghe lời, tốt lắm!” – trích Đất nước đứng lên. Câu chuyện trở thành huyền thoại về cuộc đời của một con người, một cộng đồng hết sức bình dị mà sâu sắc, kiên định mà nhân ái. Qua tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đã mang lại làn gió mới, luồng sinh khí mới để tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho cả dân tộc Việt Nam.

Trang sách cuộc đời về người anh hùng Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu cũng là biểu tượng cho số phận người dân Tây Nguyên, điển hình là buôn làng Xô Man. Phẩm chất của anh mang tầm vóc sử thi tráng lệ, một lòng sắt son với lá cờ Cách mạng của Đảng. Vẻ đẹp sử thi của Tnú được biểu hiện rõ nét nhất qua hình tượng đôi bàn tay đều cụt mất một đốt, minh chứng cho những dấu vết đau thương. Lửa ở đầu ngón tay đang cháy và chính trong tâm can anh cũng hừng hực một ý chí chiến đấu quật cường. “Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc…Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy ở trong lồng ngực. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi…” – trích Rừng xà nu. Đó là những con người có khả năng phát sáng mọi lúc, mọi nơi, đẹp trên từng hành động, đặc biệt họ không đơn thương độc mã giống các anh hùng trong sử thi như Đăm Săn, Xing Nhã mà được nâng đỡ bởi tập thể, bởi dân làng Kông Hoa, dân làng Xô Man.

Thế giới anh hùng sử thi qua ngòi bút Nguyễn Trung Thành còn được xen kẽ bởi vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa, gợi cảm nhưng cũng không kém phần dũng cảm. Họ hiện lên với một nét gì đó vừa hoang dã, cổ xưa, vừa lớn lao, huyền thoại. Thào Mỹ, cô gái có sức quyến rũ kỳ lạ đã vào tận sào huyệt của tướng phỉ để đưa thư dụ hàng của quân đội Cách mạng. Sùng Chóa Vàng, một chiến sĩ thiện chiến bậc nhất, có mặt trong những trận đánh khó khăn ác liệt nhất, yêu vợ nhất và cũng là người “ve gái” tài nhất. "Tôi ngồi một mình cạnh Thào Mỹ, cách có vài gang tay, nhưng giữa chúng tôi là 30 năm dâu bể. Vậy mà người đàn bà ấy vẫn đẹp một cách lạ lùng. Tôi chưa thấy người đàn bà nào có thể đi qua 30 năm dằng dặc đau khổ trầm luân tưởng chừng nhẹ tênh đến vậy. Vẫn đôi mắt xanh nâu đắm đuối ấy, có bình tĩnh và chín chắn hơn, đương nhiên, nhưng ngọn lửa khát khao chừng không thể, không hề tắt.” – Trở lại Mèo Vạc. Một nét khá hấp dẫn ở tuyến các nhân vật của Nguyễn Trung Thành là sắc thái “người rừng”. Đặc điểm này khiến cho chất miền núi của nhân vật nổi đậm và phát lộ chỉ qua vài nét, khí chất mạnh mẽ hoang dã khiến con người trở nên dữ dội, phi thường hơn.

Hình tượng anh hùng sử thi trong các trang viết của nhà văn gắn bó với Tây Nguyên hơn nửa đời người còn được thể hiện qua cảnh vật thiên nhiên. Ngoài cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, anh Quyết thì hình tượng cây xà nu cũng được tác giả khắc họa như một dũng sĩ oai hùng. “Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, nhưng vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã. Cứ thế hai, ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng.” – trích Rừng xà nu. Gần hai mươi lần, nhà văn nói đến rừng xà nu, đồi xà nu, cây xà nu, cành xà nu, nhựa xà nu. Mỗi lần cây xà nu lại xuất hiện với một dáng vẻ kỳ lạ, tất cả đều mang ý nghĩa tượng cho phách mãnh liệt của dân làng Xô Man, của núi rừng Tây Nguyên cường bất khuất.

Tây Nguyên còn hiện lên thật đẹp với con suối Thi-om ngày đêm tuôn chảy dạt dào, đỉnh núi Ch-lây cao vời vợi, chân núi Ch-pông sản sinh ra người con Gia-rai đẹp như ánh mặt trời, đỉnh Ngọc Linh cao chót vót treo cái làng Mờng Hon.

Ưu điểm trong văn chương Nguyễn Trung Thành là ông có một phong cách rất riêng, nhà văn Anton Pavlovich Chekhov từng nói: “Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả. Nếu anh không có giọng riêng, anh khó trở thành nhà văn thực thụ.” Ông không đưa ra những nhận xét hay ý nghĩa khôn ngoan như Nguyễn Khải, cũng chẳng có những phát hiện tinh quái đời thường như Tô Hoài ông đưa ra những trải nghiệm khác thường, dữ dội, luôn gây ấn tượng mạnh. Nguyễn Trung Thành là một người lãng mạn, yêu ghét phân minh, không dễ thay đổi và thậm chí cố chấp. Vậy nên ông cuốn hút người ta bởi thứ ngôn ngữ hết sức hồn nhiên, ngây thơ, vô tư thẳng thắn như chính con người của miền núi rừng Tây Nguyên. Ngôn từ văn chương của Nguyễn Trung Thành, nhất là ở truyện ngắn đều rất chú ý đến lối dùng từ phái sinh (hình thành từ mới dựa trên các từ có sẵn) để tạo hương vị riêng cho chỉnh thể nghệ thuật của mình. Có thể cảm nhận được một thứ văn chương có nhung, có tuyết, có vị ngọt cuốn hút và hấp dẫn người đọc. Tài năng văn chương của ông được các nhà văn cùng thời đánh giá rất cao. Những nhà nghiên cứu phê bình như Phong Lê, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Trần Đăng Khoa đều khẳng định ông là nhà văn tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.

Cây bút của núi rừng Tây Nguyên ấy viết văn bằng hồn mình và cái hồn ấy thuộc về Cách mạng. Tác phẩm của ông bám sát những vấn đề lớn về chính trị, có sự kết hợp nhuần nhị giữa hiện thực và lãng mạn, cuộc sống và lý tưởng, số phận con người và lịch sử. Văn phong Nguyễn Trung Thành như có ma lực, giản dị, chắt lọc và trong veo, in đậm chân dung một nhân cách trong đời sống xã hội, một văn cách trong đời sống văn học, chân thành, vô tư, luôn sẵn sàng chấp nhận và ủng hộ những tài năng hoàn toàn khác mình. Sự nghiệp của ông tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi cùng cảm hứng lãng mạn, con người cũng như cảnh vật được chiếu sáng dưới ngọn lửa thiêng liêng thần kỳ, giúp người đọc được sống lại một thời lịch sử vô cùng đau thương và oanh liệt

Có thể thấy rằng các sáng tác của Nguyễn Trung Thành mang âm hưởng sử thi cùng cảm hứng lãng mạn, ở đó chất thơ hòa quyện với núi rừng thiên nhiên hùng vĩ, nổi bật lên vẻ đẹp của những người anh hùng Cách mạng bất khuất, kiên trung với quê hương, Tổ quốc.​
..............................
Sưu tầm và biên tập
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
anh hùng cách mạng anh hùng núp cảm hứng lãng mạn con người tây nguyên gắn bó với mảnh đất tây nguyên như máu thịt khuynh hướng sử thi người viết tiếp sử thi tây nguyên nguyễn trung thành rừng xà nu văn hoá tây nguyên
603
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top