Dự thi Nguyệt dạ

Dự thi Nguyệt dạ

Tham gia cuộc thi viết văn tháng 12: “Người lính trong tim tôi


NGUYỆT DẠ

Làng Dục Bò là mảnh đất nhô ra của xã Lương, nếu nhìn trên bản đồ nó như chiếc vú nhô ra khỏi bụng con bò, chả biết có phải vì thế hay không mà người ta gọi tên làng như vậy. Tên làng có từ bao giờ không ai rõ, người trước gọi, người sau gọi, rồi mãi thành quen.
Làng không rộng lắm nhưng chiếm đến một nửa là nước, nước ấy là đầm Dục Bò. So với các đầm khác thì đầm Dục Bò rộng hơn cả, những người thạo bơi thuyền phải bơi mỏi tay mới đi hết vòng đầm, quanh đầm nhiều ngóc nghách, hủm sâu.. Ngày trước khi làng còn thưa người, xung quanh đầm um tùm lau lách, cỏ dại, cây hoang…Trên bờ thì chồn, cáo lẩn khuất, dưới nước cá quẫy ùm ũm suốt ngày đêm. Tương truyền dưới hồ có lắm cá to, thậm chí có con cá đã thành tinh, mỗi khi đêm trăng sáng nó hóa thành người con gái đẹp lên bờ ngồi hát véo von, ai tinh thì sẽ nghe được tiếng hát của nó trong đêm…Thật hay ảo không ai biết và chưa ai tận mắt chứng kiến được điều ấy.

Từ sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ, quân Pháp rút khỏi chiến trường Việt Nam, người dân về ở làng nhiều hơn, đầm Dục Bò trở thành nơi cung cấp nguồn sống cho người dân trong làng. Cây cỏ trên bờ được phát quang đi phần nào, chồn cáo ngày càng ít hơn và hết hẳn, ngày càng không thấy bóng dáng. Cá dưới đầm được người dân trong làng tranh thủ đánh bắt, vừa phục vụ cho bữa ăn, vừa là nguồn thu nhập cho một số gia đình thạo nghề chài lưới. Những con cá tươi roi rói được những người đàn ông gỡ ra từ những tấm lưới, cho lên thuyền, mang lên bờ cho những người phụ nữ chờ sẵn cho vào những chậu, rổ rồi mang ra chợ cho kịp phiên. Thi thoảng người người dân chài lưới quây bắt được những con cá to hai, ba chục cân, đem về xẻ thịt chia cho cả làng. Theo những người chuyên đánh bắt ở đầm Dục Bò thì ở đầm còn có những con cá rất to và khôn, họ rình bắt mãi mà chưa được. Vào mỗi đêm trăng sáng, sương mù mờ mịt người ta vẫn nghe thấy những tiếng quẫy nước ì ùm rất mạnh giữa hồ, ai nấy đều cho rằng có khả năng những con cá lớn ngoi lên đùa giỡn đớp trăng.

Nhưng có một điều mà người dân ở đây không để ý hoặc chỉ nghĩ đơn thuần nó chỉ là những tai nạn không đáng có. Ấy là, hầu như năm nào cũng có người chết ở đầm. Nếu không phải là một người đàn ông nào đó đêm đêm đi giăng câu, thả lưới bị lật thuyền thì cũng là phụ nữ hay trẻ con sẩy chân nơi bến nước, nơi mà mọi người hay ra giặt giũ, hoặc rửa tay chân mỗi khi đi làm đồng về….
Sau khi có chủ trương tập trung làm ăn tập thể hình thành các Hợp tác xã ở các địa phương một thời gian, đầm Dục Bò được chính quyền xã đưa vào quản lý tập trung. Chấm dứt cảnh mạnh ai người nấy khai thác cá dưới đầm, mỗi lần tiến hành khai khác, xã tiến hành khai thác tập trung rồi phân chia theo đầu người.

Để quản lý, trông nom đầm, xã cắt cử người ra ở và thường xuyên kiểm soát đầm. Đó là một người đàn ông nhìn bề ngoài khó đoán tuổi, không ai đoán được ông ấy bao nhiêu tuổi, khuôn mặt hốc hác, chằng chẹo một vài vết sẹo được che đi bởi bộ tóc đã pha sợi bạc xõa xuống, chòm râu lơ phơ dưới cằm, đôi chân đi cà thọt.

Không ai biết người đàn ông ấy từ đâu đến, tên thật là gì, chỉ thấy dân làng gọi ông ta là Thọt, có lẽ thấy ông ta bị thọt chân nên gọi thành tên. Và cũng chỉ biết ông ta được xã giao cho quản lý cái đầm.

Từ ngày được giao quản lý đầm Dục Bò ông Thọt làm một cái lều nhỏ bên bờ phía bên kia, nơi vẫn còn mang chút ít dáng dấp của sự hoang vu, ít có người dân sinh sống. Hằng ngày người ta thấy ông Thọt một mình một thuyền bơi vòng quanh đầm, gặp những người dân ra đầm đánh bắt cá ông đều nhắc nhở, khuyên can chấp hành quy định của xã không đánh bắt tự do, chưa một lần thấy ông thực hiện cái quyền uy của trên trao cho là thu giữ hay bắt những người chấp hành không nghiêm chủ trương của xã. Thi thoảng ông Thọt xách đùm cá mang vào làng cho những nhà mẹ góa, con côi, những nhà có người ốm đau hay sản phụ mới đẻ. Hoặc thảng thấy ông mang vài con cá ra chợ bán lấy mấy đồng rau mắm, người ta ít thấy ông truyện trò, cái dáng đi cà thọt cà thọt của ông cứ lầm lũi đi về trong những cơn nắng quái chiều hôm hay những cơn gió mùa căm căm lạnh. Thông qua những lời kháo nhau của những bà hàng xén ở chợ, nghe đâu ông Thọt là người của làng lâu lắm rồi, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, là thương binh, ông lưu lạc khắp nơi giờ mới về lại làng xin làm cái chân trông đầm của xã. Thực hư ra sao không ai rõ, với mọi người ông Thọt là một con người cô độc và bí ẩn bên đầm Dục Bò kể từ khi ông về ở đấy…

Ban đêm, nhất là những đêm trăng sáng người ta thường nghe thấy tiếng gõ mạn thuyền “cành cạch” của chiếc mái chèo trên mặt đầm, rồi bất chợt đâu đó nghe giọng trầm khàn lúc có, lúc không những câu hát, câu hò, câu thơ vọng về theo gió:

“Nửa mảnh trăng vàng giữa bóng đêm
Rót xuống trần gian, rót qua thềm
Ánh trăng không sáng, nhưng tươi thắm
Đủ vuốt ve lòng, gợi nhớ thêm

Nửa mảnh trăng vàng, quá đơn côi
Nửa kia đi vào cõi xa xôi
Riêng tôi, một nửa hồn như cắt
Người ấy đi rồi, nửa mình tôi…” (*)
………………………….
“Trăng sắp tàn rồi, ánh sao rơi
Mình đã chia xa suốt cả đời
Chỉ thấy sao buồn, sao rụng xuống
Mình anh giữ mãi ánh Trăng xưa

Biết người dưới ấy có buồn chăng
Để Trăng không úa đổi thay màu
Dù cho lớp thời gian bao phủ
Người vẫn xa vời, Trăng khổ đau.....” (**)
Có người nghe thì bảo rằng đấy là ông Thọt thăm đầm ngâm thơ, có người lại bảo nghe như giọng nữ trong câu chuyện truyền thuyết của làng.

Năm ấy, sau khi học xong các lớp trường làng, tôi không lên huyện học nữa, ở nhà giúp bố mẹ tôi chuyện đồng áng, dự định đủ tuổi tôi sẽ đăng ký xung phong đi bộ đội sẵn sàng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Khi ấy miền Nam sau khi gia đình Diệm- Nhu thực hiện luật 10-59 tình hình miền Nam hết sức căng thẳng, nhất là sau khi nổ ra Phong trào Đồng khởi tại Bến Tre và Trận tập kích Tua Hai tại Tây Ninh cuối tháng 1 năm 1960, các đơn vị ở miền Bắc tích cực huấn luyện sẵn sàng tăng cường lực lượng cho chiến trường miền Nam khi thời cơ đến.

Nhà tôi ở giữa làng, mỗi khi rảnh rỗi không có việc gì làm tôi hay vác cần ra đầm câu vừa là thú vui, vừa là có thể tranh thủ kiếm vài con cá về nấu canh cho đám em út ở nhà.

Một bữa tôi vác cần sang phía bên kia đầm, tìm một bụi cây râm mát ngồi buông câu, bữa ấy trời trong xanh, gió mát, những cơn gió hiu hiu thổi thốc lên từ mặt đầm mang theo hơi nước làm tôi lui riu buồn ngủ. Bất chợt động cần, theo phản xạ tôi ôm chắc chiếc cần tre giật vào lòng, một lực kéo thật mạnh và đột ngột kéo căng dây cước và chiếc cần trong tay tôi. Bất ngờ, tôi trượt chân theo đà rơi tủm xuống mặt đầm tay vẫn ôm chặt chiếc cần câu. Tôi bị lôi chìm xuống nước và sặc sụa nước trong mũi, trong mồm. Cho dù có biết bơi đôi chút, bị bất ngờ tôi không kịp phản ứng, đến khi buông chiếc cần ra thì người đã chấp chớp trong đám bùn nước không xác định được phương hướng để ngoi lên. Chân tay tôi chợt cứng lại, chìm dần…

Chợt tôi thấy người mình được nâng dần, nâng dần lên mặt nước, cũng là lúc tôi mê man đi không còn biết gì nữa.

Khi tôi mơ màng tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong chiếc chòi của ông Thọt, trên mình chỉ còn độc hiếc quần đùi, bên cạnh là bếp lửa đang hừng hực sưởi ấm cho tôi. Ông Thọt đang vắt quần áo ướt của tôi phơi lên chiếc sào phía sau chòi.

- Cậu tỉnh rồi à?- Thấy tôi tỉnh dậy ông Thọt đi vào hỏi.

- Ông, ông đã cứu cháu…

- Ừ, may mà hôm nay cậu ở gần chòi của tôi, nếu không cá ông đã lôi cậu xuống đáy đầm rồi.

- Cá ông?- Tôi ngạc nhiên hỏi lại, lần đầu tiên tôi nghe thấy từ này.

- Cậu ở đây mà không biết truyền thuyết lưu truyền ở làng này à?

- Nhà cháu cũng mới chuyển đến đây ít năm, cháu cũng chưa bao giờ được nghe những truyền thuyết về làng.- Tôi ngồi vục dậy hướng về ông Thọt chờ nghe về câu chuyện truyền thuyết của làng.

- Ừ, cũng phải, những người cũ của làng nay còn mấy ai nữa đâu, người chết trong chiến loạn, người lưu lạc tha phương, người còn cũng ít ai nhắc đến nữa.- Ông Thọt quơ tay lấy gói lá thuốc, tìm mẩu giấy vụn vê thành điếu thuốc cuộn, lấy que đóm châm lửa trong bếp rồi mồi mồi, phả ra đám khói mờ mịt thơm thơm.

Rồi ông kể:

Thuở ấy, lâu lắm rồi, không ai còn nhớ nữa trong làng có một đôi trai gái yêu nhau say đắm. Chàng trai nghèo lấy mặt đầm làm nhà, lấy sương đêm làm màn, lấy chiếc thuyền nan cũ nát làm giường đánh bắt cá trong đầm để mưu sinh, gia tài không có gì ngoài thân hình nở nang, vạm vỡ, gương mặt vuông vức đủ làm siêu lòng bao gái làng mỗi lần gặp gỡ. Cô gái là con một nhà danh giá và giàu có trong làng, một lần ra đầm giặt áo gặp chàng trai đi trên thuyền thu lưới bèn đem lòng thầm yêu, chàng trai cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của cô cũng đem lòng trộm nhớ. Biết thân phận của mình chàng trai không dám tiếp cận làm quen mỗi lần cô gái ra bến nước ven đầm giặt giũ, chỉ biết ngóng nhìn từ xa trên con thuyền nhỏ lênh đênh trên đầm.

thanhhuong-173404083441-dam-van-long.jpg

Dường như cảm nhận được ánh mắt nhìn mình của chàng trai nghèo, hiểu được tâm trạng của chàng, một lần thấy chàng trai buông lưới gần bờ, cô gái đang giặt bèn giả vờ sảy chân trượt xuống ven đầm. Chàng trai đang buông lưới bèn nhảy xuống cứu cô lên thuyền. Từ đấy họ chính thức đem lòng yêu nhau lén lút và vụng trộm. Những đêm trăng sáng cô gái đều hẹn chàng trai đến một nơi kín đáo ven hồ tình tự.

Chuyện của họ rồi cũng không tránh khỏi những con mắt dòm ngó của dân làng, bố mẹ cô gái cấm cô gái không được đến với chàng trai nghèo trên đầm ấy nữa. Cô bị nhốt trong nhà, chàng trai bị gia đình nhà nàng và dân làng hắt hủi và xua đuổi. Trong một lần lợi dụng sự sơ hở của gia đình cô gái trốn ra bờ đầm gặp chàng trai và họ đã trao cho nhau tất cả những gì quý giá nhất với lời hẹn ước bằng giá nào cũng phải ở bên nhau.

Sau đó cô gái bị bắt về và kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng không ai biết trong người cô gái đã mang giọt máu của chàng trai nghèo, nó lớn lên từng ngày và không giấu được con mắt của mọi người trong nhà.

Xấu hổ và nhục nhã, theo tục lệ của làng cô gái bị gia đình gọt tóc bôi vôi, nhẽ ra phải cho lên thuyền trôi sông, nhưng vì sông ở quá xa, làng thống nhất cho cô lên con thuyền nhỏ cột vào chiếc cọc rồi thả trôi trên đầm trong một đêm trăng sáng đầy sương mù mờ mịt. Đêm đó trong đầm gió thét ầm ào, nước đầm nổi sóng cuồn cuộn. Khi chàng trai hay tin chèo thuyền ra cứu thì cô gái cùng con thuyền đã bị nước đầm nốt chửng vào lòng sâu thăm thẳm không thấy bóng dáng đâu nữa. Đau đớn và uất hận chàng trai bèn gieo mình vào lòng đầm đi theo người mình yêu quý, trước khi gieo mình xuống nước, chàng trai nguyền rằng mình sẽ hóa thành cá trong đầm hằng năm đều sẽ bắt người dân trong làng đền mạng vì đã ngăn cản cuộc tình của chàng với cô gái.

Từ đấy mỗi lần trăng sáng những người trong làng đều kháo nhau rằng đôi trai gái nọ hiện về cùng nhau tình tự và họ hát cho nhau những bài tình ca văng vẳng trong đêm. Và việc thi thoảng trong đầm có những người chết là có thật, rồi họ gán cho rằng đấy là lời nguyền của chàng trai năm nào. Thực hư ra sao không ai dám chắc, nhưng cứ truyền tai nhau hết đời này sang đời khác, dần rồi cũng cứ mai một dần đi ít ai để ý đến nữa. Người ta kháo nhau rằng chàng trai đã biến thành con cá to nhất đầm, thi thoảng lại ngoi lên bắt đi những người xấu số lảng vảng trên đầm, và họ gọi đó là cá ông…

Ông Thọt kể xong quay sang tôi vừa rít hơi thuốc rê vừa bảo:

- Hôm nay không khéo cậu suýt nữa thành mồi cho cá ông và ứng với lời nguyền của chàng trai năm nào. Cậu có biết hôm nay là ngày bao nhiêu âm không?

Tôi chợt rùng mình sởn gai ốc vừa nghe ông Thọt kể chuyện vừa nhớ ra rằng hôm nay là ngày 16 âm lịch, ngày trăng sáng nhất.

- Cảm ơn ông đã cứu cháu, nhưng theo những gì cháu nghe kể và nghe ông kể hình như ông cũng từng là người của làng này?- Tôi hỏi ông Thọt.

- Đúng rồi, tôi đã từng là người của làng, gắn bó và có nhiều kỷ niệm buồn đau ở mảnh đất này, nhẽ ra tôi không định quay trở lại để khỏi phải nhớ lại những nỗi đau trong quá khứ, nhưng có một sự thôi thúc và những giấc mơ cứ lặp lại thúc giục tôi trở về đây để hóa giải lời nguyền trong truyền thuyết của làng mà tôi cũng không biết là thực hay hư.

- Ông có thể kể cho cháu nghe được không?- Sự hiếu kỳ về số phận của ông Thọt làm tôi buột miệng hỏi ông.

- Ừ, thôi cậu cũng có duyên ở đây với tôi, tôi sẽ kể cho cậu nghe câu chuyện của tôi mà tôi đã chôn chặt trong lòng bấy lâu nay.
Vừa cuộn thêm điếu thuốc nữa, vừa đưa tay cời lửa trong bếp, ông Thọt chậm rãi kể:

Làng ngày ấy còn nghèo lắm, giặc Pháp xâm lược, chúng kìm kẹp khắp nơi, thi thoảng chúng lại càn qua làng, cả làng lại đùm dúm kéo nhau chạy sâu vào trong núi Chúa lẩn trốn, hết trận càn lại mới dám về. Sau nạn đói năm 1945 người còn người chết, cả làng đùm bọc lẫn nhau sống qua ngày, nhiều người cũng nhờ bám vào cái đầm mà sinh sống.

Tôi ngày ấy mới ngoài đôi mươi, đem lòng yêu một cô gái nhà ở cuối làng, cô ấy xinh xắn, hiền dịu và đảm đang lắm, trai làng ai cũng đem lòng mến mộ. Mỗi làn đi làm đồng cô ấy đều phải cố tình bôi nhọ mặt và làm lấm chân tay để lấp đi cái nét đẹp vốn có của mình nhằm tránh những con mắt của bọn lính đi càn bất chợt về làng. Cậu không biết đâu, bọn lính dõng lẫn bọn lính Pháp hễ cứ mỗi lần đi đến đâu thấy gái đẹp là chúng ghẹo trêu hoặc có thể chúng hãm hiếp không biết chừng.

Chúng tôi yêu nhau và cũng đã hẹn ngày cưới, cả làng ai cũng mừng cho chúng tôi đẹp đôi và hy vọng nên đôi lứa.

Đợt ấy sau Chiến dịch Biên giới Thu đông, quân Pháp bị ta đánh thiệt hại nặng hai Binh đoàn LePage và Charton, chúng tức giận tung lực lượng đi khắp nơi càn quét hòng tìm ra lực lượng chủ lực của Việt Minh nhằm tập trung tiêu diệt. Đâu đâu cũng thấy quân Pháp lùng sục, bắt bớ, đốt, cướp, giết, hiếp…Và làng này cũng không tránh khỏi bị chúng càn qua.

Trong một lần, chúng bất ngờ cho 2 xe chở quân đổ quân xuống làng tiến hành lùng sục, bắt bớ. Bị bất ngờ dân làng không ai kịp đi trốn vào núi Chúa như mọi khi, lúc ấy chỉ mạnh ai người ấy tìm chỗ lẩn trốn. Quân Pháp lùng sục, bắt bớ, tra khảo dân làng, chúng đốt cả những nhà nào nghi ngờ có chứa Việt Minh.

shtëpija-në-zjarr.jpg

Hôm ấy tôi và cô ấy đang ngồi với nhau bên gốc xoan già gần bờ đầm thì có 4 tên lính đến, chúng bắt tôi trói vào gốc xoan rồi chúng bắt đầu dùng roi da vụt tôi, những vết thườn trên người, trên mặt te tướp máu, tôi nghiến răng chịu đựng. Nhưng nỗi đau về thể xác của tôi không đau bằng khi thấy chúng thấy nhan sắc của người yêu tôi chúng bèn vật nàng ra thay nhau cưỡng hiếp ngay trước mắt tôi.

Nhìn cô ấy đau đớn vùng vẫy, giãy giụa trong bất lực nhìn sang tôi như cầu cứu vừa van xin bọn chúng với ánh mắt van lơn lẫn căm hờn. Tôi như con thú hoang lồng lộn trong bất lực bên gốc xoan già, tôi giằng giãy, tôi kêu gào, tôi chửi rủa…tay tôi, lưng tôi cọ vào gốc xoan xước hết cả, nhưng tôi không cảm thấy đau, cái đau duy nhất là tôi là thằng đàn ông mà đành bất lực đứng đó nhìn người yêu của mình bị đám lính thay nhau dày vò tấm thân trong trắng mà không thể làm gì được. Đau lắm cậu ạ, lúc ấy tôi chỉ muốn mình chết ngay đi được để khỏi nhìn thấy cảnh ấy. Bọn chúng thấy tôi như vậy càng như cố tình trêu ngươi tôi, chúng thay nhau đánh tôi, nâng mặt tôi lên bắt phải nhìn chúng thay nhau dày xéo cô ấy cho đến khi cô ấy chỉ còn như miếng giẻ. Lúc ấy tai tôi ù đi, mắt hoa lên, đầu óc quay cuồng, không biết tôi có nghe nhầm hay không, nhưng trong đầu tôi nghe như cô ấy nói “Hãy trả thù cho em” trước khi cô ấy đuội đi rồi xa tôi mãi mãi.

Khi biết cô ấy đã chết, bọn chúng bèn lôi tấm thân không mảnh vải ấy thả xuống đầm, còn tôi thì ngất đi trong căm hận.

Cho đến khi tôi tỉnh lại mới biết bọn giặc cướp đã rút đi, dân làng đã cứu tôi khỏi gốc xoan già, mọi người cũng đã mai táng cho những người đã bị chúng giết hại, trong đó có cô ấy, người ta vớt được cô ấy ở bờ bên kia rồi chôn luôn ở phía sau này.

Lúc ấy tôi mới khóc được, khóc thương cho cô ấy xấu số, thương cho một kiếp người mong manh trong thời loạn lạc, thương cho cái phận tôi không thể làm gì được để bảo vệ cô ấy. Lúc ấy tôi chỉ muốn chết theo cô ấy, nhưng những lời nói như có như không của cô ấy trước lúc chết cứ ám ảnh tôi, buộc tôi phải sống để trả thù cho ấy, cho những người như cô ấy không phải chịu cảnh như vậy nữa.
Tôi xung phong đi bộ đội, tôi từng tham gia hết trận này đến trận khác, hết chiến trường này đến chiến trường kia với mong muốn giết càng nhiều giặc càng tốt để đuổi giặc đi trả thù cho cô ấy, cho những con người bị kìm kẹp, cho đất nước đang bị áp bức, bóc lột….Nhất là khi tôi biết bố mẹ tôi ở làng trong một trận càn khác cũng bị chúng bắn chết, lòng căm thù trong tôi càng sục sôi.

Không biết có phải cô ấy phù hộ cho tôi hay không, nhưng trong mỗi trận chiến trước tên bay đạn lạc tôi chưa bị những vết thương nào nặng, cứ mỗi lần xông lên phía trước tôi có cảm giác như ai đó đang dẫn dắt mình đi tránh được những viên đạn của kẻ thù. Có những lúc tôi cảm giác mơ hồ hình bóng của cô ấy phía trước cứ vẫy tay dẫn tôi đi.

Rồi tôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trong những tháng ngày gian khổ ác liệt đó chúng tôi từng bước bóc gỡ từng cứ điểm của địch, ăn dưới hào, ngủ dưới hào, tận dụng thời ngày từng giờ áp sát trận địa địch. Và khó nhằn nhất là cái thằng A1, mấy đơn vị bị tổn thất nặng khi tiến công A1. Tôi nằm trong đội hình của đơn vị được sử dụng trong đợt 2 tiến công A1, khi ấy tại A1 bọn Tiểu đoàn Bắc Phi (1/4RTM) chỉ còn lại hơn 1 Trung đội, quân Pháp điều Tiểu đoàn dù 6 (6er BPC) lên thay thế có tăng cường thêm 1 bộ phận của Tiểu đoàn dù 1 (1er BDP), chúng dựa vào hầm ngầm và hỏa lực quyết tâm giữ A1.

Trong lúc nằm ở trong hào là công tác chuẩn bị cho trận chiến, tôi mệt quá thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn tôi mơ một giấc mơ thật là lạ. Có một một cô gái trong bộ đồ trắng thấp thoáng trong màn sương mù trôi nổi giữa ánh trăng mờ ảo cứ bay vòng quanh tôi rồi ra dấu dừng lại, tôi không rõ mặt nhưng nhìn dáng người thì quen lắm, miệng cô ấy mấp máy điều gì tôi không rõ, tôi không hiểu cô ấy ra hiệu và nói với tôi điều gì. Bất chợt tôi tỉnh giấc bởi đồng đội bên cạnh huých vào người.

Chưa đến giờ nổ súng, tôi lại thiếp đi. Lần này tôi lại mơ giấc mơ y hệt lần trước và lần này tôi thấy hình bóng quen thuộc đó chính là người con gái tôi yêu đã bỏ tôi đi mãi mãi. Tỉnh dậy tôi nghĩ hay là cô ấy báo mộng cho tôi không nên tiến lên trong trận chiến này. Nhưng không thể được, toàn đơn vị đã sẵn sàng, chỉ chờ giờ nổ súng.

unnamed.jpg

Khi được lệnh xung phong, tôi theo đội hình vượt qua cửa mở. Hôm đó cuối tháng, khi chúng tôi tiến công vào gần giữa đêm, trời tối om, thế nhưng trước mặt tôi luôn có cảm giác có một bóng sáng mờ mờ soi đường cho tôi tiến lên tiếp cận nhằm đánh chiếm hầm ngầm của địch. Pháo của địch từ Hồng Cúm, Mường Thanh bắn sang mãnh liệt chia cắt đội hình tiến công của ta, thương vong của ta ngày càng tăng, tôi bị mảnh pháo găm vào đùi, vào sườn phải, máu ra ướt đẫm áo quần. Rồi chúng tôi được lênh rút ra ngoài củng cố lực lượng chuẩn bị cho đợt tiến công tiếp theo.

Tôi được đưa về sau điều trị, bị dập xương đùi, gãy xương sườn không tham gia chiến đấu được nữa, từ đấy chân tôi thành ra đi khập khiễng như vậy, mỗi lúc trái gió trở trời nó lại đau nhức nhối.

Một thời gian sau, khi đã đỡ tôi được phục viên. Tôi trở thành người tứ cố vô thân, tôi không muốn về lại làng nữa vì không muốn thấy lại những ký ức đau buồn khi xưa. Tôi cùng mấy người nữa tá túc tại một làng chài ven sông ngày ngày kiếm sống nhờ con tôm, con cá trên sông, khi cần làm chuyến đò dọc chở người từ vùng này sang vùng khác.

Một lần tôi và một người người nữa làm chuyến đò dọc chở gia đình một bà khách lên miền ngược, chúng tôi thay nhau chèo, ai mệt quá có thể tranh thủ nghỉ ngơi. Bữa đó, đêm trăng thượng tuần mờ mờ ảo ảo, tôi nằm chợp mắt trong khoang bất chợt lại gặp lại giấc mơ như năm nào khi tôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi giật mình tỉnh giấc vã hết mồ hôi khắp người. Chợt nghĩ hay có gì chẳng lành sắp xảy đến với mình. Định bảo bạn chèo dừng lại nhưng không hiểu sao tôi lại không nói. Tôi đứng ra mũi thuyền hóng gió đêm, chợt đâu có cơn gió lạnh toát thổi qua khiến tôi rùng mình. Rồi tôi thấy một bóng con đom đóm lập lòe trước mặt khi ẩn khi hiện, không biết thực hay hư, rồi cái bóng ấy cứ to dần, to dần ra trước mắt tôi ẩn hiện như hình hài người con gái vẫy tay ra hiệu cho tôi dừng lại. Bất chợt con thuyền choa đảo, tôi giật mình chớp mắt thì chẳng thấy con đom đóm đâu nữa. Một cảm giác chẳng lành đến với tôi, sống lưng tôi lạnh ngắt, chỉ kịp bảo bạn chèo “Vào bờ mau”, rồi chúng tôi hợp sức bơi thuyền vào bờ.

Tất cả mọi người vừa lên bờ chưa được bao lâu thì con nước từ thượng nguồn cuồn cuộn xô nhau ào ạt chảy về cuốn theo bao cây cối sủi bọt đục ngàu. Thì ra thượng nguồn có lũ, chúng tôi không biết. Hôm ấy chỉ chậm tí nữa thì con thuyền nhỏ bé của chúng tôi bị cuốn theo dóng nước lũ mất rồi cậu ạ.

Rồi từ bữa ấy tôi hay mơ giấc mơ khác, tôi mơ thấy cô ấy cứ thấp thoáng ở đằng xa vẫy tay gọi tôi đi theo cô ấy, trong giấc mơ tôi hỏi cô ấy đi đâu, thì cô ấy trả lời “Anh về với em đi thôi, về hóa giải lời nguyền cho làng…”.

Tôi chợt nghĩ hay mình bỏ làng ra đi, mộ cô ấy không ai chăm nom, cô ấy muốn tôi về cạnh bên cố ấy. Cũng bởi từ ngày mất đi cô ấy tôi không có ý định với bất cứ người phụ nữ nào nữa.

Nấn ná mãi rồi tôi cũng quyết định quay về làng, đúng dịp xã cần người trông đầm, tôi trình bày rõ tình hình hoàn cảnh của mình và xin xã cho tôi làm người trông đầm và ở bên cạnh cô ấy. Làng bây giờ hầu như toàn người mới đến, kể cả những người cũ còn lại cũng chả mấy ai còn nhớ đến tôi nữa, có lẽ học ho rằng tôi đã hy sinh đâu đó rồi chăng, tôi cũng không nhắc lại chuyện cũ nữa nên cũng chẳng ai nhận ra tôi.

Tôi làm cái chòi này, phía trước ngôi mộ cô ấy hằng ngày ở bên cô ấy cũng coi như chúng tôi vẫn còn bên nhau như ngày nào. Tôi còn xem xem cô ấy bảo tôi trong mơ hóa giải lời nguyền của làng là như thế nào nữa. Tôi cũng phải tìm hiểu mãi mới ra cái truyền thuyết lâu nay của làng. Tôi quyết tìm hiểu xem tại sao và không cho hà bá bắt dân làng như truyền thuyết nữa…

Tôi ngỡ ngàng trước câu chuyện về cuộc đời của ông Thọt, hóa ra bấy lâu nay mọi người không ai hiểu gì về ông cả, chỉ thấy ông là một con người cô độc, ít gần gũi mọi người, lầm lũi sống, lầm lũi thực hiện chức trách của một người trông đầm, không ai biết ẩn đằng sau lại là một con người với bao sự thăng trầm của số phận…

Sau đợt ấy tôi hay ra chơi ở chòi của ông Thọt hơn, tôi cũng không kể chuyện của ông với ai cả, bởi lần ấy ông dặn tôi “Chuyện của tôi chỉ mình cậu được biết thôi, đừng kể với bất cứ ai nghe không”. Tôi nghe lời ông dặn.

Rồi tôi vào bộ đội khi có đợt tuyển quân huấn luyện chuẩn bị vào chiến trường miền Nam.

Trong đợt huấn luyện nâng cao ở Hòa Bình tôi nhận được thư nhà, bố tôi có kể:

“Trong một đêm trăng sáng, sương mù lãng đãng, cả làng đều nghe thấy tiếng quẫy nước ầm ầm trong đầm, không ai dám ra xem có việc gì xảy ra trong đầm cả, mọ người đều nghĩ có ông Thọt coi đầm rồi, có chuyện gì chắc sẽ có ông ấy lo. Sáng sớm hôm sau dân làng ra đầm mới ngỡ ngàng thấy máu đỏ loang mặt đầm, còn trôi nổi một con thuyền của ông Thọt, người bạo gan bơi thuyền ra giữa đầm lúc về mặt tái mét kể lại thấy một xác con cá thật to, to như cái phản bị một thanh lao sắc cắm vào mắt, bụng bị rạch ruột, lòng gan nổi lềnh phềnh, bên cạnh là xác ông Thọt vẫn cầm chắc con dao sắc lẹm….”

Tôi chợt lạnh người…
Phải chăng ông Thọt nói hóa giải lời nguyền là đây sao?
Tôi không biết nữa.
Nhưng từ đấy người trong làng chết trong đầm ít dần….



****************
(*), (**): Thơ sưu tầm, không rõ tên tác giả.

HẾT

Nguyễn Công Đức
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa
chiến trường việt nam làng dục bò đầm dục bò
2K
2
3

Vanhoctre

Văn Học Trẻ
Thành viên BQT
19/8/19
803
679
362,999
Việt Nam
vanhoctre.com
Xu
1,330,599
  • Like
Reactions: CÔNG ĐỨC

CÔNG ĐỨC

Thành Viên
6/12/20
34
45
18,000
44
Xu
0
Chúc mừng tác phẩm Nguyệt Dạ đã đạt giải nhất cuộc thi.

Chú Tác giả @CÔNG ĐỨC liên hệ với BTC sớm ạ.

VanhoctreCảm ơn BTC đã tạo sân chơi cho người lính chúng tôi, thông tin cá nhân đã gửi vào email của diễn đàn rồi, nhờ BTC kiểm tra email giúp
 
  • Like
Reactions: Vanhoctre

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top