Nhà thơ Hàn Mặc Tử

Được nhắc đến với những danh xưng như: nhà thơ lạ nhất trong phong trào thơ mới, người khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là nhà thơ tiên phong cho Trường thơ loạn. Dù sự hiện diện trên cõi đời của Hàn Mặc Tử chỉ như hương hoa trong khoảnh khắc, nhưng bằng tài năng xuất chúng, với nỗi đau của định mệnh nghiệt ngã, anh đã để lại cho đời một di sản quý báu với nhiều bài thơ “thần bút”, lưu lại những dấu vết bất tử theo thời gian và sống mãi bên cạnh tên tuổi chàng thi sĩ tài hoa nhưng bạc phận. Cùng tìm hiểu rõ hơn về tác giả Hàn Mặc Tử qua bài viết dưới đây.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử.jpg

(Nhà thơ Hàn Mặc Tử - chân dung)​

1. Tiểu sử nhà thơ Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử hay còn được gọi là Hàn Mạc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, còn có một số bút danh khác như Lệ Thanh, Phong Trần.. Ông là một nhà thơ khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn, đồng thời cũng là nhà thơ tiên phong cho Trường thơ loạn.

Năm 16 tuổi, Nguyễn Trọng Trí đã bắt đầu sáng tác thơ dưới bút danh Phong Trần và Lệ Thanh. Đến năm 1936,ông đổi bút danh là Hàn Mạc Tử, sau đó lại đổi thành Hàn Mặc Tử. "Hàn Mạc Tử" nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau khi được bạn bè khuyên bảo, Hàn Mạc Tử đã thêm "Mặt Trăng khuyết" vào chữ "Mạc"để thành ra chữ "Mặc". Và từ đó hiệu của ông là Hàn Mặc Tử, đây là bút danh nổi tiếng nhất của Nguyễn Trọng Trí. Bút danh Hàn Mặc Tử có nghĩa là "chàng trai bút nghiên". Cũng trong năm 1936, Hàn Mặc Tử đã cho xuất bản tập thơ "Gái quê". Trước đó 1 năm, cơ thể Hàn Mặc Tử đã có dấu hiệu bị bệnh phong nhưng ông chủ quan cho rằng đó là một chứng phong ngứa chứ không nguy hiểm.

Sau khi Hàn Mặc Tử viết xong tác phẩm "Thức khuya", người bạn của ông là ông Phan Bội Châu đã đọc và thấy ấn tượng. Phan Bội Châu liền giới thiệu tác phẩm cho 1 tờ báo. Hàn Mặc Tử nhận được học bổng sang Pháp học, nhưng ông không đi và quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp.

Trong cuộc đời Hàn Mặc Tử, đã có nhiều bóng hồng đi vào hồn thơ của ông. Với cô gái Huế Hoàng Cúc, một mối tình đơn phương từ Hàn Mặc Tử, ông đã viết nhiều bài thơ cho cô gái này, điển hình như: Vịnh Hoa Cúc, Trồng hoa Cúc...Cô gái Mai Đình mang một dáng vóc nhỏ gầy, mộc mạc chân quê. Hàn Mặc Tử đã viết tập "Con gái quê" để viết về người con gái này. Ngọc Sương là một ca gái từ lâu đã yêu thầm nhà thơ Hàn Mặc Tử, chính cô gái này là cảm hứng viên nên tập thơ "Thơ điên" của ông.

Năm 1940, một nữ sinh Huế tên là Thương Thương đã mang đến cho Hàn Mặc Tử một nguồn cảm hứng mới. Thời gian này, ông sáng tác các tác phẩm như: Cuộc tình cuối cùng này đã thụ thai thành “Cẩm Châu Duyên”, “Quần Tiên Hội”…

Năm 1938 - 1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội vì căn bênh phong, một căn bệnh nan y thời bấy giờ. Thân thể ông khô cứng, bàn tay bắt đầu nhăn vì phải dùng lực để hoạt động. Tuy nhiên, bác sĩ lại cho rằng, bệnh của ông là do trực khuẩn Hansen gây nên. Từ khi phát bệnh, bệnh của Hàn Mặc Tử phát triển rất nhanh, ông uống nhiều thuốc của lang băm dẫn đến nội tạng bị phá hỏng.

Ông từ trần vào lúc 5 giờ 45 phút rạng sáng 11 tháng 11 năm 1940 tại nhà thương này vì chứng bệnh kiết lỵ, khi mới bước sang tuổi 28.

Có thể nói, nỗi đau về thể xác của Hàn Mặc Tử là vô cùng lớn, nhưng người ta không thể nghe thấy tiếng ông rên rỉ mà chỉ thấy nỗi đau đó xuất hiện trong vần thơ của ông.

Để tưởng nhớ đến một nhà thơ tài ba Hàn Mặc Tử, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã sáng tác ca khúc "Hàn Mạc Tử" để kể về cuộc đời của ông.

Năm 2004, Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) đã thực hiện bộ phim Hàn Mặc Tử để kỷ niệm ông.

2. Tác phẩm thơ của Hàn Mặc Tử

  • Âm thầm
  • Bẽn lẽn
  • Duyên muộn
  • Đời phiêu lãng
  • Em lấy chồng
  • Gái quê
  • Hái dâu
  • Lòng quê
  • Mất duyên
  • Một đêm nói chuyện với gái quê
  • Nắng tươi
  • Nhớ chăng
  • Nhớ nhung
  • Nụ cười
  • Quả dưa
  • Sượng sùng
  • Tiếng vang
  • Tình quê
  • Tình thu
  • Tôi không muốn gặp
  • Trái mùa
  • Uống trăng
  • Biển hồn ta
  • Chơi trên trăng
  • Cô gái đồng trinh
  • Cô liêu
  • Hồn là ai
  • Một miệng trăng
  • Ngoài vũ trụ
  • Ngủ với trăng
  • Người ngọc
  • Rướm máu
  • Rượt trăng
  • Sáng láng
  • Say trăng
  • Trăng tự tử
  • Trút linh hồn
  • Trường tương tư
  • Ước ao
  • Vớt hồn
  • Biển hồn ta
  • Chơi trên trăng
  • Cô gái đồng trinh
  • Cô liêu
  • Hồn là ai
  • Một miệng trăng
  • Ngoài vũ trụ
  • Ngủ với trăng
  • Người ngọc
  • Rướm máu
  • Rượt trăng
  • Sáng láng
  • Say trăng
  • Trăng tự tử
  • Trút linh hồn
  • Trường tương tư
  • Ước ao
  • Vớt hồn
  • Bắt chước
  • Cao hứng
  • Chuỗi cười
  • Đà Lạt trăng mờ
  • Đây thôn Vĩ Dạ
  • Ghen
  • Huyền ảo
  • Lưu luyến
  • Mơ hoa
  • Mùa xuân chín
  • Sáng trăng
  • Say nắng
  • Thi sĩ Chàm
  • Thời gian
  • Tối tân hôn
  • Trăng vàng trăng ngọc
Để biết ơn những đóng góp của ông, nhiều nơi ở Việt Nam dùng tên của ông để đặt cho đường phố như:
  • Bà Rịa - Vũng Tàu (Đường Hàn Mạc Tử, phường 7, Vũng Tàu)
  • Đà Nẵng (Đường Hàn Mạc Tử, phường Thuận Phước, Hải Châu)
  • Đắk Lắk (Đường Hàn Mặc Tử, phường Tân An, Buôn Ma Thuột)
  • Huế (Đường Hàn Mạc Tử, phường Vỹ Dạ, Huế, Thừa Thiên Huế)
  • Nghệ An (Đường Hàn Mạc Tử, phường Trung Đô, Vinh)
  • Phan Thiết (con đường dẫn lên Lầu Ông Hoàng)
  • Quảng Bình (Đường Hàn Mặc Tử, phường Đồng Mỹ, Đồng Hới)
  • Thanh Hóa (Phố Hàn Mặc Tử, phường Trường Thi, Thanh Hóa)
  • Thành phố Hồ Chí Minh (Đường Hàn Mạc Tử, phường Số 12, Tân Bình và đường Hàn Mạc Tử, phường Tân Thành, Tân Phú)...

3. Phong cách sáng tác của Hàn Mặc Tử​

Là một trong những nhà thơ tiên phong trong phong trào Thơ mới. Thế giới văn chương của ông luôn phong phú đầy màu sắc mang đậm phong cách cá nhân. Ông đã đưa vào Thơ mới sự sáng tạo, những hình ảnh đầy ấn tượng. Thế giới nội tâm đa dạng Hàn Mặc Tử đem đến cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm để đời. Ngoài sử dụng bút pháp lãng mạn, ông còn sử dụng bút pháp tượng trưng và bút pháp siêu thực.

Đọc thơ của Hàn Mặc Tử ta bắt gặp một tâm hồn yêu cuộc sống, yêu con người da diết. Một khát vọng sống đến mãnh liệt đến đau đớn tột cùng. Một người thi sĩ đa tài nhưng cuộc sống ngắn ngủi. Mặc dù ra đi ở tuổi đời rất trẻ nhưng sự nghiệp Thơ ca của ông vô cùng đồ sộ.

Tiêu biểu trong sáng tác của Hàn Mặc Tử có tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ - được trích trong tập Thơ điên. Khi sáng tác bài thơ này, Hàn Mặc Tử đang trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, ông đang phải chịu đựng những cơn đau giằng xé từ căn bệnh phong hàn. Thế nhưng khi đọc Đây thôn Vĩ Dạ người đọc như hòa vào một thế giới khác, nơi ấy không phải lời kêu than của một người đang lâm bệnh nặng mà ở đó là một tâm hồn yêu thương thiên nhiên, yêu thương con người da diết. Bài thơ là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ, một hồn thơ nặng tình, là góc nhìn mới mẻ nơi xứ Huế. Tác giả đã đem đến cho người đọc những vần thơ đầy xúc cảm, một vẻ đẹp thấm đượm nỗi buồn của xứ Huế.

Một số bài thơ cuối đời của tác giả Hàn Mặc Tử còn đan xen những hình ảnh ma quái, là sự khủng hoảng tinh thần, bế tắc và tuyệt vọng trước cuộc đời. Nhưng dù được viết theo khuynh hướng nào, thơ Hàn Mặc Tử vẫn là những vần thơ trong sáng, lung linh, huyền ảo, có một ma lực với sức cuốn hút diệu kì đối với người yêu thơ Hàn Mặc Tử.

Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử là một thế giới đa dạng, nhiều sắc màu. Hàn Mặc Tử đã đưa vào thơ mới những sáng tạo độc đáo, những hình tượng ngôn từ đầy ấn tượng, gợi cảm giác liên tưởng và suy tưởng phong phú.

4. Hàn Mặc Tử thời trẻ

Cha Hàn Mặc Tử là một thông ngôn nên thường phải thuyên chuyển công tác nhiều nơi. Chính vì vậy mà, từ bé Hà Mặc Tử đã theo học ở nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ (1920), Quy Nhơn, Bồng Sơn (1921-1923), Pellerin Huế (1926).

Năm 1933, Hàn Mặc Tử vào làm cho Sở Đạc Điền Quy Nhơn và quen với Hoàng Tùng Ngâm, có họ hàng với với Hoàng Thị Kim Cúc, còn gọi là Hoàng Cúc. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Hàn Mặc Tử đã đem lòng si mê cô hàng xóm xinh đẹp, đài các. Hàn Mặc Tử đã làm một số bài thơ để tặng nàng Hoàng Cúc như “Vịnh hoa cúc”, “Trồng hoa cúc”...Nhưng Hoàng Cúc chỉ giữ mối tình trong lòng mà không thể hiện ra ngoài. Sau này, khi viết thư cho một người bạn của Hàn Mặc Tử là nhà thơ Quách Tấn, Hoàng Cúc mới nói rõ tâm tình rằng không có tình ý với Hàn Mặc Tử.

5. Cuộc sống gia đình Hàn Mặc Tử

Cha mẹ của Hàn Mặc Tử là Nguyễn Văn Toản lấy, Nguyễn Thị Duy, hai ông bà sinh được 8 người con, Hàn Mặc Tử là con thứ 4 trong gia đình.

Trong đó có anh cả là Nguyễn Bá Nhân (tức nhà thơ Mộng Châu) cũng là người dìu dắt Hàn Mặc Tử trên con đường thơ văn. Hai chị là Nguyễn Thị Như Lễ, Nguyễn Thị Như Nghĩa. Em là Nguyễn Bá Tín (người dời mộ Hàn Mặc Tử từ Quy Hòa về Ghềnh Ráng vào ngày ngày 13 tháng 2 năm 1959), Nguyễn Bá Hiếu, Nguyễn Văn Hiền Nguyễn Văn Thảo.

6. Những bóng hồng đi qua cuộc đời Hàn Mặc Tử đã để lại cảm hứng trong thơ ông rất nhiều​

Hàn Mặc Tử là một người đa sầu đa cảm. Vì thế có rất nhiều hình bóng giai nhân đã đi vào thơ của Hàn Mặc Tử, và ông cũng đã đổ biết bao máu lệ để tặng cho họ những vần thơ. Nhờ tình yêu, Hàn Mặc Tử đã cống hiến cho đời những thi phẩm vừa lãng mạn vừa dữ dội.

Mộng Cầm là mối tình đầu của nhà thơ khi hai người gặp gỡ nhau tại Phan Thiết và Quy Nhơn. Hai người thề nguyền gắn bó keo sơn, cùng nhau xướng họa thi văn, hẹn hò trăm năm. Nhưng 6 tháng sau khi Hàn Mặc Tử lâm bệnh, Mộng Cầm đã đi lấy chồng! Nỗi đau đớn tuyệt vọng của thi sỹ có lúc như phẫn uất, điên cuồng: “Làm sao giết được người trong mộng. Để trả thù duyên kiếp phủ phàng”, có lúc chợt vỡ oà thành tiếng khóc não nùng, thê thiết: “Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ/Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng”.

Trong số các người tình của Hàn Mặc Tử, có lẽ không ai yêu ông tha thiết bằng nữ sĩ Mai Ðình, tên thật là Mai Thị Lệ Kiều. Mai Ðình thường gửi những bài thơ ký tên Lệ Kiều xin nhà thơ sửa và đăng báo. Từ đó tình thơ chớm nở. Biết người yêu mang trọng bệnh nhưng bất chấp sự ngăn cản của gia đình cũng như sự né tránh của người yêu, Mai Ðình vẫn gần gũi và chăm sóc ông hết mình. Sau này, khi về thăm mộ nhà thơ, nữ sĩ Mai Ðình đã viết những vần thơ nức nở:

“Bên anh, xin Chúa cho xây mãi
Nấm mồ thương nhớ, khổ thương đau
Hình anh, em khắc trong tim
Cho mai trắng nở quanh viền mộ anh”.


Và còn nhiều nữa những hình bóng giai nhân xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử, có những người để lại dấu ấn đậm nét, cũng có những người chỉ là cơn gió thoảng qua, nhưng tất cả đều là những nguồn thơ bất tận, được thi sĩ gửi vào những vần thơ tuyệt tác.

Trong những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Hàn Mặc Tử đã dốc toàn lực viết nên thi phẩm nổi tiếng, trong đó có bài “Đây thôn Vĩ Dạ” in trong tập “Đau thương” để tặng người yêu là Kim Cúc.

Đây thôn Vỹ Dạ” là giọng tình day dứt – là một lời tỏ tình với cuộc đời của một tình yêu tuyệt vọng, đơn phương. Bài thơ còn là tình yêu thiên nhiên, yêu con người Vĩ Dạ một cách nồng cháy – nơi chất chứa biết bao kỷ niệm.

Trải qua bao năm tháng, cái tình của Hàn Mặc Tử vẫn còn tươi nguyên, nóng hổi và day dứt trong lòng người đọc.

Hàn Mặc Tử - Ngôi sao ấy xẹt qua bầu trời thi ca Việt nhưng đã kịp để lại vầng sáng lạ lùng và dữ dội. Nửa đời người chưa qua hết nhưng Hàn Mặc Tử đã làm tròn sứ mệnh của mình, để lại cho nền văn học Việt Nam một đời thơ giá trị.
 
Từ khóa Từ khóa
cô gái huế hoàng cúc cuộc đời hàn mặc tử mộng cầm là mối tình đầu của nhà thơ một mối tình đơn phương từ hàn mặc tử phong cách sáng tác của hàn mặc tử tác phẩm thơ của hàn mặc tử tiểu sử nhà thơ hàn mặc tử
1K
5
5
Trả lời

Thơ Hàn Mặc Tử - Trữ tình gợi cảm trong đau thương

Trong cuốn: "Hàn Mặc Tử: một hiện tượng thơ độc đáo trong tư duy thơ Việt Nam", nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy cho rằng: “Nếu Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính là dòng lãng mạn thuần khiết, nếu Xuân Diệu và nhất là Huy Cận, là dòng lãng mạn được cườm vào những yếu tố tượng trưng… thì Hàn Mặc Tử là hài hòa của lãng mạn, tưởng tượng, thậm chí siêu thực nữa”. Có lẽ chính từ cuộc sống mỏi mòn trong bệnh tật, cô đơn, trong bóng đêm hoang hoải đầy ác mộng, ẩn ức, ám ảnh giữa thực và mộng của ông đã thăng hoa từ vô thức mà bừng lên những hình ảnh siêu thực trên cái nền lãng mạn: “Không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”, “Nước hóa thành trăng trăng ra nước/ Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm”…

Đọc thơ của Hàn Mặc Tử, có khi người ta cảm thấy bứt rứt kinh khủng bởi lối nói đậm vẻ phương Đông vừa lộ liễu vừa kín đáo. Thơ ông không áp đặt người đọc phải cảm nhận những gì ông cảm nhận, những con chữ chỉ đóng vai trò đòn bẩy, là phương tiện mở ra những liên tưởng độc đáo, làm bật lên cảm xúc riêng biệt trong mỗi người, từ đó mà ta đón nhận những mỹ cảm một cách tròn đầy hơn, đã đời hơn mà reo lên thích thú:

“Trăng nằm sõng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi”

(Bẽn lẽn)

Đôi bàn tay của một con người mắc bệnh phong đang co quắp vì đau đớn, nhưng càng đau đớn, đôi bàn tay ấy càng khát khao, thèm muốn níu giữ lấy cuộc đời níu giữ lấy tình đời. Dường như nhà thơ cố dồn hết sức lực của mình vào đôi bàn tay để "riết", để "níu", để "ràng rịt" với cuộc đời. Và cũng có những lúc đôi bàn tay ấy xòe ra thật rộng, nhà thơ như cởi hết lòng để yêu, để viết và để hòa mình với thiên nhiên với cuộc đời thơ mộng:

Cởi thơ, cởi mộng, cởi niềm yêu thương...
(Ngủ với trăng)

Nhà thơ đã mở rộng "túi thơ" của mình để đón nhận và để dâng hiến. Nói chuyện tâm hồn mà vẫn giản dị như đời thường. Ngay cả trong những câu thơ hay nhất, mang chiều kích rộng lớn, bao la của vũ trụ ông vẫn dùng cách nói như thế:

Áo ta rách rưới trời không vá,
Mà bốn mùa trăng mặc vải trăng.

(Lang thang)

Giáo sư Lê Đình Kỵ đã nhận xét: "Không ai ngoài Hàn Mặc Tử có thể viết như thế... Câu thơ mang chiều kích của vũ trụ mà vẫn tự nhiên như không, siêu thoát mà vẫn trần tục với chuyện Rách rưới, Vá víu, Vải vóc".

Một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tài năng nghệ sĩ là cái lạ, cái độc đáo. Thơ ca Hàn Mặc Tử lạ trong cách suy nghĩ, lập ý, so sánh, trong cách dùng từ ngữ, hình ảnh. Và cái lạ nhất là một con người phải trải qua những nỗi đau thể xác và tinh thần ghê gớm như vậy nhưng giọng thơ nói chung không bi quan mà luôn mơ ước, hướng tới thế giới vĩnh hằng “tứ thời xuân non nước”. Bên những vần thơ điên loạn với ngập tràn ý tưởng của hồn, trăng, và máu, người ta còn biết đến những bài thơ trong sáng như ca dao, ngọt lành như trái chín với cái nhìn trẻ trung, lãng mạn mà bí ẩn của thi nhân. Đó là nhân vật trữ tình của một thời: “Hai mươi mốt tuổi, tuổi như hoa”. Với bao hy vọng của tuổi trẻ: Ra đời ta thấy đời vui sao/ Đầy cả say sưa với ngọt ngào…/ Lúc ấy lòng ta như rạo rực/ Bâng khuâng thèm uống rượu Quỳnh Dao/ (Chạy theo hạnh phúc).

Hàn Mặc Tử đã gắn bó tâm hồn mình với thiên nhiên đất nước, với những không gian đã từng chứng kiến bao kỷ niệm vui buồn, được mất trong cuộc đời và tình duyên của thi nhân. Lạ lùng thay với Hàn Mặc Tử, “những địa danh cụ thể cũng trở thành huyền ảo”, cũng nên thơ với Đà Lạt trăng mờ, Đây thôn Vĩ Dạ, Phan Thiết! Phan Thiết. Tình quê hương trong cách cảm, cách nghĩ của thi sĩ không chỉ là tình người, tình đời như thơ Nguyễn Bính hay là bức tranh quê như trong thơ Bàng Bá Lân, Anh Thơ mà là tiếng vọng của tâm linh, với những hình ảnh gợi cảm, giàu nhạc điệu: Mây chiều còn phiêu bạt/ Lang thang trên đồi quê/ Gió chiều quên ngừng lại/ Dòng nước luôn trôi đi/ Ngàn lau không tiếng nói/ Lòng anh dường đê mê…/ Tiếng buồn trong sương đục/ Tiếng hờn trong luỹ tre/ Dưới trời thu man mác/ Bàng bạc khắp sơn khê (Tình quê).

“Mùa xuân chín” và “Đây thôn Vĩ Dạ” là những bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử. Với “Mùa xuân chín”, thiên nhiên trong thơ như không có đường viền. Trong cái không gian khoáng đạt, phóng túng ấy ẩn náu một cái tôi trữ tình tài hoa, đầy dự cảm của thi nhân: Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý bóng xuân sang/ Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời/ Bao cô thôn nữ hát trên đồi/ - Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

Ngày 11/11/1940, Hàn Mặc Tử đã trút hơi thở cuối tại nhà thương Quy Hoà. Ngôi sao ấy xẹt qua bầu trời thi ca Việt nhưng đã kịp để lại vầng sáng lạ lùng và dữ dội. Nửa đời người chưa qua hết nhưng Hàn Mặc Tử đã làm tròn sứ mệnh của mình, để lại cho nền văn học Việt Nam một đời thơ giá trị. Thật đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã nhận định: “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, còn lại chút gì trên đời này đáng kể, đó chính là Hàn Mặc Tử”…
 

Hàn Mặc Tử: Thiên thần bị đầy đọa​

1 .Từ tuổi học trò ở Quy Nhơn những năm sáu mươi của thế kỷ trước, chúng tôi đã rất ngưỡng mộ thơ Hàn Mặc Tử và xem vết tích của ông để lại ở đất này là niềm tự hào và quyến rũ: Ngôi nhà tuổi thơ số 20 đường Khải Định (nay là ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Du); mái trường College ông dệt mộng đèn sách; thư viện nơi ông bươn bả với kiến thức kim cổ đông tây; bãi biển trăng và cát vàng mộng mị; những con đường rụt rè, những tình yêu; căn phòng thơ và bạn bè; xóm Tấn nơi lánh bệnh; nhà thương phong điều trị bệnh và ngôi mộ trên đồi Ghềnh Ráng…

Lời bài hát “đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà…” đã ru chúng tôi vào một Quy Nhơn hoang sơ đẹp và buồn của mối tình thi sĩ và cái dốc Mộng Cầm đã trở thành địa danh nôn nao bổi hổi. Tôi có duyên may được gặp gỡ và trò chuyện với ba trong bốn nhà thơ lớn của nhóm “Bàn Thành tứ hữu” là Quách Tấn, Yến Lan và Chế Lan Viên. Thông qua họ, tôi hiểu thêm về Hàn Mặc Tử trong lòng những người bạn của ông. Bây giờ trong cõi xa kia, bốn người bạn thân ở thành Đồ Bàn đã gặp lại nhau nơi cõi khác, chẳng chỉ “nửa đêm trăng tà” mà còn bất cứ lúc nào, như ngày xưa trẻ trung ở Quy Nhơn, trong những lần tìm đến nhau, thăng hoa trong thơ ca và tình bạn. Hàn Mặc Tử sinh ngày 12 tháng 8 (âm, nhằm ngày 22/9/1912, mùa trăng, Chúa nhật, ngày của Chúa,…).

2. Hàn Mặc Tử không phải một tông đồ truyền giáo mà là “loài thi sĩ” đã xác lập định mệnh thơ với nguồn mạch của một thế giới tân kỳ, không phải đi rao giảng đức tin tôn giáo mà quán chiếu trời thơ như một sứ điệp của tình yêu cuộc sống hoàn vũ. Không phải là linh mục để thực hiện nghi thức bí tích, nhưng Hàn Mặc Tử vẫn là một kẻ chăn chiên chăn dắt tình yêu và gieo vào ân sủng thơ ca một mùi dầu thánh.

Tôi đã lặn lội trong âm thanh tuyệt diệu và mầu nhiệm những bài ca của Sa-lô-môn trong Kinh Thánh, tìm một nguồn gốc của sự vui vẻ thanh sạch và cao quý những nam nữ rất thanh khiết “như con hoàng dương hay là như con nai con ở trên các núi thuốc thơm” để quay về với đời và thơ Hàn Mặc Tử. Đó là một tình yêu tràn trề chảy qua vườn nho chín mọng, hoa tường vi trắng hồng, lai láng dưới răng, lưỡi, bầu vú, trong ngũ quan líu lo những mật ong và sữa. Khi người ta yêu nhau, có thể lắng nghe mọi âm thanh ngây ngất, nhìn mọi chi tiết đắm đuối của thân tâm trong bản giao hưởng thế giới tạo vật muôn trùng.

Hàn Mặc Tử, dưới góc độ nào đó, ở đầu thế kỷ XX phân thân trong hoàng đế Sa-lô-môn, trong kẻ lương nhân, và trong cả cô gái đồng trinh mà mấy nghìn năm rồi, thường hằng trong thánh ca bất tử: “Nguyện người hôn tôi bằng cái hôn của miệng người. Vì ái tình chàng ngon hơn rượu. Danh chàng thơm như dầu đổ ra; Bởi cớ ấy các gái đồng trinh yêu mến chàng. Hãy kéo tôi; chúng tôi sẽ chạy theo chàng, Vua đã dẫn tôi vào phòng Ngài. Chúng tôi sẽ vui mừng và khoái lạc nơi chàng. Các gái đồng trinh yêu mến chàng cách chánh trực”. Và bắt đầu một hành trình sáng tạo, Hàn đã lấy máu làm mực, lấy trăng làm giấy, kẻ lên đó những vần thơ khai phóng làm ngây ngất những tinh cầu: “Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ“.

Hàn Mặc Tử bày biện cuộc mình như một thánh lễ, giấy bút vào hành trình: “Mực lùa khí vị vô hồn chữ/ Văn hút hào quang ở miệng ra“. Dù khi hối hả (như một cái máy vi tính tiên tri mà thời Hàn chưa có): “Thơ chưa ra khỏi bút/ Giọt mực đã rụng rồi/ Lòng tôi chưa kịp nói/ Giấy đã toát mồ hôi” hay trầm tĩnh thức nhận “Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ/ Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ“, và niềm sám hối “Đời không có ngọc trong pho sách/ E chết khôi nguyên ở Phượng Trì” luôn luôn là nỗi ám ảnh để nhà thơ đi tìm châu báu trong trần gian: “Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm/ Còn mặt trời kia tợ khối vàng“. Thánh lễ của Hàn, từ cuộc khai tâm “Thuở ấy càn khôn mới dựng nên/ Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên/ Người thơ phong vận như thơ ấy/ Nào đã ra đời ngọc biết tên“, qua rửa tội “Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi/ Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng“, đến cuộc hòa minh: “Anh đứng cách xa hàng thế giới/ Lặng nhìn trong mộng miệng em cười/ Em cười anh cũng cười theo dọi/ Để nhắn hồn em đã tới nơi“, rồi ơn gọi: “Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu/ Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu/ Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang” cho tới tận cùng “Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết/ Trải niềm đau trên trang giấy mong manh/ Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết/ Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh” là thánh lễ của một kẻ tuẫn đạo để cứu rỗi. Điều này thuộc về định mệnh. Bầy chiên ngôn ngữ đã được quán triệt trong thể xác và linh hồn người thơ, và người thơ lộn trái thịt da cốt tủy ra trình bày dưới ánh sáng, theo một nhu cầu nội tại chân thực và thành kính. Hàn Mặc Tử đã tự thắp những vầng trăng trên thánh lễ, từ y phục: “Áo ta rách rưới trời không vá/ Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng” đến lương thực: “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn” đến tiện nghi: “Tôi lượm lá trăng làm chiếu trải” và trải nghiệm “Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” nhưng cuối cùng vẫn chơi trên trăng với mục đích: “Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường thổi/ Để hớp tinh anh của Nguyệt Cầu/ Và để thoát ly ngoài thế giới…“. Tự gọi tên “Máu cuồng và Hồn điên“, Hàn Mặc Tử đã trải qua những cơn đau đớn giày vò về thể xác lẫn tinh thần, muốn thoát hồn ra ngoài xác thịt mà “Đo từ ngọn cỏ tới cung trăng“, một cự ly quán thế cả và thiên hạ để “Ràng rịt mãi cho tới ngày tận thế“. Đó là cuộc lữ hành lý tưởng của “loài thi sĩ” để tìm một nụ cười an lạc trong niềm đau cùng cực của một hình hài.

3. Nỗi cô độc của một thiên tài thơ ca là nỗi cô độc trong sum vầy, như đỉnh núi đột khởi giữa điệp trùng gò đống. Đời Hàn Mặc Tử luôn luôn hiện hữu song hành với thơ Hàn Mặc Tử, trong tình yêu của mọi người dành cho Hàn Mặc Tử suốt trăm năm nay. Và dù chưa có một thống kê xã hội học chính thức, tôi vẫn nhận thấy mộ Hàn Mặc Tử trở thành một trong những địa điểm hành hương được người mến mộ viếng thăm nhiều nhất trong số các nhà thơ Việt! Tôi đã đọc trong nước mắt của những vần thơ do khách đa tình sau mấy thế hệ viếng Hàn, nghe rào rạt sức sống của Hàn trong nguồn cảm hứng tinh khôi của họ, như dành cho người lương nhân trong Nhã Ca: “Vừa sớm mai, chúng ta sẽ thức dậy, Ði đến vườn nho, đặng xem thể nho có nứt đọt, Hoa có trổ, thạch lựu có nở bông chăng: Tại đó tôi sẽ tỏ ái tình tôi cho chàng. Trái phong già xông mùi thơm nó; Và tại cửa chúng ta có những thứ trái ngon mới và cũ; Hỡi lương nhân tôi, tôi đã để dành trái ấy cho chàng!“.

Chúng ta đều biết, ở Bình Định có vị anh hùng kiệt xuất Quang Trung – Nguyễn Huệ và cuộc đời và sự nghiệp của ông đã trình bày thánh tích của một thiên tài. Thiên tài quân sự bách chiến bách thắng đã đưa một người nông dân lên ngôi hoàng đế, đưa những tấc sắt thành lưỡi gươm thiêng đại định thiên hạ. Tất nhiên, không ai đi so sánh 39 năm hiển hách huân nghiệp của một người bước lên ngai vàng với 28 năm của một dân đen dù dân đen ấy là một thiên tài thi ca mang tên Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, nhà thơ đồng nghĩa với anh hùng văn hóa. Ai dám bảo đạo quân chữ nghĩa của Hàn Mặc Tử không phải được sinh thành bởi hương thơm và ánh sáng, không có khả năng chinh phục nụ cười nước mắt của thiên hạ trong nhiều thế kỷ tiếp theo.
Sự ngắn ngủi của đời họ là dồn nén của bùng nổ và nguồn cảm hứng thiên hạ dành cho họ sẽ không bao giờ vơi cạn. Thửa ruộng Hàn Mặc Tử, tòa nhà Hàn Mặc Tử, ngôi đền Hàn Mặc Tử sẽ làm cuộc giãi bày cho đến muôn sau, trong cuộc cứu rỗi thi ca thiên khởi, uyên nguyên, xa lạ với cuộc ma-ra-tông rượt đuổi trường phái, chủ thuyết, trào lưu, nắm chiếc đuôi khôn ngoan của cỗ xe ngựa triết học kinh viện. Cái đời thơ kỳ lạ ấy đã thực hiện sứ mệnh như một thiên thần bị đày đọa, đã đau khổ và yêu thương đến cùng cực khi trót một lần hẹn thề cùng cõi nhân gian

NGUYỄN THANH MỪNG/Vanvn
 

CHÚ GIẢI NHÀ THƠ HÀN MẶC TỬ​


Có lẽ không gì mâu thuẫn bằng chú giải một nhà thơ. Người ta không thể làm công việc đó, dửng dưng với ám ảnh đeo đẳng của sự bất lực. Hơn đâu hết trong các bộ môn, thơ mở ra đồng thời đóng lại trước mọi nỗ lực soi sáng. Mọi lời chú giải trên thơ (cũng như trên mọi công trình nghệ thuật?), mang ý nghĩa một sự diễn đạt, diễn đạt một vũ trụ tự nó hầu như đã đầy đủ, không còn gì để nói thêm. Tác giả mặc nhiên không còn. Tác phẩm tự nó biện minh hay ở đời. Không ai lên tiếng biện minh cho nó. Sáng tạo cũng là một cách chết. Sáng tạo là chết đằng sau tác phẩm mình. Tác phẩm trở thành một thực tại hàm hồ. Nó như một chiếc mặt nạ. Sau chiếc mặt nạ, lẩn trốn một người. Nhưng nhìn vào nó, người ta không thấy một ai được xác định. Tác phẩm là một sự giấu mặt đang lên tiếng gọi mời. Nó đòi hỏi được đón nhận, nhìn vào đồng thời là một cản trở.

Hơn là một độc giả, người chú giải, phê bình có bổn phận biến tác phẩm thành một khả hữu và hơn thế nữa, một khả hữu phổ quát cho mọi người, không những chỉ cho riêng hắn. Hắn là một người hòa giải. Ở hắn thể hiện sự dung hòa giữa niềm vui khoái, đam mê của những người thưởng ngoạn và sự sáng suốt của chính người sáng tạo. Nói theo Blanchot, hắn thực hiện một công tác kỳ lạ đối với tác phẩm, vừa tiến lại gần vừa lảng ra xa, phế bỏ, vừa hoàn thành, giản lược vừa đào sâu. Hắn hư vô hóa tác phẩm ngay khi biến nó thành một khả hữu cho mọi người. Tầm quan trọng của hắn hệ ở chỗ hắn vạch cho tác phẩm một ý nghĩa, điều này có thể làm ngạc nhiên tác giả, và chính hành độnhg này, một hành động có thể là tốt, đã giản lược tác giả về hư không: tác phẩm là cơ hội xuất hiện của một ý nghĩa hoàn toàn xa lạ mà tác giả có thể không nhìn nhận hay chống kháng. Nhà chú giải trở thành một căn bịnh cần thiết. Bởi tác phẩm cần tới hắn, một cách nào đó, cần được sáng tạo không ngừng.

Có thể nói rằng công việc chú giải là một thất bại ngay từ khởi điểm (nó bao hàm một ngụy tín, một thái độ hàm hồ). Cho nên phải chăng sau cùng mọi nỗ lực chú giải, phê bình nhất thiết đưa về im lặng trước chính tác phẩm, tác phẩm tự nó cũng là một thực tại hàm hồ, bí ẩn. Có lẽ càng hàm hồ khi tác phẩm lại là thơ. Có thể thơ hàm chứa nhiều nhất đồng thời thơ lại là nơi ta dễ dàng lạc lối nhất. Nó là một cánh rừng mà mỗi ngõ ngách có thể dẫn ra đồng thời đánh lạc. Một hang động trong đó người ta chỉ có thể tìm ra bí mật bằng sự lạc lõng của chính mình. Bởi thơ là biểu tượng, hình ảnh. Thơ tạo dựng một vũ trụ qua trung gian biểu tượng, hình ảnh. Một vũ trụ phi thực, một vũ trụ chỉ có ý nghĩa trong tính cách phi thực của nó. Hơn đâu hết, biểu tượng, hình ảnh là điều kiện của thơ, lý do tồn tại của thơ. Biểu tượng chính là thơ. Đâu là đặc tính của biểu tượng, hình ảnh?

Biểu tượng, hình ảnh tự chúng không là gì nếu không có thực tại chống đỡ sự sống của chúng. Biểu tượng đi đôi với một tác động biểu tượng hóa, hình ảnh với một tác động ảnh hóa. Tôi không thể xây dựng hình ảnh cái bàn tách biệt với thực tại bàn, một cái bàn thật, trong một không gian nào đó. Đó là quan niệm thông thường nhất, thực nghiệm nhất. Nhưng cái hiển nhiên thường đến với ta trong sự vô tình hay giấu mặt hầu như không ai hay biết. Hình ảnh thơ không diễn đạt thực tại một cách quá thơ ngây dung dị. Thơ là vũ trụ những hình ảnh có giá trị một sự mê hoặc, một thứ ma thuật. Nó biến thành hình ảnh của chính hình ảnh. Một hình ảnh mê hoặc, ma thuật bắt buộc phải là một hình ảnh lẩn tránh, giấu mặt. Nó không còn là biểu tượng của thực tại đồ vật, nó chính là điều kiện khả hữu của biểu tượng đó. Nó là thực tại đang tiêu hủy hay một ảnh tượng đang hoàn thành. Nói theo M.J. Lefèbvre, hình ảnh là tác động của trí tuệ đang – sau thực tại xuất hiện cho nó, sau và ngoài – tiếp tục hướng về một thực tại hiển nhiên không ngừng thoát chạy. Hình ảnh không thực tại. Nó là một ý hướng. Nó thể hiện một dự phóng. Nó hoàn thành một ước muốn. Nó không biểu tượng cái hiện hữu. Nó lẩn tránh chính biểu tượng. Nó nhằm đưa tới một vũ trụ hàm hồ, một vũ trụ đồng thời một phủ nhận vũ trụ. Hình ảnh mê hoặc chỉ là một khoảng trống thiết yếu. Thơ không là thực tại, không là tổng số những hình ảnh xác định một thực tại rõ ràng. Nó là một ước muốn hơn thế nữa, là một đam mê, mù quáng cũng nên, có đối tượng là cái chưa có, cái chưa biết được, cái không thể biết, nghĩa là một thực thể vô danh và người đọc thơ hay chú giải thơ thử lên tiếng gọi tên. Thơ thể hiện một ý hướng tính không có ý hướng, nói một cách nào đó, nó hướng về cái không có, nó đòi hư vô, một “đam mê vô ích”. Phải chăng thơ sau cùng chỉ còn là một niềm im lặng tuyệt đối của thi sĩ, vũ trụ thơ chỉ còn là vũ trụ nội giới, chủ quan của thi sĩ. Điều duy nhất người ta có thể thâu tóm ở hắn chính là cách thế phát biểu. Người ta có thể phủ nhận vũ trụ của thi sĩ hay giải thích nó bằng mọi cách (giải thích phải chăng cũng chỉ là một cách phủ nhận?), nhưng người ta không thể chổi bỏ chính cách thế phát biểu của hắn.

*
Thơ, để làm gì? Thiết tưởng người ta không làm thơ để nói lên một điều gì (có lẽ khi nói ngược lại, người ta đã không làm thơ nữa). Nếu có, phải chăng đó là sự bất lực. Phải chăng bằng chính sự bất lực đến cùng tận đó, thơ phát biểu trung thực nhất thân phận thi sĩ, và nếu cần, thân phận làm người của thi sĩ. Trong ý nghĩa đó, thi sĩ là kẻ tham vọng nhất. Antonin Artaud, một thi sĩ, đã nói: “Tôi luôn viết để nói rằng tôi không làm được gì, không thể làm được gì, và nếu làm được thì thật ra tôi không làm gì hết. Toàn tác phẩm tôi đã xây dựng và chỉ có thể xây dựng trên hư vô”. Thơ tham dự trực tiếp vào hoàn cảnh hữu hạn con người cũng như thơ không thoát ngoài thân phận nó: ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng. Nói theo Bernard Charbonneau, “đòi hỏi mọi thứ ở ngôn ngữ chính là hủy diệt nó”. Breton và trường phái siêu thực đã đem được gì khi đồng hóa thi ca và cách mạng? Sau cùng phải chăng chỉ còn một cách, trả thơ về với tiếng nói, thứ tiếng nói xao xuyến nhất của nội tâm con người.

*
Những ý nghĩ trên đây có thể phần nào gây xao xuyến công việc chú giải thơ, cả việc đọc thơ và nói rộng ra, cả việc tìm tới nghệ thuật. Đó là tình cảm e thẹn của người đọc khi đứng trước thơ, tìm mọi cách chọc thủng những chiếc mặt nạ phủ lên hình ảnh, phủ lên thơ: một việc làm đầy hoài nghi, lúng túng.

*
Thơ Hàn Mặc Tử đã được chú giải bằng nhiều cách, nhìn ngắm từ nhiều khía cạnh. Có thể chiêm ngưỡng thơ ông bằng một tâm hồn sẵn cảm xúc âm nhạc hay màu sắc. Có thể mượn tâm phân học tố cáo ở người thơ một nhân vật bệnh hoạn, và thơ ông như một cách giải tỏa ẩn ức. Có thể tìm thấy trong thơ ông những lời ca tụng hay những xúc cảm chân thật trước cái đẹp, tình yêu, kỷ niệm, đấng thiêng liêng… một thi sĩ biết mình là thi sĩ. Nghĩa là sự cám dỗ, mê hoặc của vũ trụ hình ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử có thể đẩy cảm quan theo một chiều hướng hay đến một chân trời nào đó. Làm sao có thể phê phán trên chính những lời chú giải khi thơ tự nó không nói lên gì, nó chỉ nói lên cái người thưởng ngoạn cảm xúc thấy, nghe thấu được: thưởng ngoạn, chú giải là tước đoạt lời nói của người sáng tạo.

Thơ Hàn Mặc Tử? Tại sao không nhìn nó như một kinh nghiệm trước hết của một con người, một thực tại con người ngay trong thân phận, trong sử tính đích thực của nó? Thi sĩ đã nói về công việc làm thơ của mình, là “nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”, đã nói tới những “âm điệu thiêng liêng tạo ra trong khi máu cuồng rền vang dưới ngòi bút”. Thơ là sự mời gọi tham dự vào chính những cảm xúc, những trạng thái tâm thần, những tình tự, kinh nghiệm của chính người thơ. Thơ trở thành kinh nghiệm tập thể, một kinh nghiệm khởi từ cá nhân để tan vào đám đông được mời tham dự. Kinh nghiệm thơ, kinh nghiệm người làm thơ là một. Kinh nghiệm ẩn sau từng chữ từng tiếng, từng hình ảnh. Đọc thơ, chú giải thơ là tìm tới kinh nghiệm nền tảng của thi sĩ.

Descartes một lần nói rằng, cơn thịnh nộ của thi sĩ nhiều khi hàm chứa nhiều hơn cả túi khôn triết học. Ngày nay, nỗ lực đem thi ca tới gần siêu hình học thiết tưởng chỉ bằng thừa khi ta quan niệm thi ca trước hết là kinh nghiệm sâu thẳm của con người, con người tấn phong bằng tính cách siêu hình của nó. Thực tại kinh nghiệm, thực tại người ẩn sau từng ngôn ngữ, thể hiện ngay trên từng ngôn ngữ. Phải chăng đó là cái gì có thật nhất bên cạnh ngôn ngữ ma thuật, cái gì khẳng định nhất bên cạnh ngôn ngữ hàm hồ. Ta đứng trước một vũ trụ, tự hỏi mộng hay thật, trước mắt hay trong ảo giác, tất cả những sương đục, trăng thề, tơ liễu, những hào quang, châu ngọc, những “vàng sao rơi đầy trên sóng nước”, những “đêm xao xuyến vũng sông Hằng”, những “âm hưởng địa cầu đang vỡ toang ra từng mảnh”… Tất cả tham dự hành trình của một vòng cảm xúc của thơ hay tất cả từng phút từng giây trở về, lảng vảng, xoay quanh, đeo đẳng một cảm xúc, một kinh nghiệm duy nhất, nền tảng. Tất cả, mang vẻ sững sờ. Tất cả: niềm hốt hoảng xao xuyến đang lên tiếng nói. Thi sĩ nói nhiều tới trăng, nhắc nhiều tới trăng. Trăng lấp đầy thi hứng. Trăng biểu hiện niềm cô đơn tuyệt đối. Trăng cưu mang niềm mơ ước. Trăng chính là sự trở về trong cảm xúc thi sĩ, sự trở về trong thảng thốt, kinh hoàng của thi sĩ trong chính hoàn cảnh, thực tại, trong chính kinh nghiệm “qua cầu”.

Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng.

Chỉ còn có trăng, cùng với tình cảm khô chết, hấp hối.

Ánh trăng mỏng quá che không nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rũ
Những lời năn nỉ của hư vô.


Chỉ còn có trăng và kinh khiếp thay, trăng cũng lùi đi dưới mắt nhìn ngưỡng vọng. Còn có trăng nghĩa là không còn gì hết. Bao lời thơ thống thiết chỉ để nói lên rằng không còn gì nữa, trừ “những lời năn nỉ của hư vô”.

Thơ và đau thương. Thơ là kinh nghiệm đau thương đó.

*
Có lẽ không phải tình cờ mà tập thơ xuất sắc nhất của thi sĩ nhan đề ĐAU THƯƠNG. Nếu cần người ta chỉ có thể thâu tóm thơ Hàn Mặc Tử về một ý niệm tương tự, một ý niệm nền tảng. Thơ vẽ nên dung nhan hư hoại của kiếp người. Thơ đào sâu kinh nghiệm thiếu sót, tình cảm bại vong trong hành trình bát ngát của thân phận người. Hiện tại, ngay cả hiện tại cũng không còn, ngay cả hiện tại cũng không . Bởi không một niềm vui, một hạnh phúc nào bình yên, vĩnh cửu. Nó già cỗi từ bao giờ, đã vượt khỏi tầm tay, đã rơi vào quá khứ. Thơ không là lời hồn nhiên ca tụng. Thi sĩ đánh mất thơ ngây. Chỉ có quá khứ ngổn ngang đổ vỡ và tuyệt vọng để khóc than. Chỉ có những ám ảnh thời gian với trăm ngàn sụp đổ đón đợi. Con người thất bại vì nhất thiết nó đã hay sẽ bị tước đoạt tất cả: tuổi trẻ, tình yêu, khoái lạc… Tất cả gãy đổ, băng hoại ngay trong dự phóng con người.

Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
….
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây.
….
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si?
….
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
….
Xin dâng này máu đang tươi
Này đây nước mắt giọng cười theo nhau
Mới hay phong vị nhiệm mầu
Môi chưa nhấp cạn mạch sầu đã tuôn.


Cái chết ám ảnh, dọa nạt, cái chết âm ỉ trong tâm hồn. Thi sĩ sống cái chết của mình. Hư vô chính là kinh nghiệm thi sĩ.
*
Trong ám ảnh của cái chết, trong thôi thúc của thời gian, trong khả hữu của hư vô toàn diện, đâu là cơ hội sau cùng của thi sĩ? Đâu là sự cứu rỗi cho phần số hạn hữu? Phải chăng đó là niềm tin ở một đấng? Phải chăng đó là phút huy hoàng mãnh liệt và đầy ắp? Phải chăng đó là sự kêu đòi hay nguyện cầu vô vọng? Có thể nhà thơ đã không từ chối một cơ hội nào xảy tới. Không cơ hội nào gọi là sau cùng. Không sự cứu rỗi nào gọi là duy nhất. Hàng trăm hàng ngàn vũ trụ hãy còn chưa đủ cho thi sĩ sống kịp đời mình.

Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng
Thơ phép tắc bỗng kêu lên thảm thiết
….
Cứ nhắm mắt cứ yêu nhau như chết
Cứ sảng sốt tê mê và rũ liệt
Đứng nghe chi âm hưởng địa cầu đang
Vỡ toang ra từng mảnh cả không gian
Cả thời gian từ tạo thiên lập địa
Đều trộn trạo điều hòa và xí xóa
Thành hư không hư tình ái đôi ta.
….
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả hàng giang, cả màu sắc thinh không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng cho đê mê nguyện ước.


Thi ca vạch những con đường cứu rỗi cho ý thức khốn khổ bủa giăng bởi hư vô, hư vô chực làm suy sụp mọi dự phóng. Thi ca chính là sự cứu rỗi của người thơ không bao giờ ôm trọn cuộc sống trong tay. Thơ là đặc ân của thi sĩ. Có thể nói rằng chính sự thức tỉnh trước thân phận bàng hoàng, èo uột của kiếp người (có nhất thiết một người mệnh danh Hàn Mặc Tử?) đã đẩy thơ Hàn Mặc Tử tới những chân trời kỳ diệu của ngôn ngữ. Nó là tiếng kêu hốt hoảng của tâm hồn. Nó là cơn gào thét của khoái cảm sắp tiêu ma. Nó là nỗi kích thích, sức dồn đầy của da thịt, của thần kinh, của não bộ. Nó mặc khải một vũ trụ, vũ trụ mà thi sĩ kêu đòi, vũ trụ trong đó thi sĩ chỉ có thể chiến thắng hư vô bằng nhục cảm có thật đang kêu gào, chới với, ngất ngư:

Ồ say sưa trên hết các tục tình
Ồ thú lạ những phút giây thinh thoát
Hương cho thơm ứ đầy hơi khoái lạc
Máu cho cuồng run giận đến miên man
Hồn hỡi hồn, lên nữa quá không gian.


Vũ trụ thơ là tấm gương trong đó thi sĩ nhận ra hình ảnh của chính mình. Tâm tình bất trắc, đó là kinh nghiệm thi sĩ, kinh nghiệm thống trị trong số kiếp một người. Thơ là sự phục thù của thi sĩ, kẻ bị đè bẹp bởi định mệnh. Ngôn ngữ trở thành một khí giới. Nó đi tìm những khích động thần kinh. Nó đặt thơ và sự thưởng ngoạn thơ vào một cảm xúc mãnh liệt. Thơ hay là máu và nước mắt của thi nhân. Thơ không xuất phát từ trí tuệ. Nó bùng nổ từ những trung tâm thần kinh hệ. Thơ thể hiện những dự phóng hiện thực nhất, thơ ngây nhất của con người trong thi sĩ. Thơ vượt khỏi nguy tín của nghệ thuật.

*

Và để trở lại với những gì đã nói ở phần trên, ta có thể nói Hàn Mặc Tử thuộc những thi sĩ mà tác phẩm tự nó chối từ chú giải: nó đã là lời chú giải cho chính nó.

Vâng, thơ Hàn Mặc Tử đã tự đầy đủ cho chính nó. Thơ đã tự đầy đủ cho chính thơ. Và tôi không ngần ngại phát biểu rằng đó chính là sự thật sau cùng, nền tảng ở cuối những con đường tìm kiếm của người đọc thơ. Đó cũng là sự thật sau cùng, nền tảng của chính thơ, của chính người làm thơ. Người ta không thể đọc thơ như người ta nhìn ngắm một món đồ tử phía ngoài. Đọc cũng là một cách gia nhập. Người đọc thơ không là kẻ mang đến cho thơ một lời chú giải. Phải nói hắn chỉ là kẻ mang lời chú giải ra khỏi thơ, bởi lời chú giải về thơ không ở ngoài mà ở ngay trong thơ, nó là một với thơ. Nghĩa là thơ không chỉ là thơ nữa. Và thi sĩ không chỉ là người làm thơ một cách thơ ngây hay sung sướng. Có lẽ đây là chỗ cách ngăn khốc liệt giữa hai quan niệm thơ, về phía người thưởng ngoạn cũng như về phía người sáng tạo. Có lẽ ta không còn ở vào thời đại của một giòng thơ và từ đó của một giòng nghệ thuật thơ ngây, vô tội – sản phẩm của một cơn rung động thoáng qua hay một phút tình cờ may mắn nào đó. Có lẽ mai đây người làm thơ bắt đầu cuộc hành trình của mình không từ một khởi điểm nào khác ngoài khởi điểm của thơ. Chính từ khởi điểm của thơ, người làm thơ tìm đến yếu tính của thơ. Người ta có thể làm thơ trong cuộc đời. Nhưng thi sĩ là kẻ làm thơ ở ngay trong thơ của mình. Thơ không còn là tiếng nói của một phút giây hoan lạc hay sầu khổ đã từng lướt thoáng qua tâm hồn thi sĩ. Thơ không là tiếng nói. Thơ không là ngôn ngữ. Thơ là tiếng nói, là ngôn ngữ đã tinh lọc để trở thành tiếng nói của chính tiếng nói, ngôn ngữ của chính ngôn ngữ. Và mai đây người đọc thơ không còn là kẻ chỉ biết rung động và rên rỉ với từng dòng từng chữ của một bài thơ. Hắn phải có can đảm vượt qua những bức tường chữ nghĩa đầy phỉnh gạt để đạt tới cái cốt tủy bên trong. Hắn là kẻ mang mặt nạ của anh chàng Orphée, tình nguyện sa chân vào địa ngục theo tiếng gọi thầm lặng của Eurydice yêu dấu. Vâng, có một thứ tiếng gọi thầm lặng thốt lên từ mỗi một bài thơ. Đó chính là linh hồn của mỗi một bài thơ. Đó chính là bài thơ đích thật ẩn giấu trong mỗi một bài thơ. Đọc thơ? Có lẽ người ta không đọc thơ nữa. Và có lẽ thơ cũng không còn nữa. Điều đáng kể chính là thơ ở ngay trong thơ, chính là tiếng nói về thơ chứa đựng ngay trong thơ. Với Holderlin, với Lautréamont, với Rimbaud, v.v…, phải chăng một dòng thơ mới đã bắt đầu, dòng thơ bao gồm trong nó một ý thức mãnh liệt về thơ. Thi sĩ là người đầu tiên đọc thơ mình. Thi sĩ là người đầu tiên thức tỉnh ngay trong vũ trụ thơ của mình. Thơ thể hiện một cái nhìn về vũ trụ. Thơ đồng thời thể hiện một cái nhìn về chính cái nhìn đó. Đọc thơ Hàn Mặc Tử. Điều này có nghĩa là cùng một lúc tham dự vào hai cuộc hành trình say mê và hứa hẹn, một của nguồn cảm hứng sáng ngời của một tâm hồn bén nhạy và một của ý thức thơ nơi thi sĩ. Mường tượng một cái nhìn bàng bạc trên khắp các lời thơ của Hàn Mặc Tử, một cái nhìn thấu suốt căn phần thi sĩ cũng như căn phần chính thơ:

Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thâu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.


Thi sĩ làm thơ đồng thời không ngớt nói về thơ, trò chuyện với thơ:

Ta cho ra đời một giòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương
Trời như hớp phải hơi men ngan ngát
Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương.
….
Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt
Đường thơ bay sáng láng như sao sa…
Trên lụa trăng mười hai giòng chữ ngọc
Thêu như thêu rồng kết tinh hoa

Ta cao ngâm giọng vô cùng thanh thoát
Khiến châu thân rung động thể tơ trăng
Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc
Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng…

– “Đây thi sĩ của đạo quân Thánh giá
Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô
Để sớt cho cả xuân xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ”.


Với Hàn Mặc Tử, làm thơ cũng là một cách định nghĩa thơ rồi vậy.

HUỲNH PHAN ANH
 
  • Like
Reactions: VHT Books

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.