Nhà thơ Sương Nguyệt Anh, nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam

Nhà thơ Sương Nguyệt Anh, nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Ngày 01/02/2023, Google Doodle thu hút sự chú ý khi hiển thị hình ảnh, tôn vinh nhà thơ Sương Nguyệt Anh. Kèm theo đó là lời giới thiệu bà là nữ tổng biên tập của đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại và tưởng nhớ một cây bút tài hoa, nữ sĩ tiên phong trong công cuộc đấu tranh, khẳng định vị thế của phái nữ.

Tài sắc hơn người nhưng cuộc sống đầy bi thương​

Sương Nguyệt Anh là bút danh, còn theo các tài liệu nghiên cứu, tên thật của bà là Nguyễn Thị Khuê, có nơi ghi là Nguyễn Ngọc Khuê, Nguyễn Thị Xuân Khuê. Bà sinh ngày 08/03/1864, tại Bến Tre. Bà là con gái thứ 4 của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu và bà Lê Thị Điền. Ngoài bút danh nổi tiếng trên, bà còn sử dụng một số khác như Xuân Khuê, Nguyệt Nga hay Nguyệt Anh.

Nhà thơ Sương Nguyệt Anh.jpg

(Tranh vẽ ông Nguyễn Đình Chiểu, bà Lê Thị Điền và con gái Nguyễn Thị Khuê)
Từ nhỏ, Sương Nguyệt Anh đã thông minh hơn người và được cha dạy cho nhiều điều. Bởi nhà đông con, cha lại bị tật nên bà đã sớm thạo việc nhà, chăm lo cho gia đình và giúp đỡ cha làm thuốc. Ban ngày, chị em bà thường xem cha dạy học, chữa bệnh, đến tối thì đọc sách và tập làm thơ. Cả Sương Nguyệt Anh và người chị Nguyễn Thị Kim Xuyến đều nổi tiếng học giỏi, văn hay chữ tốt. Thậm chí, người trong vùng còn ca tụng hai người con gái của Nguyễn Đình Chiểu là “Nhị Kiều”.

Tài hoa là thế nhưng cuộc sống của Sương Nguyệt Anh không được trọn vẹn bao năm. Vào năm 1888, khi bà mới 24 tuổi đã chứng kiến cha rời xa cõi đời. Sau đó, bà cùng với người anh trai Nguyễn Đình Chúc tiếp quản lớp học của cha. Buồn thay, ông Phủ Xuyên - tri phủ Ba Tường hồi đó đã nhắm trúng bà, đến hỏi làm vợ không được thì đem lòng oán hận, dùng nhiều thủ đoạn hãm hại.

Để tránh tai họa, bà phải cùng gia đình anh trai chuyển đi nhiều nơi, sau ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân ở Rạch Miễu. Tại đây, bà nên duyên với ông Phó tổng Hòa Quới, Gia Định xưa. Ông này tên là Nguyễn Văn Tính, thường gọi là thầy Cai Tính, góa vợ nhưng tính tình hiền lành, rất được lòng dân.

Gia đình đủ đầy chưa được lâu, khi con gái đầu lòng mới 2 tuổi, chồng bà mất. Lúc này, cha mẹ đều không còn, cuộc sống chỉ còn người con gái làm chỗ dựa tinh thần. Sau này, con gái bà cũng qua đời khi vừa sinh con, để lại một người cháu ngoại.

Mất chồng khi mới 30 tuổi, dù nhiều người còn khuyên bảo nên tục huyền, song, bà ở vậy và mở trường dạy chữ Nho. Cũng từ đây, chữ Sương (trong "sương phụ") được thêm vào bút danh Nguyệt Anh, thành “Sương Nguyệt Anh” nghĩa là “Nguyệt Anh góa chồng”, tỏ rõ ý chí thủ tiết thờ chồng.

Sống giữa thời kỳ đất nước gồng mình chống quân thù, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, được sự dạy bảo của người cha “lấy ngòi bút làm vũ khí”, cả đời đấu tranh vì chủ nghĩa nhân đạo và người mẹ tảo tần, hiền dịu, bà đã sớm được tôi luyện ý chí và bản lĩnh.

Điều này đã được thể hiện rất rõ qua những áng thơ, bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Các sáng tác của bà luôn thể hiện cái nhìn sâu rộng, chân thật, đôi khi vừa căm phẫn, vừa ngang tàng. Đáng tiếc, đến nay không còn lưu giữ được nhiều tác phẩm. Song, có thể kể đến một số bài tiêu biểu như Đoan Ngọ Nhật Điếu Khuất Nguyên, Thưởng Bạch Mai, Tức Sự. Hay một số dòng thơ:

“Phong cảnh mặc dầu chia đất khác,
Nắng mưa đâu cũng đội trời chung.
Quê người tạm gởi nhành dương liễu,
Đường hoạn xin tròn phận kiếm cung
.” (Tiễn Ông Trần Khải Sơ Yừ Bến Tre Về Sa Đéc).



“Bể ái sóng ân còn lắm lúc,
Mây ngàn hạc nội biết là nơi.
Một dây oan trái vay rồi trả,
Mấy cuộc tang thương dễ đổi dời.”
(Họa Thơ Ông Phủ Học).

Khi Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du vào những năm đầu của thế kỷ XX, chính Sương Nguyệt Anh cũng là người hưởng ứng nhiệt tình. Thậm chí, bà còn bán đất, gửi tiền đóng góp giúp các du học sinh đi tìm đường cứu nước. Sau này, phong trào bị đàn áp, bà cũng chẳng nản lòng, tiếp tục noi gương người cha với ý chí “Chở bao nhiêu đạo thuyền không đắm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Nữ chủ báo đầu tiên, cây bút tiên phong của phụ nữ Việt Nam​

Năm 1917, Sương Nguyệt Anh lên Sài Gòn và cùng một nhóm chí sĩ yêu nước chuẩn bị xuất bản tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam. Ngày 01/02/1918, số báo đầu tiên của tờ Nữ Giới Chung ra mắt, bà trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên của làng báo Việt Nam. Tòa soạn báo được đặt tại địa chỉ số 155 đường Taberd, Sài Gòn, nay là đường Nguyễn Du, quận 1, TP. HCM.

Tờ Nữ Giới Chung được đặt tên với ý nghĩa là tiếng chuông của nữ giới. Ngay trong số báo đầu tiên, nữ chủ biên đã khẳng định, mục đích hoạt động là truyền bá chữ Quốc ngữ, đề cao luân lý, dạy cách sống, chú trọng đến công - nông - thương nghiệp và tiểu công nghệ, đặc biệt đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Tờ báo Nữ Giới Chung được phát hành định kỳ vào thứ 6 hằng tuần với định lượng 24 trang. Trong đó, ngoài 10 trang quảng cáo các loại hàng hóa, công ty, nhà thuốc cho người Việt thì có 14 trang nội dung với mục xã luận, văn nghệ, đức hạnh, học nghề, danh ngôn, lời hay ý đẹp và trò chuyện mẹ con. Đây cũng là tờ báo đầu tiên của nước ta chú trọng đến việc dạy nữ công gia chánh, phê phán những luật lệ khắt khe mà nữ giới thời đó phải chịu. Sương Nguyệt Anh đã tập hợp được những cây viết rắn rỏi, với tư tưởng tiến bộ, sẵn sàng dùng ngòi bút lên tiếng đòi bình đẳng nam nữ. Bà từng viết:

“Từ đây xin chị em mọi người ai có điều chi hay, hoặc luận biện hoặc hài đàm, hoặc phù cùng là ca rao, cái nào không thất trung hậu, cái nào đăng mở tứ cho bọn nữ lưu, thì xin gửi đến bổn báo sẽ ấn hành, trước cho phổ thông học thức, sau lo tấn bộ cho chị em ta.”

Hay dòng thơ đề cao tinh thần quật khởi từng được đăng trên Nữ Giới Chung số 12:

“Chuông vàng gióng giả
Gửi bạn quần xoa
Phá tan giấc điệp
Tỉnh lại hồn hoa
Hỡi chị em ơi dậy dậy mà”.


Sức lan tỏa của tờ báo đã khiến mật thám Pháp e ngại. Như tác giả Bằng Giang từng viết trong Mảnh Vụn Văn Học Sử: “Bà Sương Nguyệt Anh lấy tờ báo làm diễn đàn dạy bếp núc, nữ công và làm thơ, tuyệt nhiên không để cho thực dân khai thác. Chán nản, Sarraut giải tán Nữ Giới Chung và bắt đầu khai tác những nhà tân học”.

Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng, vì nhiều lý tưởng của báo quá mới mẻ và táo bạo so với nhận thức lúc bấy giờ làm cho không phải độc giả nào cũng tiếp cận được. Bởi những lý do này mà sau 6 tháng phát hành, Nữ Giới Chung đã bị đình bản.

Song, cũng không thể phụ nhận, những tâm huyết của Sương Nguyệt Anh cùng đội ngũ biên tập qua 22 số báo là tiếng chuông ngân mãi, thức tỉnh và cổ vũ cho không ít độc giả nữ, làm tiền đề cho những tạp chí dành cho phái nữ sau này như Phụ Nữ Tân Văn, Phụ Nữ Thời Đàm. Về sau, Sương Nguyệt Anh được mời làm chủ bút cho tờ Đèn Nhà Nam (cải biên từ Nữ Giới Chung) nhưng bà đã từ chối.

Khi sức khỏe suy yếu, mắt mù lòa dần, Sương Nguyệt Anh vẫn vừa chữa bệnh, vừa dạy học cho đến những năm tháng cuối đời. Nữ sĩ qua đời vào tháng 1/1921 tại Mỹ Chánh Hòa, hưởng dương 57 tuổi, được an táng cạnh mộ cha mẹ ở quê nhà Ba Tri, Bến Tre.

Dù đã ra đi nhiều năm nhưng nhắc đến Sương Nguyệt Anh là người ta nhớ ngay đến một nhà văn, nhà thơ, nhà báo tài hoa, người tiên phong của phụ nữ trong công cuộc khẳng định vị thế, đấu tranh vì bình đẳng giới. Trước khi được tôn vinh vào ngày 01/02/2023, Google Doodle từng liệt kê bà trong danh sách những người phụ nữ tiên phong của nhân loại, cùng với các tên tuổi như Marie Curie, Ada Lovelace...

Nguyễn Liên Phong để dành sự tri ân cho nữ chủ biên đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam.

“Gương tỏ đời nay trang tiết phụ
Lâu đài tiếng tốt tạc non sông”.

Hình ảnh mà Google tôn vinh có phải chính là dáng hình của Sương Nguyệt Anh?​

Nhà thơ Sương Nguyệt Anh, nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam.jpg

(Người phụ nữ trong bức tranh có thật là bà Sương Nguyệt Anh? Không- là GG đã nhầm lẫn)

Bức tranh một phụ nữ vấn tóc cao, đeo hoa tai mặc áo dài màu xanh trông xinh đẹp, quý phái trong dòng chữ GG đưa ra không phải là hình dáng của bà Sương Nguyệt Anh. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân là người chuyên nghiên cứu về báo chí trong thế kỷ 20. Ông nói với Tuổi Trẻ Online: "Tôi có thấy tranh Google vẽ bà Sương Nguyệt Anh. Có lẽ họ vẽ phỏng chừng thôi. Tôi chưa thấy báo xưa nào in ảnh bà ấy".
Nguyên mẫu mà GG phỏng theo có thể là bà Đặng Kim Chi - người từng là trưởng trường nữ Trung học Tổng hợp Sương Nguyệt Anh. Phó giáo sư Phan Thị Yến Tuyết - họ hàng xa với bà Đặng Kim Chi, từng tham dự lễ khánh thành Trường Sương Nguyệt Anh cũng đã khẳng định điều này. Theo bà Tuyết, nhiều học sinh thời đó vẫn nhớ hình ảnh của bà Kim Chi. Trường nữ Trung học Tổng hợp Sương Nguyệt Anh thành lập năm 1971. Ðây là ngôi trường nữ đầu tiên tại Việt Nam với lối giáo dục theo phương pháp tổng hợp. Mô hình giáo dục này học tập các nước tiên tiến thời bấy giờ. Hiện nay, đây là Trường THCS - THPT Sương Nguyệt Anh, TP.HCM.

Nữ sĩ làm thơ, mà nhiều bài về hoa mai, thứ hoa xuân phổ biến ở miền Nam. Trong đó có câu "Quỳnh tư ngọc cốt bản thiên chân" ( nghĩa là "Tư chất như quỳnh, cốt cách như ngọc, thiên chân trời gửi gắm cho hoa"). Có lẽ vì lẽ đó mà trong hình ảnh tôn vinh bà, ngoài tờ báo (chỉ tờ Nữ giới chung) còn có cành mai vàng gắn liền.

Một phụ nữ tuyệt vời như bà đúng là " Quỳnh tư ngọc cốt bản thiên chân".

MỘT VÀI BÀI THƠ CỦA SƯƠNG NGUYỆT ANH​

1. Cây mai​

Tài không sắc, sắc không tài,
Lá úa nhành khô cũng tiếng mai!
Ngọc ánh chi nài son phấn đượm,
Vàng ròng há sợ sắc màu phai!
Ba giềng trước đã xe tơ vắn,
Bốn đức nay tua nối tiếng dài.
Dẫu khiến duyên này ra đến thế,
Trăng thu dần xế, rạng non đoài!

Sau khi chịu cảnh goá bụa, bà Sương Nguyệt Anh được nhiều người lui tới thăm hỏi. Một nhà nho ở làng Vĩnh Kim là Hồ Bá Xuyên gửi cho bà một bài thơ, ý muốn cùng bà chắp nối:
Trời đất ghen chi chữ sắc tài,
Vườn xuân vội úa bảy phần mai!
Gương loan sửng sốt càng ngơ ngác,
Phấn vẽ dồi mài sợ kém phai.
Lặng lẽ duyên hồng tơ tóc vắn,
Vấn vương phận liễu tháng ngày dài...
Bông đào bao thủa thay đôi lứa,
Nỡ để trăng thu xế bóng đoài!

Song bà đã quyết chí ở vậy nuôi con, nên hoạ lại bằng bài thơ này.

2. Vịnh hoa bạch mai trên núi điện Bà Tây Ninh​

Non linh đất phước trổ hoa thần,
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân.
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng,
Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân.
Mây lành gió lạnh nương hơi chánh,
Vóc ngọc mình băng bật khói trần.
Sắc nước hương trời nên cảm mến,
Non linh đất phước trổ hoa thần.

3. Tỏ chí​

Xướng tuỳ phận đẹp vợ hoà chồng,
Kẻ mất người còn trải mấy đông.
Giai lão một câu đành lỗi hẹn,
Hiếu tư hai chữ dốc ghi lòng.
Đã quen ngon với mùi rau ốc,
Đâu nỡ vui cùng thói bướm ong.
Gương tỏ đời nay trang tiết phụ,
Lâu dài tiếng tốt tạc non sông.
(Theo Tổ quốc vn và vài nguồn tin khác)
Xem thêm các tác giả văn học khác:
Hàn Mặc Tử: Thiên thần bị đầy đọa
Người đương thời thơ mới bàn về thơ Huy Cận

Nguyễn Khải suy ngẫm về cuộc đời và văn chương
 
Từ khóa
ho chi minh kháng chiến chống pháp mồ anh hoa nở nha tho nhà thơ mù nguyễn đình chiểu nhà thơ thanh hải những năm chống mỹ nữ tổng biên tập của đầu tiên sóng hồng sương nguyệt anh thanh hai thơ ca cách mạng tờ báo phụ nữ đầu tiên ở việt nam to huu tờ nữ giới chung van hoa văn học nghệ thuật
585
2
1

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Sương Ngọc Anh cũng có một số bài thơ trào phúng rất hay. Hôm làm LV có đọc qua. Đúng là một phụ nữ tài sắc vẹn toàn.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top