Nhà văn Kawabata Yasunari

Nhà văn Kawabata Yasunari

nauyeee
nauyeee
  • Thành Viên 20
Kawabata Yasunari (1899-1972) là nhà văn người Nhật đầu tiên đoạt giải Nobel văn học, ông được đánh giá là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn học Nhật Bản thế kỷ XX.

5618

( Ảnh: Nhà văn Kawabata Yasunari )

Kawabata Yasunari sinh ở Osaka, mồ côi từ năm lên 2, từ đó cậu bé và chị sống cùng ông bà ngoại. Khi cậu lên 7 thì bà ngoại qua đời, lên 9 thì mất chị, được 14 tuổi thì mất cả ông ngoại, cậu phải về Tokyo sống với gia đình người dì. Đứa trẻ ốm yếu lại côi cút Kawabata chỉ còn biết tựa mình vào năng lực sáng tạo, phong kín vết thương tâm hồn của mình bằng cuộc tìm kiếm mê mải cái đẹp trong cuộc đời.

Thơ ca và truyện ngắn của Kawabata Yasunari được ấn hành ngay từ lúc ông còn là học sinh trung học. Tình yêu thơ ca thấm đượm trong từng trang văn của ông, đặc biệt với loại truyện rất ngắn mà ông gọi là truyện ngắn trong lòng bàn tay, loại truyện mà ông luôn thích viết trong suốt cuộc đời mình, như ông giải thích: "Tuổi trẻ trong đời nhiều nhà văn thường dành cho thơ ca; còn tôi, thay vì thơ ca, tôi viết những tác phẩm nhỏ gọi là truyện ngắn trong lòng bàn tay... Hồn thơ những ngày trẻ tuổi của tôi sống sót trong những câu chuyện ấy..."

Các tác phẩm của Kawabata Yasunari luôn đượm buồn, ẩn chứa cảm xúc đơn độc phản chiếu giữa thiên nhiên nước Nhật rộng lớn, đẹp nên thơ. Để làm được điều đó, Kawabata Yasunari thường truyền vào các tác phẩm của mình thủ pháp nghệ thuật hình ảnh cô đọng, ẩn dụ, với giọng văn u ẩn đúng như cuộc sống của mình. Có thể nói Kawabata Yasunari là một nhà văn đã sử dụng văn học để biến thơ haiku truyền thống trở thành câu chuyện.Bên cạnh những tác phẩm đề đời, Kawabata Yasunari còn là chủ tịch Hội văn bút Nhật Bản nhiều năm sau chiến tranh. Ông cũng thúc đẩy phát triển dịch văn học Nhật sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác để phổ biến văn học Nhật đến người đọc ở các quốc gia khác. Vào thời gian đó, Kawabata Yasunari được xem như là thủ lĩnh trên văn đàn Nhật Bản.Năm 1972, Kawabata Yasunari tự sát bằng hơi ngạt. Đây là cú sốc với nền văn học Nhật Bản.

Cả đời Kawabata đã sống trong cõi chết, cái chết của những người thân yêu, của bè bạn, do uy tín hay một lý do nào không rõ, ông thường xuyên chủ trì các tang lễ của bạn bè mình. "Người đẹp say ngủ" vì thế có một ý nghĩa lớn trong sự nghiệp văn chương của nhà văn, nó như lời chào vĩnh biệt tuổi sung mãn để bước vào tuổi già, đồng thời nó như một bài thơ từ thế của ông báo trước cho người đương thời. "Người đẹp say ngủ" có dung lượng ngắn, khi dịch sang những ngôn ngữ như tiếng Anh, nó thường được in kèm với một số truyện ngắn khác để đầy đặn bản in. Bản chất như một bài thơ, nó kết tinh những thành tựu nghệ thuật của Kawabata và vì thế rất được văn hào Gabriel García Márquez - tác giả của "Trăm năm cô đơn" - yêu thích, ta có thể tìm thấy nguồn cảm hứng "Người đẹp say ngủ" trong tiểu thuyết "Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi" của García Márquez. Điều đó có thể thấy sự quan tâm của người yêu văn chương với chỉ riêng tác phẩm này của Kawabata.

Năm 1963, ông viết "Bất tử" - một dạng "truyện ngắn trong lòng bàn tay" kể về một ông cụ vừa qua đời hội ngộ linh hồn cô gái ông yêu chết lúc trẻ. Dù tin rằng cõi chết chính là cõi bất tử nhưng ông vẫn phản đối hành động tự sát của văn hào Mishima Yukio (1925-1970). Vậy mà 2 năm sau, khi bước vào tuổi "thất thập cổ lai hy", ông quyết định tự tử hệt như cái chết của những người đẹp trong tiểu thuyết, ra đi trong giấc ngủ vùi.

Trong diễn văn của Viện Hàn lâm Thụy Điển khi trao giải Nobel Văn chương cho ông vào năm 1968, đã tôn vinh Kawabata: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người.”

Tác phẩm tiêu biểu
Lễ chiêu hồn (1921)
Vũ nữ Izu (1926)
Xứ tuyết (1947)
Ngàn cánh hạc (1952),...

Sưu tầm
 
Từ khóa Từ khóa
kawabata yasunari nhà văn
1K
2
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.