Thông Báo Nhận xét các tác phẩm dự thi tuần 8 cuộc thi viết chủ đề nhà

Thông Báo  Nhận xét các tác phẩm dự thi tuần 8 cuộc thi viết chủ đề nhà

Thy Việt
Thy Việt
Tuần thi 8 - có 18 bài dự thi được gửi tới BTC cuộc thi, và BGK chấm dựa theo học vấn và quan điểm cá nhân để đưa ra bình luận dành cho các tác phẩm dự thi ấy. Các tác giả có thể coi đó như là một ý kiến, một góc độ nhìn nhận, VHT không dám nói đó là chính xác hoàn toàn nhưng phần nào cũng cho các bạn thấy một thái độ về bài viết của chính mình. Các tác giả có thể để lại phản biện ở dưới bài đăng này.

Nhận xét các tác phẩm dự thi

Nhan xet cua BGK bai thi tuan 8.jpg

1/ Con gái nhỏ của cha - Hoài Sa

-Bối cảnh vùng núi nhưng ngôn ngữ viết không đặc trưng ngoài những đoạn tả núi rừng, có chỗ còn giống như vùng nam bộ (do cách đặt tên anh Hai Tú)
-Góc nhìn lạ, từ cái nhìn của người lớn – cha dượng, câu chuyện đủ đầy thú vị. Nhưng kinh nghiệm sống, số tuổi chưa đủ để bạn thể hiện đó từ góc nhìn của người cha. Nếu không có ngôn từ chứng minh (qua lời gọi của Thêm) thì chắc người đọc đoán đây là em/anh trai của Thêm kể lại câu chuyện.
Chi tiết cái lưng đau để ở cuối cùng thực sự có ý nghĩa, người cha bận rộn tìm con, quên cả cái lưng đau, sau khi mọi việc được giải quyết, khúc mắc được gỡ bỏ thì mới rảnh để nhớ về cái lưng đau.
So sánh hay: Tôi buông thằng Đăng ra, như một luật sư bị thua vụ kiện cáo; âm thầm như ngọn lửa xấu xa ngày xưa đã từng đã đốt rụi nhà bà Thường

Lỗi dùng từ: Tên nhân vật chỗ Đăng, chỗ Huân, Ánh chiều tà nhễ nhại, lòe nhòe; trắng phau như thoang thoảng hương thơm (câu so sánh tối nghĩa dù hình ảnh đẹp), giọng nói của con lanh lảnh đáng yêu như có nghìn con chim sâu đang đậu lên giọng nói của con,

dùng nhiều câu dài không có dấu phẩy ngăn cách ý đọc hơi mệt.

>> Tác giả đã có đầu tư vào tác phẩm, viết ra được một câu chuyện tròn vẹn, có ý nghĩa, tôi khá thích chuyện về cô Cải được nhắc tới thoáng qua trong tâm trí nhân vật, góc tiếp cận vấn đề cũng mới mẻ, tác giả cũng cố gắng chọn từ ngữ để so sánh, miêu tả để tăng thêm cái đẹp cho cảnh vật, con người. Tuy nhiên do vốn kinh nghiệm còn ít, nhân vật kể hơi nhiều, diễn biến tâm lí chưa thực sự tốt khiến sự đồng cảm ở người đọc bị hạn chế.

2/ Bước đi đầu đời - Thanh

Từ này hai con chính thức là vợ chồng >> Câu này ở đầu tiên, khiến mình lầm tưởng bài viết này sẽ đi theo hướng mới, góc nhìn của đôi vợ chồng trẻ về “nhà”, và bài viết hoàn toàn khác xa với câu này. Một câu mở đầu lạc lõng.

Ngôi xưng hô không cố định:

Tôi từ bỏ con đường đại học một phần mình cảm thấy việc học mệt mỏi >> tôi, mình

Trước khi tôi chuyển đi bố mẹ tôi từng nói rời khỏi nhà đồng nghĩa với việc phải tự lo cho cuộc sống của bản thân, bố mẹ chu cấp nơi ở bản thân phải tự biết lo bố mẹ sẽ không trợ cấp thêm bất cứ thứ gì nữa >> Câu dài, gom quá nhiều ý, nên cách ra thành một đoạn, như:

Trước khi chuyển đi, tôi nhớ bố từng nói:

“Giờ con lớn rồi, tự làm tự lo cuộc sống, bố mẹ sẽ không trợ cấp thêm cho con nữa đâu”

Cơn sĩ diện trong tôi khiến tôi đáp trả một cách ngang bướng: “…” Có thể chèn thêm giọng điệu để người đọc hiểu về tính cách nhân vật, và quan điểm của cha mẹ nhân vật, thay vì bạn trình bày toàn bộ một cách trần trụi như thế.

Trần thuật sự việc nhiều khiến bài viết giống như đang kể lại chứ không phải là một truyện ngắn

Lỗi dùng từ thiếu ý hoặc chính tả:

Lặp từ “nhưng không”
Nhưng mỗi khi mẹ, tôi đều >>
một ngày một mỏi >>


Bài viết là sự giao thoa giữa hồi ký, tự truyện. Người viết có lẽ đã tự kể câu chuyện có thật của bản thân, mâu thuẫn trong bài viết ở chỗ: có cô bạn ở CLB nhiếp ảnh soi mói, nhưng mâu thuẫn này không được làm nổi bật, không viết nó xảy ra thế nào, ảnh hưởng tới mối quan hệ, cuộc sống của bạn ra sao. Người viết quá chung chung để bạn đọc cảm thấy áp lực của bạn. Đi qua tình tiết ấy chóng vánh rồi vội vã kết luận: áp lực, mệt mỏi…. khiến bạn đọc cảm thấy bạn chính là một “tiểu thư/ thiếu gia” chưa từng trải. Do đó, những lời kêu gọi ở cuối bài không có sức thuyết phục cao.

Một người viết giỏi là người không cần kể lể nhiều, không nói xấu người khác mà vẫn cho bạn đọc thấy cô ta/ anh ta là một kẻ xấu xa.
Bài viết chưa được chỉn chu nhiều ở từ ngữ, lỗi đánh máy, lỗi trình bày bài viết, nội dung câu chuyện cũng không nhiều ý tưởng mới.

3/ Trăm sự nhờ bác sĩ - Rian Ng

Nổi bật nhất khi đọc xong tác phẩm là tình yêu với bố - tình yêu nghề nghiệp.

“Trăm sự nhờ bác sĩ”, đọc tới cuối cùng, mới thấy câu nói đó sao cay đắng, cay đắng cho cái nghề lương y tận tâm, thậm chí là những “người nhà nước” nói chung. Đó có lẽ cũng là thực tại ở nơi chúng ta ở, vì nghèo nàn, trình độ học vấn thấp nên không hiểu, đứng trước “cường quyền” thì sợ hãi, thỏa hiệp, nhưng sau lưng lại ngầm chê bai, trách móc. Và sau cùng, tại sao lại không “chửi cho ra nhẽ”, nhân vật Nguyên giải đáp: do đã từng trải qua, từng đau đớn nên hiểu.

Một truyện ngắn đi thẳng vào vấn đề lương tâm nghề nghiệp và sự bi hài, éo le, cười ra nước mắt của những người mang trên mình tấm áo blouse trắng.

Sự thật thường rất cay đắng, phũ phàng. Sự thật về cái chết từ lời nói của bác sĩ lại càng đau lòng hơn. Đôi khi như nhát dao xuyên thủng tâm can, bóp nghẹt hi vọng của bệnh nhân hay người nhà của họ. Nhưng đó là nhiệm vụ, là trọng trách và chữ "tâm" mà người hành nghề y buộc lòng phải thực hiện.

Chẳng cần phải nói ra, vị bác sĩ trong truyện ngắn này là biểu trưng cho sự trung thực, chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp. Có thể, từ góc nhìn của người khác, điều đó là tàn nhẫn, độc ác. Nhưng thẳm sâu trong trái tim của mỗi y bác sĩ, sự thật hay dối trá chỉ họ mới hiểu rõ nhất. Như câu nói cuối truyện của Nguyên.

"Điều mà tớ mong muốn, chỉ là mỗi sáng thức dậy nhìn thấy mình trong gương đều có thể mỉm cười, tự nhủ “mình đã làm rất tốt”. Vậy thôi… " (Lương Phạm)


Tác phẩm phân tích ra người đọc sẽ tìm thấy được rất nhiều tầng ý nghĩa sâu ẩn ở trong đó, như vài điều tôi đã nói ở trên. Nhưng cảm xúc trong tôi về câu chuyện thực sự không nhiều. Có người cần suy nghĩ, có người cần cảm xúc, đòi hỏi ở mỗi người đọc là không giống nhau. Tác phẩm không có gì để chê về lối viết, kĩ thuật viết và các tầng ý nghĩa, khiến người đọc nhận ra nhiều ẩn ý sau đó, song có những người đọc, như tôi, yêu cầu tác động về cảm xúc nhiều hơn.

4/ Ngày trở về của con - Nguyễn Thanh Dũng

Tác giả miêu tả trộm cắp mà lương thiện quá. Văn như người, có lẽ ở trường hợp chú Dũng vô cùng chính xác: nhẹ nhàng, tình cảm, thiện lương. Nhưng chính vì thế cũng gây hạn chế cho tác giả khi viết về những đề tài thế này, “kịch bản” đặt ra trong tác phẩm có hơi không thực tế, Hùng bị bắt giữ cũng thiếu logic. Nhân vật bác sĩ “biết quá nhiều”, có tên rõ ràng còn biết rõ vấn đề tâm lí mặc dù tác giả đã để chữ “hình như” - những chi tiết này thực sự không cần thiết, có thể nói bệnh nhân hay bồn chồn, lo lắng, người nhà nên giúp bệnh nhân giải tỏa lo âu tránh cho bệnh thêm nặng…. (đại khái như vậy, thay vì tò mò phỏng đoán).

Chi tiết bức thư là chi tiết xúc động nhất, tác phẩm chú viết nói về sự gắn kết của các thành viên, thiếu Hùng, 2 đứa em học hành không tốt, chú thím hối hận, buồn rầu, còn Hùng bỏ nhà đi thì bơ vơ, trở thành một kẻ đầu đường xó chợ, đặt ra ý nghĩa của “nhà” với mỗi người. Thanh Dũng viết tình cảm, ấm áp nhưng cần tạo dựng một cốt truyện tốt hơn.

Lỗi dùng từ: nước mắt tuôn rơi lai láng; Hùng múc lên bàn thờ bát canh khổ qua do mình nấu.

Lỗi về dấu – do vùng miền gây ra: thẩn thờ, khẻ gật đầu, ánh nắng vàng buổi ban mai khẻ xuyên qua, hành động nông nỗi, ánh chim không mõi.

Văn học trẻ luôn ghi nhận sự nhiệt tình của chú để giúp các tác giả có nhiều động lực hơn, và bản thân chú cũng luôn nỗ lực sáng tác, cải thiện khả năng viết, đây là điều mà thế hệ sau nên học tập theo.

5/ Chợ mực – Quỳnh Nga

Bài không có nội dung cao trào nhưng lối viết chân thực, rất thôn quê, bình dị. Người mẹ nghèo, chất phác là một điển hình của những người phụ nữ nông thôn.

Truyện tạo dựng được khung cảnh thông quê đậm nét rất rõ, với nhiều cảnh người, chi tiết nước mực cũng rất hay, nhưng lại để nhân vật phụ nói ra làm loãng bài, do có đối thoại thú vị về nước mực của cô bé, tôi đã chú ý vào hai mẹ con cô bé, để rồi không gặp lại lần nữa.

Hai lần điệp từ: Âu cũng là tại con mực – Âu cũng là tại con bé Lan, qua những nguyên do để thúc đẩy hành động khá thú vị

6/ Cánh bướm nhỏ - Kì Phong

Bài viết
này xóa bỏ định kiến về tác phẩm của Kì Phong, tôi nghĩ bạn có thể viết về nhân sinh, sự đời, về thế giới ngoài kia tốt nhưng không thể truyền cảm xúc cho người đọc, thì bài này giống như chứng minh Kì Phong cũng có thể làm cho bạn đọc xúc động.

Lối viết đánh lừa bạn đọc, lúc ở hiện tại lúc về quá khứ, và mọi chuyện được làm rõ ở phía cuối cùng.

Đúng như Lan tím viết: “Đọc lần 1 tôi khóc . Đọc lần 2 tôi đau lòng , đọc lần 3 thì thương cảm. Tôi sẽ ko nói về nhiều thứ đâu, chỉ nói về lần đọc đầu tiên. Tôi đã luôn nghĩ “nó” là 1 đứa con đi học đi làm xa nhà lâu lắm mới trở về. Kể cả khi đọc đến đoạn bà Sa đi chợ mua đồ làm giỗ Tâm, tôi vẫn nghĩ Tâm là một đứa con khác, có thể em hoặc chị của “nó”.

Tôi ko ngờ rằng Tâm và “nó” lại là 1 người . Rồi lúc đọc chữ “Năm ấy” là tôi biết mình bị lừa rồi, một câu chuyện cũ được nhắc lại để cho tôi biết Tâm là ai và “nó “ là ai. Biết rồi thì sao? Đau lòng lắm. Cái sự nhầm tưởng bà Sa có 2 người con này là điều mà tôi thích nhất trong cách viết của bạn
.”

Ai đó sau khi mất, rời xa thế giới của chúng ta, sẽ quay trở lại bằng cách nào đấy, cánh bướm là một hình tượng đẹp tượng trưng cho người đã khuất, dân gian hay đồn nó có thể ẩn chứa linh hồn, hiện thân của người đã chết. Dùng cách tương truyền ấy, Kì Phong đã viết nên một câu chuyện cảm động mà không quá bi thương, vì biết đâu, những linh hồn ấy vẫn ở bên theo dõi chúng ta.

7/ Bệnh viện tâm thần - Híp bốn mắt

Cao trào chưa được đẩy mạnh, những đoạn hồi ức về tuổi thơ cần chọn chi tiết điển hình có tính chất khắc sâu vào tâm trí để người đọc biết Lam đã sống ở đây như thế nào, phân chia nuôi dưỡng ra sao. Tôi mong chờ sự gắn kết giữa Lam với bệnh viện này để thấy được đó là nhà, ba người mẹ đã nuôi dạy Lam ra sao. Mọi việc diễn ra êm ả, yên bình quá, không tạo ra được sự khác biệt về hoàn cảnh lớn lên của nhân vật (khác biệt trong sinh hoạt, tính cách, lối sống). Cái tôi thích nhất vẫn là ý: không làm bác sĩ tâm thần, thì con biết ở đâu? Câu này thể hiện cảm xúc thực sự coi bệnh viện tâm thần là nhà, là chốn không thể xa rời của nhân vật.

Việc nhấn mạnh quá chứ “bác sĩ tâm thần” làm tôi không thích lắm. Con muốn làm bác sĩ – Làm bác sĩ khổ lắm, thế là ổn, thêm cụm từ làm rõ lại vô tình tạo sự phân biệt đối xử với nghề sao đó. Một khi đã thích thì nghề nào, ngành nào cũng có giá trị nhất định với người lựa chọn mà.

Lỗi từ: ruột già > máu mủ ruột rà

8/ Bố là nhà - Nguyên Hà

Bài
viết nhẹ nhàng, không có xung đột cao trào, chủ yếu là tâm sự trên quãng đường xe về của đứa con, trên con đường về quê ấy, lòng bộc phát ra những kỉ niệm hồi thơ bé: thiếu mẹ, trung thu ở nhà người ta vui vầy, phá cỗ, trung thu nhà mình lại là đám giỗ cô đơn. Bài viết có nhiều cảm xúc, nhất là đoạn tôi mong được mẹ gọi về ăn cơm mà không được, nhưng lối viết chưa thực sự cuốn hút,

9/ Ký ức không quên - Vũ Thị Trà My

Bà cụ nằm trên giường chảy dọc nước mắt, cả người cụ run run chẳng biết là do lạnh hay do lo sợ? Trời ngoài kia vậy mà lạnh lắm, từng cơn gió lùa thật sâu vào kẽ tường. Nhưng còn lạnh sao được, con cháu cụ chẳng lỡ để cụ thấm gió rét, mới đầu mùa đã lấy ra máy sưởi để căn phòng tràn đầy hơi ấm. >> đoạn này viết hơi dở.

hơi thở dồn dập rồi dập tắt mãi mãi. >> trình bày ý không được đẹp

Bài viết không logic hoàn toàn về nội dung: nếu 3 ngày nữa là mốc cần cầm cự để có ánh sáng, có tương lai, tại sao ông bà không cố cùng hai đứa cháu chờ đợi? Giữa cái đói này, nên biết rằng nếu không còn người lớn chở che sẽ gặp nguy hiểm cho tất cả, vì thế nhà vẫn còn gạo lại phải viết ông bà nhịn đói tới chết nhường gạo cho cháu để rồi số gạo lại bị cướp đi. Đề tài này, bối cảnh này, lẽ ra cần viết để người đọc thấy được sự đồng cảm, nghèn nghẹn, buồn thương hoặc cả nước mắt, nhưng do My viết chưa tạo được sự dồn nén của tang thương, để mỗi khi có sự việc gì xảy ra nó như làm vỡ cái căng thẳng dồn nén mà bạn tạo dựng. Bài viết của My viết không tệ, nắm được quy luật viết một cách chắn chắn nhưng không có cảm xúc nhiều để lại cho bạn đọc. Giống như xem kịch mà không hòa được vào cùng khung cảnh ấy (do tạo dựng, miêu tả không chân thật).

Câu cuối cùng bài viết rất hay và có triết lí chuẩn xác. Phần sau cùng viết tốt, nếu đoạn trước đó mà bạn viết được ra cái bối cảnh chết chóc, đứa bé đáng thương thì phần kết này sẽ làm nổi bật ý nghĩa toàn bài: Đời người là sự tiếp nối, đi qua khó khăn gian khổ bao nhiêu thì quê hương – nơi mình sinh ra đầu tiên cũng là nơi cuối cùng mình muốn trở về. Ý nghĩa đặc biệt của quê hương, dù xa cách vẫn luôn trong tim, dù nơi đâu cũng muốn tìm về, bản thể có thể tách rời, nhưng tâm hồn vẫn luôn có gắn kết mật thiết. Làm sao có thể lí giải được.

10/ Truyện ngắn của Ta Thủy - không tên

(Bài viết không có nhan đề, không đăng trên forum – không hợp lệ)

11/ Đôi gánh sờn màu giữa một chiều mưa - Như Ý
  • Lòng con cuộm lên nỗi trách hờn nhân thế >
  • Mình cũng không thích việc viết hoa để nhấn mạnh chủ thể, việc có nhấn mạnh hay không là do cách viết, không phải do việc viết hoa.
  • tâm thái khó nhọc, miền xa ngái, Con quay đi đứng nhìn màu mưa nhưng chẳng dám nhìn màu mắt Mẹ. Vì con sợ đôi mắt sâu hoắm >> dùng từ chưa chuẩn xác, sâu hoắm có thể thay thế bằng sâu thẳm, sâu hoắm mang hàm nghĩa đáng sợ nên không phù hợp
Như Ý dùng rất nhiều câu từ đẹp, đắt giá, nhưng sử dụng quá nhiều hình ảnh biểu tượng với mật độ dày đặc, đọc cảm giác khó thở: Mẹ cuốn theo mùa lam lũ gánh mưu sinh, Tấm áo nâu bạc sẫm màu hoen ố, phủ lên màu nắng mưa vẫn nằm đó đợi Mẹ choàng, Con đâu biết, Mẹ gánh cả biển nước mưa trời bằng đôi vai chai sạm đớn đau, trên đôi chân đi trên hình dích dắc… > Đây là lối viết không tả thực mà sử dụng hình ảnh gợi như thơ, từ ít nhưng hàm nghĩa nhiều và thường giúp cho những câu thơ với dung lượng ít ỏi có sức lột tả cao, nhưng tần số của nó quá dày lại thành ra đẹp trên mặt chữ nhưng cản trở sự cảm nhận, thẩm thấu cảm xúc sang người đọc .

Giống như một ngày có sáng sớm, mặt trời vừa ló, buổi trưa mặt trời lên cao, chiều tà hoàng hôn… mỗi khoảng khắc trong ngày đều có vẻ đẹp riêng, người viết sẽ đi vào từng khoảnh khắc ấy để trải lòng, nhưng ở Như Ý tất cả vẻ đẹp của một ngày đều được tác giả viết rõ, tham nhiều ý tưởng, nhiều hình ảnh, làm mờ đi cảm xúc. Từng đoạn một tách riêng đều hay, nhưng gộp chung lại thì nặng nề, kết cấu dày thoáng nên đồng đều, dày quá sẽ thiếu khoảng suy tư.

Thật lạ không? Khi ai trong chúng ta cũng đôi lần dễ dàng “dạ”, “thưa”, sử dụng văn phong mĩ miều, ngọt ngào với kẻ lạ. Nhưng buông lơi lời lẽ thô kệch, không đầu không cuối để đáp lại lời càm ràm của Mẹ vào mỗi lúc bỏ bữa cơm, những đêm về muộn, những khoản tiền đầu tư, chi tiêu chưa hợp lý,… Ta quát tháo, to tiếng nhưng Mẹ vẫn lẳng lặng dõi theo sau, dẫu đôi mắt Mẹ mỗi lần như thế lại dày thêm vì vệt màu buồn thương len lỏi. >> đoạn này hay, có ý nghĩa rộng tới đạo lí xử sự trong các gia đình hiện nay.

>>Một tản văn có đầu tư, nhưng cần thoáng đãng, gần gũi và trải lòng hơn.
12. Đường về quê - Bích Trâm
Đây là một bài tản văn hay, ngọt ngào và xúc động về tình cảm của tác giả dành cho quê hương mình. Ở bài tản văn này tác giả đã phân tích rất sâu những nếp sống sinh hoạt của người miền Tây để cho người đọc như có dịp được đi du lịch về mảnh đất miền Tây mộc mạc, nên thơ và giản dị đến không ngờ. Chất văn của bạn cũng thật gần gũi và giản dị với những đoạn miêu tả giàu hình ảnh và chất tình trong đó. Có lẽ do dùng phương ngữ khiến tác phẩm trở nên thân thương trong lòng độc giả hơn bao giờ hết. Tuy nhiên nếu bạn biết tiết chế một chút thì bài tản văn của bạn sẽ tròn trịa về mặt câu chữ hơn, vì có những từ chỉ thích hợp trong văn nói, khi đưa vào văn viết nó làm cho câu chữ trở nên khiên cưỡng và thiếu sự mượt mà. Trên đây là một số góp ý của tôi cho bài viết của Bích Trâm. Mong bạn sáng tác hay hơn.

13. Khu vườn nhà mình - Phạm Cường
Trước hết tôi xin cảm ơn bạn vì đã gửi bài dự thi và có hình minh họa rất đẹp. Ở tác phẩm này tôi nhận thấy có hai độc giả đưa ra những lời nhận xét khá đầy đủ và hay nên xin được mượn lời Lan tím và thầy Dũng để chia sẻ cùng với bạn.

Lan Tím: “Bài viết của bạn là những lời chia sẻ tâm sự rất chân thật và dễ thương. Tuy nhiên tính chất văn học lại chưa có. Yếu tố cốt lõi để tham dự chủ đề “Nhà“ của cuộc thi cũng không đủ. Nhà bạn trồng mía thì hơn ai hết bạn hiểu được nỗi nhọc nhằn vất vả chăm sóc mía. Sao bạn không đưa những cái khó khăn ấy vào bài viết? Ví dụ như đoạn bạn đang thả hồn mình vào khung cảnh ấy để cảm nhận ... Nếu là mình có thể mình sẽ viết như này: “Nhìn bóng bông mía chập chờn dưới bóng chiều chưa tắt nắng. Tôi như chợt nhìn thấy bóng dáng nhỏ bé của mẹ tôi giữa cái nắng chang chang đang vun từng gốc mía. Tôi như cảm nhận được cái đau rát lá mía cứa vào bàn tay mỗi sáng mẹ đi tước lá. Tôi như nghe thấy tiếng mẹ thở than những đêm mưa giông lo lắng mía ngã ngoài đồng”. Bạn hoàn toàn có thể lồng ghép hình ảnh người mẹ vào bài viết, vừa đúng với chủ đề nhà, vừa khắc họa hết được nỗi nhọc nhằn của nghề trồng mía. “Để giờ đây khi bao giọt mồ hôi bao công sức đổi lại một cánh đồng mía trổ bông, mẹ đau lòng lắm xót xa lắm. Nhưng mẹ thương những người đang sống trong vùng dịch hơn, mẹ muốn góp chút gì cho họ.” Bạn có một đề tài rất hay, mà tiếc là bạn chưa khai thác được. Chúc bạn sẽ viết tốt hơn trong những tác phẩm sau nhé”

Thầy Dũng: “Đây là tác phẩm đầu tiên của em tham gia cuộc thi nên sai sót là chuyện rất bình thường. Thầy xin điểm qua những ưu điểm và khuyết điểm của tản văn này như sau. Về ưu điểm, nội dung có tính nhân văn. Do dịch bệnh, vườn mía nhà em không thể bán, gia đình có buồn chút ít nhưng lại thể hiện tinh thần tương thân tương ái sẻ chia, đấy là tính nhân văn của tác phẩm. Ảnh chụp minh họa rất hay phù hợp với nội dung. Em viết một câu chuyện thật của nhà mình nên dễ đi vào lòng người. Em có những đoạn văn hay giàu cảm xúc như đoạn: "Dưới ánh nắng vàng của hoàng hôn, mình đang nhìn về phía rặng mía sau nhà, những bông mía đung đưa theo làn gió như những cánh bướm đang chập chờn bay, khiến khung cảnh của buổi chiều hôm nay đẹp hơn so với mọi ngày. Mình đang thả hồn vào khung cảnh ấy để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, để cảm nhận sự bình an đang phủ kín tâm hồn…". Đoạn này em dùng phép tu từ so sánh và có mức độ tượng hình cao giúp cho người đọc nhìn thấy cảnh đẹp nên thơ mà vườn mía mang lại. Mong em tiếp tục phát huy những ưu điểm này. Về khuyết điểm, lẽ ra với nội dung như thế này, em nên viết dài hơn thì tản văn mới truyền tải hết được giá trị nhân văn. Em chốt câu chuyện nhanh quá nên tạo cho người đọc cảm giác hụt hẫng. Sai sót kế tiếp của em ở đoạn cuối.

Đây là một tản văn nên em không nên viết đoạn cuối "Trước khi hoàng hôn tắt nắng, mình và mẹ cũng kịp chụp vài tấm hình bông mía để chia sẻ cho cả nhà xem nè, mình đoán ở đây cũng có bạn chưa nhìn thấy bông mía bao giờ phải không nè?". Chỉ khi nào người ta đăng trên facebook cho bạn bè thì viết câu ấy. Đây là cuộc thi viết nên không thể đăng những dòng này. Thầy đoán có thể do thời hạn dự thi sắp hết nên em tranh thủ viết gửi bài và chưa đầu tư nhiều vào tác phẩm. Thầy có cùng quan điểm với nhận xét của em Lan Tím. Em có đề tài hay nhưng em chưa khai thác để nâng giá trị của tác phẩm. Hy vọng em sẽ viết tốt hơn trong thời gian tới. Thầy chúc em sức khỏe và thành công với đam mê viết lách của mình. Thầy thân mến chào em.”

14. Mưa - Phương Oanh
Rất vui vì nhận được bài dự thi của bạn. Bài viết đầu tiên mà bạn viết được như thế này thì rất tuyệt vời rồi, tuy nhiên do tác phẩm không đủ 750 từ nên chúng tôi không thể xét giải. Tôi xin chia sẻ đôi lời nhận xét của thầy Dũng về bài dự thi của bạn như sau:

“Từ những cơn mưa nhưng em đã dùng biện pháp ẩn dụ nói lên rất nhiều điều, đó là ưu điểm thứ nhất. Trong đoạn "Chỉ là mưa không còn thấm ướt những mái ngói sẩm màu rêu bám, mưa bây giờ mạnh bạo hơn, nó đập vào mái tôn, xé nát cõi lòng cũ kĩ bụi bặm của những con người nặng tình hoài niệm". Hình ảnh mái tôn thay cho mái ngói ý nói cuộc sống bây giờ đã đổi thay, người dân khá giả hơn trước. Mái tôn như sự tương trưng cho nếp sống hiện đại, vì vậy nên em viết "những con người còn nặng tình hoài niệm". Đó là những người nhớ về quá khứ. Đôi lúc họ biết cuộc sống bây giờ văn minh và hiện đại hơn xưa nhưng có những hình ảnh đẹp ngày xưa, bây giờ không còn tìm thấy được.

Ưu điểm nữa là em dùng rất nhiều biện pháp điệp từ "đang khóc hay đang cười, đang hờn ghen giận dỗi, hay quặng lòng xót xa" giúp nhấn mạnh hơn sự việc. Tôi thích đoạn này " Tiếng mưa rơi từng nhịp gõ vào tâm thức của cái con người đang sống vội, khiến họ phải nghĩ, nghĩ thật nhiều, và rồi thật chậm, thật chậm để cảm nhận những điều đang thay đổi từ trong chính cõi lòng". Sống chậm giúp cho chúng ta có những giây phút tĩnh lặng nhìn lại mình được điều gì, thiếu sót gì và vạch ra kế hoạch sống tốt hơn trong tương lai. Đoạn văn trên em có sai sót. Thay cho viết "tâm thức của cái con người đang sống vội". Tôi thấy em nên bỏ từ "cái" mà thay bằng từ "những" sẽ hay hơn. Em nên viết: "tâm thức của những con người đang sống vội". Một sáng tác hay cần có điểm nhấn để sau khi đọc tác phẩm đó, người ta rút ra bài học gì. Tản văn này thiếu điểm nhấn giúp nó nâng lên giá trị. Những điểm nhấn em có mà tôi cho là ưu điểm ở trên chưa thật sự sâu sắc. Chẳng hạn như em có thể lồng vào tản văn một kỷ niệm sâu sắc của mình với cha, với mẹ có liên quan đến mưa. Kỷ niệm đó giúp cho tình cảm người thân trong gia đình gắn bó hơn. Cơn mưa sẽ nhiều xúc cảm hơn. Hy vọng em sẽ có nhiều sáng tác hay hơn trong tương lai.”

Lỗi chính tả: quặng lòng => quặn lòng

15. Đường về nhà - Vii
Đọc tác phẩm của bạn dễ dàng nhận thấy đây là một áng văn bình dị, chân thành, và mộc mạc, không cần ngôn từ quá trau chuốt vẫn thể hiện được hết tình cảm mà tác giả muốn truyền đạt và dễ chiếm được cảm xúc của người đọc. Gia đình là nơi để chúng ta quay về mà nương tựa mỗi khi mỏi gối trùn chân và là nơi ôm ấp chở che ta dẫu ngoài kia có ngột ngạt nhường nào. Tuy nhiên do bạn sử dụng nhiều câu dài và không có dấu câu khiến cho nó trở nên luẩn quẩn và có cảm giác bị thừa. Hi vọng trong tương lai bạn sẽ có những tác phẩm bứt phá hơn để cộng tác cùng Văn Học Trẻ. Trân quý!

16. Nhớ nhà - Hoài Sa

Bài thơ “Nhớ nhà” của tác giả Hoài Sa được sáng tác theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật. Nếu ai theo dõi Hoài Sa sẽ nhận thấy bạn là một người có tình yêu thiết tha với thơ và có một tinh thần học hỏi thật đáng trân trọng. Với sự cầu tiến và chăm chỉ tôi tin rằng Hoài Sa sẽ có một chỗ đứng trong lòng người yêu thơ. Quay trở lại với bài thơ “Nhớ nhà” bạn đã có một sự học hỏi trong phong cách sáng tác của cụ Tú Xương. Ẩn đằng sau câu chữ là sự trào phúng, đả kích cũng là sự xót xa cho việc các cô gái vì một lý do ẩn sâu nào đó mà phải lấy chồng ngoại để thay đổi cuộc đời.
Tuy nhiên ở bài thơ này, các vế đối của bạn chưa được chuẩn cho lắm và trong thơ có hiện tượng trùng thanh, điệp thanh dẫn đến bài thơ chưa tạo được cảm xúc mạnh đối với độc giả. Hoài Sa ơi! Đối với thơ đường luật 56 chữ trong 1 bài thơ như 56 viên ngọc và trừ trường hợp đặc biệt thì không nên trùng thanh, điệp thanh như vậy. Hi vọng với sự góp ý nhỏ này Hoài Sa sẽ ngày càng tiến bộ hơn.

17. Bắt vợ - Liêu Hạ

Ở bài thơ này, tác giả rất thành công khi khai thác về hủ tục bắt vợ - vốn được coi là “vấn nạn” rất phức tạp của người miền núi. Bởi trong hủ tục bắt vợ này còn tồn tại khá nhiều tiêu cực đáng lên án và cần phải loại bỏ. Điểm sáng của bài thơ là những hình ảnh thơ rất đẹp, đầy tính ẩn dụ thú vị - thế mạnh của My Trần. Tuy nhiên do thể thơ My lựa chọn viết khá khác lạ so với số đông, về âm điệu và nhịp của bài thơ đôi chỗ còn hạn chế khiến người đọc cảm thấy hơi trúc trắc khó hiểu và cảm giác đọc như văn xuôi. Để trọn vẹn hơn thì tôi có tham khảo nhận xét của thầy Dũng trong tác phẩm này, xin được chia sẻ cùng độc giả:

“Em có sự kết hợp giữa văn xuôi và thơ trong tác phẩm này. Về nội dung, em nêu lên hủ tục cần phê phán và cần loại trừ trong xã hội ngày nay. Đó là hủ tục " bắt vợ". Chính hủ tục này tạo ra bi kịch cho gia đình. Chưa có tình yêu, không có sự rung động của con tim lại tiến tới hôn nhân thì tất nhiên những ngày sống chung là những ngày đau buồn. Khi có con, đứa con phải chứng kiến cha mẹ như thế sẽ bị ám ảnh cả cuộc đời. Em thể hiện qua đoạn thơ

"Ôi chàng trai lạ lòng bạc bẽo như vôi
Sắc xuân đẹp thế người lại chẳng bồi hồi
Chân bước vội vã lòng chỉ mong “Bắt vợ”
In vệt nỗi đau lên vầng trăng chưa tròn."


Người mẹ ao ước đời con không còn lâm vào cảnh khổ như mình:

"Thầm mong đời mẹ không lập lại trên con
Là cuộc hôn nhân chẳng mặn mà vẹn tròn
Lỡ làng trói buộc bởi hủ tục cũ kỹ
Biến tướng thuở nào cùng nhân cách thối tha.".


Thơ em viết trau chuốt, tuy nhiên khi đọc thơ thiếu vần điệu nên nghe không được êm tai. Chúc em có nhiều sáng tác hay hơn trong tươn
g lai.”

18. Nằm mộng gặp em - Hỏi làm gì

Đầu tiên phải khen bài thơ của bạn có nội dung rất xúc động và có tư tưởng tiến bộ khi đề cập đến tình yêu đồng giới( dù chỉ là tình đơn phương) câu chuyện xót xa làm cho người đọc bật khóc vì những nghiệt ngã mà nhân vật Thứ phải gánh chịu. Có những câu văn bạn miêu tả rất đẹp, rất tình như:

“Sớm mai sương đậu trên nhành
Nắng len vào cội vo già mới nung
Nhớ từ ngày bước ra đi
Vọng về ngày lại quay về gặp nhau”


Tuy nhiên, nhìn tổng thể bài thơ thì cách thể hiện của bạn chưa thật sự ổn. Tôi có một số góp ý cho bạn như sau:

Thứ nhất: sử dụng nhiều câu thơ tối nghĩa và lặp từ, lặp cấu trúc khá nhiều, ví dụ như câu:

“Buổi ấy Thứ mới mười lăm mà đây đã mới nhăm mười
Buổi nay anh đã bao xa kể từ hôm qua hai chục”

“Kiếm anh trong cả thập kỷ của Cách mạng mười năm
Anh thấy gì ở mười năm Cách mạng”

“Mẹ nhìn em , mẹ cười và mẹ bảo :
_ Mày trai một , mà mẹ được con Thị Mẹt cơ
...
Em vâng mẹ và lại cắn hạt dưa
Hạt mưa dày mờ mất cả góc rừng ngợp hoa .


Thứ hai : bài thơ không có âm điệu, vần luật. Nó giống như ngôn ngữ nói hàng ngày gây khó khăn cho độc giả khi tiếp cận bài thơ. Một vài góp ý nhỏ, mong bạn sáng tác ngày càng hay hơn. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng Văn Học Trẻ.

Nhận xét các tác phẩm dự thi tuần 8 cuộc thi viết chủ đề nhà
 
Từ khóa Từ khóa
bắt vợ cánh bướm nhỏ nhận xét các tác phẩm dự thi trăm sự nhờ bác sĩ đường về quê
606
5
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.