Như tinh nghịch, trêu ghẹo, Hạ thì thầm với nắng. Để nắng từng chút, từng chút hanh hao, nồng nàn và cuồng nhiệt. Khi chúng ta nhận ra thì Hạ đang dậy thì, vào độ đẹp nhất, chín nhất, thơm lừng thứ mùi hương mới mẻ, trinh nguyên của trời đất. Cái tâm hồn con gái trong Hạ cứ mãi bẽn lẽn, thẹn thùng giấu mình sau lưng phố để cười thầm vì điều gì đó. Tôi ngửi thấy đất trời đang lẫn trong một mùi hương như xa ngái mùi cũ kĩ, hoài niệm mà chân quê. Với tôi, đó là thứ mùi hương kỉ niệm của những ngày Hạ cũ, những ngày Hạ nơi quê nội thanh bình, yên ả.
Tôi vẫn còn nhớ như in cái niềm xúc cảm hân hoan khi cây bằng lăng trước nhà mở thật to những đôi mắt tím để trông ngóng Hạ về. Đó cũng là lúc tôi vừa được nghỉ hè. Mỗi kì nghỉ như thế, tôi thường được ba mẹ đưa về quê nội chơi. Quê nội rất xa nơi tôi sống, nên suốt cả chuyến đi, tôi lúc nào cũng ngủ gà, ngủ gật. Đến khi thức dậy thì cũng đã gần đến nhà nội. Chỉ cần băng qua một cây cầu, phía bên kia là con đường dẫn vào thôn, mà ở đầu thôn là nhà nội. Con đường đất vừa đủ cho một chiếc xe bò chở lúa đi qua. Hai bên đường trải một màu xanh um của cỏ non. Tôi nghe được cả mùi hăng tươi mới của cỏ lẫn trong chút hương đêm còn sót lại, thẩm thấu trong những giọt sương long lanh trên phiến lá. Đi qua hết cây cầu như được bước vào một thế giới khác – một thế giới của hương đồng cỏ nội, một thứ quà dân dã của đất trời dành tặng cho con người. Đang mùa hè, nhưng khi đi qua con đường này thì chẳng bao giờ thấy nóng.
Thêm đoạn nữa, nhà nội tôi hiện ra với cánh cổng gỗ liu xiu, lấm lem trong cái màu nâu nâu của gỗ, xanh xanh của lớp sơn cũ còn sót lại. Trước nhà là một khoảng sân rộng thênh thang. Mỗi khi mùa gặt đến, mảnh sân ây lại bận rộn dát lên mình màu vàng óng của những hạt lúa chắc mẩy, tròn trịa, dậy hương sữa của đồng quê. Có lẽ thứ mùi hương ấy càng nồng nàn vì được ấp ủ trong men mật mồ hôi những cô bác nông dân hồn hậu. Bên hiên nhà, tiếng lũ ong bầu vo ve bên giàn bầu, mướp vừa ra hoa.
Thế là tôi được bắt đầu những chuỗi ngày hè rong ruổi nơi miền quê nội. Sáng tinh mơ, khi lũ gà cao tiếng gáy gọi ban mai, hoà cùng tiếng củi nổ lách tách của củi đang cháy, tiếng nước pha trà kêu sôi trên bếp của bà. Có lẽ vì hè nên mặt trời ló dạng rất sớm, còn đêm vì còn quyến luyến cái hơi sương mờ ảo, trong lành mà đọng trên lá cỏ. Tôi thức dậy vì không thể làm ngơ cái thứ mùi hương toả ra từ những món ăn nội nấu. Tôi vội vã ăn sáng rồi vụt chạy theo mấy đứa bạn trong xóm. Vừa thấy tôi chúng nó đã mừng rỡ cho nhập bọn. Cả lũ ùa đi tìm bóng râm, cây si to tướng ở giữa thôn là nơi lũ chúng tôi thường hay tụ tập. Bóng cây toả ra mát rượi, chúng tôi ngồi xuống chơi bắn bi. Mãi mê đến khi cái bóng mát ấy bị gã mặt trời khó tính liếm sát vào, lồ lộ ra dưới nắng gắt mùa hè thì cả đám lại chạy ù ra tạp hoá bà Sáu – là một căn chòi nhỏ được dựng lên sơ sài bằng mấy tấm cót cũ kĩ, bạc phếch. Lũ chúng tôi mua nào là kem, nước ngọt, kẹo bánh,… Rồi cuối cùng lại phải ghi nợ vì chẳng đứa nào có tiền, nhưng bà vẫn cho chúng tôi thiếu, nở nụ cười phô ra hàm răng đã gãy phân nửa vì tuổi già. Thế rồi dáo dạt ai chạy về nhà nấy vì cái nắng ngày một lên cao.
Chạy về đến nhà cũng là lúc nắng đã lên giữa đỉnh đầu. Ở gian nhà sau, tiếng chén đũa len ken rộn rã. Tôi liền chạy vào cùng bà dọn chén, so đũa lên mâm, và không quên len lén liếc nhìn xem hôm nay bà nấu món gì. Ăn trưa xong, bà kêu tôi lên tấm ván ngủ. Như sợ tôi chạy thoát, bà dù đã lim dim nhưng vẫn đặt hờ bàn tay lên đùi tôi mà vỗ vỗ để tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Khi thấy tay bà đã nằm im, cũng là lúc bà đã ngủ say, tôi liền chui tọt xuống nền nhà, tiến ra sân cặp đôi dép vào hông rồi chạy đi tụ tập với mấy đứa trong xóm. Trên mọi nẻo đường quê này, ở đâu đâu chúng tôi cũng xem là khu vui chơi của mình. Và việc chúng tôi hay làm vào lúc này là đi tìm thật nhiều tàu dừa, cây khô, dựng thành những ngôi nhà lá – những công trình kiến trúc vĩ đại của lũ trẻ miền quê. Dựng xong, tất cả chui hết vào trong rồi xoay người ra ngoài, nhìn ngắm cái nắng chút gắt gỏng, chút tinh nghịch, nhảy nhót, vàng ươm cả khoảng trời Hạ mà ở xung quanh đặc quánh cung ve ngân rền thinh không. Chán chê, chúng tôi băng băng ra con sông ở trước thôn, nơi có cây cầu bắt ngang mà ai muốn vào thôn cũng phải đi qua. Từng đứa, từng đứa nhảy ùm xuống dòng nước mát lành như đang đắm mình trong dòng sữa ngọt của quê hương. Những buổi chiều nắng dịu, thì chúng tôi lại chơi thả diều, đá dế, trốn tìm bên những ụ rơm. Mặc dù trốn xong đứa nào đứa nấy cũng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ hết cả mình mẩy. Nói chung, lũ trẻ này chẳng bao giờ để tay chân mình ngơi nghỉ.
Thứ khiến tôi nhớ nhất về nơi đây là những buổi chiều hè cạn nắng. Vì hè nên mặt trời ngủ muộn, vẫn cứ lửng lơ phía cuối chân trời. Rồi ráng chiều dần rơi, những thanh âm của hoàng hôn ru mặt trời vào cơn mộng mị, chiêm bao. Tiếng trâu bò lạc đàn gọi bầy, đòi về chuồng hoà cùng tiếng cười nói của những người làm đồng lấm lem vì cả ngày làm lụm dưới bùn đất. Căn bếp thở nhẹ, buông làn khói từ những mái nhà mờ ảo. Tất cả như những đường nét tuyệt đẹp dệt nên bức tranh đồng quê mang một vẻ buồn man mác, chênh chao.
Cơn gió tìm bóng mát giữa ngùn ngụt nắng thổi ngang qua làm vài cánh bằng lăng lác đác rơi bên khung cửa sổ. Tôi khẽ giật mình trở về thực tại, rồi nghe trong lòng nao nao một mỗi buồn chẳng thể gọi tên. Giờ đây, tôi vẫn ngồi bên khung cửa sổ mà nhìn ra trước nhà là cây bằng lăng trổ hoa tím. Nhưng dường như chỉ thấy đượm buồn, không còn cảm giác hân hoan mỗi khi hè đến nữa. Tôi vẫn là tôi, nhưng không còn là tôi của những năm tháng ấu thơ. Có phải chăng vì lòng người chẳng bắt kịp nhịp chảy của thời gian? Hay do chúng ta mãi quay cuồng với cuộc sống mà đã nhiều khi quên đi kí ức của tuổi thơ? Những hình ảnh mà tôi còn nhớ rõ mồn một, nhưng giờ đây chỉ còn là kỉ niệm – những kỉ niệm ăn mòn cả tâm trí, làm người ta đau đáu mỗi khi nhắc nhớ.
Càng lớn lên, tôi càng thương hơn mảnh hồn quê trìu mến. Tôi thương những người nông dân, thương đôi tay chai sần vì những việc nặng của ông, thương đôi mắt kèm nhèm vì thổi lửa bếp của bà. Mái tóc ông bà cũng đã phai bạc vì sương gió. Tôi thương tiếng chim tu hú về chiều, thương nắng Hạ chảy ròng trên sóng lúa, thương cây lúa oằn mình cam chịu khi mùa mưa trễ hẹn. Tôi thèm được ngửi thứ hương hoa cau hoa bưởi man mác, dịu nhẹ, nhớ mùi bùn non ai chăn thả khắp ruộng đồng, gò bãi. Càng yêu quý, trân trọng, lòng tôi càng bộn bề nỗi hoài nghi và lo sợ. Liệu rằng mai đây có khi nào làng quê “thay lòng đổi dạ”, chạy theo nhịp sống mới mà chẳng còn chung thuỷ, quên đi cái chân chất, mộc mạc vốn có của mình?
Những mùa nắng Hạ gắt gỏng như đổ lửa, lòng tôi bâng quơ nhớ, tâm hồn rong rủi với cái trầm tư liệu có ai đem thương nhớ ra phơi, để tôi nhặt lại cho mình những mảnh tuổi thơ mà mình đã vô tình quên lãng trong suốt hành trình cuộc đời đã đi qua.
Dù mùa Hạ sắp tan, nhưng mùa thương nhớ sẽ chẳng bao giờ tàn.
Hè này con sẽ về quê nội!
Tôi vẫn còn nhớ như in cái niềm xúc cảm hân hoan khi cây bằng lăng trước nhà mở thật to những đôi mắt tím để trông ngóng Hạ về. Đó cũng là lúc tôi vừa được nghỉ hè. Mỗi kì nghỉ như thế, tôi thường được ba mẹ đưa về quê nội chơi. Quê nội rất xa nơi tôi sống, nên suốt cả chuyến đi, tôi lúc nào cũng ngủ gà, ngủ gật. Đến khi thức dậy thì cũng đã gần đến nhà nội. Chỉ cần băng qua một cây cầu, phía bên kia là con đường dẫn vào thôn, mà ở đầu thôn là nhà nội. Con đường đất vừa đủ cho một chiếc xe bò chở lúa đi qua. Hai bên đường trải một màu xanh um của cỏ non. Tôi nghe được cả mùi hăng tươi mới của cỏ lẫn trong chút hương đêm còn sót lại, thẩm thấu trong những giọt sương long lanh trên phiến lá. Đi qua hết cây cầu như được bước vào một thế giới khác – một thế giới của hương đồng cỏ nội, một thứ quà dân dã của đất trời dành tặng cho con người. Đang mùa hè, nhưng khi đi qua con đường này thì chẳng bao giờ thấy nóng.
Thêm đoạn nữa, nhà nội tôi hiện ra với cánh cổng gỗ liu xiu, lấm lem trong cái màu nâu nâu của gỗ, xanh xanh của lớp sơn cũ còn sót lại. Trước nhà là một khoảng sân rộng thênh thang. Mỗi khi mùa gặt đến, mảnh sân ây lại bận rộn dát lên mình màu vàng óng của những hạt lúa chắc mẩy, tròn trịa, dậy hương sữa của đồng quê. Có lẽ thứ mùi hương ấy càng nồng nàn vì được ấp ủ trong men mật mồ hôi những cô bác nông dân hồn hậu. Bên hiên nhà, tiếng lũ ong bầu vo ve bên giàn bầu, mướp vừa ra hoa.
Thế là tôi được bắt đầu những chuỗi ngày hè rong ruổi nơi miền quê nội. Sáng tinh mơ, khi lũ gà cao tiếng gáy gọi ban mai, hoà cùng tiếng củi nổ lách tách của củi đang cháy, tiếng nước pha trà kêu sôi trên bếp của bà. Có lẽ vì hè nên mặt trời ló dạng rất sớm, còn đêm vì còn quyến luyến cái hơi sương mờ ảo, trong lành mà đọng trên lá cỏ. Tôi thức dậy vì không thể làm ngơ cái thứ mùi hương toả ra từ những món ăn nội nấu. Tôi vội vã ăn sáng rồi vụt chạy theo mấy đứa bạn trong xóm. Vừa thấy tôi chúng nó đã mừng rỡ cho nhập bọn. Cả lũ ùa đi tìm bóng râm, cây si to tướng ở giữa thôn là nơi lũ chúng tôi thường hay tụ tập. Bóng cây toả ra mát rượi, chúng tôi ngồi xuống chơi bắn bi. Mãi mê đến khi cái bóng mát ấy bị gã mặt trời khó tính liếm sát vào, lồ lộ ra dưới nắng gắt mùa hè thì cả đám lại chạy ù ra tạp hoá bà Sáu – là một căn chòi nhỏ được dựng lên sơ sài bằng mấy tấm cót cũ kĩ, bạc phếch. Lũ chúng tôi mua nào là kem, nước ngọt, kẹo bánh,… Rồi cuối cùng lại phải ghi nợ vì chẳng đứa nào có tiền, nhưng bà vẫn cho chúng tôi thiếu, nở nụ cười phô ra hàm răng đã gãy phân nửa vì tuổi già. Thế rồi dáo dạt ai chạy về nhà nấy vì cái nắng ngày một lên cao.
Chạy về đến nhà cũng là lúc nắng đã lên giữa đỉnh đầu. Ở gian nhà sau, tiếng chén đũa len ken rộn rã. Tôi liền chạy vào cùng bà dọn chén, so đũa lên mâm, và không quên len lén liếc nhìn xem hôm nay bà nấu món gì. Ăn trưa xong, bà kêu tôi lên tấm ván ngủ. Như sợ tôi chạy thoát, bà dù đã lim dim nhưng vẫn đặt hờ bàn tay lên đùi tôi mà vỗ vỗ để tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Khi thấy tay bà đã nằm im, cũng là lúc bà đã ngủ say, tôi liền chui tọt xuống nền nhà, tiến ra sân cặp đôi dép vào hông rồi chạy đi tụ tập với mấy đứa trong xóm. Trên mọi nẻo đường quê này, ở đâu đâu chúng tôi cũng xem là khu vui chơi của mình. Và việc chúng tôi hay làm vào lúc này là đi tìm thật nhiều tàu dừa, cây khô, dựng thành những ngôi nhà lá – những công trình kiến trúc vĩ đại của lũ trẻ miền quê. Dựng xong, tất cả chui hết vào trong rồi xoay người ra ngoài, nhìn ngắm cái nắng chút gắt gỏng, chút tinh nghịch, nhảy nhót, vàng ươm cả khoảng trời Hạ mà ở xung quanh đặc quánh cung ve ngân rền thinh không. Chán chê, chúng tôi băng băng ra con sông ở trước thôn, nơi có cây cầu bắt ngang mà ai muốn vào thôn cũng phải đi qua. Từng đứa, từng đứa nhảy ùm xuống dòng nước mát lành như đang đắm mình trong dòng sữa ngọt của quê hương. Những buổi chiều nắng dịu, thì chúng tôi lại chơi thả diều, đá dế, trốn tìm bên những ụ rơm. Mặc dù trốn xong đứa nào đứa nấy cũng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ hết cả mình mẩy. Nói chung, lũ trẻ này chẳng bao giờ để tay chân mình ngơi nghỉ.
Thứ khiến tôi nhớ nhất về nơi đây là những buổi chiều hè cạn nắng. Vì hè nên mặt trời ngủ muộn, vẫn cứ lửng lơ phía cuối chân trời. Rồi ráng chiều dần rơi, những thanh âm của hoàng hôn ru mặt trời vào cơn mộng mị, chiêm bao. Tiếng trâu bò lạc đàn gọi bầy, đòi về chuồng hoà cùng tiếng cười nói của những người làm đồng lấm lem vì cả ngày làm lụm dưới bùn đất. Căn bếp thở nhẹ, buông làn khói từ những mái nhà mờ ảo. Tất cả như những đường nét tuyệt đẹp dệt nên bức tranh đồng quê mang một vẻ buồn man mác, chênh chao.
Cơn gió tìm bóng mát giữa ngùn ngụt nắng thổi ngang qua làm vài cánh bằng lăng lác đác rơi bên khung cửa sổ. Tôi khẽ giật mình trở về thực tại, rồi nghe trong lòng nao nao một mỗi buồn chẳng thể gọi tên. Giờ đây, tôi vẫn ngồi bên khung cửa sổ mà nhìn ra trước nhà là cây bằng lăng trổ hoa tím. Nhưng dường như chỉ thấy đượm buồn, không còn cảm giác hân hoan mỗi khi hè đến nữa. Tôi vẫn là tôi, nhưng không còn là tôi của những năm tháng ấu thơ. Có phải chăng vì lòng người chẳng bắt kịp nhịp chảy của thời gian? Hay do chúng ta mãi quay cuồng với cuộc sống mà đã nhiều khi quên đi kí ức của tuổi thơ? Những hình ảnh mà tôi còn nhớ rõ mồn một, nhưng giờ đây chỉ còn là kỉ niệm – những kỉ niệm ăn mòn cả tâm trí, làm người ta đau đáu mỗi khi nhắc nhớ.
Càng lớn lên, tôi càng thương hơn mảnh hồn quê trìu mến. Tôi thương những người nông dân, thương đôi tay chai sần vì những việc nặng của ông, thương đôi mắt kèm nhèm vì thổi lửa bếp của bà. Mái tóc ông bà cũng đã phai bạc vì sương gió. Tôi thương tiếng chim tu hú về chiều, thương nắng Hạ chảy ròng trên sóng lúa, thương cây lúa oằn mình cam chịu khi mùa mưa trễ hẹn. Tôi thèm được ngửi thứ hương hoa cau hoa bưởi man mác, dịu nhẹ, nhớ mùi bùn non ai chăn thả khắp ruộng đồng, gò bãi. Càng yêu quý, trân trọng, lòng tôi càng bộn bề nỗi hoài nghi và lo sợ. Liệu rằng mai đây có khi nào làng quê “thay lòng đổi dạ”, chạy theo nhịp sống mới mà chẳng còn chung thuỷ, quên đi cái chân chất, mộc mạc vốn có của mình?
Những mùa nắng Hạ gắt gỏng như đổ lửa, lòng tôi bâng quơ nhớ, tâm hồn rong rủi với cái trầm tư liệu có ai đem thương nhớ ra phơi, để tôi nhặt lại cho mình những mảnh tuổi thơ mà mình đã vô tình quên lãng trong suốt hành trình cuộc đời đã đi qua.
Dù mùa Hạ sắp tan, nhưng mùa thương nhớ sẽ chẳng bao giờ tàn.
Hè này con sẽ về quê nội!
Những năm tháng của tuổi thơ (nguồn ảnh: Internet)
- Từ khóa
- mùa hè của tôi ve que noi