Chia Sẻ Những quan niệm về sự tiếp nhận của người đọc

Chia Sẻ Những quan niệm về sự tiếp nhận của người đọc

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Quá trình tiếp nhận của bạn đọc đối với một tác phẩm diễn biến cụ thể như thế nào? Cùng Triều Anh tham khảo bài viết sau.
tiếp nhận văn học.jpg

Ảnh: sưu tầm​

Tương truyền cách đây bốn ngàn năm, vua Đại Thuấn đã nêu ra quan niệm về thơ với tư cách là loại thể văn học chủ yếu thời cổ đại: “Thi dĩ ngôn chí” (Thơ để tỏ chí), như thế, tiếp nhận thơ văn rất cần hiểu cái chí của tác giả. Quả vậy, Mạnh Tử nói: “Dĩ ý nghịch chí : Người giải thích thơ không vì văn mà hại lời không vì lời mà hại chí, lấy ý (của mình) mà truy ngược lại chí (của tác giả). Làm thế thì đạt được”. Cốt sao hiểu được chí của tác giả là khách quan về mục đích, nhưng lấy ý của mình lại là chủ quan về phương pháp, dẫn đến chỗ không tránh khỏi suy diễn, như có người đã tiếp nhận một số bài dân ca trong Kinh Thi như là tỏ cái chí ca ngợi “sức giáo hoá của Văn vương và đức hạnh của các hậu và phi”. Đến đời Hán, Đồng Trọng Thư nhìn vấn đề thực tế hơn, cho rằng “Thi vô đạt hỗ”, có nghĩa là thơ không thể giải thích thấu đạt được... Cách nhìn này có phần bắt nguồn từ quan niệm “Cái tinh tuý, chỉ có thể lĩnh ý theo mà thôi, nếu giải thích được thì thành cái thô thiển” của Trang Tử xưa kia, và còn phổ biến mãi về sau. Nghiêm Vũ đời Tống cũng nói: “Chỗ kì diệu của thơ trong suốt lung linh, không thể nắm bắt được, như thanh âm giữa trời, sắc đẹp trong dung nhan, ánh trăng dưới đáy nước, hình ảnh trong gương, lời có hạn mà ý vô cùng” (Thương lương thi thoại)... Muốn giải thích được, muốn hiểu được cái chí của tác giả thì phải biến thành kẻ tri âm, tri kỉ. Câu chuyện Khương Bá Nha và Chung Tử Kì nói rõ lối tiếp nhận “tri âm” này. Một người chết đi, người kia đành phá vỡ cây đàn. Chả thế mà Lưu Hiệp, nhà lí luận phê bình nổi tiếng thời cổ đại của Trung Quốc, đã phải nói: “Tri âm khó vậy thay. Cái âm thực khó biết, người biết thực khó gặp. Gặp được người tri âm, nghìn năm mới có một lần” (Văn tâm điêu long). Cái khó gần như bế tắc của cách đọc “tri âm” này làm nảy sinh ra một đối trọng là cách đọc “kí thác” không quan tâm đến cái chí của tác giả thế nào, chỉ cốt bộc lộ cái thưởng thức chủ quan của người đọc mà thôi: “Dụng tâm của tác giả chưa chắc đã vậy, nhưng dụng tâm của người đọc tại sao lại không thể như vậy” (Đàm Hiến). Tiêu biểu cho cách đọc “kí thác” này là Kim Thánh Thán, nhà phê bình nổi tiếng thời Thanh, với tâm niệm khi đọc tác phẩm của Vương Thực Phủ như sau: “Tôi ngày nay sở dĩ phê bình vở Mái Tây thật chẳng qua vì người đời sau chắc sẽ nhớ tới tôi, mà tôi không có gì sẵn quà cho họ, cho nên bất đắc dĩ mà làm việc đó. Tôi thực không rõ ý đồ người viết vở Mái Tây có quả như vậy không? Nếu quả đúng như thế, thì có thể nói rằng, đến nay mới bắt đầu thực thấy vở Mái Tây... Bằng không như vậy, thì lại có thể nói trước đây có vở Mái Tây rồi, nhưng nay lại thấy thêm vở Mái Tây của Thánh Thán cũng được”. Có thể thấy có chút gì giao thoa với lối phê bình ấn tượng của phương Tây: “Phê bình là kể lại cuộc phiêu lưu của tâm hồn mình qua tác phẩm” (A. Phơrăngxơ).

Thật ra ở phương Tây, ngay từ thời cổ đại cũng đã chú ý vấn đề tiếp nhận của bạn đọc, như trong Thi học, Arixtốt cho rằng khi thưởng thức tác phẩm, người đọc cảm thấy thú vị, là vì vừa xem, họ vừa đoán định tác phẩm đang nói đến người và việc nào đó ở ngoài đời... Rải rác về sau vẫn thấy không ít những ý kiến nhấn mạnh vai trò của người đọc, ví dụ như: “Ý nghĩa trong thơ tôi là do bạn đọc cho nó” (P. Valéry)... Nhưng đúng như Tsécnưsépxki nói: “Thi học của Arixtốt đã ngự trị ở phương Tây suốt hai ngàn năm” mà quan niệm của nhà thi học này chủ yếu là thuyết mô phỏng, tái hiện, nghĩa là chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa tác phẩm và hiện thực mà thôi.

Đợi đến chủ nghĩa lãng mạn ra đời, với quan niệm biểu hiện là chủ yếu, thì trọng tâm chú ý đã di chuyển sang mối quan hệ giữa tác phẩm với nhà văn. Nhưng để đối trọng trở lại với các thuyết tái hiện và biểu hiện đều chú ý những “quan hệ bên ngoài” này, bước sang thế kỉ XX, chủ nghĩa hình thức Nga, Phê bình mới, rồi chủ nghĩa cấu trúc... lại chỉ tập trung vào những mối quan hệ bên trong, nội tại của chính văn bản tác phẩm. Độc tôn văn bản tác phẩm, Phê bình mới còn phủ nhận luôn sự tiếp nhận của người đọc, cho đó đều là những “cảm thụ ngộ nhận”. Nhưng quy luật là bất cứ cực đoan nào, cũng tạo tiền đề cho sự đối trọng trở lại. Gần như đồng thời với Phê bình mới, ở Anh, Mĩ đã xuất hiện khuynh hướng Phê bình theo phản ứng của bạn đọc (reader - response criticism) cho rằng mặc dù ý nghĩa nằm trong hệ thống kí hiệu ngôn ngữ của văn bản, nhưng không tồn tại độc lập, mà phải dựa vào bạn đọc. Ý nghĩa, do đó là kết quả phản ứng của bạn đọc đối với tác phẩm. Đến chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) thì Giôn Điuây phân biệt sản phẩm nghệ thuật do nghệ sĩ sáng tạo ra, chỉ khi nào được công chúng thưởng thức, tiếp nhận thì mới trở thành tác phẩm nghệ thuật. Ông lập luận rằng, nghệ thuật cũng là một loại ngôn ngữ, mà “ngôn ngữ thì người nói, phải có người nghe, nó mới tồn tại. Chỉ khi nào phát huy được tác dụng đối với những kinh nghiệm của người khác với tác giả, thì tác phẩm nghệ thuật mới hoàn thành” (Nghệ thuật tức kinh nghiệm). Đến Hiện tượng luận (Phenomenology), Roman Igácđên cũng coi trọng vai trò tiếp nhận của người đọc. Ông cho rằng tác phẩm văn học vốn hàm chứa những “điểm chưa xác định”, chờ đợi người đọc đến bổ sung theo ý hướng của mình. Đến Giải thích học (hermeneutics), thì H.G. Gađamơ cho rằng một tác phẩm văn học ra đời trong một bối cảnh văn hoá lịch sử nhất định, khi đặt trong một bối cảnh văn hoá lịch sử khác, sẽ nảy sinh những ý nghĩa mới, mà ngay tác giả cũng như bạn đọc trước đó không thể ngờ tới. Phân tích một tác phẩm bao giờ cũng diễn ra một cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại. Đọc tác phẩm, do đó, không thể vứt bỏ mà lại rất nên đem kiến giải riêng của mình vào, tạo ra cho được cuộc đối thoại giữa chủ thể và đối tượng lí giải, nghĩa là rất coi trọng việc tiếp nhận chủ động và sáng tạo của người đọc.

Trên đây chỉ nói đến sự đối trọng bên ngoài với các hệ thống lí thuyết khác, nhưng còn sự tự đối trọng bên trong giữa các khuynh hướng phê bình chỉ nhấn mạnh của tác phẩm. Nối tiếp Phê bình mới nói trên, chủ nghĩa cấu trúc quan niệm tác phẩm là một hệ thống khép kín, một “hộp đen”, không liên quan gì hiện thực khách quan lẫn tư tưởng, tình cảm chủ quan của nhà văn, và logic dẫn đến là tác phẩm cũng không có liên quan tất yếu nào với sự lí giải của bạn đọc cả, vô hình trung có nghĩa là bạn đọc muốn hiểu thế nào tuỳ thích. Sự cực đoan về tính độc lập của văn bản tác phẩm tất yếu sẽ dẫn đến sự cực đoan về tính độc lập của bạn đọc là như vậy. Đưa ra các khái niệm “cái biểu đạt” (significant) tương đương với hình thức, “cái được biểu đạt” (signifie) tương đương với nội dung, chủ nghĩa cấu trúc cho rằng “cái biểu đạt” mới là lĩnh vực đích thực cần nghiên cứu, còn “cái được biểu đạt” là lĩnh vực tuỳ hứng, tài tử, bao gồm nhiều chân lí khác nhau, muốn hiểu thế nào cũng được. Khi người đọc tiếp xúc với một tác phẩm, không phải là đang đối diện với một văn bản mang một hàm nghĩa nào đó, mà chỉ là một văn bản được đan dệt một cách có nghệ thuật bởi những lời văn. Và bạn đọc, do đó hoàn toàn có thể lí giải khác nhau. Tiến thêm một bước nữa, đến chủ nghĩa hậu cấu trúc (post - structuralism) lại cho rằng “cái được biểu đạt” có thể chuyển hoá thành “cái biểu đạt”, như thế vốn chỉ từ một “cái biểu đạt” trong văn bản tác phẩm có thể dẫn tới tầng tầng lớp lớp “cái được biểu đạt”. Như thế, nếu đúng tác phẩm là một kiểu tổ chức lời văn, một cấu trúc ngôn ngữ, thì cấu trúc đó không tự thân khép kín nữa, mà ý nghĩa của nó là nhiều tầng, nhiều lớp và luôn luôn mở rộng, phiếm chỉ, phiêu diêu. Nếu quả rằng cấu trúc nội tại của tác phẩm có toát lên một hệ thống ý nghĩa nào đó, thì đó chỉ là sơ khởi, bạn đọc và nhà phê bình vẫn có thể và cần thiết phát hiện ra ý nghĩa thứ hai, thứ ba và vô cùng. Điều mà bạn đọc đầu tiên lĩnh hội được qua tác phẩm dường như là vấn đề mà tác phẩm nêu ra cho người đọc, đòi hỏi được giải đáp. Rồi sự giải đáp của người đọc, đối chiếu trở lại với tác phẩm sẽ nảy thêm vấn đề mới, đòi hỏi người đọc lại tiếp tục giải đáp, và cứ như thế mãi. Có thể thấy trọng điểm đã di chuyển dần từ văn bản sang người đọc.

Trăm suối đổ thành sông - nửa sau thế kỉ XX vào những năm 60, đã hình thành nền mĩ học tiếp nhận (Receptive aesthetics) với trung tâm là Đại học Côngtanx ở Cộng hoà Liên bang Đức. Họ phê phán thuyết văn bản trung tâm của Phê bình mới và chủ nghĩa cấu trúc, khẳng định rằng ý nghĩa của tác phẩm được sản sinh qua sự tương tác giữa văn bản với người đọc. Tác phẩm không thể có ý nghĩa cố định, mà phụ thuộc vào sự giao thoa diễn biến giữa các điểm nhìn trong lịch sử. Trên cơ sở đó, mĩ học tiếp nhận đã chuyển giao vị trí trung tâm từ văn bản sang người đọc và lịch sử văn học, do đó, không phải là lịch sử của tác giả với những tác phẩm, mà là lịch sử tiếp nhận của người đọc.

Như thế, gạt bỏ những sai trái mang sắc thái riêng, có thể thấy từ lối đọc “kí thác” cổ điển phương Đông đến mĩ học tiếp nhận phương Tây đều nhấn mạnh ý nghĩa tiếp nhận của người đọc. Có thể khẳng định vai trò của người đọc không phải chỉ là một khâu tất yếu tiếp theo, mà còn là một phương diện hữu cơ trong suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật. Có nghĩa là không phải sau khi đã xuất hiện văn bản của tác phẩm, mà ngay trong quá trình sáng tác của nhà văn, từ khâu cấu tứ, viết, sửa chữa, nhà văn đều đối thoại với bạn đọc trong tưởng tượng. Trong tâm tưởng của nhà văn chủ ý hay vô tình, đều tồn tại một mô hình tiếp nhận và sáng tác của họ ít nhiều đều xuất phát từ mô hình này. Tuy nhiên, không thể cường điệu vai trò của người đọc lên địa vị trung tâm của hoạt động văn học, bởi vì một lẽ giản đơn nếu chưa có sáng tác thì dứt khoát không thể có tiếp nhận, còn nếu không hoặc chưa có tiếp nhận, vẫn có thể sáng tác cho dù chưa phát huy được tác dụng. Trong tiếp nhận, có sáng tạo của người đọc, nhưng không thể tuỳ tiện. Hình tượng cơ bản trong tác phẩm là một tồn tại khách quan, trong tiếp nhận, có thể có hiện tượng biến hình, nhưng là biến hình của chính hình tượng vốn có. Nói rộng ra, vận mệnh lịch sử của một tác phẩm có thể trải qua những bước thăng trầm, cố nhiên là do sự đánh giá khác nhau qua các thời đại, nhưng vẫn có nguồn gốc ngay trong tác phẩm, bởi vì sự khái quát nghệ thuật điêu luyện bao giờ cũng đa dạng và phức tạp.
......................
Sưu tầm​
 
Từ khóa
những quan niệm về sự tiếp nhận văn học quá trình sáng tạo nghệ thuật sáng tạo của người đọc ý nghĩa tiếp nhận của người đọc
514
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top