Cuộc sống thường ngày cứ vần xoay theo thời gian không bao giờ ngừng nghỉ. Ngày tháng cứ thế mà trôi để cho những ai còn trên trần thế này cứ vậy mà chiêm nghiệm những quãng thời gian mình đã sống, mình đã cống hiến cho đời. Rồi mình đã làm được những điều gì tốt đẹp cho xã hội, cống hiến được bao nhiêu việc “ thiện” cho mãi được an nhiên. Người đời thường nói “ sống đời, đẹp đạo” là thế. Tôi ấn tượng câu nói của nhà văn Pa-ven Coóc-sa-ghin “ …đời người sống chỉ có một lần, sống sao cho ra sống để đến khi nhắm mắt xuôi tay khỏi hổ thẹn với những ngày sống hoài, sống phí…”. Sống trên đời hình như có luật Nhân - Quả thì phải. Ai mà biết được trong sâu thẳm mỗi người có một cách sống riêng. Người thì thích thế này, người thì chuộng điều kia …Nhưng dù sao đi chăng nữa cũng là lẽ sống ở đời.
Cuốn sách “Nhân Quả không miễn trừ ai”của Nguyễn Chu Phác cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan và những ví dụ có thật, sinh động về luật nhân quả theo triết lý của đạo Phật. Nhà văn Quân đội đưa vào một số truyện ngắn, truyện kể nhằm giúp người đọc bớt căng thẳng, nhưng vẫn nói lên Nhân quả - Báo ứng một cách toàn diện trong lẽ sống thường nhật.Mỗi một mẩu chuyện là mỗi một dụng ý mà người đọc mải mê đọc để dõi theo những gì đang diễn ra để rồi xuýt xoa một điều gì phảng phất quanh đây hay có thể mình đã gặp hôm qua hay ngày nảo ngày nào để rồi xúm lại kể cho người này nghe để né tránh sự thật hoặc lấy đó làm những minh chứng khi gặp thấy ở đời. Ví chăng truyện về con sói (Ăn cháo đá bát) nói lên sự vô ơn; truyện “Trời ơi, con gái!” nói về sự kiêu căng; truyện “Bà ơi là bà ơi!” nói đến sự bất hiếu; và truyện “Chết đói” nói lên lòng nhân đạo...Dẫu biết rằng ở đời vẫn biết“ ở hiền, gặp hiền”, “ ở ác, gặp ác”. Đó đã là quy luật không ai tránh khỏi. Mình sống phúc đức có thể được báo trả ngay tức khắc cũng chẳng có gì là lạ lẫm lắm. Ai biết đâu ở đời là thế đấy! Cứ thanh thản mà sống có khi còn trường thọ.
(Nhân -quả không miễn trừ ai - Văn học trẻ. Ảnh sưu tầm)
Với 112 câu chuyện, nhà văn Nguyễn Chu Phác như cùng người đời đi tìm một điều gì bí ẩn của con người trong thế giới nhân quan. Tác giả đưa người đọc cuốn theo như chiều gió cuốn vào những câu chuyện đời thường diễn ra hằng ngày trên mọi miền của tổ quốc. Tôi đọc “ Nhân – Quả không miễn trừ ai” của nhà văn, sao tôi thấy một thế giới không phải là ảo tưởng mà đó là những bí ẩn của con người diễn ra trong mọi hoàn cảnh. Có những hoàn cảnh đáng thương, có những hoàn cảnh đáng trách và ẩn một phần tâm linh ở đấy đến bất chợt vô cùng.
Câu chuyện “Phá tượng Phật hất xuống hồ” là câu chuyện thứ 60 của nhà văn Nguyễn Chu Phác. Người đọc càng đọc càng hiểu rõ lí do vì sao tượng đài đức Quan Thế Âm Bồ Tát lại linh thiêng là thế. Tôi ấn tượng lắm và hình như tôi thuộc câu chuyện như không sót một từ khi gấp cuốn truyện lại:
“Cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 của bộ đội ta để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ở khu vực hồ nọ, thuộc một thị xã, có một tượng đài đức Quan Thế Âm Bồ Tát ngự trên tòa sen do phật tử xây dựng lên, quang cảnh thêm phần trang trọng. Không hiểu vì lý do gì, sau giải phóng, người đứng đầu địa phương ra lệnh đập pho tượng hất xuống hồ. Thậm chí cho đào hết gạch ở tòa sen, san bằng phẳng. Người đứng đầu địa phương bảo để xây cái khác. Mấy tháng sau, ông này bị bệnh ung thư máu, chạy chữa ở nhiều bệnh viện lớn cũng không khỏi, mà bệnh ngày một nặng thêm. Mấy người bảo tại ông phá tượng Phật. Ông cãi lại: “Tượng là cục đất chứ là cái gì!”. Ông bảo: “Có lẽ bị ảnh hưởng chất độc đi-ô-xin (da cam) của quân đội Mỹ». Nhưng cuối cùng ông chết thê thảm. Sáng dậy, bác sỹ đến khám thì ông chết từ bao giờ không ai rõ. Mấy ngày sau, con trai ông bị ô tô cán chết. Sau đó, anh ruột ông cũng đổ bệnh hiểm nghèo rồi ra đi! Ông này cũng tham gia phá tượng?”( Trích Nhân – Quả không miễn trừ ai”
Phùng Văn Định
- Từ khóa
- nhân quả