Baivanhay Phân tích bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh dưới góc độ thi pháp

Baivanhay  Phân tích bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh dưới góc độ thi pháp

Trong số các nhà thơ thuộc "thế hệ chống Mĩ", Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ viết nhiều và rất hay về tình yêu. Thơ tình của chị đậm nét tự truyện. Vẫn là những chuyện muôn thưở của tình yêu nhưng bao giờ chúng cũng có vẻ như là chuyện riêng của Xuân Quỳnh, không quá thật thà nhưng xa lạ với những xốn xang, những sự "réo rắt" quá độ. Sóng là một bài thơ hay của chị, in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968). Cùng phân tích bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh để hiểu nội dung chính của tác phẩm nhé!

6644


Phân tích bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh (dưới góc độ thi pháp)

Sóng nước vốn là một hình tượng của tự nhiên và đi vào thơ cổ – kim – đông – tây như một lẽ hiển nhiên, vì thiên nhiên – trong đó có sóng nước – luôn là một phương diện thuộc đối tượng thẩm mỹ của thơ. Và tương ứng với sóng nước, từ sóng nước, có sóng lòng, sóng tình, sóng mắt…, trong cách biểu đạt ẩn dụ của con người. Chẳng hạn, Henrích Hainơ kết hợp sóng nước mặt hồ và sóng tình của con tim qua điểm nhìn về sự tương ứng của hiện tượng trong thi phẩm Hôn:

"Thơ ngây em hỏi anh
Sao mặt hồ có sóng?
Anh mỉm cười, lấp lửng…
Vì gió núi hôn bờ
(…)
Anh vuốt nhẹ mái đầu
Hôn môi em nồng cháy
Em ơi ! Em có thấy
Sóng đang cuộn trong tim?"


Nguyễn Du biểu đạt trạng thái yêu khi con người say đắm bằng sóng tì

Sóng tình dường đã xiêu xiêu
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.


Với Xuân Quỳnh, thi phẩm Sóng thể hiện cái nhìn mới lạ và những giá trị tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ vượt ra ngoài bản thể của sóng nước, sóng tình. Cái nhìn đó được biểu đạt trong kết cấu thẩm mỹ hàm chứa quan niệm nghệ thuật độc đáo của nhà thơ với một giọng điệu mang dấu ấn phong cách rất riêng của Xuân Quỳnh.

Về mặt kết cấu thẩm mỹ, hình tượng Sóng có sự đan cài giữa sóng nước và sóng tình với những điểm tương đồng, song trùng và những điểm khác biệt.

Về mặt tương đồng, cả sóng nước và sóng tình đều thể hiện những cung bậc và sắc thái trái ngược trong một thể thống nhất: dữ dội – dịu êm; ồn ào – lặng lẽ. Và sóng nước luôn theo sông về biển lớn, còn sóng tình, cũng luôn tìm đến một nửa kia của trái tim, một nơi tri âm…, nên một khi Sông không hiểu nổi mình, thì buộc lòng Sóng tìm ra tận bể.

Về mặt dị biệt, trong thực tế, sóng nước luôn vĩnh hằng: Trăm ngàn con sóng luôn tới bờ dù muôn vời cách trở, và ngàn năm còn vỗ. Còn sóng tình của lứa đôi, của lòng em dành cho anh, dù luôn thủy chung, tha thiết Ngày đêm không ngủ được, nhưng lại nằm trong cái hữu hạn của đời người. Do vậy luôn khắc khoải và thảng thốt âu lo:

"Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ."


Tuy nhiên, thi nhân không nhằm tìm kiếm và diễn giải về những điểm tương đồng hay dị biệt đó, mà từ các điểm nhìn về sóng nước và sóng tình trong những hình ảnh có tính chất nhị trị bao hàm nhau hay những nét khác biệt, hướng người đọc đến những vẻ đẹp của tình yêu lứa đôi qua sự bộc bạch và diễn trình chân thành, tha thiết của chính chủ thể trữ tình. Đồng thời, mở ra những suy tư không giới hạn về những phương diện liên quan đến tình yêu của con người trong cái vô thường, hữu hạn của kiếp người – những vấn đề lớn mà nhân loại muôn đời luôn
quan tâm, suy tư, trăn trở.

Giọng điệu bài thơ chân thành, thiết tha, nồng cháy nhưng cũng đầy suy tư, trăn trở và khắc khoải. Tính chất giọng điệu của bài thơ là hệ quả của sự phối kết giữa hai phương diện chính. Một là trường từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm, biểu đạt tốt trạng thái xúc cảm của tình yêu thiết tha, chân thành; hai là hệ thống từ ngữ có khả năng biểu đạt cảm xúc cao, bao gồm các thán từ, các hư từ làm tiếng đệm.

Ở phương diện thứ nhất, hệ thống trường từ ngữ có sắc thái biểu cảm cao, bao gồm: dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ, không hiểu nổi, tìm, khát vọng, bồi hồi, nhớ, không ngủ được, hướng về, tan ra, còn vỗ. Các từ ngữ này xuất hiện đều ở tất cả các khổ thơ, làm cho giọng điệu thơ về cơ bản không thay đổi, biểu thị hơi thở hồi hộp trong nhịp điệu nhanh của xúc cảm tình yêu lứa đôi.

Ở phương diện thứ hai, các thán từ, hư từ được dùng đúng lúc, đúng chỗ đã có hiệu ứng đẩy cao xúc cảm của nhân vật trữ tình:

– Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế.

– Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được.


Đi liền với điều đó là tính chất khẳng định trong giọng điệu được thể hiện bằng các kiểu câu ghép nối liền các dòng thơ với nhau. Nhìn chung, ngoại trừ khổ thơ cuối cùng, còn các khổ thơ khác đều có kiểu kết cấu liên kết giữa các dòng thơ tạo thành một câu ghép có tính khẳng định, chẳng hạn như:

"Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương."


Trong bài thơ, có hai lần câu hỏi tu từ được nêu lên vừa có ý nghĩa như là những trăn trở, suy tư trong tình yêu, cũng vừa là những tiền đề để từ đó, giọng thơ khẳng định mạnh mẽ hơn. Mạch của giọng điệu liên hoàn, sôi nổi, dồn dập, mạnh mẽ, thiết tha và cũng đầy suy tư. Đến hai khổ thơ cuối thì hơi thơ chùng lại, dù kiểu kết cấu khổ
thơ nhờ liên kết giữa các dòng thơ theo kiểu một câu ghép không thay đổi:

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ


Chính sự thay đổi giọng và hơi thơ ở hai khổ thơ cuối này đã tạo nên điểm nhấn trong chiều sâu tư tưởng của bài thơ, làm nên một nét đẹp nhân văn mới trong cách nhìn và quan niệm của Xuân Quỳnh về tình yêu.

Xem thêm: https://forum.vanhoctre.com/forums/song-xuan-quynh.322/
 
Từ khóa Từ khóa
song tinh yeu xuan quynh
  • Like
Reactions: Vi Na
738
1
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.