Phân tích hình tượng Mị trong đêm tình mùa xuân (P.2)

Phân tích hình tượng Mị trong đêm tình mùa xuân (P.2)

Xuân Vũ
Xuân Vũ
  • Thành Viên 19
Sau những tín hiệu mùa xuân khơi dậy sức trẻ trong mình, Mị đã có những chuyển biến tâm lý như nào? Hãy cùng tiếp tục tham khảo phần hai của đề văn phân tích hình tượng Mị trong đêm tình mùa xuân nhé!

d. Âm thanh tiếng sáo:
Khi nghe tiếng sáo gọi bạn "lấp ló ngoài đầu núi” Mị thấy trái tim mình “thiết tha, bổi hổi". Đó là cảm xúc rạo rực, say đắm, thổn thức, hân hoan của trái tim Mị khi được tiếng sáo chạm đến. Tiếng sáo bay xa ngoài kia đánh thức Mị về một tuổi trẻ lắm mộng nhiều mơ, giàu khát vọng. Cũng chính vì vậy, khi tiếng sáo vọng về, Mị đã cảm nhận tiếng sáo không chỉ bằng thính giác mà bằng cả tâm hồn. Mị như lắng nghe từng lời thiết tha trong tiếng sáo và cảm nhận cả sự bồi hồi, rung động trong lồng ngực trẻ. Đôi môi từng thổi lá, thổi sáo bắt đầu “nhẩm thầm” lời bài hát của người đang thổi sáo. Điệu sáo ấy đã lâu rồi không thổi nữa, bài hát ấy từ lâu rồi cũng không hát nữa, nhưng hôm nay Mị vẫn nhớ, vẫn thuộc, vẫn nhẩm thầm. Vậy là Mị không hoàn toàn vô cảm. Hay nói đúng hơn, chính tiếng sáo là tác nhân đã lay động sâu xa tâm hồn Mị, đã lay tỉnh, đánh thức con người của Mị, đã trả Mị về với đúng con người của chính mình.

Mị.jpg

Hình tượng nhân vật Mị. Ảnh mạng.
e. Men rượu:
Men tình xô Mị đến với men rượu, đây thực chất là một “cuộc nổi loạn nhân tính” của Mị. “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát”. Một câu văn trong văn trần thuật miêu tả, nhưng có một cái gì đó rất lạ trong tư thế, dáng dấp và cái cách uống rượu của Mị, uống mà cứ như cho hả tức, hả giận, đồng thời cứ như uống cay nuốt hận, như mượn cái đắng của rượu mà quên cái đắng trong lòng. Rượu làm Mị say “ngồi trơ một mình giữa nhà” nhưng “lòng Mị thì đang sống về ngày trước”. Bên ngoài là cô Mị câm lặng nhưng bên trong sức sống đang trỗi dậy mãnh liệt. Cơn say khiến Mị dường như xóa mờ hiện tại, Mị mặc cho không khí chung quanh mình đang náo động “người nhảy đồng, người hát”. Tâm hồn Mị đang sống về quá khứ trong tiếng sáo “văng vẳng gọi bạn đầu làng”. Từ láy “văng vẳng” không chỉ miêu tả tiếng sáo của hiện tại mà còn là âm thanh của ký ức, của hoài niệm đưa Mị trở về với quá khứ đẹp tươi với những tháng ngày tự do tuổi trẻ hạnh phúc ấm êm bên chàng trai có ngón tay đeo nhẫn quen thuộc. Đó là quá khứ của một cô Mị trẻ đẹp “thổi sáo hay, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Tiếng sáo và men rượu như chiếc cầu nối đưa Mị trở đi trở lại giữa hai thế giới say – tỉnh; nhớ - quên; quá khứ - hiện tại, tất cả đều biểu hiện sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mãnh liệt của Mị.

f. Chi tiết ô cửa lỗ vuông:
Bằng tài năng quan sát và miêu tả tâm lí sắc sảo, Tô Hoài đã khai phá một chi tiết đắt giá: chi tiết Mị nhìn ra ô cửa lỗ vuông. Căn buồng là địa ngục, ngoài ô cửa lỗ vuông kia là thiên đường. Ngoài kia, giai điệu tình yêu đang vang lên réo rắt, tiếng sáo gọi bạn tình lửng lơ bay, ngoài kia tự do đang vẫy gọi, đêm tình đang tới. Ngoài kia hạnh phúc bao nhiêu, trong đây lại tủi nhục bấy nhiêu. Giữa thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau có một cái ô cửa nhỏ bằng bàn tay, vậy mà Mị lại chẳng bao giờ vượt qua ranh giới ấy được. Tuy nhiên việc Mị ngồi đầu giường nhìn ra ô cửa lỗ vuông đã cho thấy lòng Mị đang đau đáu khát vọng tự do, sự tủi nhục không ngăn được lòng yêu tự do của Mị. Bởi: “đã từ nãy Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Những từ ngữ như “phơi phới”, “đột nhiên vui sướng” đã diễn tả thật chân thật niềm vui sướng, hân hoan, phấn chấn, hào hứng của Mị lúc này. Bằng cách so sánh “vui như những đêm tết ngày trước” tác giả Tô Hoài đã đưa người đọc cùng Mị trở về với quá khứ tươi đẹp, êm đềm của cô. Chính ảo giác tạo ra từ tiếng sáo, từ quá khứ mãnh liệt đến mức gần như xóa mờ những bất hạnh của hiện tại khiến cảm giác hạnh phúc cứ tràn ngập lâng lâng. Có một sức sống mới, một luồng sinh khí mới đang hồi sinh đang trỗi dậy trong tâm hồn Mị, trong cơ thể Mị. Sức sống lâu nay bị đè nén bỗng trào lên không gì có thể dập tắt được. Trong sự thăng hoa của cảm xúc, Mị bất chợt nhận ra: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Câu văn sử dụng phép điệp cấu trúc kết hợp kiểu câu đơn ngắn làm nhịp điệu câu văn dồn dập, thể hiện niềm vui sướng mãnh liệt và khát vọng tự do cháy bỏng đang thôi thúc mãnh liệt trong Mị. Tô Hoài đã thể hiện được sự chân thực của tâm trạng. Ở đây nó vừa là sự nhập thân, hoá thân vào nhân vật vừa là sự tinh tế nhạy cảm hiểu biết trong quá trình diễn biến nội tâm của nhân vật. Chính vì thế đoạn văn trở nên hợp lí và hấp dẫn người đọc.
 
Từ khóa
hình ảnh nhân vật mị tô hoài văn mẫu đêm tình mùa xuân
628
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top