Baivanhay Phân tích hình tượng người đàn bà hàng chài trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu

Baivanhay  Phân tích hình tượng người đàn bà hàng chài trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu

̂ ́ ̂ ̣̂ ̛̛̀ đ̀ ̀ ̛̉ ̀ ́ ̣̂ "̂́ ̂̀ ̀ "
Bài làm
Nhà thơ A. Musset từng nói: “Hãy cố gắng đứng ở thời đại chúng ta cho đến khi chúng ta không còn tồn tại nữa”. Bởi lẽ, cuộc sống vốn dĩ muôn hình vạn trạng, thế sự và nhân sinh luôn đặt ra những câu hỏi dày vò lương tâm con người, cho nên nó đòi hỏi người cầm bút cũng phải có suy nghĩ và thái độ phù hợp. Với truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã thực sự đứng vững trong thời đại của mình để nói cho hết bộn bề hiện thực. Đặc biệt, trong truyện ngắn này nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng người đàn bà hàng chài trong câu chuyện của chị ở tòa án huyện, từ đó bộc lộ một tinh thần nhân đạo sâu sắc.
Nguyễn Minh Châu là một nhà văn lớn của văn xuôi Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ. Mang trên mình màu xanh áo lính, người nghệ sĩ – chiến sĩ ấy đã để lại những tác phẩm xuất sắc mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đưa sự nghiệp của nhà văn đạt đến thành côn rực rỡ trong nền văn học cách mạng. Nhưng khi cuộc chiến đã qua đi, con người bước ra từ khói lửa để trở lại với đời thường, các sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã bắt nhịp ngay với thời đại, hướng tới cuộc sống đời tư, thế sự với phong cách tự sự - triết lí đặc sắc. Phải chăng đó là minh chứng rõ nét nhất cho điều mà ông vẫn hằng tâm niệm: “Nhà văn phải là một thứ côn trùng dùng cái râu của mình mà thăm dò không khí thời đại”. Vì nhạy bén với những đổi thay của thời cuộc như thế, cho nên truyện ngắn Nguyễn Minh Châu thường thiên về khám phá hiện thực ở bề sâu của nó, khám phá cả bề sâu tâm hồn con người để từ đó cất lên tiếng nói đồng cảm và xót thương sâu sắc trước số phận con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong hành trình gian nan tìm kiếm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Và truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” chính là minh chứng cho quan niệm sáng tác ấy của Nguyễn Minh Châu. Đây là một tác phẩm xuất sắc của ông trong giai đoạn sáng tác thứ hai, được viết năm 1983 và in trong tập truyện ngắn cùng tên, xuất bản năm 1987. “Chiếc thuyền ngoài xa” kể về hành trình đi tìm một bức ảnh đẹp cho bộ lịch của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Sau gần một tuần tìm kiếm, cuối cùng anh cũng tìm thấy một “cảnh “đắt” trời cho”. Nhưng ngay trong giây phút người nghệ sĩ ấy vừa “khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện”, vừa bắt được “cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”, thì cũng là lúc Phùng phải chứng kiến một cảnh bạo lực gia đình: người đàn bà bị chồng đánh đập dã man. Chỉ trong ba hôm phải chứng kiến cảnh tượng ấy đến hai lần khiến Phùng không thể chịu được, bản lĩnh và phẩm chất của một người chiến sĩ – nghệ sĩ đã thôi thúc anh phải dùng vũ lực buộc lão đàn ông phải chấm dứt hành động độc ác. Cũng vì thế mà anh bị thương và được đưa về trạm y tế của tòa án huyện. Tại đây, anh đã được nghe câu chuyện của người đàn bà hành chài, cũng từ đó mà hình ảnh người đàn bà với số phận khổ đau nhưng lại mang những phẩm chất cao đẹp hiện lên thật rõ nét.
Trong cuộc gặp gỡ ở tòa án huyện, nhân vật người đàn bà hàng chài hiện lên trước hết với số phận khổ đau, bất hạnh. Số phận ấy dường như ám ảnh chị đến mức nó được thể hiện ra ngay cả trong dáng vẻ: “Người đàn bà chỉ quen sống giữa mặt nước vừa đặt chân vào trong gian phòng đầy bàn ghế và giấy má liền tìm đến một góc tường để ngồi”. Đẩu phải mời đến hai lần, chị mới “rón rén đến ngồi vào mép chiếc ghế và cố thu người lại”. Dáng vẻ ấy, quả khiến người đọc không khỏi có chút xót xa, thương cảm. Phải chăng đó là dáng vẻ của một người luôn mang mặc cảm tội lỗi, vì không muốn làm người khác khó chịu mà phải thu mình? Hay đó là tư thế tự vệ bản năng của một con người đã quá nhiều lần bị đối xử thô bạo? Dù là gì đi chăng nữa, thì dáng ngồi ấy vẫn gợi lên vẻ tội nghiệp, đáng thương. Thì ra, người phụ nữ ấy lại là nạn nhân của một cuộc sống cùng quẫn, tối tăm vì nghèo đói. Hoàn cảnh gia đình khiến chị phải ngậm ngùi: “Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn”. Cả gia đình chen chúc trên con thuyền chật hẹp như thế, lại phải “nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa”, thử hỏi làm sao mà không cùng quẫn, làm sao mà không cực khổ. Và sự thật quả nhiên như thế: “...trước kia vào vụ bắc, ông trời làm biển động suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”. Cái đói, cái nghèo đã khiến cuộc đời những con người ấy rơi xuống vực sâu cùng quẫn, tối tăm, không lối thoát.
Nhưng tấn bi kịch lớn nhất trong cuộc đời người đàn bà hàng chài không đến từ cuộc sống nghèo đói hay cuộc mưu sinh nhọc nhằn, mà là nạn bạo lực gia đình mà chính chị là nạn nhân trực tiếp. Trận đòn của lão chồng vũ phu cứ đều đặn theo chu kì, ngày qua ngày tàn bạo trút xuống người đàn bà: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Thậm chí cũng chẳng cần chờ đến ngày, đó là những trận đòn tùy hứng: “Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”. Điều đó khiến cho Đẩu – vị chánh án của vùng biển phải buông lời kết tội: “Cả nước không có một người chồng nào như hắn”. Nhưng có lẽ chừng ấy chẳng thấm vào đâu với người đàn bà. Chị vẫn cắn răng chịu đựng. Duy chỉ có một điều làm chị đau đớn nhất, đó là việc phải chứng kiến đứa con đang dần hình thành một nhân cách lệch lạc vì phải sống quá lâu trong cảnh bạo lực. Nó đã thủ sẵn một con dao găm để chống lại cha ruột của nó! Còn gì đau đớn, còn gì nhục nhã hơn với người mẹ khốn khổ ấy. Trước kia, bi kịch của người phụ nữ trong “Vợ chồng A Phủ”, hay “Vợ nhặt” đều do bọn thống trị dã man gây ra, chỉ có Cách mạng mới đem đến cho họ tương lai tươi sáng. Nhưng “Chiếc thuyền ngoài xa” được viết khi nước nhà đã độc lập, thống nhất được 8 năm, cớ sao bi kịch của con người vẫn còn, thậm chí còn đau đớn, bế tắc hơn gấp bội? Phải chăng đó cũng là “mối quan hoài thường trực” trong lòng người nghệ sĩ về số phận con người. Cuộc kháng chiến trường kì dù lâu dài đến mấy, hi sinh đến mấy nhưng chẳng phải cũng đã kết thúc rồi sao. Chỉ có cuộc đấu tranh với đói nghèo, tăm tối để kiếm tìm hạnh phúc là vẫn còn triền miên dai dẳng, mà chừng nào chưa thoát khỏi đói nghèo, chừng đó con người vẫn còn phải sống với cái xấu, cái ác. Cho nên, trước hiện thực của cuộc đời và số phận con người, người nghệ sĩ càng không thể thờ ơ. Bởi lẽ: “Nghệ thuật mà không gắn liền với đời sống thì nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi” (Nguyễn Huy Tưởng)
Vượt thoát khỏi bóng đêm của hiện thực, ở người đàn bà hàng chài vẫn ngời sáng lên những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý. Trước hết, đó là tấm lòng bao dung, vị tha và giàu đức hi sinh. Với người chồng vũ phu, thô bạo, chị chẳng những không hề oán trách mà còn nhận hết lỗi về mình. Có thể nào cầm lòng được không khi nghe lời thú nhận của người đàn bà khốn khổ ấy: “Giá tôi đẻ ít đi”, “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá”. Dường như chị mang nặng mặc cảm rằng mình là kẻ làm nặng thêm cái gánh mưu sinh, khiến cả gia đình rơi xuống vực sâu bế tắc, cùng quẫn như bây giờ. Thậm chí còn hơn thế, chị còn cảm thông, thấu hiểu cho chồng, nhìn nhận người chồng ở góc độ bản chất của anh ta. Ở góc độ này, xem ra Phùng đã quá cứng nhắc, duy ý chí khi cho rằng cái ác chỉ bắt nguồn từ phía địch: “Lão ta hồi trước bảy nhăm có đi lính ngụy không ?” Đáp lại cái suy nghĩ giản đơn kiểu thời chiến ấy, người đàn bà trả lời rằng không. Hơn thế, anh ta còn trốn lính, không chấp nhận cầm súng bắn vào đồng bào mình để đổi lấy đồng tiền máu của giặc. Người như thế sao có thể gọi là kẻ ác? Vậy có phải rượu chè be bét làm gã đổ đốn? Cũng không, thậm chí người vợ còn ao ước: “Giá mà lão uống rượu...thì tôi còn đỡ khổ”. Chỉ còn một nguyên nhân nữa, là bản tính của lão. Theo lời người vợ thì: “Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Thậm chí giờ đây khi đánh vợ, lão cũng không hả hê mà còn “rên rỉ đau đớn”. Như vậy thì cả ba nguyên nhân, chẳng cái nào là phải. Mà nguyên nhân thực sự ở đây, chính là những bế tắc, cùng quẫn trong đời sống, trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn đã khiến lão khổ sở, u uất. Thuyền chật, con đông, lại thêm gánh nặng miếng cơm manh áo làm cuộc sống cứ thế chìm trong tăm tối triền miên, tất cả như vượt quá sức chịu đựng của con người. Không uống rượu như đàn ông thuyền khác, thì lão chỉ còn một cách duy nhất để giải tỏa: đánh vợ. Chính người đàn bà cũng xác nhận điều đó: “Bất cứ khi nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu”. Như vậy, nói cho đúng thì lão chồng cũng là một nạn nhân khốn khổ của hoàn cảnh. Vì thế mà cách chị nhẫn nhục chịu đựng đòn roi, cũng là cách mà chị chia sẻ, làm dịu đi nỗi u uất trong lòng chồng. Một con người bao dung như thế, vị tha như thế, thì dù việc chị làm có vô lí cách mấy cũng không thể khiến ta cầm lòng!
Với chồng là vậy, còn với đứa con, điều cảm động nhất ở người đàn bà chính là tình mẫu tử. Dường như trong thẳm sâu tâm thức của chị, tình mẫu tử như một thiên tính đương nhiên của người phụ nữ: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Người mẹ ấy đã coi cái khổ là đương nhiên, cũng có nghĩa là chị chấp nhận hi sinh hạnh phúc của mình vì con cái. Cho nên chị ý thức được rằng: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như trên đất được!” Chính tình mẫu tử đã làm nên đức hi sinh ở người đàn bà hàng chài, khiến chị phải cắn răng chịu đựng đòn roi tàn nhẫn, cốt làm sao giữ lại người cha cho con mình, để còn có người chèo chống mỗi lúc phong ba, gánh vác công cuộc mưu sinh khó nhọc. Ra thế, hỏi làm sao người phụ nữ ấy cứ bám riết lấy kẻ đã hành hạ mình. Chuyện tưởng chừng như nghịch lí, nhưng ẩn sau đó là biết bao nước mắt, có thể là máu nữa chăng! Cũng chính tình mẫu tử thiêng liêng ấy lại đẩy chị đến nỗi đau, nỗi lo sợ tột cùng khi chứng kiến đứa con đang chịu những tổn thương tinh thần sâu sắc. Khi chịu những đòn roi tàn bạo, chị không rơi một giọt nước mắt, nhưng khi đối diện với đứa con thì nỗi đau chẳng thể kìm lại mà tuôn ra thành dòng trên khuôn mặt. Chị “vừa đau đớn, vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã” khi để thằng Phác phải thấy cảnh bố đánh mẹ. Chính tuổi thơ bất hạnh, phải sống triền miên trong cảnh tối tăm và bạo lực đã khiến đứa bé dần hình thành một nhân cách lệch lạc. Nó đánh bố để cứu mẹ, và than ôi, nó đã định ra tay với cha ruột bằng một con dao găm! Rồi tương lai của nó sẽ đi về đâu, với một xuất phát điểm tối tăm như thế. Đó chính là điều khiến người đàn bà vừa đau đớn vừa nhục nhã. Chứng kiến sự thiệt thòi, bất hạnh của đứa con, có người mẹ nào có thể cầm lòng. Trong truyện ngắn “Trẻ con không được ăn thịt chó”, Nam Cao từng viết: “Người đàn bà, nghĩ đến bộ mặt tiu nghỉu của con lúc nào, rỏ nước mắt ra lúc ấy”. Chỉ cần con “tiu nghỉu” một chút thôi đã vậy, thử hỏi ở đây, người đàn bà còn đau đớn đến mức nào. Nhưng không chỉ có nỗi đau, đứa trẻ còn là niềm vui hiếm hoi của người mẹ khốn khổ ấy. Kì lạ, một câu nói chân chất, dung dị thế thôi mà sao cũng khiến ta không thể cầm lòng: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Giây phút ấy gương mặt chị “chợt ửng sáng lên như một nụ cười”, mà có lẽ đó cũng là độn lực để chị sống tiếp. Tôi cứ tự hỏi mãi, rằng cả cuộc đời người phụ nữ, bao dung, thấu hiểu cho chồng, nụ cười hay nước mắt lại cũng vì con, có bao giờ chị nghĩ cho mình chưa? Có phải vì thế mà đức hi sinh, lòng bao dung, vị tha của người đàn bà lại càng ngời sáng, mà càng ngời sáng bao nhiêu, ta càng nhói lòng bấy nhiêu.
Có lẽ, vì bao năm lăn lộn mưu sinh như thế mà chị đã trở thành một người phụ nữ từng trải, thấu hiểu sâu sắc lẽ đời. Điều đó được thể hiện rõ ngay từ sự thay đổi trong cách xưng hô với Phùng và Đẩu. Ban đầu, chị khúm núm, sợ sệt, chỉ dám xưng “con”: “Con lạy quý tòa”. Nhưng rồi chị nhanh chóng thay đổi, xưng “chị” và gọi Phùng và Đẩu là “các chú”: “Chị cám ơn các chú!” Nhưng “người đàn bà lộ ra vẻ sắc sảo chỉ đến thế”, chỉ một câu đó thôi, bởi chị không hề muốn lên mặt hay dạy dỗ ai. Đó là cách để chị rũ bỏ vẻ khúm núm, sợ sệt, để thoải mái chia sẻ câu chuyện của mình. Bằng chứng là sau đó, cách xưng hô chuyển sang “tôi” – “chú”. Nếu theo Các Mác: “Ngôn ngữ là lớp vỏ vật chất của tư duy”, thì sự thay đổi cách xưng hô ở người đàn bà chính là sự thay đổi tâm thế - từ bị động, yếu ớt đến chủ động, mạnh mẽ. Chị đã chỉ rõ cái sự thiếu thực tế ở Phùng và Đẩu: “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn...cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc...”. Rồi chị nhẹ nhàng phản bác suy nghĩ của hai người họ: “Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”. Vai trò của một người đàn ông trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn trên biển là như thế nào, chị hiểu rõ hơn ai hết. Con thuyền “cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba”, người đàn bà cần một người chồng “để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa”, còn những đứa con đương nhiên lại càng cần một người cha để cho chúng một gia đình trọn vẹn. Có thể thấy, người đàn bà hàng chài đã giải thích lí do từ chối li hôn bằng những lí lẽ hết sức thuyết phục. Bởi lẽ, lí lẽ ấy không đến từ sách vở, giáo điều khô cứng mà từ chính sự từng trải của người đàn bà trong cuộc mưu sinh khó nhọc. Phải là người trong cuộc, trải bao tủi cực, đắng cay mới có thể sâu sắc đến thế. Nó khiến người đọc vừa khâm phục, vừa cảm thương. Và sự sâu sắc, từng trải của người đàn bà cũng dạy cho Phùng và Đẩu nhiều điều. Giải pháp li hôn mà Đẩu đưa ra xuất phát từ mong muốn tốt đẹp là giải thoát cho người đàn bà khỏi bi kịch, nhưng nó lại là giải pháp phi thực tế, bởi nó quá giáo điều, cứng nhắc. Bởi vai trò của người chồng trong cuộc mưu sinh quan trọng ra sao, người đàn bà cũng đã nói rồi. Phùng và Đẩu học nhiều hiểu rộng, nhưng lại thiếu đi sự từng trải, do vậy mà nông nổi, do vậy mà ngây thơ. Cho nên, người đàn bà cũng đã cho họ một bài học, rằng phải có một cái nhìn khách quan, đa chiều và sâu sắc trước những vấn đề của đời sống.
Có thể thấy, qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng thành công hình tượng người phụ nữ với số phận bi thảm nhưng ngời lên những phẩm chất tâm hồn đáng quý. Qua đó, truyện cũng mang đến cho độc giả một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Để làm được điều đó phải kể đến những đặc sắc vè nghệ thuật của truyện ngắn này. Nhà văn đã xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo, thuộc dạng tình huống nhận thức, đem đến những khám phá, phát hiện mới mẻ về hiện thực đời sống. Bên cạnh đó, Nguyễn Minh Châu cũng đã xây dựng được những hình tượng nghệ thuật sâu sắc, vừa chân thực vừa chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa hàm chứa những triết lí nhân sinh. Cùng với đó là nghệ thuật trần thuật hấp dẫn, lôi cuốn, từ giọng điệu, ngôi kể cho đến hình thức kể chuyện, điểm nhìn trần thuật. Tất cả đã góp phần làm nên thành công cho truyện ngắn này.
Nguyễn Minh Châu vẫn luôn hằng tâm niệm: “Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó chính là con người”. Và truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” chính là minh chứng tiêu biểu cho quan niệm ấy, khi nó hàm chứa những giá trị nhân đạo sâu sắc. Giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện trước hết ở niềm xót thương với số phận của những con người nghèo khổ miền biển, phải lăn lôn trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn mà cuộc đời cứ mãi cùng quẫn, tối tăm vì nghèo đói. Từ đó, nhà văn bộc lộ sự cảm thông, thấu hiểu với con người. Người nghệ sĩ cảm thông cho số phận của người đàn bà bị chồng bạo hành, muốn cất lên tiếng nói bênh vực chị. Bên cạnh đó là sự đồng cảm với cả người chồng vũ phu – một nạn nhân của hoàn cảnh, đáng trách nhưng cũng rất đáng thương. Nhưng điều đáng quý nhất ở tác phẩm đó là nhà văn đã phát hiện, khẳng định và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp mà ông hằng xem như “những hạt ngọc ẩn giấu ở bề sâu tâm hồn con người”. Sự đối lập ngoài – trong của người đàn bà hàng chài đã làm nổi bật điều đó, khi ẩn sau một người đàn bà lam lũ, thất học, với những hành động phi lí, khó hiểu lại là một người phụ nữ bao dung, vị tha, sâu sắc, từng trải. Từ những điều ấy, nhà văn cất lên một câu hỏi đau đáu với thời đại, rằng làm sao để con người được sống đúng nghĩa là người, làm sao để chiến thắng cái xấu, cái ác trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn để vươn tới hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách,... Đó là những câu hỏi mang ý nghĩa nhân sinh, vẫn còn đau đáu trong mỗi chúng ta đến tận hôm nay.
Và cuối cùng, không thể phủ nhận rằng “Chiếc thuyền ngoài xa” đã để lại trong tôi và những bạn đọc yêu văn chương những bài học đắt giá. Cái giây phút “một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển”, cũng là lúc tôi vỡ ra nhiều điều. “Cuộc đời đa diện, con người đa đoan”, cho nên khi nhìn nhận những vấn đề nhân sinh, ta cũng phải có cái nhìn đa chiều và sâu sắc, tuyệt đối không thể phiến diện, chủ quan. Cùng với đó là bài học về sự cảm thông với con người. Con người luôn mang trong mình những nỗi đau không phải ai cũng có thể hiểu được, cũng không có ai “chính diện” hay “phản diện” hoàn toàn, mà ai cũng có cái đáng trách, có cái đáng thương. Cho nên, cuộc đời có khi chẳng cần gì nhiều hơn hai chữ “cảm thông”. Gần 40 năm đã trôi qua kể từ khi “Chiếc thuyền ngoài xa” ra đời, cuộc sống đã có nhiều đổi thay tích cực, nhưng những cảnh đời bất hạnh như người đàn bà hàng chài không phải là không còn. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn đã bao giờ buông tha con người, mà chừng nào chưa thoát khỏi đói nghèo, tăm tối, chừng đó con người vẫn phải sống với cái xấu, cái ác, nói chi đến kiếm tìm hạnh phúc thực sự. Để đem lại đổi thay thực sự cho những kiếp đời tăm tối, tôi cho rằng bên cạnh sự chung tay của mỗi người, cần phải có cả sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, dĩ nhiên không phải vào cuộc với lòng tốt nhưng lại chủ quan, cứng nhắc như chánh án Đẩu.
“Nghệ thuật nằm ngoài quy luật băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” ( Schedrin ). Để làm được điều đó, người nghệ sĩ phải có cái nhìn sâu sắc, đa chiều về hiện thực, toàn tâm toàn ý hướng đến con người với một tinh thần nhân đạo cao cả. Và như thế, tôi tin rằng “Chiếc thuyền ngoài xa” là một tuyệt tác trường tồn. Tác phẩm ấy, cùng tên tuổi Nguyễn Minh Châu – “người mở đường tinh anh và tài năng” sẽ còn sống mãi, ghi một dấu ấn không phai trong nền văn học nước nhà.
Tím Cửa hàng Bán lẻ Hoa Bài đăng Facebook.jpg
 
Từ khóa Từ khóa
chiếc thuyền ngoài xa- ngữ văn 12 người đàn bà hàng chài trong chiếc thuyền ngoài xa nlvh
476
0
0

Địa phương TOP

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.