Phân tích hình tượng nhân vật bà cụ Tứ

Phân tích hình tượng nhân vật bà cụ Tứ

Xuân Vũ
Xuân Vũ
  • Thành Viên 20
Nhân vật bà cụ Tứ là một trong những nhân vật quan trọng góp phần đánh bật lên giá trị tình người trong tác phẩm "Vợ Nhặt" của nhà văn Kim Lân. Hãy cùng điểm qua những nét chính về nhân vật này nhé.

Vợ Nhặt (2016).jpg

Nhân vật bà cụ Tứ trong truyện "Vợ nhặt". Ảnh mạng.
1. Bà cụ Tứ là người mẹ nông dân nghèo khổ, bất hạnh, đáng thương Sự xuất hiện của bà ở giữa truyện khiến người đọc vừa bất ngờ vừa ái ngại, xót xa.

- Tuổi tác đã xế chiều: dáng đi “lọng khọng”, vừa đi vừa “húng hắng ho” là biểu hiện của sự tiều tụy, già yếu.
- Gia cảnh đáng thương: là dân ngụ cư với thân phận nghèo hèn; nhà cửa thì “rúm ró" lụp xụp, tồi tàn; bà góa bụa, chỉ có con trai làm chỗ dựa nhưng anh ta lại chẳng được thông minh như con nhà người.

2. Bà cụ Tứ là người mẹ nhân hậu, bao dung, giàu lòng thương con, giàu anh yêu thương người đồng cảnh ngộ. Tất cả những vẻ đẹp ấy đã ngồi lên thật trọn vẹn qua những diễn biến tâm lý của bà trong “cảnh đón dâu”.
a. Bà ngạc nhiên vì sự xuất hiện của người khách lạ:

-Sự việc quả bất ngờ khiến bà chưa chuẩn bị tâm lý. Bà "đứng sững lại", “phấp phỏng”, băn khoăn, phân vân, hồi hộp, lo lắng...không biết điều gì đang xảy ra trong căn nhà.
- Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra đã chứng tỏ tâm trạng người mẹ đang rối bời, đắn đo, nửa như muốn tin, nửa không dám tin.

b. Hiểu cơ sự, bà thương con, vừa xót xa tủi thân tủi phận:
- Bà thương con, xót xa cho con. Bà hiểu được con trai mình lấy vợ được là do may mắn, nếu nạn đói không xô đẩy người đàn bà kia vào bước đường cùng thì con trai bà chẳng có được vợ.
- Bà tủi thân cho mình, thấy mình bất lực, thấy mình không làm tròn bổn phận của người mẹ khi không lo cho con mình được cái đám cưới ra trò. Bà cũng xót xa ái ngại cho cô con dâu, đồng cảm cho sự cùng đường trong nạn đói.

c. Bà mừng lòng cho đôi vợ chồng son
- Gạt đi bao tủi hờn bà “Mừng lòng" chấp nhận cuộc hôn nhân. Sự đồng ý đó chứa đựng sự bao dung, nhân hậu, giàu tình thương yêu của mẹ dành cho các con.
- Bà chia sẻ với con dâu: “Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo cũng chả ai chấp nhặt chi lúc này". Câu nói vừa là sự thanh minh của mẹ về gia cảnh, vừa là nỗi lòng áy náy không yên. Làm được dăm ba mâm thì mới thành đám cưới, có đám cưới thì mới danh chính ngôn thuận. Làm được dăm ba mâm thì con trai bà cũng đỡ tủi, làm được dăm ba mâm thì cô con dâu cũng không phải mang tiếng là “vợ nhặt”. Hóa ra ngay trong đòi nghèo, ngay trong sự tấn công quyết liệt của chết chóc như thế, tình người chẳng những không bị hạ thấp mà còn được đề cao. Ý nghĩ của bà cụ Tứ chính là ý nghĩ nâng cao giá trị của con người.
- Bà khát khao cho đôi trẻ nên người: “Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá...". "Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi". Đó là lời dặn đò, lời mong mỏi đầy yêu thương và trách nhiệm của người mẹ.

d. Bà lo lắng cho đôi vợ chồng son

Nghĩ đến cuộc đời dài dằng dặc đầy đau khổ của mình, lại nghĩ năm này thì đói to đấy" bà lo lắng. “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”, “cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?". Đó là sự trăn trở, băn khoăn của tấm lòng người mẹ giàu đức hi sinh, giàu tình thương con.

3. Bà cụ Tứ là người mẹ lạc quan, giàu niềm tin vào cuộc sống. Niềm tin của bà đã phả vào tâm hồn đôi trẻ một nguồn sống mới. Vẻ đẹp ấy hiện lên sinh động nhất qua diễn biến tâm trạng của bà trong buổi sáng hôm sau:

- Bà động viên con bằng niềm tin ngàn đời của dân tộc: “Ai giàu ba họ ai khó ba đời". Trong bữa ăn ngày đói bà còn bàn tính chuyện nuôi gà và mong mỏi: "chẳng mấy chốc có ngày đàn gà cho mà xem”. Đó là câu chuyện đầy. lãng mạn trong hoàn cảnh khốn cùng nhưng lại chứa đựng niềm tin và khát vọng sống mãnh liệt ở bà. Bà tin rằng: sự sống sẽ lấn át cái chết, sự sinh tồn sẽ lấn át sự hủy diệt.

- Trong buổi sáng đầu đón nàng dâu, bà cụ dậy sớm vun vén nhà cửa, khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên". Đó là hình ảnh cho một cuộc sống mới với tin yêu và hi vọng.

- Chi tiết bát chè khoán là một chi tiết nghệ thuật đầy cảm động. Với bà cụ Tứ, đó là hiện thân vẻ đẹp của tình mẫu tử, là hiện thân của vẻ đẹp truyền thống: “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “lá lành đùm lá rách". Bát chè khoán đắng chát là hiện thân cho sự khốn cùng nhưng ấm áp tình người trong nạn đói. Điều đó minh chứng cho tuyên ngôn của Kim Lân. “Cái đói hành hạ tất cả mọi người nhưng không át được sức sống đơn sơ của tâm hồn họ. Đói. Nó vừa cay đắng vừa đớn đau, đồng thời một mặt nào đó lại lóe lên những tia sáng về đạo đức, danh dự.”
 
Từ khóa Từ khóa
nhân vật bà cụ tứ tình người và niềm hy vọng về cuộc sống vợ nhặt - kim lân
1K
0
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.