Phân tích ý nghĩa và giá trị tình huống truyện trong "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân

Phân tích ý nghĩa và giá trị tình huống truyện trong "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân

Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân là một trong những tác phẩm nổi bật trong Ngữ Văn 11 . Tác phẩm mang đến cho người đọc tình huống truyện độc đáo thể hiện khả năng quan sát, khám phá bản chất cuộc sống, bản chất con người của nhà văn Nguyễn Tuân.
Cùng forum.vanhoctre.com đi phân tích ý nghĩa và giá trị tình huống truyện trong "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân nhé!



5270

Phân tích ý nghĩa và giá trị tình huống truyện trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

a. Mở bài:
Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn lớn nhất của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Ông là người có công thúc đẩy thể tùy bút, bút kí đạt tới trình độ nghệ thuật cao; làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc; đem đến cho nền văn xuôi hiện đại một phong cách tài hoa, độc đáo. Truyện ngắn "Chữ người tử tù" là tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Tuân giai đoạn trước cách mạng tháng Tám. Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của tác phẩm này đó chính là nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, giàu tính nhân văn. Với nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, ngôn từ sắc sảo, góc cạnh, câu văn giàu hình ảnh, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật lên cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục cùng cảnh cho chữ để khẳng định sức mạnh cảm hóa của con người, của cái tài, cái đẹp.

b. Thân bài:
Tình huống truyện là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất. Từ tình huống truyện, các sự kiện, biến cố của cốt truyện được phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ rõ nét. Việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong tình huống truyện sẽ bộc lộ rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm và dụng ý nghệ thuật của tác giả. Sáng tạo nên các tình huống độc đáo biểu hiện khả năng quan sát, khám phá bản chất cuộc sống, bản chất con người của nhà văn.

1. Tình huống trong truyện Chữ người tử tù:
Tình huống truyện trong “Chữ người tử tù” chính là cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Huấn Cao và Viên quản ngục.
* Không gian: là nhà tù, nơi chứa đựng những cái xấu xa, tăm tối, những cặn bã của xã hội.
* Thời gian: là những ngày cuối cùng của cuộc đời Huấn Cao trước khi ông phải ra pháp trường chịu án chém.
* Con người:
– Huấn Cao:

+ Là kẻ cầm đầu những người phiến loạn chống lại triều đình mục nát, bị triều đình kết tội là “giặc” và bị xử án chém.
+ Nổi tiếng có tài viết chữ đẹp.

– Viên quản ngục:
+ Là quan của triều đình, đại diện cho bộ máy cai trị của chính triều đình mục nát ấy.
+ Khao khát được thưởng thức chữ đẹp.

* Nhận xét:
– Đây là cuộc gặp gỡ bất ngờ và đầy éo le. Vì:
+ Xét ở bình diện xã hội: họ là hai kẻ đối nghịch.
+ Xét ở bình diện nghệ thuật: họ lại là tri kỉ, tri âm, là những tâm hồn khao khát cái đẹp.
+ Hơn nữa nhà tù không phải là nơi dành cho những cuộc gặp gỡ.
– Đây là cuộc gặp gỡ đầy ngang trái. Vì:
+ Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai loại tù nhân:
  • Huấn Cao là tử tù. Ông bị cầm tù về thân thể nhưng luôn tự do về nhân cách, tâm hồn.
  • Quản ngục là kẻ bị tù chung thân. Ông tự do về thân thể nhưng lại bị cầm tù về nhân cách.
+ Đó là cuộc đối chứng giữa hai thứ nhà tù:
  • Huấn Cao bị cầm tù trong cái nhà tù hữu hình.
  • Quản ngục bị cầm tù trong cái nhà tù vô hình.
2. Diễn biến tình huống truyện:
* Lúc đầu: Khi viên quản ngục nhận phiến trát thứ nhất.
Viên quản ngục:
– Biết được Huấn Cao là người viết chữ đẹp. Từ lâu đã ao ước có được chữ ông Huấn.
– Có “một tấm lòng biệt nhỡn liên tài”, vừa muốn biệt đãi, vừa muốn xin chữ Huấn Cao.

Huấn Cao:
– Có tài viết chữ rất đẹp.
– Song lại “khoảnh”, nghĩa là rất khí khái. Ông chỉ cho chữ người nào là tri kỉ.
– Có thái độ khinh bỉ, miệt thị Viên quản ngục không cần giấu giếm, vì ông chỉ coi Viên quản ngục là một kẻ tiểu nhân làm nghề thất đức.
– Thản nhiên nhận những biệt đãi như một thú bình sinh.
Mối quan hệ giữa Huấn Cao và Viên quản ngục: không những không phải là tri kỉ mà với thái độ đối nghịch của Huấn Cao đã tạo ra một vực sâu ngăn cách giữa họ.

* Sau đó: Khi viên quản ngục nhận phiến trát thứ hai.
Viên quản ngục:
– Nhận thức được con người cao quý mà ông cảm phục, ngưỡng mộ đã không thoát khỏi được cái chết và thế là ông sẽ chẳng bao giờ có được chữ của Huấn Cao.
– Tình thế ấy buộc ông phải bày tỏ tất cả những tâm sự sâu kín trong lòng, niềm ao ước thầm lặng mà lớn lao: có được chữ ông Huấn.

Huấn Cao:
– Xúc động và có phần ân hận: Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết một người như thầy Quản đây lại có sở nguyện cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.”
→ Mối quan hệ giữa Huấn Cao và Viên quản ngục: Tấm lòng chân thành và thuần khiết của viên quản ngục đã xoá bỏ hoàn toàn vực sâu ngăn cách giữa hai nhân cách ấy.

* Cuối cùng:
– Huấn Cao quyết định cho Viên quản ngục chữ.
+ Thời gian: Lúc nửa đêm. Đó là đêm cuối cùng trong cuộc đời của người tử tù Huấn Cao.
+ Không gian nhà tù. Một bên là: Tối, chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. → Tối tăm, nhơ bẩn, phàm tục, tội ác. Một bên là: Ngọn đuốc đỏ rực. Tấm lụa trắng tinh. Mùi mực thơm → Ánh sáng, cái thiện, cái đẹp, sự tinh khiết.
Nghệ thuật tương phản đối lập → ánh sáng, cái thiện, cái đẹp đã chiến thắng, vượt lên trên bóng tối, cái ác, cái xấu.
+ Con người:
  • Người cho chữ: người tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng nhưng luôn ở tư thế bề trên, uy nghi lồng lộng.
  • Người xin chữ: kẻ có quyền nhưng khúm núm, run run, kính cẩn, trọng vọng người tù.
* Cảnh cho chữ là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có vì:
– Cho chữ là thú chơi tao nhã của người có văn hóa. Nó diễn ra ở chốn thư phòng, không gian thoáng đãng.
– Người sáng tạo cái đẹp phải ở trong một tư thế thoải mái về thể xác lẫn tinh thần.

* Ý nghĩa:
+ Ánh sáng, cái đẹp, cái thiện, cái cao cả đã chiến thắng bóng tối, cái xấu, cái ác, cái thấp hèn.
+ Có những con người sống trong cái ác nhưng vẫn hướng tới cái thiện → niềm tin vào con người của nhà văn Nguyễn Tuân.
– Huấn Cao khuyên viên quản ngục:
  • Nên thay chốn ở
  • Nên tìm về nhà quê mà ở
  • Hãy thoát khỏi cái nghề này. Ở đây khó giữ thiên lương. Rồi cũng nhem nhuốc cả đời lương thiện
→ Ý nghĩa:
+ Cái đẹp gắn liền với cái thiện.
+ Cái đẹp có thể sinh ra từ cái ác nhưng không thể sống cùng với cái ác.
+ Cứu vớt một con người.
→ Mối quan hệ giữa Huấn Cao và Viên quản ngục: Tri âm, tri kỉ.

3. Vai trò của tình huống truyện:

– Bộc lộ tính cách nhân vật: Thông qua tình huống truyện:
+ Nhân vật Huấn Cao có cơ hội bộc lộ rõ những phẩm chất cao đẹp: vừa hiên ngang, dũng liệt vừa tài hoa nghệ sĩ lại giữ được cái tâm trong sáng.
→ Qua nhân vật Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân:
  • Bày tỏ thái độ tiếc nuối cái đẹp và gửi gắm: hãy biết quí trọng cái đẹp.
  • Ca ngợi, kính trọng những con người chiến đấu hi sinh cho nghĩa lớn.
  • Ca ngợi nhân cách cao đẹp dù trong hoàn cảnh nào cũng không bị khuất phục.
  • Cái đẹp có khả năng cảm hóa con người, làm cho người gần người hơn.
+ Viên quản ngục, qua tình huống éo le ấy, cũng thể hiện mình là một người có khí phách, biết “biệt nhỡn liên tài”, trân trọng tài năng và khí phách của người anh hùng đồng thời là người vẫn giữ được thiên lương trong sáng.
→ Qua nhân vật Viên quản ngục, nhà văn Nguyễn Tuân gửi gắm:
  • Trong mỗi con người đều có một người nghệ sĩ, đều ẩn chứa một tâm hồn yêu cái đẹp, cái tài. Không phải ai cũng xấu hết, bên cạnh những cái chưa tốt, mỗi con người còn có thiên lương.
  • Có khi, có lúc cái đẹp tồn tại trong môi trường cái ác, cái xấu. Nhưng không vì thế mà nó lụi tàn, trái lại nó càng mạnh mẽ và bền bĩ. Nó như hoa sen mọc trong đầm lầy vậy.
– Thúc đẩy cốt truyện phát triển (tạo không khí căng thẳng, lôi cuốn): Từ tình huống truyện, cốt truyện được triển khai, phát triển và lên đến cao trào trong cảnh cho chữ cuối tác phẩm. Chính tình huống độc đáo đã tạo cho câu chuyện sự lôi cuốn, hấp dẫn người đọc ngay từ đầu tác phẩm.
– Thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm:
+ Khẳng định sự bất tử của cái đẹp, sự tất thắng của cái chân, cái thiện, cái mĩ trong cuộc đối đầu với những gì xấu xa, tăm tối, độc ác.
+ Thông điệp nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm qua tình huống truyện là thông điệp về sức mạnh cảm hóa kì diệu của nghệ thuật, của cái đẹp “Cái đẹp cứu rỗi nhân loại”.- Thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân: một người nghệ sĩ tài hoa, đầy cá tính, luôn tìm tòi, khám phá cái đẹp, cái đẹp độc đáo, phi thường nhưng vẫn mang giá trị nhân văn sâu sắc.

4. Giá trị tư tưởng qua tình huống truyện.
– Tình huống ấy chứa đựng một quan niệm sâu sắc: Cái đẹp là bất diệt. Dù thực tại có hắc ám, tăm tối và bế tắc đến đâu cũng không tiêu diệt được cái Đẹp. Nó mãi mãi là một lí tưởng nhân văn cao cả của cõi người này.
– Tình huống như thế cũng chứa đựng một niềm tin mãnh liệt rằng: Cái đẹp cứu vớt con người. Cái đẹp sẽ làm cho cuộc đời này trong sáng hơn, cái Đẹp dẫn dắt con người hướng heo ánh sáng của nó…

c. Kết bài:
Tình huống truyện trong tác phẩm Chữ người tử tù chính là chất xúc tác, thúc đẩy cốt truyện phát triển, rồi từ đó đưa đến hướng giải quyết cốt truyện, đồng thời bộc lộ vẻ đẹp, tính cách của các nhân vật Huấn Cao với vẻ đẹp khí phách, tài hoa và thiên lương, viên quản ngục với vẻ đẹp biệt liên tài, vẻ đẹp khí phách, vẻ đẹp thiên lương, dám bất chấp hiểm nguy để bảo vệ cái đẹp, cái tài, đối đãi đặc biệt giúp Huấn Cao những ngày cuối cùng bớt khổ cực. Tình huống truyện độc đáo còn bật sáng chủ đề của câu chuyện, khẳng định sự bất tử của cái đẹp, sự chiến thắng của chân-thiện – mĩ trước cái xấu, cái ác, khẳng định sức mạnh cảm hóa của cái đẹp, cứu vớt cuộc đời của một con người. Cuối cùng tình huống truyện đã thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân, ưa khám phá những sự vật sự việc ở khía cạnh thẩm mĩ, độc đáo, xây dựng nhân vật là những người tài hoa nghệ sĩ, với những vẻ đẹp hoàn mĩ, khác thường.
 
Từ khóa Từ khóa
chu nguoi tu tu huan cao nguyen tuan tinh huong truyen vai trò viên quản ngục
1K
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.