Phát hiện danh xưng Việt Nam trên bia đá thế kỷ 17

Phát hiện danh xưng Việt Nam trên bia đá thế kỷ 17

Nguyenmaihoa
Nguyenmaihoa
  • Thành Viên 27 đến từ Hà Nội
Trên hai tấm bia đá niên đại 1681 và 1697 có khắc tên nước ta là Việt Nam. Phát hiện này vừa được công bố trong công trình nghiên cứu về các bia chợ do PGS Trịnh Khắc Mạnh chủ biên.

“Còn rất nhiều điều để nói về các khu chợ truyền thống của Việt Nam, được coi là những khu vực thương mại thuộc về cả một hệ thống kinh tế vùng miền, sự có mặt của những ngôi chợ đã góp phần tạo nên cảnh quan cho các thôn làng, nơi diễn ra các mối quan hệ giao lưu, sinh hoạt hằng ngày của người dân.”

GS.TS Philippe Papin (EPHE, Vietnamica)
Như vậy, theo sử liệu chính thống thì quốc hiệu Việt Nam được vua Gia Long đặt ngay khi triều Nguyễn được thành lập (công bố chính thức năm 1804), nhưng trước đó hơn 200 năm, người dân đã dùng chữ Việt Nam để gọi tên nước mình, thậm chí còn khắc vào bia đá để lưu hậu thế.

Đây chỉ là 2 trong số 68 văn bia được khảo sát trong công trình đồ sộ Chợ truyền thống Việt Nam qua tư liệu văn bia do PGS Trịnh Khắc Mạnh – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm – chủ biên cùng nhóm biên dịch lên đến 9 người.

Công trình này là một phần trong Dự án châu Âu về nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam (Vietnamica) được hợp tác với Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, do Viện Khảo cứu cao cấp (EPHE) Pháp và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) quản lý và chỉ đạo.
4487

Bản dập bia Kim Lũ thị – Ảnh – L.ĐIỀN
Điều bất ngờ là có đến hai tấm bia sử dụng danh xưng Việt Nam để chỉ nước ta vào thế kỷ 17. Cụ thể, trên tấm bia khắc bài văn có tên Kim Lũ thị bi ký (bài ký ghi lại việc trùng tu chợ Kim Lũ và ghi tên người đóng góp cho việc xây dựng), có dòng chữ Hán:

“Việt Nam thắng địa danh xưng Kim Lũ cự hương ái hữu thị triền nguyên sơ cổ tích”, nghĩa là: Trông khắp thắng địa Việt Nam, nổi danh làng lớn Kim Lũ, có chợ chiền đông đúc, nguyên xưa là chốn cổ tích.

Bia này có niên đại triều Lê, năm Chính Hòa thứ 2 (1681). Như vậy, vào lúc bấy giờ, tại làng Kim Lũ là một làng cổ ven Thăng Long, người dân đã sử dụng tên gọi Việt Nam để chỉ nước mình.

4488

Chữ Việt Nam (đánh dấu đỏ) trong câu đầu bài minh ‘Việt Nam sinh thánh chúa’ – Ảnh – L. ĐIỀN​
Tương tự, trên tấm bia Ngâm Điền thị bi (văn bia chợ Ngâm Điền), sau khi ghi lại việc xây dựng khu chợ (tại huyện Gia Định, phủ Thuận An) và họ tên những người đóng góp công sức cũng như chịu trách nhiệm, bia còn có bài minh viết theo thể thơ ngũ ngôn, mà ngay tại câu đầu đã dùng tên gọi Việt Nam: “Việt Nam sinh thánh chúa/ Quốc thế điện thạch bàn…” (Việt Nam sinh thánh chúa/ Thế nước vững như bàn thạch).

Bài minh dài, tả cảnh sắc tốt tươi sung túc của xứ Kinh Bắc bấy giờ. Điều đáng kể là cách dùng chữ “Việt Nam” cho câu thơ trên gắn liền với “Thánh chúa” cho thấy trong tâm thức người Việt thời bấy giờ, nước ta tên gọi là Việt Nam.

Phát hiện này là một bổ sung thú vị về các trường hợp văn bia có danh xưng Việt Nam được dùng như tên nước ta trước thời Nguyễn.

Sự kiện trước đó là trên tấm bia Thế tồn bi ký/ Thủy môn đình tại trấn Đồng Đăng – Lạng Sơn niên đại 1670 có ghi dòng chữ “Việt Nam hầu thiệt, trấn bắc ải quan” (Cửa yếu hầu của Việt Nam, trấn giữ quan ải phía bắc), bia này đã được công nhận là “Bảo vật quốc gia” năm 2014.

4489

Bản dập bia Ngâm Điền thị bi-Tam bảo thị – Ảnh – L.ĐIỀN​
Bên cạnh đó, công trình Chợ truyền thống Việt Nam qua tư liệu văn bia có tầm vóc như một tập tư liệu sơ cấp quan trọng, là bản dịch các văn bia ghi việc xây dựng, trùng tu các chợ truyền thống của Việt Nam chủ yếu tại đồng bằng Bắc Bộ.

Đây là những tư liệu thành văn còn lại sau bao nhiêu biến động của lịch sử. Học giới ngày nay và mai sau có thể từ đây thực hiện nhiều công trình để làm rõ hơn đời sống xã hội của cư dân Việt thời trung đại, mà việc ra đời các ngôi chợ là sự kiện quan trọng phản ánh đời sống kinh tế của một vùng.

4490

Chữ Việt Nam (đánh dấu gạch đỏ) trên bia Kim Lũ thị bi – Ảnh – L.ĐIỀN​
Chẳng hạn đến nay vẫn chưa có công trình nào làm rõ ngôi chợ đầu tiên của người Việt xuất hiện ở đâu, lúc nào? Chỉ biết được từ ghi chép của một viên sứ nhà Nguyên là Trần Cương Trung đi sứ sang nước ta năm 1293 (thời Trần) thì bấy giờ Việt Nam đã có chợ phiên nhóm họp mỗi 2 ngày 1 phiên, “hàng hóa trăm thứ bày la liệt”.

Nay tại tập sách này cũng chỉ ghi nhận bia chợ sớm nhất là chợ Cầu Nguyễn ở xã Phúc Hải, tỉnh Thái Bình (năm 1531 – Đại Chính năm thứ 2).
Nguồn: banluanvanhoa.com

 
  • Like
Reactions: Anh Tony
1K
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top