Đề thi Tác phẩm văn học còn lại với đời sau chủ yếu không phải như những cứ liệu mà nhân chứng về cách nghĩ, cách cảm của con người trong một thời

Đề thi  Tác phẩm văn học còn lại với đời sau chủ yếu không phải như những cứ liệu mà nhân chứng về cách nghĩ, cách cảm của con người trong một thời

Thích Văn Học
Thích Văn Học
  • Sáng tạo nội dung (content) đến từ Hà Nội
Đề bài: “Tác phẩm văn học còn lại với đời sau chủ yếu không phải như những cứ liệu mà nhân chứng về cách nghĩ, cách cảm của con người trong một thời". (Đề văn lớp 9 thi HSG tỉnh Thanh Hoá)

Bằng trải nghiệm văn học, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
---

Bài làm

Nguyễn Du trong “Độc Tiểu Thanh ký” đã từng suy tư về chính cuộc đời của mình như sau:

“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Với những vần thơ của mình, đại thi hào Nguyễn Du đã thể hiện những băn khoăn, trăn trở về nghiệp văn chương, về sự tri âm, tri kỉ ở đời sau. Bởi lẽ, nàng Tiểu Thanh sau bao năm tháng đằng đẵng vẫn có người tri âm thì liệu rằng, Tố Như theo dòng chảy thời gian thì còn ai vương vấn? Và câu trả lời cũng đã được thể hiện rõ ở những áng văn chương bất hủ, phơi phới sức xuân, trường tồn theo năm tháng của cụ Nguyễn. Để có được sức sống ấy là bởi con mắt nhìn suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời và suy rộng ra trong văn chương chính là ở cách nghĩ, cách cảm của con người trong một thời đại nhất định. Bàn về vấn đề sức sống, cách nghĩ, cách cảm trong văn chương, có ý kiến cho rằng: “Tác phẩm văn học còn lại với đời sau chủ yếu không phải như những cứ liệu mà nhân chứng về cách nghĩ, cách cảm của con người trong một thời".

Văn chương là lĩnh vực của sự độc đáo và mỗi người nghệ sĩ qua quá trình va chạm với cuộc đời mà sáng tạo nên những tác phẩm văn học kiệt xuất, bền vững với thời gian. “Tác phẩm văn học” cũng là một yếu tố quan trọng làm nên giá trị cho người sáng tác nói riêng và cho kho tàng văn chương nói chung. Mỗi câu chữ trong tác phẩm đều được những người nghệ sĩ thai nghén, gạn lọc và chứa đựng biết bao tâm tư, tình cảm, trăn trở, đối thoại về cuộc đời, về con người. Và “tác phẩm văn học còn lại với đời sau chủ yếu không phải như những cứ liệu” tức là tác phẩm không phải là sự ghi chép đơn thuần những thông tin của đời sống như một tấm gương mà là “nhân chứng về cách nghĩ, cách cảm của con người trong một thời”. “Cách nghĩ” có thể hiểu là cách nhìn cuộc sống, cách suy tư trăn trở còn “cách cảm” chính là cách xúc cảm, rung động của người nghệ sĩ. Trong “một thời” ở đây là một giai đoạn, thời kỳ hiện thực xã hội nhất định hay nói cách khác là những biến thiên của hiện thực cuộc sống. Suy cho cùng, ý kiến muốn nhấn mạnh đặc điểm của một tác phẩm văn học đúng nghĩa và có giá trị bền vững. Đó là một tác phẩm không phải chỉ đơn thuần là phản ánh hiện thực trần trụi mà phải là một cách nghĩ - cách suy tư, trăn trở và cách cảm - cách rung động của con người trong một thời.

Chế Lan Viên đã từng quan niệm rằng:

“Đi ra, lấy cuộc đời dân làm cuộc đời mình
Cơn nắng, cơn mưa làm điều suy nghĩ
Một tiếng chim gù cũng đến nơi rừng lạ để mà nghe.”
(Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…”, )

Văn chương vốn là người thư kí trung thành của thời đại nhưng mỗi con chữ được thai nghén không đơn thuần là việc ghi chép, phản ánh hiện thực một cách máy móc, thẳng đơ trên trang giấy. Văn chương đặt bút bàn luận những vấn đề mà bất kì đôi mắt nào cũng có thể nhìn thấu tỏ thì đó là một điều giản đơn, nhẹ hoá vai trò của nghệ thuật ngôn từ. Điều này cũng đi ngược lại với với đặc trưng của loại hình này. Văn chương hấp dẫn người đọc ở chỗ “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những điều chưa có”. Từ những sự vật, hiện tượng gần gũi, người nghệ sĩ có thể đem đến những cái nhìn mới mẻ để người đọc nhận thức về cuộc đời. Nếu chỉ đơn thuần là những cứ liệu thì vô tình đánh mất nét đặc trưng của văn chương và khó có thể được người đọc mở lòng đón nhận. Bởi lẽ, mỗi tác phẩm bao giờ hướng đến thanh lọc tâm hồn con người, hướng con người đến chân - thiện - mĩ nhưng nếu mỗi con chữ chỉ là những cứ liệu khô khan, trống rỗng thì sẽ không thể cất lên tiếng nói ý nghĩa cho cuộc đời. Ví như việc phản ánh hình ảnh người nông dân trước cách mạng tháng Tám với những công việc hằng ngày, về những nghèo khổ mà lịch sử cũng đã ghi lại thì liệu rằng đó đã là sứ mệnh của văn chương?

Nghệ thuật của ngôn từ không phải là bản sao của đời sống, nghệ thuật của ngôn từ là tiếng nói của những suy nghĩ, của những tấm lòng đa sầu, đa cảm. Nguyễn Khải viết rằng: “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các bậc tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên cũng là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng tác phẩm lớn.” Một tác phẩm nghệ thuật sẽ không là gì cả nếu như không bắt nguồn từ cuộc sống và không vì cuộc sống. Mỗi con chữ bao giờ cũng là suy tư, trăn trở, đau đáu của người nghệ sĩ trước cuộc đời. Nguyễn Tuân - một kho tàng từ vựng khổng lồ cũng đã từng thức suốt đêm để sáng tạo nên những ngôn từ văn chương có giá trị và thể hiện được ý đồ nghệ thuật, cách nghĩ, các cảm của mình. Cách nghĩ, cách cảm ấy chính là đặc trưng của văn chương, của quá trình lao động nghệ thuật mà mỗi người nghệ sĩ dày công vun đắp. Chẳng hạn đến với mảnh đất hiện thực thời kì miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bạn đọc có thể hòa mình những tinh thần sục sôi khát vọng cống hiến còn miền Nam đang phải oằn mình chống lại những mưa bom, bão đạn của đế quốc Mĩ, miền Trung với những con đường huyết mạch cũng không ngừng gánh chịu những hậu quả nặng nề của giặc ngoại xâm. Trước hiện thực của thời kì Nam Bắc chia cắt, các nhà văn, nhà thơ không chỉ phản ánh đơn thuần bức tranh chiến tranh khắc nghiệt, “bom giật, bom rung” trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật hay là “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long với những công việc thầm lặng mà còn gửi gắm vào từng câu chữ một tinh thần lạc quan, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, là một tinh thần cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đó chẳng phải là nét riêng biệt của văn chương khi không đơn thuần ghi lại những cứ liệu hay sao?

Hơn nữa để thai nghén nên những tác phẩm văn học đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải sống sâu, khám phá ở những góc khuất, những điều xấu xí nhất để mang đến những giá trị đẹp đẽ nhất. Sức mạnh của văn chương hết sức lớn lao và đòi hỏi trong mỗi tác phẩm phải chuyên chở những giá trị tư tưởng mà người nghệ sĩ gạn lọc từ cuộc sống. Việc mang đến một cách nghĩ, cách cảm cũng là một phương diện khẳng định thiên chức của một người nghệ sĩ chân chính. Anh có thể trở thành nhà văn đúng nghĩa khi anh mang đến cho đời những bài học, ý nghĩa và sâu sắc. Nếu không mang đến cho đời những giọt mật từ vạn chuyến ong bay thì anh chỉ là người làm nên những câu chữ có vần, nằm thẳng đơ trang giấy chứ không thể trở thành một người nghệ sĩ chân chính dẫn lối con người đến xứ sở của cái đẹp. Và cụ thể, một trong những tác giả có tầm ảnh hưởng nhất thế kỉ XX, Kafka với tác phẩm “Làng gần nhất” đã mở ra biết bao suy tư, trăn trở cho bạn đọc mọi thời đại về hiện thực cuộc sống. Tiếp cận nhan đề, bạn đọc có thể hình dung về một ngôi làng gần nhất được tác giả sáng tạo, hư cấu. Tuy nhiên, với dung lượng chỉ gói gọn trong bản tiếng Anh gồm 66 chữ, bản tiếng Việt là 84 chữ, “Làng gần nhất” vẫn được xem là một truyện ngắn mang tính đối thoại về mọi thời. Cụ thể là qua hình ảnh con người xa lạ với thế giới. Dường như con người ở trong tác phẩm đang nỗ lực hiểu về thế giới nhưng bất khả. Ví dụ thái độ mà người ông khi nhìn lại cuộc đời mình là không thể hiểu được: “cuộc đời dường như bị thu ngắn đến nỗi ông chẳng thể hiểu”. Hình ảnh “làng gần nhất” hiện diện như một bí ẩn, một khát vọng mà con người muốn hướng đến nhưng bất lực và buộc phải chấp nhận sự bất lực ấy. Người đọc khó có thể giải mã một cách nhất quán nội dung của một sáng tác nào đó của Kafka. Lẽ vậy mà người đọc của mọi thời khi soi mình vào tác phẩm đều không ngừng băn khoăn, trăn trở. Khi đó, văn chương không phải là cách nghĩ, cách cảm của riêng nhà văn mà người tiếp nhận cũng có những cách nghĩ, cách cảm của riêng chính bản thân mình. Văn chương có tính đối thoại thì lẽ dĩ nhiên sẽ được đón nhận và trường tồn với năm tháng.

Văn chương nếu chỉ viết ra để thoả mãn nhu cầu của người nghệ sĩ thì đó chỉ là cái đẹp trong lồng kính, không phải là cái đẹp giúp ích cho đời sống con người. Để từ một nhân chứng cho cách nghĩ, cách cảm trong một thời thì tác phẩm ấy phải được độc giả công nhận và thể hiện cách nghĩ, cách cảm của cá nhân. Đặc biệt, con đường đến với bạn đọc là con đường từ trái tim đến trái tim. Sẽ ra sao nếu như văn chương không phát khởi từ những rung động của tâm hồn trước mảnh đất hiện thực màu mỡ? “Một thời” ở đây không phải là hiện thực được phản ánh để hướng đến con người trong thời đại đó mà là từ một thời đến con người ở mọi thời. Chẳng hạn, sau mấy trăm năm, bạn đọc vẫn xót xa trước số phận éo e như cánh hoa trôi man mác của nàng Kiều, về xã hội tiền lưng đã sẵn việc gì cũng xong mà Nguyễn Du đã gửi gắm trong nhân chứng là “Truyện Kiều”. Hay bằng những khát khao muốn góp mùa xuân nho nhỏ cho sức xuân của đất nước, Thanh Hải đã chạm đến trái tim bạn đọc bao thế hệ qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến”

Từ cái tôi cá nhân đưa tay hứng những “giọt long lanh rơi” của màu xuân, Thanh Hải đã hướng đến cái ta được hoá thân làm nên mùa xuân ấy. Điệp từ “ta làm” kết hợp với những hình ảnh giản dị “chim hót, cành hoa, hồ ca và nốt trầm xao xuyến” đã ngợi ca vô cùng khát vọng của một con người đang nằm trên giường bệnh. Chính cách nghĩ, cách nhà thơ Thanh Hải gửi gắm quan niệm cống hiến của mình trong những vần thơ và từ đó lay động tâm hồn của bạn đọc.

Quả thật, để một tác phẩm có thể còn lại với đời sau thì trong mỗi trang văn, trang thơ phải là tiếng nói của những cách nghĩ, cách cảm. Đó là đặc trưng, là yêu cầu của quá trình sáng tạo văn chương. Từ đó, đặt ra yêu cầu cho mỗi người nghệ sĩ là cần phải gửi gắm trong những đứa con tinh thần của mình những giá trị tư tưởng sâu sắc, thể hiện được cách nghĩ, cách của của cá nhân. Bạn đọc trên cơ sở đó có thể tiếp cận tác phẩm và đồng sáng tạo, thể hiện cách nghĩ, cách cảm của bản thân. Tuy nhiên, cách nghĩ, cách cảm trong một thời ở đây phải là cách nghĩ, cách cảm đúng đắn, có giá trị nhận thức, độc đáo và thể hiện được cái tôi, phong cách của người nghệ sĩ. Để sáng tạo nên một tác phẩm chân chính còn lại với đời sau thì không chỉ yêu cầu là về cách nghĩ, cách cảm mà cách nghĩ, cách cảm ấy còn phải được thể hiện trong một hình thức nghệ thuật độc đáo đã được ý thức. “Một thời” không có nghĩa là bó hẹp phạm vi phản ánh của người nghệ sĩ mà một thời ở đây chính là một giai đoạn bất kì từ quá khứ đến hiện tại, tương lai. Tất cả đều góp phần tạo nên sức sống của văn chương nói chung.

Nguyễn Quang Thiều đã từng nói rằng: “Giống như lúa, ngô, đậu … những thứ cây gần gũi nhất trên cánh đồng quê. Văn chương chính là ngũ cốc trên cánh đồng người”. Ấy là cái gần gũi của văn chương, là những hiện thực cuộc sống cạnh bên được khám phá và truyền tải bởi cách nghĩ, cách cảm của mỗi người nghệ sĩ. Lẽ vậy mà loại hình nghệ thuật này luôn được đọc giả đón nhận và tìm đến một cách nhìn về cuộc đời, nhìn về chính bản thân mình.

Nguồn: Trạm Văn
 
Từ khóa Từ khóa
hiện thực tác phẩm van chuong văn học văn học 9
  • Like
Reactions: Vanhoctre
341
1
1
Trả lời
Chẳng hạn, mình rất hay ngâm lại đoạn thơ

Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.

Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.

Nguyễn Đình Thi
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.