Tiết trời ngày thu, gió se se lạnh. Bầu trời đêm cao và trong, chẳng có lấy một gợn mây, duy chỉ có một mặt trăng tròn trịa lấp lánh tỏa ra ánh bạc.
7 giờ tối, một thời điểm vẫn còn quá sớm đối với một người dân thành phố, nhưng đã chạm ngưỡng đêm buông của một làng quê nhỏ như làng Cát. Bình thường giờ này, mọi nhà đều đang ngồi lặng xem thời sự, hoặc hiếm hoi lắm vào dịp nhà ai có đám hỉ, xóm làng mới ồn ã thêm. Hôm nay, chẳng mấy ai xem thời sự, cũng không nhà nào có cưới xin, đầy đường đều là tiếng trò chuyện xôn xao cùng tiếng cười đùa vui vẻ.
“Tôi đã gửi báo cáo dự án cho anh rồi, về vấn đề này…”
Nguyệt dựa người vào bờ tường của hành lang lộ thiên, vừa giữ điện thoại áp sát bên tai. Rõ ràng miệng cô vẫn đang trò chuyện, lối tư duy rất mạch lạc, bình tĩnh giải thích mọi vấn đề cho người ở đầu dây bên kia, vậy nhưng ánh mắt tự bao giờ đã lặng lẽ nối gót theo những âm thanh trên đường làng.
Hôm nay đèn đường không được bật, thế mà xung quanh lại sáng tỏ hơn hẳn thường ngày. Trăng sáng, đèn lồng sáng, đèn ông sao sáng, mà nụ cười của mọi người lại càng sáng hơn. Cũng chẳng biết bọn họ trong lòng bọn họ nghĩ gì, lại đang nói chuyện gì mà có thể vui tới nhường vậy. Trẻ con đã vậy, người lớn cũng thế.
Nguyệt ngẩng đầu lên nhìn vầng trăng vắt vẻo trên bầu trời kia. To và tròn đầy.
Ừ, chẳng phải chỉ là rằm thôi sao? Tháng nào mà chẳng có?
Ừ, chẳng phải chỉ là rằm tháng Tám thôi sao? Năm nào mà chẳng có?
Ừ, chẳng phải chỉ là Tết thiếu nhi thôi sao? Với đám nhỏ, ngày nào mà chẳng là ngày vui?
Ừ, chẳng phải chỉ là Trung thu thôi sao? Với người lớn, ngày này cũng có là gì đâu?
Mọi người rốt cuộc vui vẻ điều chi vậy?
Nguyệt thật sự cảm thấy khó hiểu. Cô cúi đầu lại mông lung nhìn về phía đoàn người đang đi trên đường kia. Đúng lúc, bọn họ đã tới gần sát cổng nhà cô. Một người phụ nữ độ cao lớn vạm vỡ bước sát lại gần cánh cổng sắt gỉ màu nâu đỏ, rướn cổ gọi với vào bên trong: “Cô Thu ơi, có đi nhận quà không đấy?”
Giọng nói của bác gái kia rất vang, rõ ràng Nguyệt đứng cách xa mà vẫn còn nghe rõ mồn một. Vậy nên hẳn nhiên người ngồi dưới nhà dưới không thể không nghe được.
“Ôi, chị Kha đấy à? Em không đi đâu, mọi người cứ đi đi!”
Một người phụ nữ từ trong nhà đi ra. Bà không quá cao, nhưng bởi cơ thể gầy nhỏ nên nhìn qua dễ khiến người ta lầm tưởng. Mái tóc xoăn tít như rễ tre, thưa thớt ít ỏi được búi gọn lỏn thành một nắm nhỏ xíu phía sau đầu. Bà mặc bộ đồ vải thường màu tím lịm mà như đám loắt choắt cháu Nguyệt vẫn hay lén gọi là “củ khoai lang tím”. Bởi vì bị gọi ra quá vội vàng, hoặc cũng là do thói quen hình thành bao năm, bà cứ vậy đi ra khỏi nhà mà chẳng xỏ thêm đôi dép.
“Sao đấy? Mọi năm hăng đi với chị em lắm cơ mà? Sợ dịch à?” Bác Kha không ngại bẩn, dựa hẳn người vào chiếc cổng sắt, hỏi.
Bà Thu cười xuề xòa hai tiếng, giải thích với người kia: “Cũng chẳng sợ đâu, thôn mình chia chỗ cách ly an toàn lắm, toàn đứng xa nhau tới cả mét nhận quà cơ mà. Nhưng mà nay em không đi được.”
“Làm sao đấy? Mọi năm còn bỏ cả ông Tuyên ở nhà cơ mà?” Có một cô hàng xóm khác cũng góp giọng thêm lời.
Bà Thu đưa tay chỉ vào mâm cúng đặt giữa sân, nở nụ cười, chậc lưỡi một cái: “Con bé con nhà em nó đang ở nhà, đợi hương tắt cả nhà phá cỗ cho vui chứ có gì đâu ạ.”
Nguyệt không lý giải nổi vì sao mẹ mình lại chậc lưỡi. Là do tiếc rẻ không được ra ngoài xem hội hay là có ý khác đây?
Cô vẫn dựa lưng vào tường, lặng lẽ nhìn về phía mấy người đang tụ tập ở cổng.
Những người hàng xóm nghe bà Thu nói, cũng không tiếp tục rủ đi chơi hội nữa. Hai bên nói thêm vài câu rồi chào tạm biệt nhau.
Không gian lại nhanh chóng chìm vào trong khoảng ầm ĩ đầy xa cách của mình. Nguyệt cũng lạnh nhạt báo cáo xong công việc của mình.
Cho tới khi cô cúp máy và trở về phòng, vừa hay đã nghe thấy tiếng mẹ từ dưới nhà vọng lên: “Nguyệt! Xuống phá cỗ nào! Nhanh!”
Nguyệt nhìn màn hình máy tính vẫn còn đang hiện trang bản thảo dở dang của mình, toan lên tiếng từ chối. Vậy mà chẳng hiểu sao, lời tới bên miệng rồi, bên tai cô lại nghe thấy tiếng thở ra vừa rồi của mình. Hình như có hơi buồn.
“Nào! Xuống nhanh lên! Hết phần bây giờ!” Mẹ vẫn ở dưới nhà hối hả thúc giục.
Cô gái lặng lẽ nhìn màn hình thêm mấy giây rồi mới bình tĩnh đáp: “Vâng ạ!”
Trên tivi vẫn đang bật bản tin thời sự, biên tập viên đưa tin về việc tổ chức Tết thiếu nhi đặc biệt cho các em nhỏ trong thời kỳ Covid đang hoành hành. Dù gặp nhiều khó khăn, các địa phương đều nỗ lực tổ chức một cái Tết đầm ấm vui vẻ cho các em.
Làng Cát may mắn, dân số ít, lại rất bình yên, trừ những đứa con xa xứ lập nghiệp, người ở quê đều không bị ảnh hưởng gì. Số trẻ ít, sau công tác chuẩn bị cẩn thận, chuyển nơi hoạt động từ nhà văn hóa thôn sang khu đình rộng, thì tết năm nay dù không hội hè gì thì vẫn tổ chức phát quà cho các cháu được.
“Nào! Vào phá cỗ đi!”
Giọng nói vui vẻ của bà Thu kéo sự chú ý của cô con gái về lại đống đồ được sắp trên bàn. Có rất nhiều bánh trái, đều là do vợ chồng bà Thu mua về, Nguyệt mua về, chị gái cô mang sang, họ hàng khắp nơi biếu tặng, đầy ắp cả một bàn. Ông Tuyên bà Thu ngồi hai bên đối diện nhau, đồng thời hướng mắt nhìn về phía cô.
Đối diện với một bàn đầy đồ ăn cùng với ánh mắt sáng lấp lánh của ba mẹ, Nguyệt đột nhiên cảm thấy rất kì lạ. Một cảm giác dường như rất xa lạ lại dường như rất thân quen xộc lên trong lòng cô.
“Nhanh nào, con bé này!”
Bà Thu thấy con gái đứng đấy, lại lên tiếng gọi. Nguyệt cũng nhanh chóng ngồi vào bên ghế. Cô với tay, bóc một hộp bánh Trung thu mà mình mua, coi như là phá cỗ. Chỉ đợi có thế, vợ chồng bà Thu đã lập tức nhập cuộc. Vợ thì gọt bưởi, chồng thì cắt bánh. Vừa làm vừa vui vẻ “chê trách” con gái “còn nhỏ”, dùng dao thật nguy hiểm.
Trái tim vốn lặng thinh trong lồng ngực Nguyệt vào khoảnh khắc ấy đột nhiên lại đập bình bịch thành tiếng. Bên tai cô cũng ong ong cả đi, chớp mắt một cái, khung cảnh trước mặt đột nhiên đã bị phủ lên một lớp màu xưa cũ. Gương mặt ba mẹ trong giây lát trở nên trẻ trung như mười mấy năm trước. Cô chớp mắt thêm cái nữa, mọi việc lại trở về như phút ban đầu. Những nếp nhăn đã lại in hằn trên hai vầng trán, và ánh sao đọng nơi đáy mắt thì tỏa sáng hơn.
Nguyệt vẫn không hiểu ba mẹ vui vẻ vì điều gì.
Nguyệt cũng không hiểu vì sao mình lại đau lòng tới nhường thế.
Cô vốn chỉ định ăn một phần bánh cho có lệ rồi lên nhà, nhưng chẳng ngờ một phần bánh lại ăn mất hơn tiếng đồng hồ.
Trước đây, bởi vì nhà có bốn người, ba mẹ muốn dạy cho chị em cô hiểu sự công bằng nên vẫn luôn chia bánh thành bốn phần, cả nhà mỗi người một phần. Hiện tại, chị gái kết hôn rồi, trong nhà cũng chỉ còn lại ba người. Ba cô chia bánh vẫn là bốn phần, nhưng bốn phần này lại khác hẳn với bốn phần trước kia. Có hai phần bánh nhỏ hơn, là của ba và mẹ, hai phần bánh lớn hơn, đều là dành cho cô.
Trước đây, mỗi lần mẹ gọt bưởi, hai chị em cô đều sẽ sà vào tranh nhau ăn trước. Hiện tại, không có người giành, mẹ cô ngồi bên thành thục lột vỏ sạch sẽ từng múi, đặt vào bát đưa tới tận nơi cho cô.
Nguyệt nhìn bánh trái trước mặt, muốn từ chối, lại không thể mở lời; muốn nhận lấy, nhưng chẳng thể tiến tới.
Buổi phá cỗ chậm chạp trôi qua trong âm thanh phát ra từ chiếc tivi cùng vài ba câu chuyện trò của ba mẹ cô. Dường như họ rất vui, ăn đồ bánh trái thì ít mà cười lại rất nhiều.
Sau khi dọn dẹp cẩn thận, Nguyệt lại quay trở lại với chỗ công việc còn dở dang của mình. Bởi vì đã dành mất một khoảng thời gian phá cỗ, cô đã phải làm tới tận 12 giờ kém mới xong việc.
Thật ra cũng chưa phải quá muộn với người bận rộn như Nguyệt, nhưng việc khắp cả thôn chỉ còn mình phòng cô sáng đèn khiến Nguyệt không thấy thoải mái lắm. Cô vươn tay, nguồn sáng nhân tạo tắt phụt, ánh trăng được thể, lập tức tràn vào trong phòng.
Trăng hôm nay thật sự rất đẹp. Dù vẫn chưa thể tròn như vẽ bằng comba thì cũng đã vô cùng đầy đặn. Những viền sáng bạc dìu dịu phủ quanh mặt trăng lấp lánh. Trời quang mây và chẳng thấy ánh sao, hoặc là cũng có đấy nhưng cô lại chẳng thể nào nhìn thấy nổi. Mặt trăng đã quá nổi bật rồi.
Nguyệt lặng lẽ đi lên trên sân thượng, muốn tìm một vị trí gần nhất ngắm nhìn ánh trăng này.
Điều khiến cô bất ngờ là ở nơi đây cũng đang có một vị khách có suy nghĩ giống như cô vậy.
Bà Thu nằm trên nền đất, ngước mắt nhìn lên phía mặt trăng vừa gần lại vừa xa trước mắt, khẽ giọng nói với người xuất hiện: “Con cũng lên ngắm trăng à?”
Nguyệt đứng tại chỗ, lưỡng lự giây lát rồi mới đi tới, nằm xuống bên cạnh bà: “Vâng ạ. Mẹ cũng vậy sao?”
“Ừ.”
Hai người chợt lặng thinh. Chỉ có màn đêm phủ ánh trăng bạc cùng với những tiếng rì rầm của đủ loại ếch nhái quẩn quanh hai mẹ con. Bình lặng, an yên, lại xa cách kì lạ.
Con người vẫn thường xuyên nghe được những tiếng nói nội tâm của mình. Vào những giây phút không biết nên suy nghĩ gì như lúc này đây, tiếng nói nội tâm ấy lại càng được dịp tràn ra. Những câu hỏi còn chưa có câu trả lời ồ ạt nhảy ra khỏi những ngăn kéo kí ức và chiếm đóng đại não Nguyệt.
Chẳng biết qua bao lâu, cô mới khẽ khàng cất tiếng: “Sao hôm nay mẹ lại không đi chơi?”
Đây không phải một cách hay để bắt đầu một câu chuyện giữa hai mẹ con đã lâu ngày không tâm sự, nhưng đây là điều mà Nguyệt đang muốn biết.
Bà Thu chẳng lấy làm phiền lòng trước câu hỏi đột ngột của cô con gái, ngược lại, bà dường như còn rất vui. Bằng chứng là nụ cười đang được vẽ lên bờ môi khô nẻ cùng ánh mắt hấp háy của người đàn bà trung niên.
Bà xoáy sâu về phía mặt trăng trên cao, tựa như có thể thông qua đó nhìn thấy được chị Hằng và chú Cuội cũng đang vui vẻ đón Tết thiếu nhi: “Vì hôm nay con ở nhà mà.”
Ngày còn nhỏ xíu, Nguyệt có rất nhiều tật xấu. Một trong số ấy là cô không chịu cho mẹ mình đi chơi hội vào lễ Trung thu nếu như cô phải ở nhà. Lý do rất đơn giản, mẹ là người quản lý việc ăn uống của hai chị em cô, nếu mẹ không ở nhà, Nguyệt sẽ không được phép ăn quá nhiều đồ ngọt. Vậy nên, nếu như vào Rằm tháng Tám cô vô tình bị ốm, cô cũng sẽ nhất quyết giữ mẹ ở nhà với mình.
Chỉ là, thời gian trôi qua, Nguyệt đã lớn rồi, tật xấu ấy sớm cũng đã bỏ được.
“Mẹ không cần phải làm thế mà.”
“Nếu mẹ không ở nhà, con sẽ đâu thể phá cỗ được?” Bà Thu vẫn mỉm cười, đáp.
“Con đã lớn rồi, phá cỗ đâu còn quan trọng nữa. Cũng chỉ là tết thiếu nhi, không tổ chức còn được nữa là.”
Nguyệt nhìn hình bóng thỏ ngọc in trên vầng trăng bạc, nói ra những suy nghĩ của mình mà chẳng hiểu sao trong lòng lại thấy xót xa vô ngần.
Đúng vậy, chỉ là tết thiếu nhi thôi mà, cô đã lớn rồi, đã rất nhiều năm xa gia đình cũng không còn chú ý tới. Thời sinh viên còn nghèo không dám mua bánh ăn, đi làm rồi bận rộn cũng chẳng còn quan tâm nữa.
Cuộc sống chính là như vậy, thoăn thoắt thoi đưa, chạy theo từng dòng xe ngược xuôi phố xá, ghim mắt vào màn hình và tới khi nhìn lên trên cao cũng là lúc khép mắt đi ngủ. Làm gì còn kịp để dõi theo từng đợt trăng tròn trăng khuyết chứ?
“Con đã lớn rồi!” Bà Thu khẽ thở dài.
Người phụ nữ lớn tuổi vươn tay, bắt lấy bàn tay cô con gái. Lòng bàn tay sần sùi và chai sạn của nông dân chuyên làm việc đồng áng miết lên mấy đầu ngón tay không quá mềm mại do gõ bàn phím quá nhiều. Cảm giác ấm nóng truyền vào trong đôi tay lạnh ngắt của Nguyệt.
“Ở bên ngoài con là người trưởng thành rồi!” Giọng bà Thu nhẹ bẫng, buồn thiu.
Mưa rồi sao?
Nguyệt giật mình nhìn bầu trời không gợn mây, lại cảm nhận thứ chất lỏng bỏng rát đang chảy xuống bên má mình. Rõ ràng chỉ là một câu nói bình thường biết bao.
“Con sẽ không thể nhận được những món quà được phát ở nhà văn hóa vào mỗi dịp Trung thu nữa, cũng không thể cùng mấy bạn nhỏ ra phá cỗ làng được.” Bà Thu hơi bật cười, tiếng cười khẽ phát ra từ trong cuống họng, nghe ậm ừ giống như một tiếng nức nở, “Nên là mẹ muốn chí ít thì con có thể phá cỗ ở nhà mình.”
Những ngón tay móc chặt vào nhau, hơi ấm đã bắt đầu tràn vào cả trong buồng phổi của người con gái.
“Với ba mẹ, hôm nay vẫn là ngày của con, tết này vẫn là tết của con, phần cỗ này vẫn là phần cỗ của con.” Những điều này làm đều là vì con, nên có thể đừng xem ba mẹ là người ngoài, được không?
Câu hỏi cuối cùng, bà Thu vẫn không đủ can đảm để nói ra thành lời, nhưng bà biết đứa con gái thông minh của mình sẽ hiểu được điều ấy.
Một gia đình được sinh ra từ hai mảnh ghép riêng biệt gộp lại với nhau và tạo ra những mảnh ghép mới. Theo thời gian, những mảnh ghép ấy sẽ không ngừng va chạm với nhau, khi khăng khít hơn, khi xa cách hơn. Có thể sẽ gắn bó chặt chẽ, cũng thể sẽ vỡ vụn chẳng còn gì.
Gia đình của bọn họ không tan vỡ, nhưng ở khía cạnh nào đó đã có sự xa cách khó lấp đầy, khi những mảnh ghép nhỏ đã trưởng thành và đi tìm vùng đất của riêng mình. Chị gái Nguyệt kết hôn rồi, ít khi trở về nhà, còn cô lại quá bận rộn bôn ba với cuộc sống vất vả.
Chẳng biết tự bao giờ, cô tự cho mình là người trưởng thành, tự khoác cho mình trách nhiệm phải đơn độc gánh vác.
Chẳng biết tự bao giờ, “nhà” chỉ là chốn dừng chân tạm thời và cha mẹ chỉ tựa những người lữ khách thân thuộc trong chuyến hành trình cuộc đời.
Xa cách. Rạn nứt.
Gánh nặng. Vô cảm.
Thương nhớ. Lìa xa.
Hóa ra trong những tháng ngày nỗ lực đuổi theo danh vọng và tiền tài, cô đã vô tình bỏ quên bao điều trân quý khác. Những yêu thương đã bị cưỡng ép nhét vào trong một ngăn của kí ức đột ngột mở bung, những giọt mưa thi nhau chảy dài trên gò má người con gái.
“Trong căn nhà này, con vẫn mãi là đứa trẻ chưa lớn của ba mẹ, mãi là yêu thương mà ba mẹ trân trọng nhất.”
Tác giả : Diệu Mến
Bài dự thi viết chủ đề Nhà 2021
7 giờ tối, một thời điểm vẫn còn quá sớm đối với một người dân thành phố, nhưng đã chạm ngưỡng đêm buông của một làng quê nhỏ như làng Cát. Bình thường giờ này, mọi nhà đều đang ngồi lặng xem thời sự, hoặc hiếm hoi lắm vào dịp nhà ai có đám hỉ, xóm làng mới ồn ã thêm. Hôm nay, chẳng mấy ai xem thời sự, cũng không nhà nào có cưới xin, đầy đường đều là tiếng trò chuyện xôn xao cùng tiếng cười đùa vui vẻ.
“Tôi đã gửi báo cáo dự án cho anh rồi, về vấn đề này…”
Nguyệt dựa người vào bờ tường của hành lang lộ thiên, vừa giữ điện thoại áp sát bên tai. Rõ ràng miệng cô vẫn đang trò chuyện, lối tư duy rất mạch lạc, bình tĩnh giải thích mọi vấn đề cho người ở đầu dây bên kia, vậy nhưng ánh mắt tự bao giờ đã lặng lẽ nối gót theo những âm thanh trên đường làng.
Hôm nay đèn đường không được bật, thế mà xung quanh lại sáng tỏ hơn hẳn thường ngày. Trăng sáng, đèn lồng sáng, đèn ông sao sáng, mà nụ cười của mọi người lại càng sáng hơn. Cũng chẳng biết bọn họ trong lòng bọn họ nghĩ gì, lại đang nói chuyện gì mà có thể vui tới nhường vậy. Trẻ con đã vậy, người lớn cũng thế.
Nguyệt ngẩng đầu lên nhìn vầng trăng vắt vẻo trên bầu trời kia. To và tròn đầy.
Ừ, chẳng phải chỉ là rằm thôi sao? Tháng nào mà chẳng có?
Ừ, chẳng phải chỉ là rằm tháng Tám thôi sao? Năm nào mà chẳng có?
Ừ, chẳng phải chỉ là Tết thiếu nhi thôi sao? Với đám nhỏ, ngày nào mà chẳng là ngày vui?
Ừ, chẳng phải chỉ là Trung thu thôi sao? Với người lớn, ngày này cũng có là gì đâu?
Mọi người rốt cuộc vui vẻ điều chi vậy?
Nguyệt thật sự cảm thấy khó hiểu. Cô cúi đầu lại mông lung nhìn về phía đoàn người đang đi trên đường kia. Đúng lúc, bọn họ đã tới gần sát cổng nhà cô. Một người phụ nữ độ cao lớn vạm vỡ bước sát lại gần cánh cổng sắt gỉ màu nâu đỏ, rướn cổ gọi với vào bên trong: “Cô Thu ơi, có đi nhận quà không đấy?”
Giọng nói của bác gái kia rất vang, rõ ràng Nguyệt đứng cách xa mà vẫn còn nghe rõ mồn một. Vậy nên hẳn nhiên người ngồi dưới nhà dưới không thể không nghe được.
“Ôi, chị Kha đấy à? Em không đi đâu, mọi người cứ đi đi!”
Một người phụ nữ từ trong nhà đi ra. Bà không quá cao, nhưng bởi cơ thể gầy nhỏ nên nhìn qua dễ khiến người ta lầm tưởng. Mái tóc xoăn tít như rễ tre, thưa thớt ít ỏi được búi gọn lỏn thành một nắm nhỏ xíu phía sau đầu. Bà mặc bộ đồ vải thường màu tím lịm mà như đám loắt choắt cháu Nguyệt vẫn hay lén gọi là “củ khoai lang tím”. Bởi vì bị gọi ra quá vội vàng, hoặc cũng là do thói quen hình thành bao năm, bà cứ vậy đi ra khỏi nhà mà chẳng xỏ thêm đôi dép.
“Sao đấy? Mọi năm hăng đi với chị em lắm cơ mà? Sợ dịch à?” Bác Kha không ngại bẩn, dựa hẳn người vào chiếc cổng sắt, hỏi.
Bà Thu cười xuề xòa hai tiếng, giải thích với người kia: “Cũng chẳng sợ đâu, thôn mình chia chỗ cách ly an toàn lắm, toàn đứng xa nhau tới cả mét nhận quà cơ mà. Nhưng mà nay em không đi được.”
“Làm sao đấy? Mọi năm còn bỏ cả ông Tuyên ở nhà cơ mà?” Có một cô hàng xóm khác cũng góp giọng thêm lời.
Bà Thu đưa tay chỉ vào mâm cúng đặt giữa sân, nở nụ cười, chậc lưỡi một cái: “Con bé con nhà em nó đang ở nhà, đợi hương tắt cả nhà phá cỗ cho vui chứ có gì đâu ạ.”
Nguyệt không lý giải nổi vì sao mẹ mình lại chậc lưỡi. Là do tiếc rẻ không được ra ngoài xem hội hay là có ý khác đây?
Cô vẫn dựa lưng vào tường, lặng lẽ nhìn về phía mấy người đang tụ tập ở cổng.
Những người hàng xóm nghe bà Thu nói, cũng không tiếp tục rủ đi chơi hội nữa. Hai bên nói thêm vài câu rồi chào tạm biệt nhau.
Không gian lại nhanh chóng chìm vào trong khoảng ầm ĩ đầy xa cách của mình. Nguyệt cũng lạnh nhạt báo cáo xong công việc của mình.
Cho tới khi cô cúp máy và trở về phòng, vừa hay đã nghe thấy tiếng mẹ từ dưới nhà vọng lên: “Nguyệt! Xuống phá cỗ nào! Nhanh!”
Nguyệt nhìn màn hình máy tính vẫn còn đang hiện trang bản thảo dở dang của mình, toan lên tiếng từ chối. Vậy mà chẳng hiểu sao, lời tới bên miệng rồi, bên tai cô lại nghe thấy tiếng thở ra vừa rồi của mình. Hình như có hơi buồn.
“Nào! Xuống nhanh lên! Hết phần bây giờ!” Mẹ vẫn ở dưới nhà hối hả thúc giục.
Cô gái lặng lẽ nhìn màn hình thêm mấy giây rồi mới bình tĩnh đáp: “Vâng ạ!”
Trên tivi vẫn đang bật bản tin thời sự, biên tập viên đưa tin về việc tổ chức Tết thiếu nhi đặc biệt cho các em nhỏ trong thời kỳ Covid đang hoành hành. Dù gặp nhiều khó khăn, các địa phương đều nỗ lực tổ chức một cái Tết đầm ấm vui vẻ cho các em.
Làng Cát may mắn, dân số ít, lại rất bình yên, trừ những đứa con xa xứ lập nghiệp, người ở quê đều không bị ảnh hưởng gì. Số trẻ ít, sau công tác chuẩn bị cẩn thận, chuyển nơi hoạt động từ nhà văn hóa thôn sang khu đình rộng, thì tết năm nay dù không hội hè gì thì vẫn tổ chức phát quà cho các cháu được.
“Nào! Vào phá cỗ đi!”
Giọng nói vui vẻ của bà Thu kéo sự chú ý của cô con gái về lại đống đồ được sắp trên bàn. Có rất nhiều bánh trái, đều là do vợ chồng bà Thu mua về, Nguyệt mua về, chị gái cô mang sang, họ hàng khắp nơi biếu tặng, đầy ắp cả một bàn. Ông Tuyên bà Thu ngồi hai bên đối diện nhau, đồng thời hướng mắt nhìn về phía cô.
Đối diện với một bàn đầy đồ ăn cùng với ánh mắt sáng lấp lánh của ba mẹ, Nguyệt đột nhiên cảm thấy rất kì lạ. Một cảm giác dường như rất xa lạ lại dường như rất thân quen xộc lên trong lòng cô.
“Nhanh nào, con bé này!”
Bà Thu thấy con gái đứng đấy, lại lên tiếng gọi. Nguyệt cũng nhanh chóng ngồi vào bên ghế. Cô với tay, bóc một hộp bánh Trung thu mà mình mua, coi như là phá cỗ. Chỉ đợi có thế, vợ chồng bà Thu đã lập tức nhập cuộc. Vợ thì gọt bưởi, chồng thì cắt bánh. Vừa làm vừa vui vẻ “chê trách” con gái “còn nhỏ”, dùng dao thật nguy hiểm.
Trái tim vốn lặng thinh trong lồng ngực Nguyệt vào khoảnh khắc ấy đột nhiên lại đập bình bịch thành tiếng. Bên tai cô cũng ong ong cả đi, chớp mắt một cái, khung cảnh trước mặt đột nhiên đã bị phủ lên một lớp màu xưa cũ. Gương mặt ba mẹ trong giây lát trở nên trẻ trung như mười mấy năm trước. Cô chớp mắt thêm cái nữa, mọi việc lại trở về như phút ban đầu. Những nếp nhăn đã lại in hằn trên hai vầng trán, và ánh sao đọng nơi đáy mắt thì tỏa sáng hơn.
Nguyệt vẫn không hiểu ba mẹ vui vẻ vì điều gì.
Nguyệt cũng không hiểu vì sao mình lại đau lòng tới nhường thế.
Cô vốn chỉ định ăn một phần bánh cho có lệ rồi lên nhà, nhưng chẳng ngờ một phần bánh lại ăn mất hơn tiếng đồng hồ.
Trước đây, bởi vì nhà có bốn người, ba mẹ muốn dạy cho chị em cô hiểu sự công bằng nên vẫn luôn chia bánh thành bốn phần, cả nhà mỗi người một phần. Hiện tại, chị gái kết hôn rồi, trong nhà cũng chỉ còn lại ba người. Ba cô chia bánh vẫn là bốn phần, nhưng bốn phần này lại khác hẳn với bốn phần trước kia. Có hai phần bánh nhỏ hơn, là của ba và mẹ, hai phần bánh lớn hơn, đều là dành cho cô.
Trước đây, mỗi lần mẹ gọt bưởi, hai chị em cô đều sẽ sà vào tranh nhau ăn trước. Hiện tại, không có người giành, mẹ cô ngồi bên thành thục lột vỏ sạch sẽ từng múi, đặt vào bát đưa tới tận nơi cho cô.
Nguyệt nhìn bánh trái trước mặt, muốn từ chối, lại không thể mở lời; muốn nhận lấy, nhưng chẳng thể tiến tới.
Buổi phá cỗ chậm chạp trôi qua trong âm thanh phát ra từ chiếc tivi cùng vài ba câu chuyện trò của ba mẹ cô. Dường như họ rất vui, ăn đồ bánh trái thì ít mà cười lại rất nhiều.
Sau khi dọn dẹp cẩn thận, Nguyệt lại quay trở lại với chỗ công việc còn dở dang của mình. Bởi vì đã dành mất một khoảng thời gian phá cỗ, cô đã phải làm tới tận 12 giờ kém mới xong việc.
Thật ra cũng chưa phải quá muộn với người bận rộn như Nguyệt, nhưng việc khắp cả thôn chỉ còn mình phòng cô sáng đèn khiến Nguyệt không thấy thoải mái lắm. Cô vươn tay, nguồn sáng nhân tạo tắt phụt, ánh trăng được thể, lập tức tràn vào trong phòng.
Trăng hôm nay thật sự rất đẹp. Dù vẫn chưa thể tròn như vẽ bằng comba thì cũng đã vô cùng đầy đặn. Những viền sáng bạc dìu dịu phủ quanh mặt trăng lấp lánh. Trời quang mây và chẳng thấy ánh sao, hoặc là cũng có đấy nhưng cô lại chẳng thể nào nhìn thấy nổi. Mặt trăng đã quá nổi bật rồi.
Nguyệt lặng lẽ đi lên trên sân thượng, muốn tìm một vị trí gần nhất ngắm nhìn ánh trăng này.
Điều khiến cô bất ngờ là ở nơi đây cũng đang có một vị khách có suy nghĩ giống như cô vậy.
Bà Thu nằm trên nền đất, ngước mắt nhìn lên phía mặt trăng vừa gần lại vừa xa trước mắt, khẽ giọng nói với người xuất hiện: “Con cũng lên ngắm trăng à?”
Nguyệt đứng tại chỗ, lưỡng lự giây lát rồi mới đi tới, nằm xuống bên cạnh bà: “Vâng ạ. Mẹ cũng vậy sao?”
“Ừ.”
Hai người chợt lặng thinh. Chỉ có màn đêm phủ ánh trăng bạc cùng với những tiếng rì rầm của đủ loại ếch nhái quẩn quanh hai mẹ con. Bình lặng, an yên, lại xa cách kì lạ.
Con người vẫn thường xuyên nghe được những tiếng nói nội tâm của mình. Vào những giây phút không biết nên suy nghĩ gì như lúc này đây, tiếng nói nội tâm ấy lại càng được dịp tràn ra. Những câu hỏi còn chưa có câu trả lời ồ ạt nhảy ra khỏi những ngăn kéo kí ức và chiếm đóng đại não Nguyệt.
Chẳng biết qua bao lâu, cô mới khẽ khàng cất tiếng: “Sao hôm nay mẹ lại không đi chơi?”
Đây không phải một cách hay để bắt đầu một câu chuyện giữa hai mẹ con đã lâu ngày không tâm sự, nhưng đây là điều mà Nguyệt đang muốn biết.
Bà Thu chẳng lấy làm phiền lòng trước câu hỏi đột ngột của cô con gái, ngược lại, bà dường như còn rất vui. Bằng chứng là nụ cười đang được vẽ lên bờ môi khô nẻ cùng ánh mắt hấp háy của người đàn bà trung niên.
Bà xoáy sâu về phía mặt trăng trên cao, tựa như có thể thông qua đó nhìn thấy được chị Hằng và chú Cuội cũng đang vui vẻ đón Tết thiếu nhi: “Vì hôm nay con ở nhà mà.”
Ngày còn nhỏ xíu, Nguyệt có rất nhiều tật xấu. Một trong số ấy là cô không chịu cho mẹ mình đi chơi hội vào lễ Trung thu nếu như cô phải ở nhà. Lý do rất đơn giản, mẹ là người quản lý việc ăn uống của hai chị em cô, nếu mẹ không ở nhà, Nguyệt sẽ không được phép ăn quá nhiều đồ ngọt. Vậy nên, nếu như vào Rằm tháng Tám cô vô tình bị ốm, cô cũng sẽ nhất quyết giữ mẹ ở nhà với mình.
Chỉ là, thời gian trôi qua, Nguyệt đã lớn rồi, tật xấu ấy sớm cũng đã bỏ được.
“Mẹ không cần phải làm thế mà.”
“Nếu mẹ không ở nhà, con sẽ đâu thể phá cỗ được?” Bà Thu vẫn mỉm cười, đáp.
“Con đã lớn rồi, phá cỗ đâu còn quan trọng nữa. Cũng chỉ là tết thiếu nhi, không tổ chức còn được nữa là.”
Nguyệt nhìn hình bóng thỏ ngọc in trên vầng trăng bạc, nói ra những suy nghĩ của mình mà chẳng hiểu sao trong lòng lại thấy xót xa vô ngần.
Đúng vậy, chỉ là tết thiếu nhi thôi mà, cô đã lớn rồi, đã rất nhiều năm xa gia đình cũng không còn chú ý tới. Thời sinh viên còn nghèo không dám mua bánh ăn, đi làm rồi bận rộn cũng chẳng còn quan tâm nữa.
Cuộc sống chính là như vậy, thoăn thoắt thoi đưa, chạy theo từng dòng xe ngược xuôi phố xá, ghim mắt vào màn hình và tới khi nhìn lên trên cao cũng là lúc khép mắt đi ngủ. Làm gì còn kịp để dõi theo từng đợt trăng tròn trăng khuyết chứ?
“Con đã lớn rồi!” Bà Thu khẽ thở dài.
Người phụ nữ lớn tuổi vươn tay, bắt lấy bàn tay cô con gái. Lòng bàn tay sần sùi và chai sạn của nông dân chuyên làm việc đồng áng miết lên mấy đầu ngón tay không quá mềm mại do gõ bàn phím quá nhiều. Cảm giác ấm nóng truyền vào trong đôi tay lạnh ngắt của Nguyệt.
“Ở bên ngoài con là người trưởng thành rồi!” Giọng bà Thu nhẹ bẫng, buồn thiu.
Mưa rồi sao?
Nguyệt giật mình nhìn bầu trời không gợn mây, lại cảm nhận thứ chất lỏng bỏng rát đang chảy xuống bên má mình. Rõ ràng chỉ là một câu nói bình thường biết bao.
“Con sẽ không thể nhận được những món quà được phát ở nhà văn hóa vào mỗi dịp Trung thu nữa, cũng không thể cùng mấy bạn nhỏ ra phá cỗ làng được.” Bà Thu hơi bật cười, tiếng cười khẽ phát ra từ trong cuống họng, nghe ậm ừ giống như một tiếng nức nở, “Nên là mẹ muốn chí ít thì con có thể phá cỗ ở nhà mình.”
Những ngón tay móc chặt vào nhau, hơi ấm đã bắt đầu tràn vào cả trong buồng phổi của người con gái.
“Với ba mẹ, hôm nay vẫn là ngày của con, tết này vẫn là tết của con, phần cỗ này vẫn là phần cỗ của con.” Những điều này làm đều là vì con, nên có thể đừng xem ba mẹ là người ngoài, được không?
Câu hỏi cuối cùng, bà Thu vẫn không đủ can đảm để nói ra thành lời, nhưng bà biết đứa con gái thông minh của mình sẽ hiểu được điều ấy.
Một gia đình được sinh ra từ hai mảnh ghép riêng biệt gộp lại với nhau và tạo ra những mảnh ghép mới. Theo thời gian, những mảnh ghép ấy sẽ không ngừng va chạm với nhau, khi khăng khít hơn, khi xa cách hơn. Có thể sẽ gắn bó chặt chẽ, cũng thể sẽ vỡ vụn chẳng còn gì.
Gia đình của bọn họ không tan vỡ, nhưng ở khía cạnh nào đó đã có sự xa cách khó lấp đầy, khi những mảnh ghép nhỏ đã trưởng thành và đi tìm vùng đất của riêng mình. Chị gái Nguyệt kết hôn rồi, ít khi trở về nhà, còn cô lại quá bận rộn bôn ba với cuộc sống vất vả.
Chẳng biết tự bao giờ, cô tự cho mình là người trưởng thành, tự khoác cho mình trách nhiệm phải đơn độc gánh vác.
Chẳng biết tự bao giờ, “nhà” chỉ là chốn dừng chân tạm thời và cha mẹ chỉ tựa những người lữ khách thân thuộc trong chuyến hành trình cuộc đời.
Xa cách. Rạn nứt.
Gánh nặng. Vô cảm.
Thương nhớ. Lìa xa.
Hóa ra trong những tháng ngày nỗ lực đuổi theo danh vọng và tiền tài, cô đã vô tình bỏ quên bao điều trân quý khác. Những yêu thương đã bị cưỡng ép nhét vào trong một ngăn của kí ức đột ngột mở bung, những giọt mưa thi nhau chảy dài trên gò má người con gái.
“Trong căn nhà này, con vẫn mãi là đứa trẻ chưa lớn của ba mẹ, mãi là yêu thương mà ba mẹ trân trọng nhất.”
Tác giả : Diệu Mến
Bài dự thi viết chủ đề Nhà 2021