Dự thi Tết hồi đó - Nguyên Vương

Dự thi  Tết hồi đó - Nguyên Vương

Mẹ tôi thường hay kể chuyện hồi xưa.

Mỗi lần kể chuyện hồi xưa, mẹ thường bắt đầu với hai chữ “hồi đó”. Ngay bây giờ cũng vậy. Hôm nay đã là hai mươi chín tết. Mẹ cùng bà ngoại trải một cái chiếu ở trước hiên nhà gói bánh tét, ngoài trời mưa lất phất, lành lạnh, cái mưa mà tôi vẫn mặc định là mưa của riêng ngày tết, mưa xuân. Còn tôi cũng ngồi xổm một bên nhưng chỉ làm nhiệm vụ dòm ngó qua lại giữa hai đôi bàn tay đang thoăn thoắt gói bánh. Bởi vì tính hậu đậu nên không ai cho tôi gói, nhưng thi thoảng tôi vẫn tài lanh tài lọt giành múc nếp đổ vào lá chuối rồi đổ tiếp đậu xanh lên, hại mẹ tôi phải ngồi chỉnh sửa cả buổi. Dù mẹ đang bận kể chuyện “hồi đó” cũng phải dừng lại để cằn nhằn tôi, con gái gì mà không chút khéo tay.

Mẹ tôi nói chuyện hồi đó, tôi chẳng biết chính xác hồi đó là năm bao nhiêu. Nhưng với một đứa tuy chỉ ở tỉnh lẻ nhưng đã phải lớn lên cùng khói bụi đường phố và ti tỉ các loại hình công nghiệp được du nhập vào như tôi, cái “hồi đó” của mẹ là một cái gì đó rất trong lành, rất tinh khôi khiến tôi thích thú muốn nghe mãi. Tôi không thể nhìn thấy được cái “hồi đó” này trong hoài niệm của mẹ, nhưng qua lời mẹ kể, tôi có thể tưởng tượng ra được rất nhiều thứ. Vì thế nương theo chất giọng trầm trầm của mẹ, tôi quyết định không tài lanh tài lọt nữa mà ngồi im chống cằm, bắt đầu vẽ nên một thế giới song song mà ở đó, tôi thì chưa có, còn mẹ tôi vẫn là một cô gái đôi mươi thích lãng mạn nhưng lại gặp phải anh hàng xóm chẳng hiểu thế nào gọi là phong tình mà cuối cùng vẫn trở thành ba của tôi. Không gian chỉ quanh quẩn trong con xóm nhỏ, không đường bê tông, không đèn điện sáng choang, chỉ có mấy lũy tre xanh rờn cùng con đường đất bé tí vì bị mấy bụi cỏ hai bên chiếm hết diện tích. Còn thời gian thì ừm, cứ cho là vào cái Tết “hồi đó” đi.

Cái Tết “hồi đó”, ba tôi, tức anh hàng xóm kém lãng mạn, mới vừa đi lính về. Nhà ba và mẹ cách nhau chỉ có mấy bước chân. Mỗi lần đi lấy nước ở giếng, ba đều phải đi ngang qua nhà mẹ. Những lúc như vậy, mẹ đều ngồi ở khoảnh vườn nhỏ phía trước chăm rau nhà. Mẹ tôi đẹp, cũng tính là hoa khôi trong xóm, thế mà mẹ bảo chỉ có mình mẹ là nhìn theo ba, còn ba thì mấy lượt đi qua đi về cũng chỉ biết nhìn thẳng phía trước. Mẹ tức nên hét to lên bảo, “Nước sắp tràn ra ngoài hết rồi kìa!”, nhưng ba tôi chuyển hướng nhìn cũng là chuyển về cái gáo nước, chứ chẳng thèm nhìn người nhắc mình tới một lần, mặc dù mẹ tôi cũng chỉ là nói xạo cho đỡ tức thôi.

Nhà mẹ tôi cũng có cây mai ở trước sân, hai mươi Tết rồi mà vẫn chưa được nhặt hết lá. Cây mai mọc tự nhiên, không được uốn nắn nên cao vút và thẳng đuột, nhà thì lại chỉ có bà ngoại và mẹ, không có đàn ông, thế nên mẹ tôi phải bắt cái ghế thật cao rồi trèo lên đó, nhặt mấy cái lá ở trên ngọn. Hoa mai cũng đã chớm nở, mẹ tôi nhặt lá một hồi thì cánh hoa cũng rụng theo lác đác, vàng cả một khoảnh tròn quanh gốc mai. “Anh hàng xóm” đi ngang qua thấy thế, chắc là không đành lòng nhìn hoa mai bị mẹ tôi vặt đi gần hết mới ngước lên nói:

“Xuống đi, để tôi làm cho.”

“Nhà anh lắm mai, về mà nhặt.”

Nhà ba tôi đúng thật có nhiều mai cảnh, được uốn nắn kĩ lưỡng. Ba tôi cũng là người thích chăm sóc cây cảnh, thế nên lá mai đã sớm được nhặt đi hết rồi. Mấy chậu mai trong sân nhà ra hoa sớm, vàng ươm cả một góc trời trông rất đẹp mắt. Mẹ tôi đã nhìn thấy rồi, nhưng vẫn cố tình nói ba về nhà mà nhặt lá mai, nghe giống như đang làm mình làm mẩy.

Nhưng cuối cùng cây mai nhà mẹ cũng giao cho “anh hàng xóm” phụ trách. Đám lá xanh thẫm được nhặt hết đi, nhường chỗ cho những bông hoa vàng ươm khoe sắc. Thế là nhà mẹ cũng đã tràn ngập không khí Tết. Mẹ tôi nói, khoảng thời gian tuyệt vời nhất không bắt đầu từ mồng một Tết, mà bắt đầu từ những ngày hai mươi mấy cận kề, khi mọi người ai nấy đều nô nức sắm sửa cái này cái kia, tâm hồn một lòng hướng về thời khắc giao thừa thiêng liêng. Lúc nào cảm giác chờ đợi một điều gì đó cũng làm người ta thấy rung động hơn là khi trực tiếp trải qua nó, bởi vì khi đi qua, chúng ta luôn luyến tiếc rằng mọi thứ rồi sẽ bị bỏ lại sau những bước đi của chúng ta, hoặc của chính dòng thời gian. Mẹ cũng nói, làm lụng vất vả một năm chỉ chờ một cái Tết sum vầy, đầm ấm, người ta nói chuyện với nhau cũng luôn lựa những chuyện vui vẻ, tốt lành. Mọi sân si hay mâu thuẫn thường nhật, thôi thì cứ tạm đẩy lại cho năm cũ. Ai mà chẳng mong một cái Tết hạnh phúc tròn đầy.

Hai mươi chín Tết, “anh hàng xóm” giúp mẹ tìm lá chuối về gói bánh tét, còn giúp mẹ nhóm bếp lửa, đặt nồi bánh tét thật to lên vì hai nhà cùng nấu chung. Mẹ nói, “anh hàng xóm” là người nói ít làm nhiều, còn mẹ thì thích nói luyên thuyên, thành ra đêm đó hai người ngồi canh nồi bánh, hầu hết chỉ có một mình mẹ nói, còn người kia thì chỉ im ỉm nhìn bếp lửa đang cháy. Một lúc sau, mẹ bắt đầu thấy chán, đinh cằn nhằn thì đột nhiên “anh hàng xóm” lại dúi cho mẹ một cuốn sổ nhỏ vào tay, thấy quen quen.

Hồi đó, đêm trước khi ba chuẩn bị đi lính, cô người yêu lúc đó của ba sang tạm biệt rồi khóc quá trời. Mẹ cũng sang với tư cách cô em hàng xóm, nhưng chả thèm khóc, chỉ tặng cho ba một cuốn sổ làm vật kỉ niệm. Sau khi ba đi lính chưa được bao lâu, cô người yêu khóc nhiều kia thế mà lại đi lấy chồng, thành ra ba tôi thất tình ở ngay trong quân ngũ. Ngồi buồn lại giở quyển sổ mẹ tặng ra, ba tôi mới phát hiện ở trang cuối mẹ có viết cho ba một bài thơ. Mẹ tôi yêu văn chương bay bổng, vậy nên làm thơ cũng rất mùi mẫn. Thế là lúc đó ba tôi biết, có một cô em hàng xóm đang tương tư mình.

Tôi đặt tình tôi ngay trước nhà
Thế mà anh nỡ nhìn không ra
Bao mùa mai nở, xuân nhường hạ
Anh và tôi vẫn chẳng mặn mà

Tôi nhìn xuân tới trong ánh mắt
Xuân nhìn anh đứng dưới ngọn đèn
Anh nhìn ai tới như đã hẹn
Nên tình tôi ngủ chốn thân quen.


605E8189-333A-4F15-AA08-C4DA4EAEFEA2.jpeg


“Anh hàng xóm” đọc vanh vách bài thơ khiến mẹ tôi xấu hổ giấu mặt sau quyển sổ. Thế là “tình tôi” đã không còn phải ngủ ở chốn thân quen nữa, nó đã được thức dậy cùng với một tình yêu chớm nở có đôi chút ngại ngùng. Và “anh hàng xóm” vẫn kiệm lời như vậy khiến mẹ đôi ba lần giận dỗi, đôi ba lần ngoảnh mặt đi. Thế nhưng, tình yêu vẫn sẽ còn, bởi vì mẹ vẫn chưa từng đánh mất đi cái gọi là niềm tin.

Mồng một Tết, mẹ tôi không có xe đạp, cũng không xúng xính đồ mới. Mẹ vẫn mặc chiếc áo sơ mi trắng hơi cũ và quần tây màu đen, đi bộ tới nhà họ hàng gửi lời chào năm mới. Đi được nửa đường, mẹ đột nhiên nghe thấy có tiếng ai đó gọi mình. Ba tôi cưỡi xe đạp, đạp thiệt nhanh về phía mẹ, sau đó dựng xe xuống bên đường, thở hổn hển chỉ vào yên sau:

“Lên tôi chở đi. Ai lại đi bộ?”

“Không có xe, chả đi bộ thì đi bằng gì?”

“Có người yêu có xe đấy, không biết nhờ à?”

Ba tôi nói xong, chắc cũng tự thấy ngại ngùng, đằng hắng mấy tiếng rồi móc túi áo lấy ra một cái kẹp hoa đưa cho mẹ.

“Tết nhất, cài hoa vào cho nó tươi.”

Mẹ tôi nói, cái kẹp hoa nhìn rõ quê mùa, thế mà mẹ lại kẹp nó lên tóc rồi để ba chở đi tới khắp nhà họ hàng. Rồi thì cái Tết hồi đó, ngoài niềm vui giao thừa, niềm vui sum họp gia đình, ngoài bánh chưng bánh tét và mấy loại kẹo mứt, mẹ còn cảm nhận được một thứ thiêng liêng hơn cả, đó chính là tình yêu.

Cái Tết hồi đó là cái Tết của nhung nhớ, hoài niệm, bởi vậy cho nên sau này, cứ hễ mỗi dịp Tết đến xuân về là mẹ lại vừa gói bánh tét, vừa lôi nó ra kể, “Hồi đó ba của mày…”

Ba tôi lúc này đang loay hoay trước sân tìm cách khuân chậu mai vào nhà để trang trí. Nhà tôi vẫn không có con trai, chỉ có ba cô con gái. Một mình ba chạy qua chạy lại một hồi vẫn chưa chuyển được cây mai vào nhà, thế là thuận miệng than:

“Lúc này phải chi mà có một thằng con trai…”

Mẹ tôi nghe nhưng chẳng nói gì. Tôi cũng biết, không có ai trong nhà tôi lăn tăn về mấy chuyện đó, chỉ là thỉnh thoảng mọi người lại lôi ra đùa nhau vài câu cho vui. Ba tôi cuối cùng cũng khuân được chậu mai vào nhà, dùng tay áo lau lau mồ hôi, lúc đi ngang qua chỗ mẹ tôi đang gói bánh thì cố tình nói to:

“Mà thôi, chả cần.”

Lúc này, mẹ tôi lén cười. Còn tôi vẫn ngồi xổm ở bên cạnh dòm ngó, hết dòm ngó bánh tét tới dòm ngó chậu mai ba vừa khuân vào. Hoa mai đã nở vàng rực, cánh hoa rụng lả tả xuống dưới sàn nhà. Trời ngoài kia vẫn còn mưa lất phất. Bác hàng xóm đội cái mũ vành thật rộng, ôm mấy đòn bánh tét vừa gói xong ở trong tay, chạy qua nhà tôi cười bảo:

“Đêm nay nhóm lửa nấu chung nồi bánh tét chứ nhỉ?”

Tôi cũng cười. Chưa bao giờ tôi thấy yêu cảm giác này đến như vậy. Tết đối với tôi, cái gì cũng đẹp, đẹp từ hoa mai, từ cơn mưa phùn, từ tình làng nghĩa xóm, hay đẹp từ chính những cảm xúc tươi mới mà mùa xuân mang đến cho tôi.

Đương nhiên là cũng không thể thiếu câu chuyện “Tết hồi đó” của mẹ tôi rồi.

Cuộc thi viết “Mùa Tết” Văn Học Trẻ 2023
Chủ đề 2: Chậm
Truyện ngắn ‘Tết hồi đó’
Tác giả: Nguyên Vương
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
chude2 cuocthivietmuatet2023 nguyenvuong tết hồi đó tethoido truyen ngan truyenngan
1K
8
5
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.