Trong ngôn ngữ học và phê bình văn học, tính nữ thường được dùng để khu biệt với nam tính. Hầu hết những người phụ nữ dù có mạnh mẽ đến đâu cũng mang trong mình ít nhiều chất nữ tính. Trong văn học, các nhà văn nữ khi sáng tác, một cách tự nhiên, cũng để cho yếu tố nữ tính ùa vào tác phẩm của mình, làm nên bản sắc riêng cho thơ văn nữ giới. Điều này có thể biểu hiện đậm nhạt khác nhau đối với từng trường hợp cụ thể. Trong số các nhà thơ nữ thời kì chống Mỹ, Xuân Quỳnh luôn được xem là nhà thơ mà tính nữ trở thành một đặc trưng nổi bật trong phong cách, làm nên một “tâm hồn thơ rất đàn bà” (Đoàn Thị Đặng Hương). Tính nữ của thơ Xuân Quỳnh thể hiện cụ thể và sống động qua một số phương diện cơ bản sau:
Trước hết, có thể thấy, thơ Xuân Quỳnh không viết về những điều to tát, lớn lao, mà thường chú ý đến những gì nhỏ bé và bình dị nhất của đời sống. Khi cùng khai thác một đề tài với nhà văn nam bao giờ chị cũng có cách cảm nhận và thể hiện theo một chiều hướng khác. Chất nữ tính của Xuân Quỳnh ẩn giấu trong mỗi bài thơ, thấm nhuần trong tư tưởng, tình cảm, hình ảnh, ngôn ngữ và giọng điệu. Tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh biểu hiện ở những tình cảm thiết tha dành cho chồng, cho con, cho cuộc đời. Có khi nó lại biểu hiện ở sự nhạy cảm, tinh tế rất đặc trưng của người nữ. Có khi nó lại là sự sôi nổi, sau đó lại là trạng thái phấp phỏng, lo âu, bất an trong tình yêu của một trái tim phụ nữ đa sầu đa cảm… Vấn đề đặt ra là, tại sao trong thơ Xuân Quỳnh, tính nữ lại được khắc họa, biểu hiện sâu đậm như vậy?
Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân là sự tự ý thức về giới hay “ý thức phái tính” của Xuân Quỳnh rất rõ nét. Phái tính là do giới tính và ý thức về giới tính quy định. Phái tính vì thế tồn tại vừa kín đáo vừa rõ nét, vừa vô hình vừa hữu hình, vừa bắt buộc vừa tự nhiên trong mỗi con người. Một nhà văn khi sinh ra và lớn lên, do ảnh hưởng của thiết chế giáo dục và xã hội hiện hành, đã tự hình thành cho mình ý thức về phái tính. Vì vậy, khi sáng tác, phái tính vô hình trung đã ngấm vào tư tưởng và chi phối ngòi bút của nhà văn. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở các cây bút nữ, trong đó Xuân Quỳnh không phải là một ngoại lệ.
Một nguyên nhân khác, có thể nói đến ở đây đó là ý thức nữ quyền của Xuân Quỳnh. Chị là một người phụ nữ vừa dịu dàng nhưng lại vừa mạnh mẽ, luôn khát khao khẳng định mình, khẳng định vị thế của mình, của giới mình. Và chị cũng phô diễn cả điều đó vào trong thơ, hoặc, nó tự đi vào thơ chị một cách tự nhiên. Trong tương quan diễn ngôn quyền lực giữa nam tính và nữ tính, nam tính thường chiếm vị trí chủ đạo, áp chế, là đại diện cho nữ tính và bao giờ nam tính cũng chiếm vị trí trên cao, trụ cột, tiếng thơ văn cũng phải là tiếng thơ văn của nam giới. Viết thơ, Xuân Quỳnh không chỉ nói lên tiếng nói của mình mà tiếng thơ đầy thiên tính nữ của chị còn như chống lại mọi hình thức áp chế của nam giới, cố gắng xác định một thứ mĩ học riêng của nữ giới, từ đó, thiết lập nên những điển phạm riêng, và cuối cùng, xây dựng những tiêu chí riêng trong việc cảm thụ và đánh giá các hiện tượng văn học. Xuân Quỳnh không phủ nhận vai trò to lớn của những người đàn ông, họ “vĩ đại”, “nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay”, “thăm dò những hành tinh mới lạ”, “chinh phục đại dương”, “đi tới tương lai”… Ấy thế nhưng, tất cả những con người vĩ đại ấy, hay nói cách khác là những phát minh vĩ đại ấy của nhân loại sẽ không có nếu như không có người đàn bà:
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học… hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường không ai biết tuổi biết tên.
Hay đơn giản hơn :
Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo
Chắc chắn buổi chiều anh chẳng có cơm ăn.
(Thơ vui về phái yếu)
Thơ Xuân Quỳnh biểu hiện một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm đầy nữ tính. Có lúc yêu mãnh liệt nồng nàn, nhưng không tránh khỏi yếu đuối chơi vơi; có lúc tự tin kiêu hãnh, nhưng không phải không có lúc lo sợ; có lúc bình tĩnh sáng suốt nhưng đôi khi lại rơi vào mê đắm điên cuồng; có lúc hạnh phúc tột cùng nhưng lại có lúc xót xa cay đắng… Điều này đã được tri thức hệ thống trị định nghĩa, lí giải là đặc trưng của phái nữ. Phái nữ rất nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn và dễ xúc động, cảm thông. Họ dễ xúc động trước những sự việc dù vô cùng bình thường, nhỏ nhặt. Theo các nhà giải phẫu, nữ giới thường tư duy thiên về bán cầu não phải - bộ phận nặng về tình cảm và tưởng tượng, có khả năng phối hợp cảm xúc, ghi nhận hình ảnh và thưởng thức âm nhạc. Tưởng tượng là thế mạnh của phái nữ và cũng là tố chất cần thiết trong việc sáng tác văn chương. Không chỉ mạnh về tưởng tượng, phái nữ còn có khả năng quan sát tương đối tốt. Tuy diện quan sát không rộng như phái nam nhưng người nữ thường quan sát sâu và tỉ mỉ hơn, chú ý kĩ những khía cạnh tưởng như rất nhỏ nhặt, tầm thường - những điều mà phái nam thường bỏ qua. Bên cạnh đó, các nhà tâm lý học còn cho rằng, phụ nữ có khả năng đồng cảm và có đời sống cảm xúc phong phú hơn nam giới.
Xuân Quỳnh được thừa hưởng tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, giàu lòng trắc ẩn… từ người cha là ông giáo tài năng, từ người mẹ nhân hậu; từ làng quê Hà Đông thơ mộng thuở ấu thơ với những triền đê đầy vải lụa, ngập tràn tiếng hát của những người quay tơ. Âm hưởng nữ tính còn xuất phát từ những gì mà Xuân Quỳnh đã trải qua trong cuộc sống. Đó là một tuổi thơ mồ côi thiếu tình thương, lớn lên lại vấp ngã trong tình yêu, hôn nhân. Sau này chị đến với Lưu Quang Vũ - người đàn ông kém tuổi mình… Bởi thế, trong các sáng tác của mình, chị nói về tình yêu, tình thương, lúc dạt dào cháy bỏng, lúc lại khắc khoải bất an. Chị lúc nào cũng dự cảm lo âu, kể cả trong lúc hạnh phúc viên mãn nhất. Xuân Quỳnh viết nhiều về tình cảm gia đình, về người mẹ, về chồng, về con. Theo cái nhìn truyền thống, đấy là bản năng tự nhiên của người phụ nữ. Họ sinh ra đã có bản năng của một người vợ, người mẹ. Nhưng trên hết, những vần thơ viết về gia đình của Xuân Quỳnh còn xuất phát từ ẩn ức cá nhân. Tuổi thơ bơ vơ côi cút đã hằn in trong kí ức, trở thành nỗi ám ảnh suốt một đời thơ. Nỗi đau mất mẹ, nỗi cơ cực của tuổi thơ côi cút trở thành một ẩn ức sâu sắc:
Tôi không có một căn phòng
Lang thang suốt những năm ròng tuổi thơ.
(Thơ viết tặng anh)
Hay:
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau dền rau dệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ.
(Bàn tay em)
Suốt một đời, Xuân Quỳnh khao khát sự chở che, vỗ về của người mẹ, khao khát và tận hiến trong tình yêu, khao khát một gia đình đầm ấm, trọn vẹn yêu thương.
Tóm lại, có thể nói, thơ Xuân Quỳnh là tiếng thơ của thiên tính nữ. Điều này xuất phát từ ý thức và sự nhạy cảm đặc biệt của nhà thơ về phái tính, về cuộc đời và từ chính những trải nghiệm trong cuộc sống riêng tư của bản thân. Thơ Xuân Quỳnh, do thế, vừa là sự tiếp nối truyền thống, vừa là sự khởi nguồn của một dòng chảy quan trọng trong bản đồ văn học Việt Nam hiện đại: dòng chảy văn học nữ tính.
ThS. Nguyễn Phương Hà
(Trích sách "Văn học và giới nữ")
Trước hết, có thể thấy, thơ Xuân Quỳnh không viết về những điều to tát, lớn lao, mà thường chú ý đến những gì nhỏ bé và bình dị nhất của đời sống. Khi cùng khai thác một đề tài với nhà văn nam bao giờ chị cũng có cách cảm nhận và thể hiện theo một chiều hướng khác. Chất nữ tính của Xuân Quỳnh ẩn giấu trong mỗi bài thơ, thấm nhuần trong tư tưởng, tình cảm, hình ảnh, ngôn ngữ và giọng điệu. Tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh biểu hiện ở những tình cảm thiết tha dành cho chồng, cho con, cho cuộc đời. Có khi nó lại biểu hiện ở sự nhạy cảm, tinh tế rất đặc trưng của người nữ. Có khi nó lại là sự sôi nổi, sau đó lại là trạng thái phấp phỏng, lo âu, bất an trong tình yêu của một trái tim phụ nữ đa sầu đa cảm… Vấn đề đặt ra là, tại sao trong thơ Xuân Quỳnh, tính nữ lại được khắc họa, biểu hiện sâu đậm như vậy?
Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân là sự tự ý thức về giới hay “ý thức phái tính” của Xuân Quỳnh rất rõ nét. Phái tính là do giới tính và ý thức về giới tính quy định. Phái tính vì thế tồn tại vừa kín đáo vừa rõ nét, vừa vô hình vừa hữu hình, vừa bắt buộc vừa tự nhiên trong mỗi con người. Một nhà văn khi sinh ra và lớn lên, do ảnh hưởng của thiết chế giáo dục và xã hội hiện hành, đã tự hình thành cho mình ý thức về phái tính. Vì vậy, khi sáng tác, phái tính vô hình trung đã ngấm vào tư tưởng và chi phối ngòi bút của nhà văn. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở các cây bút nữ, trong đó Xuân Quỳnh không phải là một ngoại lệ.
Một nguyên nhân khác, có thể nói đến ở đây đó là ý thức nữ quyền của Xuân Quỳnh. Chị là một người phụ nữ vừa dịu dàng nhưng lại vừa mạnh mẽ, luôn khát khao khẳng định mình, khẳng định vị thế của mình, của giới mình. Và chị cũng phô diễn cả điều đó vào trong thơ, hoặc, nó tự đi vào thơ chị một cách tự nhiên. Trong tương quan diễn ngôn quyền lực giữa nam tính và nữ tính, nam tính thường chiếm vị trí chủ đạo, áp chế, là đại diện cho nữ tính và bao giờ nam tính cũng chiếm vị trí trên cao, trụ cột, tiếng thơ văn cũng phải là tiếng thơ văn của nam giới. Viết thơ, Xuân Quỳnh không chỉ nói lên tiếng nói của mình mà tiếng thơ đầy thiên tính nữ của chị còn như chống lại mọi hình thức áp chế của nam giới, cố gắng xác định một thứ mĩ học riêng của nữ giới, từ đó, thiết lập nên những điển phạm riêng, và cuối cùng, xây dựng những tiêu chí riêng trong việc cảm thụ và đánh giá các hiện tượng văn học. Xuân Quỳnh không phủ nhận vai trò to lớn của những người đàn ông, họ “vĩ đại”, “nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay”, “thăm dò những hành tinh mới lạ”, “chinh phục đại dương”, “đi tới tương lai”… Ấy thế nhưng, tất cả những con người vĩ đại ấy, hay nói cách khác là những phát minh vĩ đại ấy của nhân loại sẽ không có nếu như không có người đàn bà:
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học… hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường không ai biết tuổi biết tên.
Hay đơn giản hơn :
Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo
Chắc chắn buổi chiều anh chẳng có cơm ăn.
(Thơ vui về phái yếu)
Thơ Xuân Quỳnh biểu hiện một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm đầy nữ tính. Có lúc yêu mãnh liệt nồng nàn, nhưng không tránh khỏi yếu đuối chơi vơi; có lúc tự tin kiêu hãnh, nhưng không phải không có lúc lo sợ; có lúc bình tĩnh sáng suốt nhưng đôi khi lại rơi vào mê đắm điên cuồng; có lúc hạnh phúc tột cùng nhưng lại có lúc xót xa cay đắng… Điều này đã được tri thức hệ thống trị định nghĩa, lí giải là đặc trưng của phái nữ. Phái nữ rất nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn và dễ xúc động, cảm thông. Họ dễ xúc động trước những sự việc dù vô cùng bình thường, nhỏ nhặt. Theo các nhà giải phẫu, nữ giới thường tư duy thiên về bán cầu não phải - bộ phận nặng về tình cảm và tưởng tượng, có khả năng phối hợp cảm xúc, ghi nhận hình ảnh và thưởng thức âm nhạc. Tưởng tượng là thế mạnh của phái nữ và cũng là tố chất cần thiết trong việc sáng tác văn chương. Không chỉ mạnh về tưởng tượng, phái nữ còn có khả năng quan sát tương đối tốt. Tuy diện quan sát không rộng như phái nam nhưng người nữ thường quan sát sâu và tỉ mỉ hơn, chú ý kĩ những khía cạnh tưởng như rất nhỏ nhặt, tầm thường - những điều mà phái nam thường bỏ qua. Bên cạnh đó, các nhà tâm lý học còn cho rằng, phụ nữ có khả năng đồng cảm và có đời sống cảm xúc phong phú hơn nam giới.
Xuân Quỳnh được thừa hưởng tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, giàu lòng trắc ẩn… từ người cha là ông giáo tài năng, từ người mẹ nhân hậu; từ làng quê Hà Đông thơ mộng thuở ấu thơ với những triền đê đầy vải lụa, ngập tràn tiếng hát của những người quay tơ. Âm hưởng nữ tính còn xuất phát từ những gì mà Xuân Quỳnh đã trải qua trong cuộc sống. Đó là một tuổi thơ mồ côi thiếu tình thương, lớn lên lại vấp ngã trong tình yêu, hôn nhân. Sau này chị đến với Lưu Quang Vũ - người đàn ông kém tuổi mình… Bởi thế, trong các sáng tác của mình, chị nói về tình yêu, tình thương, lúc dạt dào cháy bỏng, lúc lại khắc khoải bất an. Chị lúc nào cũng dự cảm lo âu, kể cả trong lúc hạnh phúc viên mãn nhất. Xuân Quỳnh viết nhiều về tình cảm gia đình, về người mẹ, về chồng, về con. Theo cái nhìn truyền thống, đấy là bản năng tự nhiên của người phụ nữ. Họ sinh ra đã có bản năng của một người vợ, người mẹ. Nhưng trên hết, những vần thơ viết về gia đình của Xuân Quỳnh còn xuất phát từ ẩn ức cá nhân. Tuổi thơ bơ vơ côi cút đã hằn in trong kí ức, trở thành nỗi ám ảnh suốt một đời thơ. Nỗi đau mất mẹ, nỗi cơ cực của tuổi thơ côi cút trở thành một ẩn ức sâu sắc:
Tôi không có một căn phòng
Lang thang suốt những năm ròng tuổi thơ.
(Thơ viết tặng anh)
Hay:
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau dền rau dệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ.
(Bàn tay em)
Suốt một đời, Xuân Quỳnh khao khát sự chở che, vỗ về của người mẹ, khao khát và tận hiến trong tình yêu, khao khát một gia đình đầm ấm, trọn vẹn yêu thương.
Tóm lại, có thể nói, thơ Xuân Quỳnh là tiếng thơ của thiên tính nữ. Điều này xuất phát từ ý thức và sự nhạy cảm đặc biệt của nhà thơ về phái tính, về cuộc đời và từ chính những trải nghiệm trong cuộc sống riêng tư của bản thân. Thơ Xuân Quỳnh, do thế, vừa là sự tiếp nối truyền thống, vừa là sự khởi nguồn của một dòng chảy quan trọng trong bản đồ văn học Việt Nam hiện đại: dòng chảy văn học nữ tính.
ThS. Nguyễn Phương Hà
(Trích sách "Văn học và giới nữ")
- Từ khóa
- thiên tính nữ tính nữ trong thơ xuan quynh