Tìm hiểu khổ thơ 6, 7 bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh

Tìm hiểu khổ thơ 6, 7 bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh

Văn Học
Văn Học
Tình yêu luôn là một chủ đề bất diệt trong thi ca. Khi viết về chủ đề tình yêu, trong thơ Xuân Diệu luôn mang hơi thở của một tình yêu mãnh liệt cháy bỏng, yêu đến hết mình. Nhưng đến với thơ Xuân Quỳnh, đặc biệt trong tác phẩm Sóng người đọc lại cảm nhận một tình yêu trong trẻo, nhẹ nhàng và đằm thắm mơn man như từng con sóng nhỏ.

Sóng (Xuân Quỳnh): Tìm hiểu khổ 6 và 7

“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương

Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”.

Tóm gọn 3 bài học cần rút ra:

– Quan niệm tình yêu trong đoạn thơ là gì?
– Hình tượng sóng trong đoạn này khác gì đoạn trên?
– Xuân Quỳnh đã chiêm nghiệm điều gì từ sóng?

1. QUAN NIỆM TÌNH YÊU:

Biện pháp tu từ đối lập: “xuôi” – “ngược”: ám chỉ thời cuộc đưa đẩy; “bắc” – “nam”: ám chỉ sự xa cách. → Biện pháp đối lập. → Biểu tượng dòng chảy của sóng, tượng trưng cho sự khắc nghiệt và chóng vánh của cuộc đời.

“dẫu” → Biện pháp điệp cấu trúc → Nhấn mạnh lời nói tha thiết, trăn trở, chân thành. Sự trăn trở trong cuộc đời trắc trở in hằn vào tâm trí em, thể hiện sự bức bối đồng thời mang một tâm tình muốn nói ra hết những trái ngang, lo lắng, xa cách, cô đơn, tin yêu của chính mình.

“em” – “anh”: khác với 2 cặp đối lập trên, cặp hình ảnh này không chỉ đối nhau mà còn đối với 2 cặp trên, tức trong khi xuôi – ngược, bắc – nam có sự phân cực thì em – anh chung một hướng, một phương. → Phép đối lồng phép đối. → Bày tỏ tấm lòng sâu sắc, thuỷ chung của em đối với anh, em vững bước vì có anh ở nẻo xa kia; đồng thời khẳng định trái tim con người (hay tình yêu, nỗi nhớ) không bao giờ là những đặc tính đối lập tuyệt đối (xuôi – ngược, bắc – nam) mà luôn nỗ lực tìm về nhau, nghĩ về nhau, hàn gắn nhau (nơi nào cũng nghĩ, hướng về một phương).

Xuân Quỳnh mở ra khía cạnh mới của tình yêu: yêu là hướng về nhau, yêu là nỗi nhớ; thay vì tạo nên những vùng phân cực, chính nỗi nhớ mang lại niềm tin để bước đi, để tìm kiếm nhau trên cõi đời trái ngang.

Dấu gạch ngang:
“Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”

Dấu gạch ngang có tính chất thể hiện mối tương quan giữa các quan hệ. Ở đây có mối tương quan chính – phụ, tức là phụ chú, giải thích thêm. Nhưng giải thích thêm cho cái gì?

+ nỗi nhớ: nhớ (nghĩ và hướng) về anh như thế nào? – cả một phương và cũng chỉ mỗi một phương.
+ nơi em: nơi nào em cũng nhớ về anh, vậy cái “nơi nào” đó em đang ở như thế nào? – là cả một phương và cũng chỉ mỗi một phương.
+ anh: nhớ về anh, anh làm sao? – anh là cả một phương, và chỉ mỗi một phương.

Xuân Quỳnh đã rất độc đáo trong việc đặt dấu gạch ngang ở vị trí có thể hội tụ cả ba đối tượng (nỗi nhớ, nơi em, anh) vào đặc tính “một phương”; kết hợp với phép đối phương bắc, phương nam, “một phương” trở thành một chiều kích phi không gian, phi thời gian, thậm chí là phi chủ thể. Nỗi nhớ anh, nơi em nhớ về anh, và chính anh đều là những hình ảnh, ý niệm xuyên suốt, đồng thời, cùng lúc và tất cả chúng trở thành “một phương”: mơ hồ, xa xăm, vô định nhưng cũng gần gũi, quen thuộc.

Tình yêu đối với Xuân Quỳnh không phải là một cái gì riêng lẻ, mà là sự kết nối của những xúc cảm, ý thức mâu thuẫn nhau, chồng chéo nhau: vừa đồng hiện vừa tách biệt, vừa xa xăm vừa gần gũi, vừa vô định vừa là một phương để đi đến.

Xuôi bắc ngược nam:
– Cách nói trái ngược với thông thường “xuôi nam ngược bắc”.
– Nhân dân ta có câu “xuôi về tiền tuyến, ngược về hậu phương” để diễn tả tinh thần kháng chiến (tiến lên đánh giặc và giúp đỡ người sau).
– Dựa trên hoàn cảnh lịch sử (sáng tác năm 1967), thì lúc ấy miền Nam là tiền tuyến chống Mỹ diễn ra quyết liệt, khẩn trương thực hiện tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968), miền Bắc trong lúc đó tuy chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ nhưng vẫn là hậu phương lớn của Tổ quốc.
Vậy tại sao Xuân Quỳnh lại có cách viết ngược kì lạ như thế: xuôi về hậu phương, ngược về tiền tuyến?

Vì hậu phương (miền Bắc) là nơi dễ dàng, thuận lợi hơn so với tiền tuyến (miền Nam) khốc liệt. Ở đây, khía cạnh mà Xuân Quỳnh muốn nói đến không chỉ là tinh thần kháng chiến như câu nói quen thuộc; chính việc đảo lộn xuôi – ngược đã bóc tách được phần ẩn sâu trong lòng yêu nước của con người, ấy là khát khao được hoà bình, được một mái ấm, và đặc biệt hơn cả: được yêu nhau.

– Nhưng dẫu cho có là Bắc, có là Nam, là xuôi hay ngược, là tình yêu nước hay tình yêu đôi lứa, với Xuân Quỳnh, đều là một phương hướng duy nhất: “hướng về anh – một phương”.

Anh đã trở thành một biểu tượng về ước mơ, hy vọng, tin yêu không chỉ của riêng em, anh là trái tim của Tổ quốc và anh là Tổ quốc của em.

2. SÓNG LÀ AI?

“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam”

Dẫu xuôi (…)/Dẫu ngược (…), cái gì, ai dẫu? Dẫu em xuôi/ngược hay dẫu anh xuôi/ngược? Hai câu thơ bị lược mất chủ ngữ. Ta biết xuôi – ngược là ám chỉ sóng, nhưng chủ thể được ví như sóng là gì? Đó có thể là bất kì gì đang hiện diện trong tâm trí ngay lúc này. Nếu ở khổ thơ 5 em là sóng, thì ở khổ thơ thứ 6 sóng đã lan ra và chảy khắp mọi nơi, trở thành một sự biến hoá liên tục của tâm tư ngay trong khoảnh khắc hiện tại: anh, em, nỗi nhớ, đất nước, tình yêu…

– Hỏi: Chẳng phải cả câu có chủ ngữ là “em” hả? “Dẫu…” chỉ là trạng ngữ thôi mà?

– Đáp: Đúng là có thể giải thích rằng vế “Dẫu…” ở đây là trạng ngữ chỉ giả thiết cho “Nơi nào em cũng…” thành ra chủ ngữ là “em”, đó cũng là 1 cách hiểu. Nhưng vì ở đây là thơ, vì thơ có tính chất phân mảnh, nên câu luôn có khả năng cắt rời, để tạo sinh nhiều nghĩa.

Sóng đã lan ra và chảy khắp mọi nơi, trở thành một sự biến hoá liên tục của tâm tư ngay trong khoảnh khắc hiện tại.

3. CHIÊM NGHIỆM VỀ SÓNG:

“Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”.

– Nghĩa thực: Sóng từ đại dương rộng lớn, vô định, nhưng sau cùng vẫn sẽ cuộn tới bờ, dù xa cách vô cùng.
– Nghĩa bóng:

“đại dương”: bể đời, bể tình, bể đấu tranh…
“Trăm ngàn con sóng”: vô số những tâm tư biến hoá liên tục.
“bờ”: nơi những tâm tư tìm thấy tri âm, ước vọng của chính nó.

Sóng: Một chân lý tình yêu được mở rộng ra thành chân lý của đời sống, rằng trong cuộc bể dâu, những tâm tư và ước vọng về lẽ phải, cái đẹp, tình yêu chắc chắn sẽ được hồi đáp.

– Chính chiêm nghiệm này đã hồi đáp cho câu hỏi ở khổ 4:

“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”.

Vậy lời hồi đáp ấy là gì? Như những con sóng-em sẽ cập bờ, những rộn rực, thăng trầm, những suy tư, hoài bão sẽ đến nơi nó thật muốn đến, chúng sẽ đến như một cách trở về (sau khi đã “Sóng tìm ra tận bể”), trở về trong chính tâm khảm, để tiếp tục “Dữ dội và dịu êm”, “Ồn ào và lặng lẽ”, trong niềm chân thành và dung dị nhất (đã không còn “Sóng không hiểu nổi mình”):

“Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”

(Xuân Quỳnh, “Tự hát”)

4. TIỂU KẾT:
– Quan niệm tình yêu trong đoạn thơ là gì?
Yêu là hướng về nhau, yêu là nỗi nhớ; thay vì tạo nên những vùng phân cực, chính nỗi nhớ mang lại niềm tin để bước đi, để tìm kiếm nhau trên cõi đời trái ngang.

Yêu là sự kết nối của những xúc cảm, ý thức mâu thuẫn nhau, chồng chéo nhau: vừa đồng hiện vừa tách biệt, vừa xa xăm vừa gần gũi, vừa vô định vừa là một phương để đi đến.

Anh là trái tim của Tổ quốc và anh là Tổ quốc của em.

– Hình tượng sóng trong đoạn này khác gì đoạn trên?
Sóng đã lan ra và chảy khắp mọi nơi, trở thành một sự biến hoá liên tục của tâm tư ngay trong khoảnh khắc hiện tại.

– Chiêm nghiệm về sóng: Sóng: một chân lý về tình yêu được mở rộng ra thành chân lý của đời sống, rằng trong cuộc bể dâu, những tâm tư và ước vọng về lẽ phải, cái đẹp, tình yêu chắc chắn sẽ được hồi đáp.
—————
suu tam
 
Từ khóa
chân lý về tình yêu quan niệm tình yêu song sóng bắt đầu từ gió tinh yeu xuan quynh
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top