Chia Sẻ  Tìm hiểu về khởi điểm của tiếp nhận văn học

Triều Anh
Triều AnhTriều Anh đã được xác minh
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Quá trình tiếp nhận văn học được diễn ra theo một cơ chế nhất định, kinh qua hệ thống tín hiệu thứ hai trong đại não, bạn đọc đã chuyển hoá được những kí hiệu của văn bản tác phẩm thành những ý tưởng, từ đó thể nghiệm được những tình cảm tư tưởng trong tác phẩm, có tác dụng gây xúc động và nâng cao tâm hồn của chính mình. Như thế, quá trình này, về đại thể cũng trải qua ba bước: khởi đầu, diễn biến và kết thúc với những hiệu quả nhất định. Cùng Triều Anh tham khảo chia sẻ sau:
C228BDEA-935F-430F-8FA6-D2F327E46B22.jpeg

Ảnh sưu tầm

1. Tầm đón nhận

Với tư cách là chủ thể tiếp nhận đối với bất cứ loại tác phẩm văn học nào, người đọc không bao giờ là một tờ giấy trắng thụ động, mà vốn có một “tầm đón nhận” được hình thành một cách tổng hợp bởi nhiều yếu tố. Trước hết là do thực tiễn sống và sự giáo dưỡng văn hoá, đã hình thành nên ở người đọc từ thế giới quan đến nhân sinh quan, từ thái độ chính trị đến khuynh hướng tình cảm và hứng thú thẩm mĩ. Nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính... cũng góp phần tác động đến tâm hồn người đọc. Nói chung, nữ giới thích những câu chuyện tình cảm tinh tế, còn nam giới lại thích những câu chuyện phấn đấu thành công trong lập nghiệp. Tuổi trẻ thường thích những câu chuyện kì ảo, thanh niên say mê những câu chuyện yêu đương, về già muốn được xem những chuyện nhân tình thế thái... Và cũng như trong sáng tác, vai trò của cá tính cũng rất to lớn trong việc hình thành tầm đón nhận của người đọc. Đó cũng là những sở thích, hứng thú riêng và đúng như Lưu Hiệp đã nhận xét: “Những người khảng khái thấy âm thanh hùng tráng thì liền vỗ tay. Những người hàm súc thấy những lời chặt chẽ tinh mật thì khoái trá. Những người trí tuệ nông cạn thấy câu văn đẹp thì đã sướng mê. Những người thích cái mới lạ đối với những việc kì quái thì nghe sốt sắng” (Văn tâm điêu long: “Tri âm”).

Tất nhiên, nên phân biệt giữa tầm đón nhận cá nhân với tầm đón nhận tập thể. Tầm đón nhận tập thể tiêu biểu cho một lớp người, một thế hệ, một lực lượng xã hội. Nó phản ánh và tổng hợp những nét chung nhất trong những tầm đón nhận của những cá thể trong từng phạm vi ấy. Nó cũng có thể biểu hiện tập trung ở tầm đón nhận của các nhà phê bình kiệt xuất, thái độ công minh chính trực, kiến thức uyên bác, năng lực thẩm văn sâu sắc mà tinh tế. Trở lại tầm đón nhận cụ thể, có thể thấy biểu hiện ở các mặt sau:

- Tầm đón chờ ý nghĩa: Bất cứ bạn đọc nào với bất kì tác phẩm văn học nào cũng mong muốn nó vừa biểu hiện, vừa củng cố và nâng cao tư tưởng, tình cảm, những hứng thú và sở thích phù hợp với lí tưởng của mình. Cũng có thể đó là sự khẳng định trực tiếp những cái chính diện, cũng có thể là gián tiếp qua sự phủ định những cái ngược lại. Đây là tầm đón bao trùm nhất, có tác dụng chi phối một cách vô tình hay hữu ý đối với các tầm đón cụ thể khác.

- Tầm đón chờ ý tưởng: Khi tiếp xúc với một hình ảnh trong văn bản tác phẩm, người đọc bao giờ cũng liên tưởng từ những kinh nghiệm và thể nghiệm vốn có của mình, để định hướng sự lí giải nội dung bên trong của nó. Đọc những hình ảnh trong thơ cổ như “thanh tùng”, “hàn mai”, “bạch liên”... người đọc có thể liên tưởng đến những nhân cách thanh tao, cương nghị... Một nét hình ảnh của Maxlôva đã được L. Tônxtôi miêu tả như sau: “Nàng chít khăn trên đầu, và rõ ràng là có ý để lộ một vài mớ tóc mỏng xoà trên trán... Đôi mắt đen, hơi mọng lên, nhưng vẫn lấp lánh sáng” (Sống lại). Lướt qua mấy dòng này, với sự từng trải, rất có thể một số người đọc sẽ liên tưởng đến một phụ nữ với cuộc đời bi đát nhưng không chịu khuất phục trước số phận...

- Tầm đón nhận văn loại: Dựa vào kinh nghiệm thưởng thức thể loại vốn có, đứng trước một cuốn tiểu thuyết, bạn đọc rất có thể liên tưởng đến một cốt truyện với nhiều tình tiết phong phú và hấp dấn, và một hệ thống nhân vật với những tính cách phức tạp mà sống động. Và khi mới tiếp xúc với một bài thơ trữ tình, người đọc liền chuẩn bị được thưởng thức những sắc thái trữ tình nồng thắm, cách sử dụng giàu hình ảnh và nhạc điệu...
Thật ra, câu chuyện về tầm đón, dựa trên kinh nghiệm và thể nghiệm vốn có này, còn biểu hiện ở nhiều lĩnh vực cụ thể và tế vi khác như về một phong cách, một bút danh, một tiêu đề, một lời đề từ, thậm chí cả việc trang hoàng ngoài bìa... Tất cả những thứ vô tình hay hữu dạng này, có khi rất bâng quơ, nhưng ít nhiều cũng góp phần làm nên cuộc “đối thoại” giữa những suy tưởng ban đầu của bạn đọc với nội dung được triển khai theo hình tuyến của văn bản tác phẩm.

2. Động cơ tiếp nhận

Không tách rời mà còn giao thoa với tầm đón nhận là động cơ tiếp nhận. Cuộc sống phong phú, văn học lại đa dạng, động cơ tiếp nhận của bạn đọc vốn đã không giống nhau, nhất là khi đứng trước tác phẩm cụ thể, lại càng khác biệt. Tuy vậy, có thể khái quát vào các mặt sau, mặc dù vẫn biết rằng không có chuyện thuần tuý ở đây.

Muốn được hưởng thụ và bồi đắp những tình cảm thẩm mĩ: Đây là động cơ toàn diện và phổ biến nhất. Đến với tác phẩm văn học, con người muốn được qua cách nhìn cao đẹp trong tâm hồn, của nhà văn, giúp mở rộng và nâng cao tâm hồn của mình, hướng về những cái cao đẹp hoàn thiện, biết rung động trước chân lí của thời đại, vận mệnh của đất nước, số phận của con người. Trong niềm xúc động và hưởng thụ đó, có sự thưởng ngoạn đối với cái đẹp của văn bản tác phẩm. Đó là sự chọn lựa và cấu trúc khéo léo những hình ảnh sinh động, những ngôn từ giàu sắc thái tình cảm và nhạc điệu...

Muốn được mở mang trí tuệ: Không ít người, nhất là trong những trường hợp nhất định, muốn qua tác phẩm văn học để hiểu biết thêm quy luật của lịch sử, bản chất của xã hội, các trạng thái đời sống của nhân loại cùng tri thức trong nhiều lĩnh vực khác. Mác, Ăngghen, Lênin... không phải chỉ, nhưng thường chú ý những nội dung văn học liên quan đến đời sống chính trị, nhất là với công cuộc đấu tranh cách mạng. Cũng có nhiều bạn đọc, vi nghề nghiệp chuyên môn của mình, nhất là các nhà khoa học, muốn qua tác phẩm văn học để tìm hiểu thêm về điển chương chế độ, phong tục tập quán, đặc sắc văn hoá của các quốc gia dân tộc trong những thời kì khác nhau...

Muốn được bồi dưỡng thêm về tư tưởng, đạo đức, lí tưởng: Trong cuộc sống, nhất là thời trai trẻ, con người luôn luôn băn khoăn muốn xây dựng một lẽ sống, một thái độ nhân sinh để mà kiên định suốt cuộc đời, hoặc là trong những va động lớn lao và phức tạp của xã hội, con người giằng xé trong nội tâm, như muốn tìm ra một lối thoát... Những lúc như vậy, con người thường muốn đến với tác phẩm văn học, nhất là những kiệt tác để tìm một lời giải đáp từ triết lí nhân sinh đến đạo đức đời thường...

Muốn học hỏi kinh nghiệm: Điều này thường thấy ở chính các nhà văn, nhất là những nhà văn trẻ, khi mới bước vào nghề, họ thường có ý thức học hỏi các bậc đàn anh, nhất là những nhà văn với những kiệt tác đã trở thành thần tượng một thời. Nhưng ngay những nhà văn đã có quá trình và thành tựu, thì bao giờ cũng thường nghĩ rằng, tác phẩm hay nhất của đời mình vẫn chưa được viết ra. Trong sự theo đuổi trọn đời đó, mặc dù ít nhiều không tránh khỏi cái thói “Văn mình vợ người”, nhưng trong thực tế, không những họ chú ý học tập các kiệt tác, mà còn quan tâm đến từng mặt thành công của các bạn đồng nghiệp, thậm chí còn không quên rút kinh nghiệm cả những mặt thất bại nữa. Không xa lạ với mục đích của những bạn đọc thông thường, nhưng các nhà văn thường có những mục đích nghề nghiệp riêng như vậy.

Đọc để phân tích, nhận xét, đánh giá: Đây là mục đích đọc của các nhà nghiên cứu phê bình. Mặc dù không có gì cản trở những động cơ của người đọc bình thường ở họ, nhưng do nhiệm vụ chuyên nghiệp, họ đến với tác phẩm, trên cơ sở cảm thụ, thưởng thức, sẽ mổ xẻ phân tích cấu trúc về hai mặt nội dung và hình thức của nó, sẽ liên hệ với hiện thực và ý thức của thời đại cùng những truyền thống của dân tộc và nhân loại, rồi nhận xét, đúc rút ra giá trị xã hội và thẩm mĩ, nhân sinh và văn hoá cùng vị trí của nó trong dòng chảy của văn học đương thời, cũng như trong cả lịch sử văn học dân tộc.

Thật ra các loại động cơ đọc nói trên không phải hoàn toàn biệt lập nhau, mà chỉ là những trọng điểm chú ý khác nhau mà thôi. Dù sao, với những trọng điểm khác nhau như vậy, người đọc sẽ tìm đến với những loại tác phẩm không hoàn toàn giống nhau, hoặc ngay đối với cùng một tác phẩm cũng sẽ tiếp cận với những phương diện có phần khác nhau. Tuy nhiên, những tác phẩm ưu tú, nhất là những kiệt tác, đều có thể thoả mãn tất cả những loại động cơ khai thác đó.

3. Tâm thế tiếp nhận

Ngoài tầm đón, động cơ ra, khi bắt đầu tiếp xúc với tác phẩm, còn có vẫn đề tâm thế nữa. Sống trên đời hàng ngày hàng giờ, con người thường trải qua những tâm trạng khái nhau, lúc vui, lúc buồn, khi hào hứng, khi lo âu, sảng khoái có, dằn vặt có... và chỉ nói riêng trong trường hợp đọc tác phẩm văn học mà thôi, thì tâm trạng ấy cũng muôn màu muôn vẻ, không phải chỉ lúc phấn khởi mới tiếp xúc với văn học. Có khi ngược lại, thấy quá chán chường cuộc đời, người ta lại tìm về với văn học. Tâm thế đọc, do đó rất phức tạp, tuy vậy có thể khái quát vào ba trạng thái chính yếu nhất: hân hoan, ức chế và tĩnh tâm. Hân hoan là trạng thái tinh thần phấn chấn, còn ức chế là chỉ tâm trạng buồn bực, ưu tư. Hiển nhiên là hai loại tâm thế này còn kéo dài trong suốt quá trình đọc hay không là chuyện khác. Siêu thoát cả hai tâm thế nói trên, tĩnh tâm là tâm thế thư thái, tự nhiên trong lòng, phù hợp một cách tối ưu với hành động đọc.

Tâm thế, tâm trạng con người, do một tập hợp nguyên nhân từ xã hội, thiên nhiên và cả nhân thân, chớ có quy kết vội nó chỉ là biểu hiện của tư tưởng và đạo đức. Đúng là xã hội có công bằng, sự nghiệp có thành đạt, quan hệ có tốt đẹp, gia đình có hoà thuận hay không, đều quyết định rất lớn đến tâm trạng sống của con người. Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt hay mưa gió thuận hoà, ngày xuân ấm áp hay những tháng đông giá buốt, trăng trong gió mát hay sấm chớp bão bùng... đều ảnh hưởng đến tâm thế con người. Và chính con người, già yếu hay trẻ khoẻ, ốm đau mệt mỏi hay khoẻ mạnh tráng cường... dù đã kinh qua sự điều chỉnh của ý chí, vẫn không thể không tác động đến tâm trạng. Nhưng dù là nguyên nhân nào, thì tâm thế, tâm trạng vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến việc đọc tác phẩm.

Đang trong tâm thế hân hoan, đọc một tác phẩm vừa thôi, cũng có thể xúc động phấn chấn. Ngược lại, với tâm thế ức chế, thì dù tác phẩm có hấp dấn bao nhiêu, cũng dễ lạnh nhạt, hững hờ, mà nếu đọc hết, cũng khó mà lĩnh hội hết cái hay, cái đẹp của nó. Tất nhiên, không phải là không có những trường hợp ngược lại, nhất là đối với những tác phẩm bộc lộ một tâm trạng đồng dạng. Người đang tương tư, âu sầu mà đọc Nỗi buồn của chàng Véctơ của Gớt thì sẽ thấm thía lạ thường, có khi còn vơi sâu đi rất nhiều. Ngược lại, một chàng trai đang tràn trề hạnh phúc trong yêu đương, hiển nhiên vẫn có thể muốn đọc tác phẩm này nhưng làm sao mà thông cảm hết cái đau khổ, cõi lòng tan nát của nhân vật. Chính vì những lẽ trên, mà tâm thế tĩnh tâm là điểm xuất phát tối ưu trong việc đọc tác phẩm, để thưởng thức nó gần đúng nhất với cái nó vốn có. Có điều không thể nào có trạng thái tĩnh tâm tuyệt đối được. Tâm thế thay đổi trong quá trình đọc là một điều hiển nhiên không những đối với trạng thái tĩnh tâm, mà cả với trạng thái hân hoan và ức chế, trừ phi đọc phải tác phẩm vô vị, nhạt nhẽo.

Liên quan chặt chẽ với nhau, những điều trình bày trên về tâm thế, động cơ và tầm đón, hẳn là hết sức dung dị, ai cũng thấy được. Nhưng vẫn đề là ở chỗ phải nhấn mạnh chúng để thấy rằng, người đọc không bao giờ là tờ giấy trắng, mà có đầy đủ những tiền đề, để làm nên tính năng động chủ quan của mình. Hiệu quả đọc, do đó, là muôn màu muôn vẻ, càng không thể trùng khớp với ý đồ của tác giả.​
.................................
Tài liệu ôn thi HSG 11
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
chủ thể tiếp nhận khởi điểm của tiếp nhận văn học kí hiệu của văn bản quá trình tiếp nhận văn học tâm thế tiếp nhận tâm thế đọc tầm đón nhận tình cảm thẩm mĩ ý tưởng động cơ tiếp nhận
729
3
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.