“Quê tôi con nước lớn ròng
Mang nhiều nhung nhớ trong lòng phù sa
Miền tây vốn tính thật thà
Con người chất phác đậm đà tình thương…”
Mang nhiều nhung nhớ trong lòng phù sa
Miền tây vốn tính thật thà
Con người chất phác đậm đà tình thương…”
Miền Tây hay vùng Tây Nam bộ là vùng đất hương phù sa châu thổ với vị “mặn chát” nhưng đầy ắp nghĩa tình. Nổi tiếng với các điệu hò lý dân ca ngọt ngào da diết. Nơi bình dị dung hòa với cuộc sống toàn là nước, hầu như nước có ở mọi nơi. Nơi tiếng cười vang vọng cả dòng sông.
Về miền Tây thương đất hè nắng nứt, thương đất vàng phèn mặn, thương những dòng sông mùa nước nổi mang phù sa về tưới tắm cho những cánh đồng lúa mới, mang cá tôm về làm mắm làm khô nuôi sống dân miền Tây trong những tháng mùa khô sau đó; thương những mái nhà lá lô nhô trong nước, thương đồng lúa chín gặt vội chạy cho kịp mùa nước nổi, thương bầy trâu lặn lội mùa “len”, thương đàn vịt đồng ốm nhom mùa nắng tới…
Về miền Tây thương con nước ngày hai lần nước lớn cho ghe xuồng đi xuống miệt ruộng vùng sông Hậu, nước ròng cho ghe xuồng đi lên miệt vườn trên những cù lao sông Tiền. Mùa nước nổi có xuồng “năm quăng” giúp bà con sinh sống. Thương chiếc xuồng len lỏi theo những rạch, tắt, cựa gà… khuất vào đám dừa nước rậm rạp rồi chợt hiện ra nhỏ nhoi đơn côi trong tiếng “bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…”. Thương những chiếc ghe thương hồ từ nhiều đời miệt mài xuôi ngược “buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”…
“Miền Tây ơi người về thăm đừng ngại
Đất hiền hoà cây trái đượm phù sa
Gái miền Tây đẹp duyên dáng mặn mà
Trai cần mẫn cho quê nhà no ấm…”
"Nụ cười hiền hòa và ấm áp tình người của con người miền Tây". Ảnh sưu tầm
Đất hiền hoà cây trái đượm phù sa
Gái miền Tây đẹp duyên dáng mặn mà
Trai cần mẫn cho quê nhà no ấm…”
"Nụ cười hiền hòa và ấm áp tình người của con người miền Tây". Ảnh sưu tầm
Bà con miền Tây sống vì cái tình cái nghĩa là chính. Cái “tình thiệt” hình như nó đã in sâu trong máu rồi. Hình ảnh quen thuộc nhất trong tâm trí tôi là “Hỏi đường” dù bạn đi lạc hay đang tìm đường, thì cứ hỏi bất kỳ ai, bà con sẽ chỉ một cách “nhiệt tình” nhất có thể hoặc họ không biết họ sẽ tìm người chỉ bạn. Có nhiều lần, ông bà nội hay lôi cả nhà ra chỉ để... chỉ đường người khác.
Sống bằng nụ cười để đổi lấy “mười thang thuốc bổ”. Thằng bạn hay hỏi tôi, “Tại sao người miền Tây mình cười nhiều vậy mậy?” Tôi bảo “Bởi vì họ gặp khách quý”, “Ai?”, "Là tao với mày đó”, rồi nó cười. Về miền Tây thương những xóm làng nghèo khó mà ấm áp tình người. Trưa vắng vẳng tiếng gà gáy lao xao trong vườn, ngọn khói bếp vẩn vơ trên tán xoài, cầu dừa chông chênh cô thiếu nữ thoát thoắt bước qua. Chiều xuống những bến nước ven con rạch ồn ào trẻ nhỏ, đờn bà giặt đồ trên chiếc cầu tre, đờn ông chạy ào xe máy trên đường mòn, bất chợt nghe tiếng ai kêu dừng lại gạt chân chống để đó ghé vô, có khi tới khuya mới quay ra, xiêu xiêu lên xe chạy tiếp về nhà…
Khắp mảnh đất hình chữ S, mỗi vùng miền sẽ chứa đựng mỗi văn hoá sống khác nhau. Nhưng ở cái đất hương phù sa này, nó đặc biệt bởi sự chất phác và mến khách như những vị khách quý đường xa.
“Dân quê lòng rộng mở
Thật thà và thân thương
Ai xa mà không nhớ
Một Miền Tây quê hương”
Thật thà và thân thương
Ai xa mà không nhớ
Một Miền Tây quê hương”
Tác giả: Lê Tuấn