Nhà Trong lòng tôi, quê hương thế là mất

Nhà  Trong lòng tôi, quê hương thế là mất

Vào những ngày cuối của tháng Tư, trời thường mưa, mưa to lắm. Tôi đi về trên đại lộ vắng hoe, những chiếc xe thưa thớt chầm chậm lăn bánh. Sài Gòn những ngày mưa thật buồn.
Từ Cộng Hoà, tôi rẽ vào Phạm Văn Bạch, đường ngập nước. Khó khăn lắm, tôi mới có thể bon chen giữa biển nước đen ngòm đó, đội gió, đội mưa trở về nhà, mệt nhọc sau một ngày vốn đã rất chật vật. Tôi có linh cảm rất không lành. Tôi biết về nỗi bất an đang nhen nhóm trong lòng nhiều hơn những gì tôi dám nghĩ đến. Những ngày tháng Tư ấy, lòng tôi trĩu nặng, có lẽ còn hơn cả mây trời. Tôi nhớ đến những buổi chiều trở về nhà thấy mắt mẹ đỏ hoe. Tôi biết, chắc hẳn mẹ lại vừa nhận được cuộc gọi từ quê: Ngoại tôi, đã yếu lắm rồi.
Trong buổi tối lạc lõng giữa cơn mưa Sài Gòn ấy, tôi bỗng dưng nhớ đến một câu trong đoạn trích thầy tôi đọc cho đội tuyển Văn của tôi hồi lớp 9: “Có lẽ, cuộc đời, chỉ mất một lần này thôi là mất tất cả rồi.” Tôi vẫn còn nhớ tựa đề của truyện ngắn đó: 50 tuổi mất mẹ. Ngày ấy, tôi chỉ thấy câu nói ấy cùng giọng đọc của thầy sao mà dằn vặt và tha thiết quá. Đâu ngờ, có một ngày thứ xúc cảm kia lại ùa về trong lòng tôi, trĩu nặng cùng những tiếng thở dài. Tôi biết, tôi sắp mất tất cả rồi.
Ngày Hai mươi chín tháng Tư, khi đang trong buổi phỏng vấn cho việc làm thêm của mình, tôi nhận được cuộc gọi từ Dì Chín, Dì bảo bà ngoại đang yếu lắm, sợ là không qua khỏi. Tôi chết lặng người, nhưng rồi vẫn cố gắng để hoàn thành buổi phỏng vấn, dù rằng đầu óc lúc ấy mù mịt và dường như tôi chẳng nhớ mình đã trả lời những gì. Tôi trở về nhà, những suy nghĩ ngổn ngang. Tôi cảm thấy trong lòng một nỗi sợ đeo bám dai dẳng, tôi nhìn sắc trời mù mịt và âm u, tôi thấy mình nhỏ bé như con chim sẻ bị mưa táp lấy trong cơn bão. Cơn bão lòng.
Tối ấy ba tôi đặt vé máy bay cho mẹ và tôi, chuyến bay lúc 6 giờ sáng hôm sau. Tôi lấy trong tủ chiếc vali đã lâu không dùng đến, xếp đồ đạc – những bộ quần áo màu trắng, và đen. Đêm, tôi cố gắng giữ cho lòng mình bình tâm, cố gắng để ngủ – với một ít thuốc an thần. Tôi đã cầu xin những thiên thần hộ vệ của mình rằng tôi nguyện đánh đổi tất cả những gì mình có, chỉ để được gặp Ngoại – còn sống. Hơn ai hết, tôi biết trực giác của mình đủ lớn để đoán được rằng phải có phép màu nào kỳ diệu lắm, Ngoại mới qua khỏi đêm nay. Nhưng tôi vẫn mong, vẫn tha thiết cầu khấn. Liệu có thiên thần nào đã nghe thấy tiếng nỉ non của tôi vào cái đêm định mệnh đó không?
Ba giờ sáng ngày Ba mươi tháng Tư, ngày lễ quan trọng của đất nước mà vốn gia đình tôi sẽ đi du lịch ở đâu đó. Mẹ tôi mở cửa phòng ngủ gọi tôi dậy, với một tiếng thở dài nặng ngực, mẹ nói: “Nhớ đem theo cái áo khoác màu trắng hay đen, Ngoại mất rồi, lúc hơn hai giờ”.
Tôi bình tĩnh đến lạ, tôi rời khỏi giường để đi đánh răng, nhưng khoảnh khắc nhìn thấy mình trong gương, tôi dường như sụp đổ. Tôi khóc, những giọt nước mắt đầy đau đớn và tuyệt vọng. Tôi đã sợ hãi cái tin này biết mấy. Kể từ khi là một đứa trẻ năm tuổi, tôi đã biết sợ, tôi sợ sinh ly tử biệt, tôi sợ người bà kính yêu của mình – với những nếp nhăn và đầu tóc bạc trắng – sẽ rời xa tôi trong một ngày không xa.
Và giờ, cái tin ấy đến trong một ngày của tháng Tư, một ngày trọng đại của đất nước.
Đó là chuyến bay nặng nề nhất mà tôi từng trải qua trong đời mình. Đôi mắt đỏ hoe của mẹ những khi âm thầm rơi nước mắt, những tiếng thở dài não nề, ánh mắt vô hồn nhìn xa xăm. Đó, tất cả những biểu hiện của sự mất mác và bất lực.
19 tuổi, tôi hiểu được thế nào là đau đớn của việc mất đi người thân yêu.
5548

Ảnh minh họa: Chuyến bay đưa tôi trở về trong ngày lễ trọng đại của đất nước
Những lần gia đình tôi về quê, Ngoại đều mong, đều ngóng. Vậy đó, tấm lòng của một người mẹ già có con sống xa quê, quanh năm cặm cụi thui thủi một mình rồi mừng rỡ khi nghe tin một ngày nó trở về. Cách ngày bà mất mấy hôm, tôi nghe Dì kể, Ngoại đã hỏi trong cơn mê man : “Con Hai khi nào nó về?”
Mẹ tôi là con gái út của Ngoại, cũng là người con mà Ngoại thương nhất. Còn tôi, tôi luôn tự hào vì mình là đứa con gái út của con gái út, tức cháu út của Ngoại, và nghiễm nhiên cũng là đứa quấn quýt và thương yêu Ngoại nhất. Tôi từng nghĩ mình là đứa rất yêu quê hương, vì cái mảnh đất cằn cỗi khắc nghiệt ấy dẫu chỉ gắn bó với tôi 7 năm đầu đời, song, tôi đã ghi vào lòng mình những hình ảnh tuyệt vời và hoài niệm nhất về nơi đã sinh ra mình. Vậy mà đến giờ tôi mới nhận ra, tôi yêu quê hương vì nơi đó có Ngoại. Trong cái tuổi thơ là một đứa trẻ mặt mũi lấm lem, sống xa bố mẹ cùng những ấm ức chẳng dám bày tỏ cùng ai, chỉ có Ngoại là những hoài niệm đẹp đẽ và dịu êm nhất của tôi những năm tháng ấy.

Tôi chợt nhận ra, cứ mỗi dịp hè đến, tôi háo hức được trở về quê, tôi thèm được nán lại quê hương có khi là ba tuần, có khi là một tháng không phải vì để rong ruổi khắp các cánh đồng hay chạy nhảy trên bờ những con kênh, mà là vì để gần Ngoại thêm một chút. Tôi nhớ, vào lần cuối được về với Ngoại cách đây hai năm, ba mẹ đã gọi giục tôi vào thành phố để không bỏ lỡ quá nhiều những buổi học ở trung tâm Tiếng Anh. Lúc đó tôi khóc, tôi nức nở và lần đầu tiên, tôi nói với mẹ rằng: “Con muốn ở lại với Ngoại thêm vài hôm nữa, con sợ lần tới về quê, không còn có Ngoại.” Khoảnh khắc đó, dường như tôi và mẹ có với nhau một sự kết nối mạnh mẽ, bởi trái tim nhạy cảm, bởi yêu thương dạt dào dành cho Ngoại. Tôi thấy mắt mẹ cũng rưng rưng...

Tôi đặt chân xuống sân bay Đà Nẵng, lần đầu tiên với không một sự hào hứng hay trông chờ. Nếu là những lần trước trở về quê, hẳn tôi đã lâng lâng vì hạnh phúc, vì sắp được nhìn thấy những cung đường quen thuộc, cái mùi nắng hè thơm ngát giòn tan phơi trên đồng lúa chín và cả gương mặt thân thương mà tôi hằng mong được gặp, được ôm, được hôn.
Chiếc taxi dừng lại ở căn nhà từng ngập tràn những kỷ niệm của tôi hồi bé thơ, tôi thấy mẹ vội vứt hành lý vào một góc rồi rảo bước, những bước chân vội vàng gấp rút. Tôi bước theo mẹ, nheo mắt nhìn vào căn nhà treo những mảnh vải tím đang phất phơ trong gió.
“Sao má không chờ con về.” Câu nói đầu tiên mà mẹ tôi cất lên, cùng với tiếng nấc nghẹn ngào khi nhìn thấy Ngoại tôi nằm đó, mắt nhắm nghiền. Thì ra đây là tử biệt, thì ra đây là âm dương cách trở. Ngoại vẫn ở đó, chỉ là không đợi được mẹ con tôi trở về.

5549
Ảnh minh họa: Quê hương tôi trong ngày tiễn Ngoại về với đất
Ba ngày tang lễ, tôi, mẹ và Dì đều túc trực bên giường Ngoại. Đó là những ngày tồi tệ nhất mà tôi biết ở quê hương mình: chẳng có gì ngoài những gương mặt u sầu cùng với không khí tang thương. Một buổi chiều trước ngày trở về thành phố, nằm ở một góc giường nhà Ngoại, tôi nhìn từng đồ vật, từng khung cảnh. Dường như ở nơi nào cũng nhìn thấy hình bóng Ngoại, cái dáng dấp chống gậy đi từng bước nặng nhọc mới thương, mới xót xa biết mấy. Trái tim tôi dường như run lên vì nhớ, vì thèm nghe giọng nói và cái nhìn âu yếm của Ngoại. Tôi chợt nhận ra, đã bao lâu nay, tôi chưa từng ôm hôn Ngoại, cũng chưa từng nói rằng tôi thương Ngoại biết nhường nào. Ngôi nhà vẫn như xưa, chỉ là mang một vẻ cũ kỹ đượm buồn vì thiếu vắng bóng người. Ngoài vườn, đám rau lan mà tôi trồng hồi hai năm trước vẫn còn vài dây vùi trong đất, đám rau này Ngoại đã hái ăn bao lần trong hai năm qua, tôi đã được nghe kể như thế. Khu vườn giờ đây chẳng còn bao nhiêu sinh khí, cây xoài trơ trụi lá, giàn mướp cũng héo vàng. Và có lẽ từ nay về sau, cũng chẳng bao giờ tôi tìm được cho mình một chút yêu thương nào trong ngôi nhà đã không còn hình bóng của người mà tôi hằng mong nhớ nữa.

Chiều hôm ấy, tôi khóc. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ có biết con giống mẹ nhất ở điểm nào không?”

Con thương Ngoại, giống như mẹ thương Ngoại. Con không biết vì sao, nó giống như một sự kế thừa tình cảm. Từ nhỏ, con đã cảm thấy mình thương Ngoại và quấn quýt Ngoại hơn hẳn những người cháu khác. Khi đi chơi, dù vui, cũng ráng về nhà sớm vì sợ Ngoại đợi. Dù bình thường con là một đứa lười biếng và vụng về, vậy mà khi ở với Ngoại lại dậy sớm, đi chợ, nấu ăn, quét tước dọn dẹp mọi thứ vì muốn trong khoảng thời gian ít ỏi có thể để Ngoại nghỉ ngơi nhiều hơn. Bao năm nay, con vẫn sợ Ngoại mất. Con đếm từng tháng, từng năm và mong cầu Ngoại được sống, để nhìn thấy con trưởng thành, để chứng kiến đứa con út của đứa con út mà Ngoại yêu thương lớn lên và có một mái ấm riêng. Ngoại thương con, vì con là con của mẹ. Nhưng con thương Ngoại, vì Ngoại là người đầu tiên và duy nhất cho con biết thế nào là tình thương của một người bà dành cho đứa cháu nhỏ của mình.

Những người con xa quê thường ngóng trông ngày được trở về quê hương, nhưng với tôi, quê hương ấy đã mất đi rồi. Tôi quên mất hình dáng quê hương mình năm tôi 19 tuổi, tôi bỏ về thành phố, bỏ lại quê hương, bỏ lại Ngoại.

Mất Ngoại, tôi chẳng còn cảm thấy những cảnh vật đó đẹp đẽ và sống động như nó đã từng. Mất Ngoại, tôi nghĩ về những mùa hè năm sau, năm sau nữa, liệu còn điều gì đủ lớn lao để thúc bách trái tim tôi mong ngóng được trở về?
“Có lẽ, cuộc đời, chỉ mất một lần này thôi là mất tất cả rồi.”
Tác giả: Hoàng Thị Kim Hoa


 
662
0
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.