Truyện ngắn: Người mẹ kế

Truyện ngắn: Người mẹ kế

Truyện ngắn: Người mẹ kế

Lúc chị đi tới bờ sông thì trời đã tối hẳn. Lần này chị nhất quyết đi thật. Không thể chần chừ thêm được nữa. Dẫu sao chị cũng chỉ có một lần sống, làm sao chị có thể bị đày đọa đến hai lần. Đời chị còn gì đâu để mất với thiên hạ. Ai cười mặc họ. Ai trách cũng mặc họ. Đi khỏi khúc sông này, chị bỏ lại đường sau lưng những đau khổ dai dẳng của kiếp người bạc phận.

Dòng sông vẫn êm ả trôi. Thỉnh thoảng có những tiếng hú rợn người vọng ra từ cánh đồng ngô. Chị thoáng rùng mình. Ở khúc sông này, nhiều năm trước từng có một người đàn ông lực lưỡng, thô kệch nhảy xuống cứu chị thoát khỏi dòng nước xiết.

**

Đêm ấy, Quyền dắt theo người phụ nữ chừng ba mươi tuổi về nhà. Người chị ướt sũng, đầu tóc rũ rượi, mặt mũi nhợt nhạt xanh lét trông chẳng còn sức sống. Bà cụ Thái - mẹ Quyền lọm khọm bước ra bậu cửa. Bà sững sờ khi nhìn thấy hai người trước mặt. Mắt bà dán chặt vào cái thân thể đang run bần bật vì lạnh.

“ Cháu chào bác…cháu..cháu”.

Người phụ nữ thều thào cất tiếng rồi ngất lịm xuống dưới nền sân gạch. Hai mẹ con Quyền hoảng hốt mang chị vào giường. Lúc chị tỉnh dậy, trời đã tang tảng sáng. Bà cụ Thái nhìn chị mỉm cười. Khuân mặt bà nhăn nhúm hằn lên những nếp già nua chằng chịt. Mấy năm rồi kể từ khi con dâu bà qua đời bà mới lại nở nụ cười tươi tắn như thế.

“ Cô đã tỉnh rồi đấy ư? Đêm qua, cô sốt cao làm chúng tôi sợ chết khiếp”.

“ Dạ, cháu làm phiền bác với anh quá”.

“ Thế cô ở đâu, làm sao ra nông nỗi này?”.

Chị im lặng. Trong cơn xúc động, chị nhìn chòng chọc vào bức tường loang lổ những vệt sơn đỏ gạch. Làn gió ban mai thổi xuyên qua rèm cửa sổ, truờn lên khuân mặt góc cạnh của người phụ nữ tuổi băm. Dường như nó giúp chị tỉnh trí hơn. Rồi chị kể. Bà cụ Thái ngồi trầm tư trên chiếc ghế đẩu. Thỉnh thoảng bà ngoảnh mặt đi chỗ khác để tránh tia nhìn mỏi mệt của chị.

**

Người phụ nữ tên Liên. Người làng Triều Hội. Thủa còn là thiếu nữ, chị có nhan sắc nức tiếng trong vùng. Khuân mặt trái xoan, mái tóc dài đen nhánh lúc nào cũng thơm thơm mùi bồ kết. Năm Liên tròn hai mươi tuổi, chị gặp người đàn ông khá giả chuyên buôn bán đồ nội thất trên phố huyện. Chẳng biết người đó có ma lực gì đã khiến trái tim người con gái đẹp ngã vào lòng như những quân cờ Đômino. Ngày chị lên xe hoa, có người xuýt xoa bảo:“ Chao ôi, rõ là số sướng”. Cũng có người trầm tính hơn chép miệng: “ Chắc gì đã sướng, các cụ chẳng bảo hồng nhan bạc phận đó thôi. Biết thế nào mà lần.”.

Liên có thai, chồng chị mừng ra mặt. Ai mách ăn thứ gì tốt cho sức khỏe anh đều tìm mua về cho vợ. Một tháng, hai tháng, ba tháng. Cục thịt nhỏ cứ lớn dần trong bụng mẹ. Rồi bỗng đâu cơn đau bụng dữ dội khiến chị tưởng như trời đất đang sụp xuống. Chị sẩy thai. Liên đau đớn khóc rống lên trong phòng cấp cứu. Bác sĩ bảo chị bị thấp dạ con, dù có mang thai cũng khó lòng giữ được. Nhưng chị không tin vào điều nhảm nhí đó. Bản năng làm mẹ thôi thúc Liên muốn có con, nhất định phải đẻ cho được một đứa.

Sau lần ấy, Liên có thêm những lần đậu thai nữa. Có điều, thai được vài tháng lại sẩy. Chồng chị mất hết kiên nhẫn. Rồi anh có con với người phụ nữ khác. Liên giận dữ quyết tìm cho ra “ con hồ ly tinh” cướp chồng mình. Vừa trông thấy tình địch, chị định xông vào đấm đá, giật tóc người phụ nữ đó cho hả lòng hả dạ. Ý định mới chớm trong óc, Liên bị cô ta rủa: “ Cái loại đàn bà không biết đẻ còn già mồm”. Lời nói như xát muối vào tận tim gan. Chị không giận cũng chẳng buồn oán trách. Trái tim chị đã rã nát theo linh hồn của những đứa con chưa kịp chào đời. Mất nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, cuối cùng chị quyết định ly hôn.

**

Năm tháng trôi qua. Liên sống một mình trong căn nhà hai gian bố mẹ dựng tạm. Có người ác miệng bảo : “ Nó rồi cũng thành bà cô thôi. Rước về làm gì cho khổ”. Chị giận tím mặt. Nhưng biết làm sao. Miệng của thiên hạ, có phải miệng mình đâu mà bịt lai được. Nghe ai mách ở đâu có trẻ bị bỏ rơi, Liên đều lặn lội đến tìm. Lần nào chị cũng đi tới mấy ngày rồi lại về không. Chẳng lẽ ông trời không thấu cho nỗi đau của chị? Con đẻ đã không có được thì cũng phải để cho người ta có con nuôi chứ?. Đằng này…thật là rõ khổ.

Một buổi tối, chị lang thang ra ngoài bờ sông. Dưới ánh trăng lấp lánh , bóng cây dại ven bờ đổ bóng xuống mặt nước vẽ lên những hình thù kì quái. Liên dán mắt vào chúng. Bỗng dưng chị trông thấy những khuân mặt trẻ con xinh xắn, bụ bẫm đang toe toét cười với mình. Chị cười vui sướng nhảy tõm xuống nước những mong được ôm hết chúng vào lòng mà hôn, mà cưng nựng, bế ẵm. Dòng nước xiết ngập đến chân, đến hông rồi lên tận cổ. May sao có một người đàn ông tới kịp.

**

Bà cụ Thái buông một tiếng thở dài nặng nề. Bất giác, trong lòng bà dâng lên niềm thương xót tận cùng. Đời bà khổ nhiều nhưng cũng chẳng đến nỗi khốn khổ như người phụ nữ trước mặt. Một thời gian sau, bà cụ Thái hỏi cưới Liên cho thằng con trai. Rổ rá cạp lại cũng coi như có vợ có chồng để đi hết kiếp nhân sinh với người ta. Quyền tuy không vui nhưng cũng không dám trái ý mẹ. Tuy thế, bà cụ cũng không khỏi lo lắng. Con bé Hoa mới lên năm tuổi, liệu nó có chấp nhận một người phụ nữ khác làm mẹ mình không? Vả lại, Liên có thương nó không? Nghĩ đi nghĩ lại, bà tặc lưỡi: “ Thôi kệ, dù gì con Liên cũng không sinh nở được, nó chắc phải thương con bé thôi”.

Từ ngày làm vợ Quyền, chị nghiễm nhiên trở thành mẹ của bé Hoa. Bữa cơm đầu tiên, có món gì ngon chị đều gắp cho con bé. Suốt buổi, Liên chẳng dám ăn uống gì nhiều. Chị hồi hộp chờ đợi được nó gọi một tiếng mẹ thiêng liêng.

“ Bà ơi, xới cơm cho cháu”.

Hoa cất tiếng gọi. Bà cụ Thái mỉm cười móm mém, khẽ xoa nhẹ lên đầu cháu bảo:

“ Con đưa mẹ xới cho. Bà có tuổi rồi có thấy nồi cơm ở đâu mà xới”.

Con bé nhăn mặt, giãy nảy cả người lên tru tréo:

“ Cô đó không phải mẹ con. Không phải đâu”.

Hoa còn nói nhiều thêm nữa nhưng tai Liên đã ù ù như thể bị ai đó đấm mạnh vào. Chị ngồi lặng trên ghế, nước mắt rơi từng giọt, từng giọt xuống má, xuống cổ rồi xuống cả bát cơm trước mặt. Mà cũng phải thôi, chị không mang nặng đẻ đau nó thì lấy quyền gì bắt nó phải gọi mình thế này thế kia. Ngày tháng còn dài rộng, biết làm sao để con bé hiểu cho tấm lòng của chị đây?.

**

Ngày Hoa vào lớp một. Liên dậy từ lúc trời còn tối thẫm. Chị lục tục dưới căn bếp nhỏ. Đĩa xôi lạc, muối vừng con bé thích ăn nhất chị đã để sẵn lên bàn. Rồi giày bệt có thắt nơ hồng xinh xinh ở giữa, rồi bộ váy màu trắng xúng xính có đăng ten màu xám, chiếc khăn quàng đỏ, chiếc cặp có hình con mèo máy Đôremon…Tất cả những thứ cần thiết Liên đều cẩn thận chuẩn bị cho con. Sáng sớm, người làng trên xóm dưới í ới gọi nhau đưa con đi học. Chị hồi hộp. Trong khi con làm vệ sinh cá nhân, chị lựa cho mình một bộ quần áo đẹp nhất để vận vào người.

Lúc bố con Quyền dắt xe ra khỏi cửa, Liên lật đật đi theo sau. Nhìn thấy chị, con bé túm lấy vạt áo bố lối càu nhàu: “ Con không thích cô đó đi với bố con mình đâu. Cô đó, không đi dâu, không đi”. Chị rơm rớm nước mắt nài nỉ : “ Hoa cho mẹ đi cùng hai bố con ngày hôm nay thôi mà, mẹ nhìn thấy con vào lớp rồi mẹ về ngay ”. Con bé nhảy lên xe rồi ra sức đẩy bố nó về phía trước. Quyền nhìn chị mặt đanh lại như đá quát: “ Nó bảo không đi thì đừng đi nữa. Có gì hay hớm đâu mà đòi đi”. Nói xong anh rú ga thật mạnh đi mất dạng, những đụn khói đen kịt phả vào mặt Liên khiến chị ho sù sụ. Bóng hai bố con xa khỏi tầm mắt, chị ôm mặt khóc. Nước mắt ràn rụa lấm lem hết cả khuân mặt. Đứng trên bậc thềm, bà cụ Thái tâm trạng rối bời. Bà nửa muốn chạy đến an ủi đứa con dâu tội nghiệp, nửa muốn bước vào nhà để khỏi phải trông thấy cảnh chua xót ấy.

Bà cụ lẩm bẩm: “ Biết làm gì đây. Cũng tại mình cả. Đời nó khổ một lần. Tưởng đâu con mình, cháu mình biết thương nó. Ai mà ngờ được. Thật rõ khổ…”.

**

Khi trong nhà chỉ có Liên, con bé chẳng bao giờ nói lấy nửa lời. Nó đi ra đi vào như cái bóng. Cần gì nó tự lấy. Quần áo, giày dép đến cả sách vở chị mua nó cũng chỉ sử dụng đúng một lần rồi quăng hết ra ngoài vườn. Chị hỏi thì con bé câng mặt lên bảo:

“ Cháu không thích đồ cô mua ”. Mỗi lần như vậy, lồng ngực chị đau tức tưởng không thở nổi. Phải chi nó là máu mủ của chị thì hẳn chị đã quất cho nó vài roi vào mông rồi. Làng trên, xóm dưới bà mẹ nào cũng được cái quyền ấy. Chỉ chừa mình chị thôi.

Có hôm, Quyền đi vắng đúng vào ngày họp phụ huynh. Con bé tha thẩn khắp trong nhà, ngoài ngõ. Liên hỏi nó cũng không trả lời. Bất quá, con bé phải nhờ đến bà nội. Nó phụng phịu túm lấy vạt áo bà cụ Thái nói nhỏ: “ Bà đi họp phụ huynh cho cho cháu nhé. Bà cụ bỏm bẻm nhai trầu mỉm cười đồng ý. Hôm đó, đang bữa cơm chiều bỗng đâu con bé đùng đùng lao hẳn vào mâm cơm la lối om sòm: “ Bà nội, tại sao cô đó lại đi họp phụ huynh cho con. Bà nói dối con. Con ghét cô đó”. Chồng Liên giữ im lặng. Đó vẫn luôn là thói quen của anh mỗi khi con bé càu nhàu về chị. Bà cụ Thái gượng cười dỗ dành cháu theo những kiểu mà bà có thể nghĩ ra được.

“ Sao con nỡ nói mẹ như thế hả con?.” Liên chỉ nói được như vậy rồi ngồi trơ trơ như tượng đá.



Lâu dần, Liên cũng quen với cung cách cư xử của con bé. Có lúc chị quên bẵng khao khát được làm mẹ. Chị chỉ cầu trời thương lấy đứa con gái tội nghiệp mất mẹ từ nhỏ mà phù hộ cho nó mạnh khỏe, học hành giỏi giang. Nó muốn gọi chị là gì chị cũng mặc. Chị vẫn thương nó như thể con bé trồi ra từ bụng mình. Ở trường có hoạt động gì tốt cho sức khỏe chị đều mượn uy của chồng bắt nó phải tham gia. Nào chạy đường dài, tập võ. Nào tập bơi. Ban đầu con bé làm mình làm mẩy, chống đối kịch liệt nhưng dưới sức ép của bố, nó cũng tập tành đâu vào đấy.

Một đêm, gió đông se se lạnh thổi vào buồng ngủ của vợ chồng Liên. Chiếc rèm cũ khẽ động cựa. Liên trằn trọc, hết nằm lại ngồi. Tiếng sột soạt văng vẳng bên tai làm chồng chị thức giấc. Mặt anh nhăn nhó, mắt trợn trừng nhìn chị. “ Không ngủ thì để cho người ta ngủ chứ”. Liên giật thót người co rúm ró. Từ ngày làm vợ Quyền, hiếm hoi lắm hai vợ chồng mới gần gũi. Mà lần nào anh cũng làm thật nhanh như thể sợ ai rình mò. Không âu yếm, không cưng nựng. Chồng chị cứ hừng hực như trâu húc mả. Anh làm gì có tình yêu với chị. Anh lấy chị vì bà mẹ già đó thôi. Trách sao bây giờ. Chẳng thế mà con bé Hoa bao nhiêu lần hỗn láo với chị, anh cũng chỉ nhắc sơ sơ lấy lệ. Trừ bà mẹ chồng già cả, nhớ nhớ quên quên thì hai bố con họ về cùng một phe. Thế thì chị còn biết làm gì được.

“ Mình, mình..ơi”. Giọng Liên run run nói khẽ.

“ Gì?”

“ Em muốn bàn với mình một việc. Nhưng, em, sợ, mình, không cho.”

“ Có gì nói đi để đây còn ngủ”.

“ Cái Hoa cũng đã lớn rồi. Nó chắc cũng muốn có thêm em cho vui cửa vui nhà. Em tính vợ chồng mình đẻ một đứa coi như là cho em có một mụn ….”

“ Cô bị điên đấy hả? Đẻ bao nhiêu lần rồi có được đâu mà đòi đẻ nữa. Tôi không muốn chị làm khổ nòi giống của tôi. Chẳng thà tôi đi kiếm ở ngoài còn thành con thành cái mà nuôi”.

Liên đanh mặt nhìn chồng. Chị ước có thể cào xé người đàn ông nằm cạnh. Chẳng lẽ chị lại viết đơn ly hôn để anh tự do tìm người phụ nữ nào đẻ được. Dẫu sao, anh vẫn phải có một đứa con trai để nối dõi tông đường. Chị cứ khư khư giữ anh như thế này chẳng phải ích kỉ lắm sao. Nhưng ly hôn thì dân làng họ cười vào mặt chị chứ hay ho gì. Lại còn bà mẹ chồng già cả, đau yếu quanh năm và đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Nó không coi chị ra gì thì chị cũng không nỡ mà bỏ nó. Đầu óc chị căng thẳng tột độ. Tâm trí rối bời.

Con Hoa bước vào tuổi mười sáu. Nó lớn phổng phao trông thấy. Có người rỉ vào tai Liên: “ Khéo mà bảo ban nó, ở tuổi này một là thành người hay là thành ngợm đấy .” Chị chẳng biết con bé thành cái giống gì chỉ thấy suốt ngày nó đi theo mấy đứa choai choai, tóc xanh tóc đỏ, móng chân móng tay lòe lòe loẹt loẹt. Quần ngắn tũn, áo không hở trên thì cũng hở dưới. Chị đã bảo ban con rồi đấy chứ. Lời nặng nhẹ, lời phải trái chị đều nói hết cả. Chỉ có da thịt nó là chị chưa đụng tới thôi. Nhưng lần nào chị nói nó cũng hếch miệng lên cãi phăng: “ Cô có phải mẹ cháu đâu mà lắm mồm thế.” Chồng chị đi làm xa chẳng mấy khi về nhà, mà nếu có về anh cũng mặc kệ. Chị nhắc khéo thì anh đằng hắng bảo : “ Kệ cha nó. Con gái là con người ta. Nó ở với mình đâu mà phải nói nhiều”. Liên nuốt khan cục tức trong lồng ngực. Chị căng óc nghĩ ngợi: “ Con Hoa chỉ nghe mỗi lời bố nó, giờ anh nói vậy thì nó còn xem ai ra gì. Rồi nó cũng hư mất thôi.”

**

Đột nhiên con bé bỏ đi khỏi nhà. Nghe đâu có đám bạn trên mạng xã hội rủ đi phượt. Liên cuống cuồng đi tìm khắp cùng làng ngõ xóm. Lòng chị hoang mang bấn loạn hết cả. Chị giấu nhẹm chuyện con bé bỏ nhà với chồng. Anh mà biết thì chị chỉ có nước chui xuống đất mà sống. Bà cụ Thái nằm liệt trên giường, hễ nghe tiếng con dâu ngoài cửa bà lại hỏi dồn: “ Con Hoa nó về chưa? Làm sao mà đến nông nỗi này hả trời. Nhỡ may, nó bị, nó…”. Bà òa lên khóc. Rồi bà bắt con dâu đỡ dậy. Bà phải đi tìm cô cháu gái. Nhưng Liên vừa nâng đầu bà lên khỏi gối thì bà đã kêu đau nhức không thể cử động được. Bà nằm một chỗ và không thôi lẩm bẩm trong cửa miệng. “ Cầu xin trời phật phù hộ cho cháu tôi. Đứa cháu tội nghiệp của tôi”.

Liên bỏ nhà bỏ cửa đi khắp những nơi con Hoa thường đến. Nào là bạn học thân thiết, bạn quen sơ sơ, bạn cùng xóm rồi đến từng nhà họ hàng hang hốc nội ngoại. Chẳng ai biết tung tích con bé ở đâu. Chân chị sưng vù, nhức buốt. Những nơi chị có thể đến tìm thì chị cũng đi cả. Biết nó đang ở chỗ nào? Nó có hiểu cho nỗi thống khổ của chị không? Từ ngày cái Hoa bỏ đi, đêm nào Liên cũng khóc. Ai gọi điện đến, tay chân chị run lẩy bẩy như bị sốt rét. Nhỡ may họ bảo con bé bị làm sao thì chị không sống nổi. Những lúc quẫn trí, chị đi đến bàn thờ mẹ đẻ con bé thắp nén nhang cầu xin vong linh người đã khuất phù hộ độ trì cho nó được bình an. Mười một năm trời sống cùng nhà với con bé dẫu chưa lần nào nó gọi chị bằng mẹ, chị cũng không mảy may oán trách.

Một ngày, hai ngày rồi ba bốn ngày trôi qua con Hoa vẫn chưa về. Liên như ngồi trên đống lửa. Đến nước này thì chị không thể giấu chồng được nữa. Chẳng may nó làm sao thì chị ân hận suốt đời. Liên nén nỗi sợ hãi, ép chặt nhịp thở vào lồng ngực để báo tin cho chồng. Chưa kịp dứt lời, đầu dây bên kia nổi cơn xung thiên đến độ nếu chị có ở đó chị khó thoát khỏi một trận đòn roi.

**

Kỳ thực, con Hoa đi đúng năm ngày. Lần ấy, đám bạn trên facebook rủ nó đi chơi trên đồi thông cách nhà chừng vài chục cây số. Lúc đầu, chúng rủ nhau tụ tập tại nhà của một đứa con trai gần đó. Người này mời uống rượu, người kia mời uống bia. Con bé uống cạn sạch. Thấy nó khùng khùng, ăn nói bậy bạ, cha mẹ thằng con trai tỏ vẻ bực bội. Bà mẹ xưng xỉa mặt mày nói như quát: “ Cháu mau thu xếp ra khỏi nhà bác ngay. Con gái con nứa không có giáo dục gì cả”. Hoa loạng choạng, mặt đỏ bừng. Nó muốn tru tréo lên như đã làm với bà mẹ kế. Nhưng đây không phải cô Liên. Ăn thua với người ta thì nó không có đường để về. Nó loáng thoáng nghĩ như vậy và ấm ức bỏ đi. Đám bạn đi cùng bị cấm cửa đồng loạt. Thế là nó chơ vơ. Mười sáu tuổi. Lần đầu tiên con bé đi ra khỏi vùng quen thuộc. Tiền mang theo người đã bị đám bạn lột sạch. Nó muốn gọi điện về nhà. Nhưng gọi ai đây? Bố ư? Bố chiều nó thật nhưng sẽ đánh nhừ tử nếu biết nó trốn nhà. Gọi mẹ kế ư?. Hay gọi bà?. Cũng không được. Thế rồi có một người đàn ông trông thấy Hoa lơ ngơ láo ngáo ngoài đường. Hắn lấm lét nhìn con bé. Hắn cười tươi rói bảo : “ Cháu gái muốn đi đâu chú chở đi?”. Hoa mừng quýnh. Nó vẫn hơi say. Con bé nhắm nghiền mắt nói:

“ Chú cho cháu đi lên đồi thông”.

“ Đồi thông?”.

Ý nghĩ nào đó trượt nhanh qua đầu hắn.

**

Đồi thông nằm cách xa mặt đường chừng năm cây số. Nó là một khu đồi thấp được người dân trồng nhiều cây thông để chắn gió từ bờ biển phía dưới. Thỉnh thoảng cũng có vài ngôi nhà cấp bốn nằm ở lối ra vào. Hoa được người đàn ông chở xe máy vào sâu trong đồi. Đến chỗ vắng, hắn đặt con bé xuống mặt cỏ. Hoa trợn tròn mắt. Dường như nó lờ mờ ý thức được điều gì sẽ xảy đến. Đám con gái mắt xanh mỏ đỏ hơn nó vài tuổi có lần đã dạy đời: Mẹ kiếp, bọn đàn ông là một lũ không ra cái gì hết. Nó mà đè mình xuống đất thì nó chỉ muốn được chui tọt vào thôi. Mặt Hoa biến sắc. Toàn thân nó mềm nhũn chẳng khác những sợi bún thiu.

Người đàn ông đó bắt đầu cảm nhận sự rộn rã, nhồn nhột trong người. Hắn nghĩ: Có con thỏ non ở đây mà không đánh chén thì phí một ngày đẹp trời. Hắn nhìn Hoa đang chết khươm trên đám cỏ may rồi ném một nụ cười méo xệch. Hoa run rẩy tột độ. Trong khắc chết của thời gian, con bé chợt nghĩ đến Liên. Nó muốn về nhà, muốn nằm trên chiếc giường có đệm dày mà Liên mới mua tháng trước. Bụng Hoa lạo xạo, cả đống nước trào ngược lên miệng và muốn xộc ra ngoài. Rồi nó nôn thốc nôn tháo. Người đàn ông nhăn mặt định rủa vài câu thì đã nghe con bé lên tiếng: “ Cháu , cháu muốn đi vệ sinh”. Hắn chẳng thể làm gì được với yêu cầu chính đáng ấy. Dù sao thời gian vẫn còn ối. Hắn đợi.

Hoa run rẩy nhìn hắn nhưng bản năng thôi thúc nó phải trốn chạy. Chẳng phải nó từng đoạt giải nhất chạy việt dã đó ư. Nó tin mình thoát được. Toàn bộ tâm trí, Hoa dồn vào việc chạy khỏi nơi này. Con bé đi được vài bước lại ngoái cổ nhìn người đàn ông. Hắn hiểu cả. Và hắn như con hổ đói lâu ngày lao nhanh về phía Hoa. Con bé trợn mắt, lấy hết sức bình sinh đá thật mạnh vào bộ hạ của hắn. Hắn đau đớn kêu ré lên. Hắn định chồm lên người Hoa lần nữa, có lẽ con bé đã tỉnh rượu, nó quay ngoắt người về phía sau chạy thục mạng theo con đường mòn mà hắn đã dẫn vào. Hoa chạy. Cứ thế nó chạy ra khỏi ngọn đồi.

**

“ Cô làm mẹ kiểu gì vậy. Có mỗi đứa con cũng không dạy nổi. Bây giờ cô bảo tôi đi tìm nó ở đâu?”. Quyền giận dữ, mắt đỏ lòm quát tháo. Nằm trên giường, mẹ chồng chị cố nói thật to để át tiếng thằng con trai: “ Mày mắng chửi nó thì có lôi con Hoa về đây được không? ”. Quyền tức khí ném hết xoong nồi, bát đĩa ra ngoài sân rồi để trần nửa thân trên đi ra khỏi nhà. Liên muốn khóc, chị ép chặt đôi mắt sưng vù mong sao có giọt nước mặn chát nào đó rỉ ra. Như thế chị bớt cảm giác đau đớn. Nhưng nước mắt cũng chai lỳ như cái thân thể rã rượi của chị. Mười một năm làm lẽ, mười một năm mang tiếng làm mẹ. Cho đến cuối cùng cái chị nhận được là những tổn thương không thể bù đắp. Giá ngày đó chị xanh cỏ bên dòng sông cùng với những đứa con trong tưởng tượng thì hẳn chị đã hạnh phúc biết nhường nào.

**

Rồi con bé cũng có mặt ở nhà. Liên sững người nhìn bộ dạng thất thểu, phờ phạc của nó. Đứa con gái cao ráo, xinh xắn của chị đây ư?. Chị suýt không nhận ra nó. Mặt mũi hốc hác, tóc tai rối bù như tổ quạ . Đôi mắt lồi to như thể muốn bung hẳn ra ngoài. Liên rơm rớm nước mắt, mếu máo chạy đến cầm lấy cánh tay con lay đi lay lại:

“ Trời. Con ơi. Con đi đâu mà thành ra thế này hả con. Con ngủ ở đâu? Ăn ở đâu?”. Hoa lầm lì, lặng thinh. Chồng chị xách thanh củi to bản chạy xồng xộc từ ngoài cổng vụt tới tấp vào da thịt nó. Từ chân tới cổ, chỗ nào cũng bỏng rát, đau nhói. Liên cuống cuồng lao vào người con bé. Chị la hét, chắp tay van vỉ:

“ Mình ơi, em xin mình, em lạy mình. Con nó có tội tình gì thì mình từ từ nói với nó.Trăm dại, ngàn dại cũng tại em không biết dạy con.”

“ Tao phải đánh nữa, đánh chết. Không biết mày học ở đâu ra cái thói lăng loàn, mất nết. Chẳng thà mày phỉ nhổ vào mặt bố mày đi cho rồi.”

Hoa vẫn đứng trơ một chỗ. Toàn thân nó giống như một ngôi nhà ọp ẹp, chỉ cần một động tác nghiêng người là đổ rạp xuống đất. Lúc này, con bé biết đau đớn tận cùng là như thế nào. Nó nhìn khuân mặt từng người đang đôi co trước mặt. Rồi nó hận. Nó chỉ muốn chạy vào giường và đừng ai nhắc gì tới nó.

“ Còn cô nữa, cứ bảo phải đẻ cho được một đứa con. Đứa này còn không dạy nổi thì đẻ ra nó thành cái giống gì?.”

Quyền vẫn sang sảng từng tiếng nanh nọc vào vợ, vào con. Không ai có thể nói lý lẽ với anh được. Ngày hôm đó và những ngày sau nữa, không khí trong nhà giống như không khí của một cuộc chiến tranh lạnh. Chẳng ai nói với ai lời nào. Người này đi vào, người kia đi ra. Liên thở dài thườn thượt. Chị cảm thấy kiệt sức, thân thể rệu rã. Ngôi nhà này có cần chị nữa không? Chồng con có cần chị nữa không?. Bất giác Liên cảm thấy cô đơn tận cùng. Chị muốn đi. Chị nhất định phải đi. Ở lại cũng chỉ chuốc thêm dằn vặt, khổ đau vào người.

**

Giờ thì trái tim Hoa chứa một vết sẹo lớn. Nó không dám ra ngoài đường. Nó sợ người ta hỏi nó đã đi đâu. Có những đêm, hễ cứ nhắm mắt là nó lại mơ thấy người đàn ông đang rượt đuổi. Nó la hét, giẫm đạp. Nào chăn, nào gối cứ trượt xuống giường hết cả. Trong lúc mê sảng, con bé loáng thoáng nhìn thấy bóng một người phụ nữ gầy rạc, đôi mắt trũng sâu, thâm xì ngồi cạnh. Lúc tỉnh dậy, trên đầu giường đã chất đầy những thứ nó thích. Nó uống sữa rồi ăn bánh ngọt, ăn cái này đến cái kia. Bất giác, khóe mắt con bé ầng ậc nước. Hoa cứ thế òa lên khóc như thể mười sáu năm sống ở đời nó chưa được khóc lần nào.

**

Liên muốn gọi con đò chở qua bờ bên kia sông. Chị không biết mình sẽ đi được bao xa và bao lâu nữa. Con đường trước mặt chỉ toàn là bóng tối đến rợn người. Nhưng chị không muốn chần chừ. Không đi lúc này thì biết khi nào mới hết khổ đau.

“ Mẹ ơi. Mẹ. Mẹ ơi i.”. Tiếng gọi ở đâu làm chị giật mình . Liên chột dạ. Hay chị nghe nhầm. Chị có đứa con nào đâu. Ở khúc sông này, chị đã từng nhầm lẫn đến suýt mất mạng đấy thôi.

Tiếng gọi mỗi lúc một to và gần hơn. Nhưng giờ thì chị mặc kệ. Họ gọi ai thì người đó trả lời.

“ Mẹ…Liên…, con là Ho..oa mà”.

Liên thảng thốt ngoảnh mặt nhìn chếch về phía sau. Chị không lầm. Cái bóng đen đang di chuyển từ trong bụi ngô tiến về phía chị. Dưới ánh sáng đục mờ của ngọn đèn pin, chị ngờ ngợ người trước mặt. Đúng là nó. Chắc chắn là nó rồi. Đôi chân lấm lem bùn đất của chị như trùng xuống. Chị không thể bước về phía trước được nữa.
 
Từ khóa
chị không biết mình sẽ đi được
675
2
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top