Trong cái nhập nhoạng của buổi chiều tà, hơi lạnh đã bắt đầu phả xuống khiến cho bầu không khí thêm phần ngột ngạt, Hà Phương hít một hơi thật sâu, cảm nhận được hơi thở của rừng núi đã bắt đầu len lỏi vào từng tế bào sống. Nó đưa tay vén nhẹ chiếc rèm màu xanh ngọc bích, qua ô cửa kính xe khách, loang lỗ những vết mờ đục vì hơi sương, thỉnh thoảng chảy dài những vệt nước, núi rừng Tây Bắc hiện ra trước mắt nó, chạy dài những thửa ruộng bậc thang, tựa như dải lụa vàng lấp lánh. Mùa thu Tây Bắc xinh đẹp tựa nàng thơ. Bất giác, một cơn mưa rừng đổ ập xuống. Mưa rừng nhẹ nhàng, không nặng hạt như mưa mùa hạ, nhưng cũng đủ khiến khóe mắt nó chảy dài hai vệt nước dài, nóng hổi…Hôm nay, nó về nhà.Trên suốt chuyến xe đường dài từ Hà Nội trở về quê hương, tâm trạng Hà Phương cứ chộn rộn không yên. Mười hai năm rồi, nó không về. Từ ngày bước chân lên đất Thủ Đô, nó chưa từng có ý định trở về. Nó im lặng, những giọt nước nóng hổi cứ thế lăn dài trên hai gò má, nhẹ nhàng rơi xuống hai bàn tay, trong tư thế đan chặt vào nhau, chi chít những vết sẹo. Mười hai năm rồi, mỗi lần nhìn vào đôi tay ấy, quá khứ đầy đau thương cứ hiện về, nức nở, nghẹn ngào…
7 giờ đêm, xe ngừng lăn bánh. Gạt nước mắt, Hà Phương mím chặt môi, trên tay cầm bức thư đã sớm nhàu nát, cố lục lại kí ức, tìm đường về nhà. Hơi đêm lạnh buốt của núi rừng phả vào người, những tiếng kêu râm rang của động vật đi ăn đêm khiến nó thêm phần rợn gáy. Khung cảnh quen thuộc dần hiện ra, qua khe hở của những tấm gỗ, loang lỗ những vết mối mọt, vài tia sáng từ ánh lửa bập bùng nơi gian nhà sàn hắt ra, hong khô những giọt sương đêm còn đọng trên tóc, trên mi cô gái trẻ.
Từ trong căn nhà sàn ấm áp, phát ra một thứ âm thanh the thé, hình như là giọng của một cụ bà:
- A Hùng đâu, vào đây ngủ với bà. Vào đây ta hong cái tay, lau cái đầu, mang vớ vào cho ấm. Cứ để bầy trâu bầy ngựa đó cho A Huệ lo.
Phía bên ngoài, có hai chị em trạc nhau chừng 2,3 tuổi đang lúi húi ôm những bó cỏ tươi mởn, ướt mềm những giọt sương, bỏ vào chuồng cho trâu, ngựa ăn. Bỗng, người đàn bà già khụ, mặt mày nhăn nheo, hàm răng đen xì từ trong nhà lọ mọ bước từng bước chật vật xuống chiếc cầu thang ngay góc trái nhà, ánh mắt sắc lên tia sáng lạnh ngắt :
- Ta nói vào nhà với ta, A Hùng à, ngoài này gió sương, lạnh lắm. Ngoan vào với ta, cứ để A Huệ làm.
A Hùng tần ngần nhìn A Huệ. Cô gái nhỏ chừng 8,9 tuổi, thân hình gầy còm, tưởng chừng như gió thổi hơi to một xíu thôi cũng đủ khiến thân xác mỏng manh ấy bay lên trời:
- Để con phụ chị một tí nội ạ. Ngoài này sương gió lạnh, nội vào nhà ngủ sớm kẻo ốm.
- Ta nói lần cuối, không vào thì đừng trách sao tối nay, con A Huệ chị mày phải ngủ ngoài chuồng ngựa.
Nói đoạn, ánh mắt bà ta liếc ngang A Huệ, sắc lẹm, tưởng chừng như có thể cắt đứt cả một rừng vầu lấp ló phía sau nhà. A Hùng nhìn chị mình, nó biết rõ, nếu nó không vào nhà, số phận A Huệ tối nay sẽ như thế nào. Thế rồi, nó đành vào, vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn chị gái tiếp tục ôm những bó cỏ ướt nhẹp sương đêm, bỏ vào chuồng gia súc. Nó biết, khóe mắt chị đã cay xè…
Ở ngay cầu thang bên trái nơi cuối nhà, người phụ nữ trạc chừng 40 tuổi đang may áo, tay bà nhanh thoăn thoắt, khuôn mặt cũng khắc lên nét sương gió bần hàn, miệng liến thoắng:
- Nhanh lên đi, trâu ngựa nhà ta đói đến nơi rồi, mày muốn tụi nó chết à? Tụi nó chết thì mày cũng chết thôi!
Miệng mụ ta cứ đay nghiến những lời lẽ độc địa, ngoài trời, cô bé tội nghiệp cứ lặng lẽ làm công việc của mình, chẳng nói lại một lời nào, bóng dáng nhỏ ấy cứ u uất, lầm lũi giữa màn đêm sương lạnh.
Nguồn ảnh: Tuổi thơ Tây Bắc qua tranh vẽ họa sĩ Bùi Văn Tuất
***
Không biết từ lúc nào, khuôn mặt trái xoan của Hà Phương đã giàn giụa những giọt nước mắt, lạnh hơn sương đêm. Bỗng đâu đó có tiếng ai vọng lại:
- Chị, chị A Huệ về rồi, em trông chị mãi. Em viết thư mãi chẳng thấy chị hồi âm. Tốt quá, chị về rồi, mau vào nhà thôi.
Hà Phương quay đầu nhìn lại, thấy cậu thanh niên chừng 24, 25 tuổi đang chạy về hướng mình. Là A Hùng, A Hùng lớn thế này rồi à. Khóe miệng Phương bỗng cong lên một nhịp. Mười hai năm rồi, chẳng có ai gọi nó bằng chiếc tên A Huệ. Ở Hà Nội, nó đã quen với cái tên Hà Phương, nhưng A Huệ, nó vẫn chưa một lần quên. Tiếng gọi đột ngột của A Hùng khiến dòng hồi tưởng của Phương khựng lại. Tuổi thơ của nó đã trôi qua đau buồn đến thế. Một miền kí ức đau thương tái hiện lại trong đầu, trước ngôi nhà sàn quen thuộc, khiến nước mắt nó chảy dài, giọng chợt lạc đi:
- Ừ, chị về rồi, mẹ đã khỏe hơn chưa?
A Hùng buồn:
- Vào nhà đi chị, vào rồi hãy nói chuyện, ngoài này sương lạnh lắm, kẻo bệnh.
Nói đoạn, nó kéo tay chị vào nhà. Lần này, Hà Phương trở về từ Hà Nội khi hay tin mẹ bệnh nặng. Từ hôm nhận bức thư của A Hùng, cảm xúc của Phương lẫn lộn, nó vừa lo vừa hận. Nó hận người đàn bà mà nó gọi là mẹ đến tận xương tủy, người đàn bà ngày đó suốt ngày đay nghiến, chửi bới, đánh đập chẳng thôi. Người đàn bà xem nó là của nợ, là sao chổi, là tất cả niềm xui của bà ta. Đối với bà, A Hùng mới là con, còn nó, chỉ là đồ bỏ đi.
Tuổi thơ của nó trôi qua chẳng mấy yên bình. Ở căn nhà sàn đêm đêm bập bùng ánh lửa hồng, trái ngược với hơi ấm tỏa ra từ nguồn sáng ấy, ai cũng nhìn nó bằng ánh mắt sắc lạnh. Bà nhai trầu nhìn nó sắc lạnh, mẹ thêu thùa liên phanh, thỉnh thoảng ngước lên liếc nó sắc lạnh. Cha không nhìn nó sắc lạnh. Cha chỉ lim dim, lim dim những rượu những chè, những ống thuốc lào. Cha chẳng có tiếng nói. Ở cái nhà này, chỉ có A Hùng thương nó. A Hùng là con trai út, cũng là đứa con trai duy nhất trong nhà nên rất được cưng chiều, tuy nhiên, Hùng rất ngoan và thương chị.
Năm A Huệ lên lớp 6, nó học hành giỏi giang nhất lớp nhưng bị mẹ bắt nghỉ. Mẹ nó bảo con gái thì không cần học nhiều. Vịt giời rồi cũng lấy chồng đẻ con, cái chữ cũng bị con mối con mọt nó ăn như ăn gỗ ăn cây. Học chi nhiều cho phí của giời. Nhiều lần thầy cô trong bản đến tận nhà vận động, năn nỉ hết lời mẹ nó mới cho đi học, được vài hôm nhà chẳng đủ người làm, lại bắt nó nghỉ ngang.
Nhiều hôm, nó phải giấu mẹ, trong lúc đi chăn trâu, chăn ngựa, nó nhét sách vào người, ra đến bờ suối mới dám lấy ra học. Có lần, mẹ nó đi suối, nhìn thấy cảnh học hành của con gái, bà ta điên tiết lấy ngay hòn đá bên cạnh, chọi thẳng vào đầu Huệ, máu me tung tóe ra trang sách, bà ta giật, xé toạt một đường, xé toạt những con chữ mà nó khao khát uống trọn vào tâm thức.
- Tao đã nói rồi, loại con gái như mày chẳng cần học nhiều đâu. Cứ an phận làm việc nhà thì may ra còn có cái ăn. Sao mày lì vậy? Tao đã nói bao nhiêu lần rồi, tối nay cứ ngủ ngoài chuồng trâu, tao sẽ cho mày biết thế nào là đói, thế nào là lạnh, để rồi xem cái chữ có giúp mày ấm no không!
Nó không khóc, bình thản chấp nhận mọi thứ ngay trước mặt, ánh mắt nó đục ngầu, vô hồn. Nó nhặt lấy từng trang sách bị xé toạt, trân quý nhét vào người. Đoạn, ôm đầu đứng dậy đi tìm lá sắn dây, nhai nhuyễn rồi đắp lên vết thương. A Huệ là một cô gái có niềm đam mê với y dược, nó chẳng tin có con ma bệnh ám vào người như dân làng nó xưa nay vẫn tin. Những lúc làm việc nhà xong, nó hay lén qua nhà cụ Y Rế, thầy thuốc nổi tiếng nhất vùng để học nghề. Thấy A Huệ lanh lẹ, ham học, cụ rất thương và chỉ cho nó tận tâm. Con bé nhỏ xíu mà lanh đáo để, nó hay ngồi co giò trên chiếc phảng nhà cụ Y Rế, tâm sự:
- Lớn lên, con sẽ trở thành Bác sĩ, con sẽ đem tri thức về chữa bệnh cho buông làng. Hôm nọ, con đi chăn trâu về, dầm mưa, nhiễm nước, cảm lạnh người run cầm cập ông ạ. Ba cứ bảo do có con “ma mưa” nhiễm vào, nên mời thầy về cúng. Chả hiểu kiểu gì, ông ta cứ luôn miệng đọc mấy lời khó hiểu, rồi lấy roi dâu tầm quất mạnh liên tù tì vào người con, hòng đuổi con ma đi. Bệnh thì chả bớt, người thì lằn cũ chồng lên lằn mới, vã lắm ông ạ, con phải nhờ A Hùng đi hái lá về xông hẳn cả tuần hơn mới đỡ.
Ông lão cười xòa, hiền hậu động viên A Huệ cố gắng, sau này ắt sẽ thành danh.
Nó ngồi bó giò trên tảng đá lớn, một tay giữ lá chỗ vết thương, một tay giữ khư khư cuốn sách như sợ ai giật lấy, mặt nó hơi ngửa lên để máu không chảy xuống, mắt ngước nhìn dòng suối chảy rì rầm, trong veo, tựa như ước mơ của nó, âm ỉ, cháy bỏng.
Ánh chiều tà chập choạng buông xuống, máu cũng đã được cầm, nó uể oải đứng dậy, loay hoay tìm đôi dép, tay vẫn khư khư giữ cuốn sách. Xong, nó lùa trâu ngựa no nê về chuồng.
***
Hà Phương vào nhà, cảnh vật quen thuộc thời nhỏ chợt hiện ra trước mắt, vẫn ánh lửa hồng bập bùng giữa sàn, nhưng bà không còn ngồi đó nhai trầu nữa. Bà mất vào một đêm mùa đông gió lạnh, khi ấm áp lửa hồng chẳng thể sưởi nỗi tuổi già sức yếu. Nó nhớ mãi, năm đó, nó 10 tuổi. Bà mất, căn nhà bỗng bớt đi tiếng chửi, tiếng hành hạ con dâu, cháu gái, thay vào đó, mẹ đay nghiến nó nhiều hơn, đánh đập nó nhiều hơn. Như một vòng tuần hoàn, cay nghiệt, đau đớn…
Nghe tiếng bước chân, mẹ nó hỏi:
- Ai đó?
Giọng nói yếu ớt, mỏng tanh, không chút ma lực. A Hùng nắm tay mẹ, mừng rơn:
- Chị A Huệ về rồi mẹ ạ, chị về thật rồi.
- Nó chẳng về nữa đâu, con ma nước năm đó cuốn trôi con gái ta rồi.
Một tiếng thở dài thoát ra sau tấm rèm đầy màu sắc. Năm đó, nó 16 tuổi, mẹ đành lòng gã nó cho lão A Can- một tên cường hào ác bá của làng, thoạt nhìn đã biết đấy là một vụ trao đổi mua bán, chẳng tốt đẹp gì. Lão A Can già khụ, da mặt nhăn nhúm, hàm răng vàng vọc, đất đai bạc ngàn, và có rất nhiều vợ. Người vợ cả của lão, chắc cũng ngoài 60. A Huệ bỏ trốn, nó biết nếu làm vợ bé của lão, nó sẽ sống cuộc đời của một con nô lệ để người ta tha hồ bóc lột, nó sẽ chẳng thể học hành, lại càng không thể trở thành bác sĩ.
Giữa đêm lạnh mùa xuân năm ấy, nó bỏ trốn, cùng với vài cuốn sách, cũ mềm, tong cả bìa, chì chịt những vết dán. Lão A Can cho người đuổi theo, bắt nó về, đánh đập, nhốt trong chuồng trâu. Nửa đêm, A Hùng đi tìm chị. Thấy chị trong chuồng trâu nhà lão ác bá, nó rón rén vào cắt dây thừng, ôm chị ra. Nó cõng chị chạy đến bờ suối, lấy trong túi áo ra một nắm xôi nóng, hối chị ăn. Nói đoạn, A Cường sơ chế vết thương, xoa thuốc đỏ cho A Huệ, rồi trao cho chị chiếc túi to:
- Chị ơi, chị trốn đi. Em gom hết quần áo, đồ đạc, giấy tờ của chị vào đây rồi. Em có chút ít tiền, gởi chị mang đi đường. Chị đừng ở đây nữa, chị lên Hà Nội, lên đó học bác sĩ. Ngày nào chị còn ở đây, ngày đó chị còn khổ.
Nói đoạn, hai chị em ôm nhau khóc nức nở. Ngay trong đêm, A Huệ một mình, vượt rừng vượt núi, tìm đường lên Hà Nội. Có lẽ, cái đêm định mệnh ấy là khoảnh khắc ám ảnh nó nhất đời.
Sau khi giải cứu cho chị, A Hùng vội vã về nhà để tránh bị nghi ngờ. Chừng gần sáng, người ở của lão A Can chong đuốt đi tìm A Huệ. Hôm đó, cả buông làng dậy sớm, cả buông làng sáng bùng ánh lửa, nhưng chẳng ai thấy A Huệ đâu. Nhiều ngày sau, người ta thấy xác một cô gái trẻ dạc vào bờ suối, thi thể giống A Huệ. Họ nghĩ, nó chết rồi. Họ nghĩ, nó tự vẫn rồi. A Hùng bần thần, đau xót. Nhưng nó tự trấn an mình rằng chị gái nó rất mạnh mẽ, rất kiên cường. Chắc chắc, đâu đó trên mảnh đất Thủ đô, chị đang sống tốt. Mấy tháng sau, A Huệ lén lút gởi thư về cho A Hùng, trong thư nói mình đang sống tốt, khiến Hùng mừng rơn nước mắt. Nhưng nó chẳng kể chuyện này với ai, để mọi người nghĩ chị chết rồi, có khi sẽ tốt hơn cho cuộc sống của chị.
Sau khi rời đất Tây Bắc đầy đau thương, A Huệ đổi tên thành Hà Phương, cố gắng quên đi quá khứ, làm lại cuộc đời. Ở Hà Nội, Phương vừa học vừa làm, nó làm tất cả những gì có thể để kiếm tiền, trang trải cuộc sống. Sau hơn 2 năm ở nơi đất khách quê người, cuối cùng, nó cũng đậu vào Đại học Y dược. Ngày nó trở thành tân sinh viên, bầu trời mang một màu xanh rất khác, rất trong, rất hiền lành. Phương thấy mình như chú chim bé nhỏ, đập tan được chiếc lồng của quá khứ đau thương, của định kiến nam quyền, của hủ tục độc ác. Từ đây, nó đã là được sải cánh trên bầu trời của riêng mình, bầu trời của ước mơ, của tri thức. Chiếc mầm non được nó ủ ấp nơi núi rừng Tây Bắc, giờ đã tự do hứng nắng trời thủ đô, tự tin vươn lên, tìm cho mình những nguồn sống mới.
***
- Con đây! A Huệ về rồi
Người mẹ cố gượng dậy bằng chút sức lực yếu ớt khi nghe giọng nói quen thuộc, trong ánh sáng bập bùng của bếp lửa giữa nhà, một cô gái trẻ đứng đó, vừa lạ nhưng cũng vừa quen khiến bà trợn mắt, giọng the thé vang lên:
- Hồn ma A Huệ ư? Mày về bắt ta đi đấy ư? Ta xin lỗi, ta sai rồi, con bắt ta đi đi, đi làm hồn ma con trâu con ngựa, đi làm hồn ma bù đắp cho con.
- Không! Con còn sống mẹ à! Con nguyên vẹn bằng xương bằng thịt về với mẹ rồi đây
Nói đoạn, A Huệ chạy lại. Ở cạnh mẹ, nó vẫn là A Huệ, chẳng phải Hà Phương. Nó nắm lấy bàn tay lạnh buốt của mẹ, nâng niu, âu yếm. Từ khi sinh ra đến giờ, khoảng cách giữa nó và mẹ, chưa từng gần đến thế.
Nãy giờ, cha từ xa đã chứng kiến tất cả. Ông đi tới, tỉnh táo, điềm đạm, cái khí chất mà hiếm khi nó nhìn thấy. Nó không hận cha, cha chưa từng đánh nó, nhưng cha thời trẻ , trượt dài trên con đường cờ bạc, rượu chè, say xỉn liên miên, chẳng có chút tiếng nói nào trong nhà.
Cha thầm thì:
- Tha thứ cho bà ấy, bà ấy biết mình sai rồi. Mười hai năm trời con không về, bà ấy hối hận lắm. Dạo này, bệnh tình chuyển biến nặng, đêm nào cũng ho, hơi thở cứ nhọc dần, như ngọn nến yếu ớt trước cơn gió dữ, bà ấy…cứ đọc tên con mãi…
Cha kể, ngày xưa mẹ cũng là cô gái xinh đẹp có tiếng trong buông. Món nợ của cha mẹ bà như một sợi dây oan nghiệt, khiến bà bị gã vào nhà này. Tục lệ cho vay nặng lãi chẳng còn gì xa lạ, khi gia đình không gom nỗi tiền trả, thì phải bán con gái đi làm dâu, như một món đồ gạt nợ. Tục lệ oan nghiệt ấy đã trói bà vào món nợ truyền kiếp, sống cuộc đời con dâu gạt nợ, sống cuộc đời nô lệ, thứ nô lệ người ta không phải mua mà tha hồ bóc lột, hành hạ.
Vừa về làm dâu, mẹ đã bị bà nội hành hạ đến chết đi sống lại. Khi sinh con gái đầu lòng là A Huệ, mức độ hành hạ trở nên cay độc, oan nghiệt hơn. Bởi vì là con gái, hết lần này đến lần khác, bà nội tìm cách giết chết đứa bé vô tội này. Cũng hết lần này đến lần khác, mẹ quỳ xin, năn nỉ, chịu những trận hành hạ để giành sự sống cho con gái nhỏ.
Cho đến 2 năm sau, khi hạ sinh được A Hùng, nội cũng bớt hành hạ mẹ. Đối với mẹ, A Hùng như một vị cứu tinh, một thiên thần mà ông trời mang đến, đưa bà ra khỏi ngục tối. Thế nên, bà thương A Hùng và xem nó như báu vật. Mỗi lần thấy A Huệ, nỗi đau ấy lại ùa về khiến bà trút hết mọi bực dọc lên người con gái nhỏ.
Năm đó, vì cha mải mê cờ bạc, gia sản tiêu tan, lại mang theo một món nợ lớn, chẳng còn cách nào khác, mẹ phải gả A Huệ cho lão A Can để trừ nợ. Một con thuyền không thể thiếu thuyền trưởng, cũng như một gia đình chẳng thể thiếu đi người đàn ông làm trụ cột, sau cùng, giữa chồng và con gái, bà vẫn chọn gả con gái đi để gạt nợ, như một vòng tuần hoàn mà trước đây bà từng bị đối xử.
Sau khi biết hết mọi chuyện, A Huệ khóc òa, nó ôm chầm lấy mẹ. Người phụ nữ gầy gò, xanh xao ấy xoa đầu con gái, thầm thì:
- Ta xin lỗi, con gái mẹ ngoan, con vất vả nhiều rồi. Con mạnh mẽ, giỏi giang, chẳng yếu đuối như ta.
28 năm trời, nó chờ đợi câu này. Nước mắt nó giàn giụa:
- A Huệ không giận mẹ đâu. Con ở đây với mẹ, chẳng đi nữa đâu…
Đôi tay mẹ yếu ớt, lau nhẹ những giọt nước túa ra từ khóe mắt con gái, đỏ ngầu:
- Không! A Huệ sẽ đi tiếp, A Huệ sẽ mang ước mơ của con bay xa, mang ước mơ của mẹ bay xa, bay cao như những cánh chim, rộng dài khắp núi rừng Tây Bắc, vượt núi rừng Tây Bắc, bay đến Thủ Đô, bay mãi đến tận cùng đất trời…
Phương nhìn mẹ, nấc lên từng hồi:
- Ước mơ của mẹ là gì?
Mấy chục năm cuộc đời, cho đến lúc sắp buông tay, bà mới được hỏi câu này, khóe môi bà cong lên, thầm thì:
- Là một cánh chim trời, cánh chim tự do sải cánh trên bầu trời của riêng mình.
Giọng nói nhỏ dần, xa dần, rồi mất hút vào hư không…
Mẹ đi rồi…
Ngày mẹ đi, từ mái nhà sàn, một chú chim nhỏ hót véo von, rồi vút bay lên trời. Hà Phương nhìn theo, mỉm cười. Nó tin, mẹ sẽ hồi sinh, và sẽ được tự do, sải cánh trên bầu trời của riêng mình…
Nguồn ảnh: Đọt chuối non, chim hòa bình bay qua thời gian và nỗi đau
Sửa lần cuối: