Ý nghĩa bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

Ý nghĩa bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

Văn Học
Văn Học
Được xem là một kiệt tác của văn xuôi Việt Nam hiện đại, Chí Phèo của Nam Cao cũng sở hữu một chi tiết có thể xem như “nhãn tự” cả tác phẩm, đó là bát cháo hành và hơi cháo hành. Với Thị Nở, bát cháo đó là tất thảy những ý thức, trách nhiệm, tình thương và chân thành mà Thị dành cho Chí. Thị cho đi, không phải là vì vụ lợi hay ép buộc, mà là xuất phát lòng thương chân chính: “Mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau như vợ chồng”. “Còn gì đáng thương bằng ồm mà nằm còng queo một mình”. Có lẽ bấy giờ, Thị chỉ đơn giản muốn hắn có gì đó cho vào bụng, ăn cho đỡ đói, đỡ tủi, mà kh hay biết rằng, chính bát cháo ấy đã làm thay đổi tâm hồn hắn, chính tình yêu của ấy đã trở thành tia sáng lẻ loi duy nhất trong cuộc đời tăm tối của hắn.

Đón nhận bát cháo ấy, cùng với sự quan tâm, chăm sóc, hỏi han của Thị Nở, Chí bỗng thấy lòng mình bâng khuâng: “Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt”. Con quỷ dữ của làng Vũ Đại làm đổ máu và nước mắt bao nhiêu người, vậy mà giờ đây cũng biết khóc, cũng biết rưng rưng. Bởi lẽ, lần đầu tiên trong cuộc đời, hắn được ng khác thật lòng cho một thứ gì, lạ kỳ hơn còn là một ng đàn bà. Lần đầu tiên, hắn được săn sóc bởi một bàn tay đàn bà, không vụ lợi, không trơ tráo, cũng chẳng tính toán, mà chỉ đơn giản là cho đi vì Thị thương. Cũng lần đầu tiên, hắn có được một điều gì đó mà không phải đi trộm cướp hay rạch mặt ăn vạ, không phải dùng những cách trò dơ bẩn mà người ta sợ, người ta khinh. Bát cháo hành ấy vừa là liều thuốc giải cảm, vừa là liều thuốc giải độc thức tỉnh phần ng nhỏ bé còn sót lại trong Chí. Nó dường như là đại diện duy nhất cho tình người còn sót lại tại làng Vũ Đại đã khô héo những cảm xúc. Bất ngờ là tình người không xuất hiện ở ai khác mà lại xuất hiện ở một người đàn bà được coi là dở hơi và xấu xí “ma chê quỷ hờn”, một ng đàn bà cũng chứa đầy thảm hại, đáng thương.

Thế nhưng, bát cháo ấy còn là một hiện thực chua chát, xót xa của xã hội Việt Nam bấy giờ: Chỉ một tình yêu, hành động quan tâm nho nhỏ, chỉ một bát cháo rất đỗi bình dị và có phần “dở hơi”, mà phải đến hơn 40 năm cuộc đời, Chí Phèo mới có thể cảm nhận được. Khi “cơ thể đã hư hỏng nhiều”, khi đã sang bên kia dốc cuộc đời, hắn mới hiểu thế nào là mùi vị cháo hành, là mùi vị tình người. Napoleon từng nói: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu mà là vì sự im lặng của những người tốt”. Trong xã hội khô héo tình người của làng Vũ Đại, chúng ta không tìm lấy được một mầm mống nào của tình cảm, dường như tất cả mọi người đều vô cảm, dửng dưng trước sự đau khổ của người khác. Là do họ đã quá khổ cực, hay là do xã hội đó vốn chỉ toàn sự vô tâm? Đưa bát cháo lên mồm, Chí Phèo cảm nhận được không chỉ là vị cháo, mà còn là vị của tình yêu: “Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm.” Nó mang hương vị của tình yêu mộc mạc, chân thành mà Thị đã mang tới sưởi ấm cho trái tim đang nguội lạnh của Chí. Bấy giờ, Chí mới nhận ra: “những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo rất ngon”, nhưng quan trọng hơn thế, Chí hiểu ra rằng người sống với nhau không chỉ bằng tội ác, bằng chém giết, mà còn bằng tình yêu thương.

Bát cháo hành
của Thị Nở khiến ta liên tưởng đến bữa cơm có đầy đủ rượu tịt cùng những lời chào mời ngon ngọt của Bá Kiến dành cho Chí Phèo. Nếu Bá Kiến thết đãi Chí Phèo với động cơ nham hiểm là thu phục và lợi dụng thì Thị Nở chăm chút Chí phèo bằng một tình cảm yêu thương hồn nhiên, vô tư. Nếu sau bữa ăn hậu hĩnh nhà Bá Kiến, Chí Phèo lại được thêm tiền và hả hê ra về còn sau bữa ăn có phần xoàng xĩnh của Thị Nở, Chí vừa có cảm giác cay đắng khi nghĩ lại đời mình lại vừa có nỗi khát thèm hạnh phúc đời thường. Và điều quan trọng nhất, nếu bữa ăn nhà Bá Kiến là thứ “độc dược” nhằm hoàn tất công việc của nhà tù thực dân, đầu độc nhân tính của Chí Phèo thì bát cháo hành của Thị Nở lại là thứ “linh dược” làm hồi sinh nhân tính trong Chí. Sau bữa ăn nhà Bá Kiến, Chí bắt đầu những chuỗi ngày đâm thuê, chém mướn, rạch mặt ăn vạ, “triền miên trong những cơn say”. Sau khi ăn cháo hành, cái sức mạnh quỷ dữ bị gạt bỏ, bị tiêu trừ dần, khiến Chí cảm thấy yếu đuối, sợ ốm đau, tuổi già và sự cô độc, nhất là sự cô độc, “cái này còn đáng sợ hơn đói rét, ốm đau”. Rồi Chí “muốn làm nũng với Thị như với mẹ”, một so sánh thật xót xa vì hắn đã bao giờ có mẹ? Nhưng bấy giờ, có lẽ tâm hồn Chí Phèo đã được lương thiện hóa, trẻ thơ hóa, để hắn phải thốt lên đầy khao khát rằng: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao”.
Tưởng chừng như Chí sẽ có một cái kết trọn vẹn hơn, nhưng ngòi bút của Nam Cao lại ấm áp một cách lạnh lùng, ông muốn ném ra giữa cuộc đời một kiếp ng bị tha hóa, lưu manh hóa, rồi bị cự tuyệt quyền làm người.

Bát cháo hành mở ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Chí, nhưng chính nó cũng đẩy câu chuyện lên tới mức đỉnh điểm. Bát cháo ấy bắt đầu một tình yêu, để rồi cũng là khởi đầu của một tình yêu vụn vỡ. Khi bị Thị Nở từ chối, vùng vằng quay về, lòng hắn như bị cắt xẻ ra từng khúc, trái tim ứa máu như bị bóp nghẹt. Còn gì đau đớn hơn với một kẻ đã chìm trong bóng tối lâu ngày, với được tia sáng lẻ loi, nhưng rồi lại choáng vụt tắt, để rồi càng thêm hụt hẫng, càng thêm đau?

Nguồn st
 
Từ khóa
bá kiến bát cháo hành chi tiết báo cháo hành nam cao thị nở tinh yeu
193
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top