Newsfeed

Văn Học Trẻ - forum.Vanhoctre.com | Nuôi dưỡng tình yêu văn chương, cuộc thi viết văn; học văn, những bài văn hay. Tác phẩm văn học chọn lọc, lí luận văn học, ...

BBT đề xuất

Bài viết mới

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Tháng tư, con chuồn chuồn ngủ quên trên phiến lá ướt nhẹp sương, sợi rét như mành tơ chưa tan, nhiệt độ lên xuống ngày đêm chênh vênh như tuổi mười tám. Nắng vàng hơn, cây sấu già uể oải trút từng lớp lá già sau cả một năm dài mang nặng. Từ cành cây sần sùi từng chùm hoa vàng be bé e ấp núp dưới lộc non vươn lên nở rộ. Con ve cựa mình chui ra khỏi chiếc kén, vỡ òa trước cảnh tương phản xinh đẹp, cất lên bài ca ve ve mừng rỡ.

Tháng tư bố dậy từ tinh mơ cuốc lật từng mảng đất nâu màu mỡ. Con gà mái mơ cục cục dẫn đàn con chạy theo, thỉnh thoảng bới được con giun kêu là cả đàn con lại chạy ùa vào tranh nhau, con nhanh nhất dùng mỏ cắp giun chạy thật xa, cố phồng mồm nhuốt cho nhanh để kịp quay trở lại đàn. Mẹ đủng đỉnh cầm cuốc theo sau bố khoi đất thành luống nhỏ rồi bỏ vào đó từng hạt ngô, lạc, đậu. Gieo cho đúng vụ để ngày mai cơn mưa bất chợt sẽ thúc đẩy từng mầm non nẩy mầm.

Trưa tháng tư đang nắng chang chang, chị ngái ngủ dậy đi làm, vừa bước ra cửa đã thấy hoa mắt. Chợt tiếng sấm rền vang nơi góc trời dọa dẫm, mây kéo về đen kịt mẹ vội vàng cất chiếc vỏ chăn vừa phơi kẻo ướt, bố mừng thầm ruộng mía vừa trồng không cần tưới. Thế nhưng rồi chờ mãi chỉ thấy từng vệt sáng ngoằn ngoèo phương xa. Sấm uỳnh oàng mưa không đủ ướt bàn tay ấy thế mà ngoài kia trên thửa ruộng bậc thang từng cây lúa khát nước như được hóa phép lớn bổng lên. Con ốc già chậm chạp há chiếc mồm đen hít một hơi căng cái không khí thanh bình. Từng cây cỏ mọc hoang ai vô tình gieo ngang không cần chăm sóc đua nhau ngoi lên xanh mướt, nhổ xong lại mọc tầng tầng lớp lớp, chỉ cần lãng quên vài hôm là tốt ngập cả khu vườn.

Tháng tư, con tắc kè bò trên tường lẻ loi cất tiếng gọi bạn tình , con tu hú từ đâu bay về lượn vòng quanh trên bầu trời kêu tù iu tù iu ra rả đêm ngày. Con bé lên ba tuổi ôm chặt mẹ không dám ho he vì sợ. Trước nhà mương nước bắt đầu róc rách chảy, từng con nhái lấp ló tinh nghịch thi thoảng nhảy tùm bì bõm khiến nước bắn tung tóe ướt sũng đàn sâu xanh béo tròn đu đưa trên khóm cỏ xanh. Con nhện già bỏ mặc khung thành trốn sâu vào hốc cây tránh cái nắng chang chang.

Tháng tư trời đất ngả nghiêng. Đi làm về trút bỏ hết bộ quần áo dài còn trơ lại mỗi bộ quần áo cộc mỏng manh mà không thể làm dịu cái nóng. Mở vội vàng chiếc tủ lạnh ra tìm nước, biết uống đồ lạnh không tốt, uống là hại dạ dày ấy thế mà trước cơn khát không ai có thể ngăn được bàn tay theo thói quen mở ra tìm. Nóng đến nỗi tô canh mẹ nấu chưa kịp nguội đã vội vàng cất tủ lạnh kẻo thiu. Bên vỉa hè cô hàng nước mỏi tay đập đá vào nước rồi bưng ra bàn mời những vị khách lạ quen khuôn mặt đỏ bừng cả người nhễ nhại mồ hôi. Vài vị khách đi xa vào ngồi uống vội vàng một hơi cạn đáy, nước kịp xuôi xuống bụng đã vội vàng đi cho kịp giờ.

Tháng tư từng cơn gió miên man thổi nhè nhẹ, dưới gốc bàng vài cô cậu học trò cuối cấp ngồi trầm tư mơ về một tương lai xa vời. Thứ cảm xúc mang tên cuối cấp chênh vênh nao lòng, ngày mai nữa thôi sẽ phải đối mặt với ba kỳ thi, thi cuối cấp, thi tốt nghiệp, và ngưỡng cửa đại học hoặc bước vào đời. Dưới vòm lá phượng xanh, vài chùm hoa đỏ lấp ló bung lên từng chùm lửa đốt cháy không gian. Ô cửa sổ quen hôm nay đóng chặt, cô học trò có đôi mắt xa xăm hôm nay bị ốm rồi.

Ngày bước đến cùng bình minh, bước đi cùng hoàng hôn. Mỗi năm có bao nhiêu đêm ngày dài ngắn thay phiên hiện hữu. Trong vòng tròn thời gian năm nào tháng tư cũng đến. Cũng cây đó thay lá, ra hoa, đậu quả, nhưng mỗi năm đều mang bên trong một vẻ đẹp ký ức riêng biệt. Tháng tư hôm qua là tuổi thơ của mẹ, tháng tư hôm nay là tiếc nuối của con. Dù như thế thời gian vẫn trôi mẹ già đi và con lớn dần. Nếu được quay vào nút bấm xuyên không trở lại ta có muốn chọn đi con đường cũ hay một con đường mới hoàn toàn. Tháng tư ngập nắng, ngập gió và ngập tràn những ký ức yêu thương.


IMG_UPLOAD_20240422_065740 (1).jpg
Thêm
Chới với tháng tư
6
0
0
ĐỊNH NGHĨA VỀ VỢ
Vợ là người chẳng họ hàng
Chọn ngày giờ đẹp để sang nhà lmình
Ngày đầu trông thật là xinh
Môi tươi mắt thắm đến đình cũng xiêu
*
Vợ là đáng nể đáng yêu
“Kính vợ đắc thọ”là điều nhắc nhau
Nhớ vòng chung kết toàn cầu
Nhì trời nhất vợ đứng đầu bảng A
*
Vợ là mẹ các con ta
Thường kêu “Bà xã” hiệu là “Phu nhân”
Vợ là tổng hợp: bạn thân
Thủ trưởng,bảo mẫu,tình nhân,mẹ hiền
*
Vợ là ngân khố, kho tiền
Gửi vào nhanh,gọn-rất phiền rút ra
Vợ là vua các loài hoa
Toả hương thơm ngát,đậm đà,ngất ngây
*
Vợ là quả ớt chín cây
Đỏ tươi ngoài vỏ nhưng cay trong lòng
Vợ là một đoá hoa hồng
Vợ là sư tử Hà Đông trong nhà
*
Khi vui nàng đẹp như hoa
Đến khi tức giận cả nhà thất kinh
Khi chiến tranh,lúc hoà bình
Vợ là thám tử luôn rình rập ta
*
Vợ là một vị quan toà
Thăng đường xử án toàn là án treo
Vợ là rượu ngọt tình yêu
Không uống thì khát,uống nhiều thì say
*
Vợ là thùng thuốc súng đầy
Cơn ghen ập đến nổ bay trần nhà
Vợ là nắng gắt, mưa sa
Vợ là giông tố,phong ba,bão bùng
*
Nhiều người nhờ vợ lên ông
Nhiều anh vì vợ mất không cơ đồ
Vợ là cả một vần thơ
Vợ như là những giấc mơ vơi đầy
*
Vợ là một chất men say
Là nước hoa ngoại làm ngây ngất lòng
Vợ là một áng mây hồng
Vợ là hoa hậu để chồng mê say
*
Vợ là khối óc,bàn tay
Vợ là bác sỹ tháng ngày chăm ta
Vợ là nụ,vợ là hoa
Vợ là chồi biếc,vợ là mùa xuân
*
Vợ là tín dụng nhân dân
Vợ là kế toán giải ngân trong nhà
Vợ là âm nhạc, thi ca
Vợ là cô giáo, vợ là luật sư
*
Cả gan đấu khẩu vợ ư ?
Cá không ăn muối coi như đời mờ
Vợ là điểm hẹn, bến chờ
Không vợ đố biết cậy nhờ tay ai
*
Vợ là phúc, thọ, lộc, tài
Chồng ngoan chăm chỉ nộp bài vợ khen
Vợ là tổng quản thanh thiên
Vợ là khoá sắt,xích xiềng cột chân
*
Vợ là dòng suối mùa xuân
Ngọt ngào,xanh mát,trong ngần,yêu thương
Vợ là két sắt, tủ tường
Muốn mở phải nhả lời thương ngọc ngà
*
Vợ là một đôi thùng loa
Mỗi khi chập mạch cả nhà nổi giông
Âm thanh tựa sư tử gầm
Cha con lấm lét mà không dám cười
*
Vợ còn xếp trước cả trời
Vợ là duyên, nợ cả đời của ta
Vợ là biển rộng bao la
Vợ là hương lúa đậm đà tình quê
*
Vợ là gió mát trưa hè
Vợ là hơi ấm thổi về đêm đông
Vợ là chỗ dựa của chồng
Nhiều anh dám bảo”vợ Không là gì”
*
Khoan khoan hãy tỉnh rượu đi
Vợ quan trọng lắm chẳng gì sánh đâu
Việc nhà vợ có công đầu
Nấu cơm,đi chợ,nhặt rau,pha trà
*
Vợ là máy giặt trong nhà
Vợ là cát-sét vợ là ti vi
Nhiều đêm vợ hát chồng nghe
Lời ru xưa lại vọng về bên ta
*
Vợ là làn điệu dân ca
Vợ là bà chủ, vợ là Ô-sin
Vợ là cái máy đếm tiền
Vợ là nội lực làm nên cơ đồ
*
Vợ là thủ quỹ, thủ kho
Vợ là hạnh phúc ấm no trong nhà
Vợ là vũ trụ bao la
Nhiều điều bí ẩn mà ta chưa tường
*
Khi nào giận lúc nào thương
Sớm mưa,chiều nắng chẳng lường được đâu
Vợ là một khúc sông sâu
Vợ như là cả một bầu trời xanh
*
Vợ là khúc nhạc tâm tình
Vợ là cây trúc bên đình làm duyên
Vợ là cô tấm thảo hiền
Vợ là cô cám hám tiền ham chơi
*
Vợ là con vẹt lắm lời
Thích đem so sánh chồng người chồng ta
Vợ là bến đỗ, sân ga
Vợ là tổ ấm cho ta đi về
*
Vợ là khúc hát sông quê
Nốt thương nốt nhớ tràn về đầy,vơi
Vợ là đồ cổ lâu đời
Ai mua chẳng bán tứ thời nâng niu
*
Vợ là cảnh sát hạng siêu
Răn đe,truy sát sớm,chiều nơi nơi
Vợ là con phật cháu trời
Rẽ mây giáng xuống làm người trần gian
Thêm
49
2
0
Em ơi hãy đừng ngủ
Em ơi hãy đừng ngủ
Đọc tin nhắn anh đi
Anh biết trời khuya rồi
Em ơi hãy đừng ngủ.

Em có nghe gì không?
Trong tiếng gió dịu mát
Như bàn tay em quạt
Như tình anh đang hát.

Hát mãi một khúc ca
Anh gửi nàng bông hoa
Cho tình yêu anh đó
Ngàn sau mãi đậm đà.

Trăng ơi hãy sáng thôi
Hãy ru ngủ em tôi
Em tôi đã ngủ rồi
Trăng ơi trăng hãy sáng.

Nệm êm và chiếu mát
Hãy ôm lấy người em
Sưởi ấm cô gái nhỏ
Đừng để em lạnh thêm.

Anh ngồi đây thổn thức
Như con dã tràng khuya
Dã tràng còn xây cát
Lắp đầy biển yêu kia.

Ngày mai em thức giấc
Em có hiểu lòng anh?
Có lẽ em chẳng thích
Cũng xin đừng ghét anh...

-Nguyễn Duy Khoa-
Thêm
  • Like
Reactions: Hoa Phù Sa
50
1
0
Tiếp nối tiếp đoàn quân ra trận
Những chàng trai cô gái đôi mươi
Ước mơ gác lại giảng đường đại học
Xếp hành trang mong được tòng quân

Lòng yêu nước tích tụ thành sức mạnh
Lỗ châu mai cái chết nhẹ tựa tơ
Anh ngã xuống giữa mùa hoa ban nở
Mở màn cho chiến dịch Him Lam

Đạn quân thù xới từng thớ đất
Khói bom dày cháy xém bóng ngày
Thân chèn pháo, vai làm giá súng
Máu tưới xanh Pá Có, Mường Pồn

"Lệnh hỏa tốc công văn hỏa tốc "
Kéo pháo ra chiến lược đổi chiều
Tâm, trí dũng vững như dáng núi
Mãi oai hùng trang sử Điện Biên.

Vũ Thuý
Thêm
  • Like
Reactions: Vanhoctre
122
1
0
Biết đâu bất ngờ
Một ngày một ngày ta mất nhau
Ngỡ như sao trời
Gặp được nhau... rồi lại tách xa
Kí ức phai dần chỉ còn lại sâu trong trái tim
Giống như đôi ta đã chia xa vào ngày đông năm ấy
Một ngày chẳng trăng
chẳng sao
Chỉ còn lại sự lạnh lẽo và cô đơn đến tận cùng...
432980038_969032365223603_6369295319855387385_n.jpg
Thêm
Biết đâu bất ngờ
116
3
0
Sấm
SẤM

Ngang trời đường điện
Uỳnh oàng dọa ai
Bất chợt sớm mai
Mưa rơi rơi xuống

Kiến càng luống cuống
Cõng con lên cao
Châu chấu, cào cào
Lao xao bay nhảy

Sấm đầu mùa đấy
Tắt điện thoại thôi
Cầu giao dập rồi
Yên tâm chờ đợi

Mùa hè diệu vợi
Mưa đến rồi đi
Về nhà mỗi khi
Uỳnh oàng sấm sét.

Hoa phù sa
Ảnh sưu tầm
Thêm
Sấm
155
2
2
Một lần đi chơi phố sách cũ Cát Cụt, tôi được dịp đắm chìm trong cơ man nào là sách. Tôi chợt dừng tay trước tuyệt phẩm của Tony Parsons, nổi bật nhất và thành công nhất, là tiểu thuyết: Cha và con (Man and Boy). Đây là cuốn sách giá trị, xoay quanh chủ đề tình yêu, hôn nhân và gia đình, khắc hoạ rõ nét cuộc đời nhiều sóng gió của một người cha đơn thân chưa trưởng thành.

Tác phẩm xoay quanh tình cảm cha con giữa Harry và Pat, giữa Harry và cha của mình với hàng loạt những biến cố xảy ra... làm người đọc rưng rưng.

Tôi đem cuốn sách về mà trong lòng lâng lâng vui sướng và đọc ngấu nghiến nó trong vòng 3 tiếng.

Câu chuyện cảm động về tình phụ tử

Không hiểu sao những câu chuyện về các cặp cha - con với vô vàn cảm xúc lại khiến tôi liên tưởng đến chính mình. Tôi cũng có người cha tuyệt vời hết lòng với gia đình. Nếu một ngày cha ra đi tôi không biết sẽ sống tiếp ra sao. Vì thế, tình phụ tử luôn lấp lánh vẻ đẹp ngời sáng của một viên kim cương khiến tôi cảm động, trân quý vô cùng!

Đó là câu chuyện xúc động về ba thế hệ trong gia đình Harry. Cha Harry yêu thương anh đặc biệt theo cách của một cựu quân nhân. Anh luôn ngưỡng mộ ông như một người hùng lặng thầm. Anh cũng thay thế một người mẹ yêu thương và chăm sóc con trai chu đáo.
Tôi ngộ ra rằng: Dẫu cuộc đời dâu bể nhiều bất trắc thì gia đình luôn trở thành bến đỗ bình yên của mỗi người.

Tác phẩm phản ánh hiện thực sống động và tính nhân văn cao cả

Cha và con
là những chi tiết chân thực được chắt lọc qua cuộc đời tác giả. Harry rút ra bài học đắt giá để làm tròn trách nhiệm người cha. Quá trình yêu, cưới, ngoại tình, li hôn và hậu li hôn với những khủng hoảng, vấp ngã, lỗi lầm, trưởng thành… hiện lên sâu sắc và trung thực. Tôi thực sự đồng cảm với nỗi đau ấy, nó buộc anh phải đối mặt và vượt qua.

Lấy bối cảnh London vào những năm 90 của thế kỉ XX, Cha và con thể hiện mặt trái xù xì, gai góc của hôn nhân hiện đại. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người về lối sống và hành vi của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Dù trong thời đại nào, chúng ta nên yêu thương nhau và quan tâm đến những đứa trẻ.

Viết về những đổ vỡ nhưng tác giả không xoáy sâu vào tiêu cực mà giúp tôi đồng hành cùng nhân vật kiếm tìm chân giá trị của cuộc sống, những giải pháp xoa dịu, chữa lành những vết xây xước trong tâm hồn để nối dài những yêu thương. Vượt qua giới hạn tình phụ tử, Cha và con khiến tôi thấm thía tình người, tình đời một cách sâu sắc. Tình cảm đó tựa như chất xúc tác đặc biệt thấm vào từng nhân vật, hàn gắn những vết thương lòng đương rỉ máu và lưu lại trong tôi những dấu ấn khó phai.

P/S: Mời cả nhà đọc tiếp ở Link mình để dưới phần comment nha!

NGUYỄN MINH


cha và con.jpg
Thêm
Cha và con - Cuốn tiểu thuyết hay về tình phụ tử thiêng liêng!
119
4
1
Có ai từng thấy nắng cũng yêu cây
Sau một đêm lại bừng lên rực rỡ
Có ai nghe cây cũng đang khẽ thở
Cố dịu dàng giữ nét đẹp thiên nhiên

Có ai từng nghe sương thật dịu hiền
Vương vẫn mãi trên cành khô, lá cỏ
Se se, nũng nịu, quấn chân người đi bộ
Như bé lên ba đòi theo mẹ ra đồng

Tôi đã từng nghe đêm cháy trong lòng
Sau những lần kim giây quay tích tắc
Thời gian ấy trăng cười vui khúc khích
Nhìn thế gian từ lăng kính trên cao

Chợt giật mình mất ngủ cũng không sao
Nhìn nhìn lại còn nhiều điều chờ thức
Trước hay sau cũng một lần phiền phức
Nghĩ làm gì rồi lại tự mình đau

Có ai từng thấy gió cũng thương nhau
Luôn đoàn kết qua từng mùa mạnh yếu
Ai cũng từng khuyên nhau nên có hiếu
Nhưng hỏi lòng mình trọn vẹn hay chưa?.

Hoa phù sa
Ảnh sưu tầm
IMG_20240408_025355.jpg
Thêm
CÓ AI TỪNG
255
5
1
Tôi từng là sinh viên khoa văn trường sư phạm. Vì thế, tôi luôn say mê những cuốn sách. Đến năm thứ ba, căn bệnh suy nhược quái ác khiến bản thân rơi vào chán nản, tuyệt vọng. Sở thích đọc sách của tôi vì thế bị gián đoạn.

Những ngày dài nằm trong bệnh viện, trước mắt tôi là màn đêm u tối bởi lối suy nghĩ tiêu cực. Tôi mất niềm tin, tưởng như không muốn sống nữa. Thay vì hình ảnh một cô gái xinh đẹp, lạc quan, yêu đời là một con người bệnh hoạn, bi quan, mệt mỏi, luôn ủ rũ như một bông hoa héo.

Hôm sinh nhật, tôi bất ngờ nhận từ em gái một cuốn sách với lời đề tặng: “Thương tặng chị. Chúc chị luôn hạnh phúc!”. Lúc đó, tôi chẳng có tâm trí nào để đọc sách nhưng vô cùng cảm động trước nhiệt tình của em. Tôi tò mò lật dở từng trang cuốn sách dày gần 300 trang, với bìa sách minh hoạ trên nền màu xanh nhạt là hình ảnh những cành cây xanh tốt mọc ra những chiếc lá, bên dưới hình ảnh cành cây ấy là tựa Gieo trồng hạnh phúc của tác giả Thích Nhất Hạnh. Nhờ cuốn sách, tôi đã tìm thấy hạnh phúc đích thực cho mình.

Thích Nhất Hạnh là một trong những thiền sư người Việt nổi tiếng. Ông dấn thân vào nhiều lĩnh vực khác nhau và đạt thành tựu nổi bật với gia tài là trên 100 cuốn sách, trong số đó hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh. Thầy từng chia sẻ: “Mỗi sáng thức dậy tôi lại mỉm cười và hai mươi tư tiếng hạnh phúc sẽ ở ngay trước mắt tôi. Tôi nguyện sống trọn vẹn ý nghĩa cho từng giây và nhìn mọi điều bằng áпh mắt từ bi.” Điều đó, khiến chúng ta mở rộng tầm nhìn về cuộc sống, chiêm nghiệm về bản thân và bắt đầu học cách yêu thương bản thân mình.

Mời cả nhà đọc tiếp bằng cách kích vào link mình để ở phần comment nhé!


gieo trồng hạnh phúc.jpg
Thêm
Gieo trồng hạnh phúc - Thích Nhất Hạnh
227
7
1
Tóm tắt tác phẩm: Mở đầu tiểu thuyết là nhân vật trung tâm là Lịnh, người bạn tù mang số hiệu 2910 của nhân vật xưng tôi. Anh được miêu tả là người trí thức tài hoa vướng lụy vì hoài bão, một lòng vững vàng hướng về Cánh Mệnh tại trại an trí V.B. Lịnh chưa từng uống rượu, che giấu tâm tư trong vỏ bọc lý tưởng. Lịnh không dự bữa tiệc mà ông đội cố ý sắp đặt để anh em giải khuây, để không bị hiểu nhầm anh đưa cho nhân vật tôi cuốn vở “Tâm sự của nước độc”. Câu chuyện kể về Lãnh Út, chủ ấp Mê Thảo. Từ ngày vợ cậu mất vì tai nạn tàu hỏa, cậu đâm ra rượu chè, bỏ bê việc ấp, và đặc biệt căm ghét máy móc hay những món đồ công nghệ tiên tiến. Sau hôm chè chén và văn nghệ hôm giỗ Mợ Lãnh, chủ ấp không lần nào khóc và uống rượu nữa. Bá Nhỡ, người được vợ chồng cậu Lãnh Út cứu khỏi án tử hình, cũng là người vun vén công việc thay Lãnh Út, thấy thế thì lo lắng, cầu đoàn người múa hát nhà nghề vực dậy tâm hồn cậu chủ, nhưng cậu nhất quyết ra lệnh bãi. Vào một đêm mưa, Cậu muốn uống rượu, trong cơn say Cậu đánh tiếng muốn nghe tiếng hát cô Tơ. Bá Nhỡ vui lòng, chạy tìm tin tức cô Tơ khắp nơi và mời về cho bằng được. Sự tình không dừng lại ở đó, cô Tơ có lời hứa cùng người chồng đã khuất là ông Chánh Thú sẽ không hát nữa trừ khi có người đệm bằng cây đàn thờ dựng trong buồng. Cây đàn ấy làm từ gỗ quan tài người trinh nữ, chứa đựng một thứ bùa yểm nào đó. Người sử dụng cây đàn, rất nhiều khả năng sẽ thay thế vị trí ông Chánh Thú dưới cung Thủy Tinh để ông đầu thai về trần gian. Một lần là ông khách vùng Bắc vì mạng còn vững nên chỉ bị liệt nửa bên người, còn lần này là chính Bá Nhỡ muốn dùng thân hiến tế, cứu Lãnh Út khỏi cơn mê. Một năm sau có chùa Đàn mọc lên ở ấp Mê Thảo. Về sau, ấp Mê Thảo sang tay người ngoại quốc. Lãnh Út cố giữ lại hai mẫu tự điền và chùa Đàn được dựng lên trong khoảng đó. Mưỡu cuối dưới dạng một bức thư bộc bạch với sư thầy Tuệ Không của nhân vật tôi mở ra một điểm nhìn mang chất “cách mạng” thường thấy ở các tác phẩm văn xuôi giai đoạn này. Lịnh 2910 là Lãnh Út, chủ ấp Mê Thảo ngày trước, từ o bế cái sống cá nhân chuyển sang một lý tưởng mới cao cả hơn, đó là lý tưởng của Đảng. Đồng nhất sư thầy với cô Tơ và oán trách, đi tu là một cách chối bỏ đời sống, là cách tự tử dần, không xứng đặt cạnh thay đổi nhiệt thành của Lãnh Út (hay Lịnh 2910). Lời khuyên, sự động trong hành động phát triển của con người nghệ sĩ thời kháng chiến.

Cũng như những sáng tác giai đoạn trước, tác phẩm Chùa Đàn vẫn còn đậm chất “yêu ngôn” của một Nguyễn Tuân duy mỹ. Nhưng việc thêm vào phần Dựng và Mưỡu cuối, tác phẩm làm rõ rệt sự giằng xé giữa hai tiếng nói bên trong tâm hồn nhà văn, một là “nghệ thuật vị nghệ thuật”, một là “nghệ thuật vị nhân sinh”. Đó là một tâm thế chung của các văn nghệ sĩ trước biến thiên của cuộc đời, đặc biệt mâu thuẫn rõ rệt với trường hợp Nguyễn Tuân - “người suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật”. Chùa Đàn là móc giữa phân cách một Nguyễn Tuân say mê cái đẹp và một Nguyễn Tuân giác ngộ Cách Mạng. Chùa Đàn là tác phẩm ma mị, quái đản chốt sổ danh sách những sáng tác lấy cảm hứng “yêu ngôn” của Nguyễn Tuân, cũng là tác phẩm thuần túy nghệ thuật cuối cùng. Vì sau đó, ông theo Cộng Sản và sáng tác của ông nhằm phục vụ tuyên truyền cho chế độ. Lý do Nguyễn Tuân cho phép những yếu tố ma quỷ xuất hiện trong tác phẩm mình không phải hù dọa, hay tạo yếu tố kinh dị, kích thích sự tò mò của người đọc. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Đăng có đưa ra nhận xét rằng: “Nguyễn Tuân [...] luôn thèm khát những cảm giác mới lạ và mãnh liệt… những cảm giác ấy, Nguyễn Tuân không thể tìm được trong cái môi trường vẫn vây bọc lấy ông trong cuộc sống hàng ngày mà ông chỉ thấy là lèm nhèm, lẹt đẹt và xám xịt”. Hiện thực bóp nghẹt cái tôi sáng tạo của nghệ sĩ, buộc nó phải lựa chọn một phe để phó thác. Nhưng lựa chọn thế nào cũng có sự mất mát riêng. Những cảm xúc khác biệt đan xen này đã tạo nên một tác phẩm kiệt tác trong văn học - nghệ thuật.

Về tên nhan đề, hình dung về một ngôi chùa không có một pho tượng Phật để thờ cúng, mà ở đó người ta thờ cây đàn đáy, thờ nghệ thuật một cách nghiêm trang và thành kính. Ở đó, tín ngưỡng duy nhất là cái đẹp, cái nghệ thuật thuần túy, chứ không phải một tư tưởng, một trường phái vĩ mô về cuộc đời. Tuy tác phẩm về sau nằm trong mạch văn sám hối, lột xác theo Cách mạng nhưng chúng ta vẫn thấy sự miễn cưỡng trong quá trình phá kén ấy. Nhà phê bình, nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh tỏ thái độ: “Vừa giác ngộ cách mạng được ít ngày, tác giả Yêu Ngôn, cũng như của Vang Bóng Một Thời, Thiếu Quê Hương. . . làm sao đã có thể lột xác ngay được”. Cái giữ chân phe "nghệ thuật vị nghệ thuật" ở lại với ông chính là một “thân nhộng” mềm oặt, sinh động còn sót lại ấy. Chùa Đàn vẫn là một ngôi miếu tôn thờ cái đẹp. Cây đàn trong tác phẩm không phải ai cũng có thể chạm vào và gảy ra tiếng nhạc, mà phải là người tuyệt nhiên trân trọng nghệ thuật, không màng danh lợi, vươn tới sự tuyệt hảo trong thẩm mỹ mới có thể gảy dây âm. Thêm một điểm, kết cấu Chùa Đàn như một vở ca trù. Mà đối chiếu thời gian lịch sử, ca trù là một nét văn hóa thời trung đại, phảng phất trong sinh hoạt, và là trò tiêu khiển phục vụ đời sống tinh thần của tầng lớp trí thức trung lưu. Ở Tâm sự của nước độc, tuyến nhân vật đều mê đắm với loại hình nghệ thuật ca trù, chúng ta cảm nhận được Nguyễn Tuân đã áp bộ lọc của ký ức vào trong phần này, niềm nuối tiếc về một thời đã qua. Bằng chứng là sự thay đổi và lựa chọn của ba nhân vật chính: Bá Nhỡ quyên sinh vì nghệ thuật, Lãnh Út tìm thấy lý tưởng nơi Cộng sản, cô Tơ khép lại tiếng ca, sống âm thanh nơi chùa chiền thanh tịnh. Và ở đầu phần Dựng, ông đội và các tù nhân đều mong cầu nghe lại một bài ca đúng điệu cho thỏa cuộc đời.

Đi sâu vào tác phẩm, chi tiết Lãnh Út không khóc, không nói mà chỉ ra mồ hôi tóc trong trận giỗ vợ làm mình liên tưởng đến hình ảnh cây đàn dựng bên góc bàn thờ vã mồ hôi như tắm vào những đêm áp giỗ ông Chánh Thú. Đó là một cảm giác cô đơn, lẻ loi của kẻ độc hành vì mất đi người bạn đồng hành. Hay ở cách hiểu khác, cả hai đều thèm khát được vùng dậy, được người khác khơi gợi để cống hiến. Đây là hình ảnh hình bóng “cách mạng” chính thức đầu tiên mình nhìn thấy trong tác phẩm. Vào thời điểm sau giải phóng miền Bắc, tình hình xã hội - chính trị rất nhiều biến động, đặc biệt là nạn đói năm Ất Dậu, khiến lòng người trở nên bất an, lo sợ. Đồng bào trong nước nói chung đều còn một khoảng không sâu thẳm cần được lấp đầy. Có thể Cách mạng là một cách để bình ổn tinh thần người dân lúc đó, song những người làm nghệ thuật cũng không thể “sống chết mặc bay”. Mỗi công dân đều phải khai thác triệt để giá trị từ bản thân để cống hiến hết mình cho lý tưởng, cho đời, cho đất nước. Suy nghĩ lánh nạn ở một nơi chay trường, thanh tịnh, bất động trong sự vận động của đời sống là sai, là hèn, là nên từ bỏ. Cụ thể ở phần Mưỡu cuối, nhân vật tôi chỉ thẳng những người như sư thầy Tuệ Không, cô Tơ là đánh bạc gian, là đứng bên rìa cuộc sống, dù được hưởng thụ vật chất được tạo ra bằng lao động của cuộc đời. Một lần nữa, tinh thần hưởng ứng đấu tranh, anh dũng, thâm nhập vào hiểm nguy được thể hiện làm sáng rực lý tưởng cách mạng chớm nở ở Nguyễn Tuân.

Nhiều nhà phê bình chê trách Nguyễn Tuân đưa phần cuối một cách gượng ép vào tác phẩm, làm phá vỡ tính thẩm mỹ thiêng liêng vốn có. Nhưng đối với người không chuyên nghiên cứu như mình, vẫn thấy ở phần Mưỡu cuối có cái hay riêng. Nhờ nó mà cái hiểu về sự phân thân trong tác phẩm càng rõ ràng. Lịnh chính là Lãnh Út, sư thầy Tuệ Không là cô Tơ, và phải chăng tôi chính là Bá Nhỡ? Và tất cả đều là bản thân Nguyễn Tuân. Một người vốn trải qua những mất mát vì hoàn cảnh mà đâm ra mất lý tưởng, một người vốn phải chết lại được cứu sống và hết lòng với ân nhân, một người khao khát cất tiếng hát, dâng tặng nghệ thuật cùng với tri âm. Cả ba nhân vật đều hợp nhất với tâm lý hỗn mang của các nghệ sĩ trên văn đàn lúc ấy. Cũng nhờ phần cuối mà văn chương Nguyễn Tuân dần hòa hợp hơn với phương hướng sáng tác nhằm tuyên truyền, vận động. Lời vận động ở mưỡu cuối thẳng thừng, sắc bén đã soi tỏ hành trạng người trí thức ở buổi đầu nền độc lập. “Cho tới ngày nay, chưa có cuộc cách mệnh nào của Con Người mà bỏ được tiếng hát, Cô Tợ ạ”. Tô màu cách mạng trên một tác phẩm đầy yếu tố linh dị, huyễn hoặc, đúng thật chỉ có ngòi bút tài hoa Nguyễn Tuân mới có thể nghĩ đến. Mục đích thêm vào phần Dựng và Mưỡu cuối bên cạnh Tâm sự của nước độc để ca ngợi Cách mạng. Nguyễn Tuân đã hoàn thành mục tiêu xuất sắc. Một Lãnh Út tuyệt vọng sau cái chết của Bá Nhỡ đã thề độc “không bao giờ cầm đến một chén nào của cuộc đời này” và trở nên cực kỳ tỉnh táo, hoạt động cách mạng sôi nổi, hướng niềm tin vào Đảng. Con người trong tác phẩm văn xuôi giai đoạn 1945-1975 được thể hiện trước hết ở tư cách đại diện cộng đồng, được đặt giữa dòng chảy lịch sử và những biến cố của cuộc sống xã hội. Sự thay đổi của Lãnh Út thành Lịnh 2910 vừa thích nghi được với thời cuộc đó, vừa thể hiện tinh thần mới mẻ, tích cực nhờ sự dẫn dắt của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, Nguyễn Tuân đúng là có phần cực đoan khi buộc cô Tơ lên ngọn đầu đài mà chỉ trích và cho rằng để thực hiện con đường đã chọn, theo Cộng sản, buộc diệt bỏ con người cũ. Thông qua hai đề từ, ta có thể thấy điều đó. Đâu cần phải thế, những cái đặc điểm vốn có trong con người ông cũng có cái hay để tiếp tục phát huy. Theo mình, nó chưa bao giờ là cũ để bị diệt, bị thay thế.

Tác giả khẳng định: “Còn có dục vọng nào chính đáng sâu sắc rộng đẹp bằng ý thức Cách Mệnh” là hợp lý trong hoàn cảnh tác phẩm. Bởi thời ấy, đói nghèo, chết chóc, khổ đau, chính những con người vô sản ấy kết nối với nhau trở thành một chuỗi mắt xích vững bền. Tư tưởng cách mạng khi ấy đúng là một phần đã an ủi được nhiều nhóm đang run rẩy, bất an. Phần nhắn gửi sư thầy Tuệ Không, nhân vật tôi có bộc lộ hi vọng về một ngày mới trong tương lai sáng sủa hơn, văn minh hơn. Có lẽ đó là những cốt lõi nhà văn muốn đề cao và gửi gắm niềm tin vào Nhà nước đương thời.

Ai trong chúng ta đều phải trải qua những bước ngoặt của cuộc đời, ở từng bước ngoặt sẽ là một ta khác với cách xử lý hoàn toàn khác. Có thể do còn non trẻ trong cách tiếp nhận, sự phân vân thể hiện quá mức rõ rệt, lựa chọn của Nguyễn Tuân làm ảnh hưởng uy tín của ông trên văn đàn nhưng đó không hẳn là lựa chọn sai. Bởi tài năng của ông đủ làm tốt cho dù có đứng ở phe phái nào. Sự thêm thắt này mình cho rằng không phải vì Nguyễn Tuân sợ sệt mà đâm ra đổi trắng thay đen, ông chỉ đang uốn nắn thân mình để phù hợp cho từng thời kỳ. Và giai đoạn ấy, ông có lẽ đã nghĩ lựa chọn phục vụ Cách mạng là lựa chọn đúng.
Thêm
CHÙA ĐÀN - CẢM HỨNG “YÊU NGÔN” THOÁNG MÀU CÁCH MẠNG
127
4
0

Trang cá nhân

“Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Truyện này tớ đăng đầu tiên ở Wattpad (khi ấy học lớp tám), giờ đọc lại thấy sến thật sự nhưng khi tớ cho chị họ xem bản thảo thì chị ấy lại khen hay. Tớ cũng nhen nhóm ý định phát triển bộ này thành truyện dài luôn nhưng mà hồi ấy tớ chưa đủ thời gian, đến giờ thì bản thân lại không theo kịp cảm xúc khi ấy.
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau
"Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa."
Cung Chúc Tân Xuân Giáp Thìn 2024!
An Khang Thịnh Vượng
Vạn Sự Như Ý~
Trò chuyện trực tiếp
Đăng nhập để sử dụng ChatBox
  1. Thích Văn Học @ Thích Văn Học:
    Hiện tại không có giá trị qui đổi gì em nhé
Top