Chia Sẻ Bài nghị luận xã hội của giải nhất HSGQG năm 2014

Chia Sẻ  Bài nghị luận xã hội của giải nhất HSGQG năm 2014

Sun Sun
Sun Sun
  • mình là sun - một người xa lạ đang đi tìm màu
Xin chào tất cả mọi người, mình là sun - một người xa lạ đang đi tìm màu, admin của insta @sun.fl_d, từng đạt giải nhất cấp tỉnh môn văn năm lớp 9 và là á khoa đầu vào môn văn chuyên. Qua quá trình rèn luyện để đạt được nhiều thành tích hơn thế nữa, mình đã học tập từ rất nhiều tư liệu và bây giờ khi đi qua 12 năm học sinh, mình muốn chia sẻ vốn văn, kinh nghiệm đó đến các bạn. Dưới đây là câu 1 (nghị luận xã hội) của bài văn đạt giải nhất HSGQG năm 2014 với đề thi là ‘Phải chăng, sống là toả sáng?’:

Tôi là ai? Sự sống của tôi có ý nghĩa gì? Ba trăm năm nữa liệu có còn ai còn biết đến sự tồn tại của tôi trên cõi đời này? Tên tuổi tôi, cuộc đời tôi có lẽ nào sẽ chìm khuất vào quên lãng? Có người hỏi tôi rằng: Phải chăng sống là tỏa sáng? Chao ôi! Chắc chắn sống là tỏa sáng.

Chúng ta nên hiểu “sống” ở đây theo nghĩa rộng. “Sống” không chỉ mang nghĩa sinh học, không chỉ là sự tồn tại. Hơn nữa, nói một cách chính xác, chúng ta đang nói đến “sống” là tổng hòa tất cả những hoạt động của con người với tư cách xã hội, là con người xã hội. Sự sống ấy gắn liền với những giá trị người vì chỉ con người mới có kết cấu xã hội. Con người không chỉ tồn tại mà còn “sống”, không chỉ có phần “con” mà còn mang tư cách “Người”. Sự sống của muôn loài chỉ nhằm mục đích duy trì và phát triển nòi giống, sự tiến hóa, sự sống của con người còn là vì chính mình, vì những lí tưởng cao cả. Chúng ta có ý thức về bản thân, về lẽ sống, về giá trị cuộc đời của riêng mình. Nhưng nhất là chính ta hiểu rằng mình là một cá thể độc đáo duy nhất trong vũ trụ. Toàn nhân loại không có một con người thứ hai giống hệt ta. Vậy nếu như sự duy nhất ấy bị hòa tan đi thì ta còn ý nghĩa gì nữa?​

D02DB9AA-C4F0-4673-BF39-6D781F4405A9.png

(Ảnh được thiết kế bởi @sun.fl_d)

Bất kể ai có ý thức sống đều muốn vươn lên những cái đẹp, cái thiện, cao hơn vươn lên trở thành Con Người viết hoa. Mỗi người có một lối sống khác nhau, tùy theo mơ ước, khát vọng của riêng mình. Cá nhân tôi cho rằng, sống đẹp là chưa đủ, con người cần phải sống “tỏa sáng”. Cố nhiên sống đẹp thì mới có thể “tỏa sáng” nhưng “tỏa sáng” còn là sự khẳng định mình, làm cho mình không bị quên lãng trong ký ức của mọi người. Trái ngược với sáng là tối. Cuộc đời như đêm tối thì không ai thấy, do vậy mà không ai nhớ. Con người không chỉ cần “đẹp” mà còn là “đẹp theo một cách riêng”.

Nói “tỏa sáng” là một cách diễn đạt rất giàu hình ảnh. Sự sống của ta có thể “tỏa sáng” được chắc chắn phải có những phẩm chất. Đó là những nét đẹp được cả cộng đồng thừa nhận và khuyến khích. Nói một cách cụ thể, trước khi muốn “tỏa sáng” thì phải “sống cho ra người”. Không thể là một nhân cách lệch lạc, một đạo đức khuyết, một trí tuệ không đầy đủ. Con người trước khi vươn tới cái đẹp, thì cần phải sống - như GS. Hoàng Ngọc Hiến nói - cho “hẳn hoi”. “Hẳn hoi” là một từ rất Việt, khó có thể tìm một từ nào trong ngôn ngữ khác có ý nghĩa thật gần với nó. Nhưng “hẳn hoi” chính là nền tảng cho sống “tỏa sáng”. Bản thân sống hẳn hoi cũng có ánh sáng của nó, đó là ánh sáng của cốt cách vững vàng, của một con người tuy không nổi trội nhưng “đẹp, đẹp hài hòa, đẹp cân xứng”. Có rất nhiều người không hiểu do vô tình hay cố ý mà không sống hẳn hoi được: kẻ thì quá đề cao vật chất, sống không biết đến sự di dưỡng tinh thần, người thì sống ảo tưởng, lấy điểm tựa siêu hình để bào chữa, cho rằng “nghèo” mới giữ đạo đức thanh cao được.

Nhưng “tỏa sáng” không phải chỉ là “hẳn hoi”. Muốn “tỏa sáng” được nhất định phải có một thế mạnh của riêng mình. Sở trường không thể làm nên toàn bộ giá trị của một người nhưng chính là yếu tố khẳng định giá trị của con người. Muốn “tỏa sáng” trước hết phải có tài năng. Tài năng có thể do bẩm sinh nhưng phần nhiều do rèn luyện mà có. Tài năng là khả năng làm những công việc đạt được hiệu quả cao, vượt lên trên mức trung bình, thậm chí vượt lên trên người khác. Mỗi người có một tài năng riêng, do vậy, tài năng chính là yếu tố khẳng định mỗi người. Những chiếc huy chương ở các kì thế vận hội chính là sự khẳng định của tài năng, đó là “tỏa sáng”. Những thành tích, thành tựu cao không thể không có sự đóng góp của tài năng. Có người nói, trong điểm mười tuyệt đối thì tám điểm là của sự cố gắng, nỗ lực, chỉ có hai điểm thuộc về năng khiếu. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng xin bổ sung thêm, hai điểm của “năng khiếu” chính là điểm chín và điểm mười. Nếu không có tài năng thì dù nỗ lực đến đâu cũng chỉ là tối đa điểm tám. Muốn có chín, có mười nhất thiết phải giỏi hơn người bằng cái tài. Trong một bài kiểm tra hay trong cuộc sống, người được điểm mười là người “tỏa sáng”, được nhớ đến!

Tuy thế, sống là tỏa sáng không chỉ là vượt trội, là “vĩ đại” trong khoảnh khắc. Muốn sự sống của mình thực sự tỏa sáng thì phải kiếm được điểm chín, điểm mười cho bài thi tốt nghiệp của cuộc đời. Nghĩa là điểm mười được “chấm” cho cả đời người. Khẳng định được tài năng của mình là tỏa sáng. Nhưng không phải chỉ mình ta mới có tài năng. Mà lịch sử lại thường chỉ ghi danh những người tài giỏi bậc nhất. Do đó, muốn thực sự “tỏa sáng”, cần phải đẩy tài năng của mình lên đỉnh cao nhất, luôn luôn phấn đấu vượt qua những người giỏi nhất. Để không chìm vào quên lãng, không thể không biến mình thành số một hoặc ít nhất là nỗ lực để biến mình thành số một.

Điều đánh dấu sự trưởng thành cũng như khẳng định chính xác nhất một tài năng chính là những thành tựu. Xét cho cùng thì lịch sử cũng chỉ đánh giá một tên tuổi dựa trên thành tựu. Những điều ta làm được sẽ quyết định rằng ta có “tỏa sáng” hay không. Cuộc sống thường khắc nghiệt nhất ở điều ấy. Cho dù ta nói rằng bản thân đã cố gắng hết mình, nhưng nếu kết quả là thất bại, anh vẫn là kẻ thất bại. Nếu chỉ ôm ấp tài năng của mình, ngồi tự hào về nó trong buồn ngủ thì vĩnh viễn không thể “tỏa sáng”. Để có được thành tựu lớn nhất của mình, con người cần phải hành động quyết liệt.

Sự “tỏa sáng” của một người suy cho cùng cũng là để nhân loại không lãng quên mình. Do đó, muốn thực sự “tỏa sáng” được, cần phải có những đóng góp vào cuộc đời chung. Sự sống về vật chất của ta sau sinh, lão, bệnh ắt sẽ đến tử. Cát bụi lại trở về với cát bụi. Con người chỉ có thể bất tử khi cuộc đời, sự nghiệp của mình ghim vào ký ức cộng đồng. Hơn thế nữa, khi con người chỉ đặt mục tiêu sống vì mình, chúng ta sẽ không bao giờ tạo ra được một thành quả rất to lớn. Muốn có thành tựu vĩ đại, phải hướng đến những lý tưởng phục vụ cho cuộc sống chung. Bên cạnh chất “cao cả” của lí tưởng, một mục tiêu lớn mới có khả năng thúc đẩy con người phát huy hết năng lực của mình, đạt được những thành tựu kỳ vĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ra đi từ bến Nhà Rồng không có mục đích nào khác ngoài lý tưởng giải phóng cho dân tộc. Tôi cho rằng, Bác đã thành công một nửa khi dám nghĩ, dám làm, dám đặt ra mục đích của một đời như vậy.

Có lẽ sẽ có nhiều người cho rằng, cuộc sống vốn đã đẹp, được sống, được tận hưởng thế giới đã là một điều may mắn và mãn nguyện. Nhưng trong chúng ta, bao nhiêu người còn nhớ về cụ nội của mình? Và bao nhiêu người sẽ được chắt mình nhớ tới? Chỉ trong vài thế hệ, cả một cuộc đời đã chìm vào quên lãng. Cuộc đời tôi không thể như vậy!
 
Từ khóa Từ khóa
bài văn hsgqg baivanhay hocvanvanhoc hsgqg songlatoasang
17K
4
4
Trả lời
Bài viết không chỉ đảm bảo bố cục của một bài nghị luận nà người viết còn mạnh dạn đưa ra quan điểm cá nhân một cách mạnh mẽ và lập luận thuyết phục. Đặc biệt, người viết cũng không ngại soi chiếu vấn đề trong tương quan hiện thực, quy luật khắc nghiệt của cuộc đời. Điều hữu ích khác nên học ở bài viết này nữa là cách sử dụng đại từ ‘tôi’ đúng chỗ, không gây cảm giác phiến diện, chủ quan mà tạo nên được giọng văn cá tính, màu sắc thuyết phục cho bài. Nếu mọi người hưởng ứng tốt thì mình sẽ đăng câu 2 (nghị luận văn học) luôn ạ
 
  • Like
Reactions: VHT Books
Những câu mình in đậm là những chỗ mình nghĩ là điểm sáng của bài. Mọi người có thể tham khảo ạ!
 
  • Like
Reactions: VHT Books

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.