Dự thi Bến Xe Buýt Và Người Vô Gia Cư - Trần Hàn

Dự thi Bến Xe Buýt Và Người Vô Gia Cư - Trần Hàn

Giữa thành phố, dọc hai bên đường, cứ đi một đoạn ta sẽ bắt gặp một trạm chờ xe buýt. Mỗi khi xe buýt dừng lại, trạm chờ luôn tấp nập người lên kẻ xuống. Chúng chỉ bận rộn vào ban ngày, còn những khi đêm về, lúc mà trời chưa sáng, bến xe buýt lại vắng vẻ, thích hợp trở thành nơi ngả lưng cho những người vô gia cư.

Màn đêm đã buông mành, bầu trời phủ xuống mặt đất một màn đen huyền bí. Ở bên đường, trên băng ghế trải dài, có một người thu mình lại, nằm co ro mỗi khi cơn gió đêm lướt qua vai áo. Người đi đường không thể nghe thấy tiếng gã rít lên vì lạnh bởi thanh âm hỗn tạp của đường phố đã lấn át đi. Giữa dòng người đi đi lại lại như mở hội, gã trở thành một góc tối không đáng để ý tới.

Cũng như bao đêm, gã lại dừng chân ở bến xe buýt này. Không nhà, không cửa, không gia đình, không có bất cứ thứ gì trong tay, gã đành mượn tạm trạm chờ xe buýt để ngả lưng. Nếu như là ban ngày, bến xe buýt sẽ được tận dụng một cách triệt để thì khi đêm về, chúng lại trở thành một địa điểm bị bỏ quên. Vì không có ai ngó ngàng tới, gã mới yên tâm nằm đó.

Trời đã về khuya, tiếng xe cộ thưa dần, đèn vẫn sáng nhưng bóng người trên phố đã không thấy nữa. Chắc hẳn giờ này họ đã về nhà, đóng cửa cài then, quây quần bên gia đình. Nhìn tới nhìn lui, gã chỉ thấy đèn giao thông, cây cối cùng các vạch kẻ đường nằm yên trên mặt đất. Nhịp sống hối hả của thành phố đang dần chậm lại, mặc dòng thời gian vẫn tích tắc trôi qua.

Trời mùa đông rét mướt, bến xe buýt không phải là nơi trú ngụ lý tưởng. Nhưng biết làm sao được, gã có nhà mà không thể về, càng không có sức tranh giành với người khác từ gầm cầu cho tới mái hiên,… thành thử chỉ biết nương vào nơi vắng vẻ này để dừng chân. Khi đã có tuổi, chúng ta phải thừa nhận một điều là sức khỏe của mình đang yếu dần. Phải, yếu dần rồi.

Trước khi chìm vào giấc ngủ mơ hồ, những hình ảnh ngọt ngào của ngày xưa, xa lắm rồi, trở về trong dòng ký ức đứt đoạn của gã. Đó cũng là một ngày mùa đông, vào khoảng thời gian cũng áng chừng như bây giờ, vợ gã sinh được một cậu con trai, hai vợ chồng vui sướng khi đón thêm thành viên mới. Vậy là sang năm, căn nhà lại có thêm tiếng nói tiếng cười.

Đúng như suy nghĩ của gã, từ ngày có con, không khí gia đình náo nhiệt hơn hẳn. Cùng là trẻ mồ côi, gã và vợ đều thèm khát một mái ấm gia đình. Tuy nhiên, quãng thời gian hạnh phúc kéo dài không bao lâu, vợ gã đổ bệnh, không thể qua khỏi. Trước khi nhắm mắt, trên chiếc giường ọp ẹp, chị nắm chặt lấy tay gã, đôi môi nhợt nhạt nở một nụ cười, chậm rãi nói:

- Hình như… em sắp phải đi rồi.

Ý thức được sự sống của mình không thể cứu vãn, chị gượng cười chấp nhận số phận, miệng đắng chát.

Nghe vợ nói, gã không kìm được mà rơi nước mắt. Gã khóc nhưng tiếng khóc nghẹn ứ trong cổ họng, thỉnh thoảng chỉ nghe thấy tiếng gã hít vào thật sâu.

- Không, mình không phải đi đâu cả. Mình sẽ ở đây, trong căn nhà này, cùng bố con anh sống những ngày hạnh phúc.

Mắt lờ đờ, chị lắc đầu, giọng khe khẽ:

- Anh đừng lừa em. Em biết hết rồi, em sắp phải xa anh… xa con.

Dù đã cố gắng không khóc nhưng không hiểu sao chị lại nấc lên, hai hàng nước mắt cứ thế mà chảy ra.

Chị buồn. Chị tức. Chị oán trách ông trời. Cuộc đời của chị chỉ thật sự có ý nghĩa khi gặp được gã, người cùng chung cảnh ngộ với mình, và khi có đứa con để chăm sóc, nuôi dưỡng. Đúng là gã và chị từ nhỏ đã không có gia đình nhưng con họ thì khác. Chị và gã đã hứa với nhau, bằng mọi giá phải nuôi con đến ngày trưởng thành, cưới vợ cho nó, tận hưởng cảm giác được quây quần bên con cháu mỗi dịp Tết đến xuân về. Vậy mà… vậy mà giờ đây chị lại là người thất hứa.

Trong khi chị đang thoi thóp nằm trên giường bệnh, con của hai người vẫn đang ngủ say. Thằng bé chưa đầy một tuổi, chưa hề có bất cứ nhận thức gì về cuộc đời khắc nghiệt, về sự chia ly của những người có cùng huyết thống. Rồi mai đây, khi nó lớn lên, gã thật sự không biết phải trả lời như với nó như thế nào về cái chết của chị. Cứ nghĩ đến những ngày tháng không có vợ bên cạnh, gã mơ hồ hình dung về đoạn đường sắp tới mà mình phải bước đi. Không có chị, không có ai lo cho thằng bé để gã đi làm. Không có chị, mỗi khi thằng bé ngủ, gã biết tâm sự với ai về những bức xúc trong công việc, về sự bất công của xã hội, về sự vô tâm của loài người. Và rồi… ai cho gã những lời động viên, an ủi. Cứ nghĩ tới đó, gã đã lờ mờ nhận thấy bóng tối đậm đặc bao quanh cuộc sống của hai bố con.

Gã đang trầm tư thì chị ho lên một tiếng, hai tiếng,… Cứ như thế, cơn ho dồn dập khiến lồng ngực chị đau thắt, mặt nhăn lại, ép cho hàng lông mày càng nhíu chặt hơn. Ngồi bên thành giường, gã sốt ruột nên bèn đứng dậy, định đưa chị đi tìm thầy thuốc thì đã bị chị nắm lấy vạt áo.

- Đừng đi!

- Nhưng…

Gã bối rối, bước chân do dự cùng những suy nghĩ tiêu cực cứ lởn vởn trong đầu. Lỡ gã rời đi, chị tắt thở, gã sẽ ân hận suốt đời. Nhưng gã không đi thì chị cũng khó mà sống được. Trong lúc nhập nhằng giữa hai dòng suy nghĩ, chị mở miệng nói với chồng:

- Mình bồng con cho em nhìn một chút.

- Ừ!

Gã dằn lòng lại, bế đứa con nằm trong nôi trên tay đi tới. Đứng bên giường, gã ghé sát lại cho chị xem đứa con đang ngủ say. Nhẹ nhàng vuốt lấy đôi má bầu bĩnh, chị mỉm cười. Nếu có sức khỏe, chị cũng không ngại mà cười vang, bồng con đi muôn nơi.

Trước khi về bên kia thế giới, chị trân trối:

- Hứa với em, mình… mình sẽ chăm sóc cho nó nhé, chỉ cần giúp nó trở thành một người tốt là được rồi.

- Tôi… tôi hứa với mình.

Rồi chị tiếp tục ho, cơn ho dữ dội khiến thằng bé giật mình khóc thét. Chị ngừng thở, bàn tay buông thõng bên mép giường.

Sau đám ma, gã buồn một thời gian dài vì vắng bóng vợ. Trong căn nhà cũ, gã thấy lòng mình thật trống trải, và con gã cũng thế, nó trở nên biếng ăn, cơ thể mỗi lúc một gầy hơn.

Đã hai tháng kể từ ngày vợ mất, đêm nay gã ngồi trên giường, bế con trên tay rồi nhìn về phía di ảnh của vợ mà mắt rơm rớm nước. Chị vẫn ở đó, trong căn nhà này, bên cạnh gã nhưng lại không thể mở miệng nói chuyện tâm sự mỗi đêm. Chị nở nụ cười, một nụ cười không hề thay đổi từ đầu đến cuối.

Cuộc sống mưu sinh phải tiếp diễn, gã bắt đầu đi làm trở lại. Người hàng xóm đỡ lấy đứa con, nhìn bóng gã đang xa dần trong tầm mắt, thở ra một hơi dài thườn thượt nói:

- Nhìn bố mày xem, vợ chết, giờ khổ phải biết. Sau này lớn lên, nhớ hiếu thuận với bố nghe con.

Gửi con xong, gã tới nơi làm việc. Công việc của gã không cố định, nay làm chỗ này, mai lại làm chỗ khác. Ai thuê gì gã làm đó, miễn có tiền nuôi con khôn lớn thành người. Gã đi từ lúc tờ mờ sáng cho đến khi mặt trời tắt hẳn mới trở về nhà. Đón con từ người hàng xóm, gã mỉm cười hỏi:

- Cảm ơn bác. Hôm nay thằng bé có quấy không ạ?

- Không, cu cậu ngoan lắm.

Chỉnh lại cổ áo, vây khăn thật chặt, gã cúi đầu cảm ơn rồi về nhà. Đặt đứa bé đang ngủ say vào trong nôi, gã xuống bếp, chuẩn bị bữa tối và rồi pha sữa để sẵn.

Từ ngày vợ mất, gã phải bắt đầu làm quen với chuyện bếp núc. Ngoài việc pha sữa là đơn giản, gã thấy mọi thứ đều khó khăn với mình. Chật vật một lúc, gã mới nhóm lửa xong. Khi đứng dậy, người gã phát ra ra tiếng kêu răng rắc ở các khớp xương.

- Đau lưng quá đi mất.

Gã nhắn mặt, lòng bàn tay nắm chặt, vỗ vỗ vào lưng. Khi cơn đau dịu đi một chút, gã nhón chân, với tay lấy cái chảo để chiên trứng. Lọ mọ thế nào, gã đánh rơi cái chảo xuống đất, âm thanh chát chúa vang lên, đứa con giật mình khóc thét. Nghe tiếng con khóc, gã để cái chảo ở đó, chạy ù lên nhà, ôm đứa con vào lòng rồi dỗ:

- Bố thương, bố thương nhé! Ngoan nào, ngoan nào, đứng khóc!

Đi đi lại lại một lúc, gã cũng thành công khiến nó im bặt. Tuy nhiên, khi gã đặt nó vào thôi thì thằng bé lại bắt đầu quấy khóc, miệng mếu máo. Không còn cách nào khác, gã bồng nó xuống bếp, một tay chiên trứng, một tay bồng con. Nhìn ngọn lửa đỏ hồng đang cháy, gã lại nhớ tới vợ.

- Giá mà mình không bỏ bố con anh đi sớm thì tốt quá. – gã chép miệng thở dài.

Nhớ đến lúc chị nằm trên giường bệnh, gã chớp chớp hàng mi, khóe mắt ửng đỏ. Trong ánh lửa liu riu, gã mơ hồ nhìn thấy những kỉ niệm đã qua. Dù khó khăn cực khổ thế nào, hai vợ chồng đều tiến về phía trước, chưa lúc nào muốn bỏ cuộc. Vì con, vì lời trăn trối của người vợ quá cố, gã tự dặn lòng phải cố gắng mà sống.

***

Thời gian trôi qua, đứa bé cũng đến tuổi đi học. Nhìn bạn bè được mẹ dẫn đi sắm quần áo mới, nó thắc mắc:

- Bố ơi! Sao con không có mẹ?

Khó khăn lắm vết thương lòng của gã mới nguôi ngoai, vậy mà khi thằng con hỏi đến, tim gã lại nhói lên. Trước hiên nhà, ánh mặt trời đã tắt hẳn sau chân mây, gã xoa đầu nó bảo:

- Mẹ có việc phải đi xa, tạm thời không về được. Khi nào mẹ về, bố sẽ dẫn Tài đi gặp mẹ được không?”

- Dạ!

Thằng bé khoái chí, miệng mỉm cười.

- Vậy con phải ngoan ngoãn, học thật giỏi thì mới mau chóng gặp mẹ được.

- Dạ!

Buổi tựu tường cũng đến, một tay gã dẫn nó vào lớp Một. Cứ vậy, nó lớn lên trong tình yêu thương của gã. Khi đủ nhận thức, nó biết mẹ đã qua đời nên không nhắc đến một lần nào nữa.

Những tưởng về già, gã sẽ được sum vầy cùng con cháu, ăn với nhau một bữa cơm gia đình ấm cúng rồi chờ ngày gặp lại vợ ở bên kia thế giới. Đến lúc đó, gã có thể tự hào mà nói rằng:

- Anh đã làm rất tốt nhiệm vụ mà em giao cho đúng không?

Ấy vậy mà gã không có cơ hội để làm điều đó.

Sau khi con trai của gã lấy vợ, con dâu gã ra sức hạch sách bố chồng vì lúc nhớ lúc quên, ăn uống bừa bãi, vương vãi ra nhà khiến cô phải làm luôn tay luôn chân. Những lúc đó, con trai gã chỉ im thin thít, nhìn gã thở dài, lắc đầu rồi bỏ đi. Sở dĩ nó không bênh vực bố, không ra mặt nói đỡ thì ngại với gia đình vợ. Một căn nhà khang trang, một công việc ổn định, tất cả những thứ này đều do một tay nhà vợ cho nó. Cũng chính vì thế, nó không có “quyền” làm tổn thương đến người đã có ơn với mình.

Một đêm, gã tình cờ nghe được hai vợ chồng nó cãi nhau:

- Em đi làm về mệt lắm, không đủ sức hầu hạ bố anh đâu.

Cô nói, giọng khó chịu.

Sợ bố nghe thấy, Tài bảo:

- Ngày mai mình nói chuyện được không em? Bây giờ để cho bố ngủ.

- Nói thì nói chứ sợ gì. Em không biết đâu, anh tự lo liệu đi.

Phàn nàn xong, cô xoay lưng về phía anh, kéo chăn đắp ngang người. Nằm bên cạnh, anh không dám động đến vợ, chỉ nhìn đăm đăm lên trần nhà nghĩ ngợi. Cứ tiếp tục như vậy, hôn nhân của anh sẽ tan vỡ mất thôi. Còn bố thì sao đây? Anh không nghĩ ra được cách nào khác.

Cách một vách tường, gã thở dài. Trằn trọc suốt một đêm, gã cũng đưa ra được quyết định. Tờ mờ sáng hôm sau, gã lẳng lặng rời khỏi ngôi nhà đó và chỉ để lại mấy chữ:

- Bố về quê sống rồi trông coi vườn tược. Con đừng lo cho bố, cuộc sống ở thành phố không hợp với bố đâu.

Đi được một đoạn, gã dừng lại, ngoái đầu nhìn về sau lưng mà mong đợi. Trong con đường tối hun hút, không có ai chạy tới tìm gã. Và cứ thế, gã lưu lạc tới miền đất này.


Cũng chẳng hiểu sao, trước khi chìm vào giấc ngủ, gã lại trở nên minh mẫn hẳn ra. Từng khuôn mặt, từng kỷ niệm, gã nhớ không sót một chi tiết nào. Mà cũng có thể gã đã bỏ sót nhưng gã không cố gắng để nhớ ra.

Ở bến xe buýt, gã đã ngủ say. Khi bóng đêm tan dần, ánh mặt trời lả lướt trên tán cây, gã thức dậy, cầm theo cái bao dắt bên hông, đi lượm lặt từng cái chai, cái lọ, từng miếng giấy, miếng sắt hay bất cứ thứ gì, miễn nó được xếp vào hàng phế liệu. Nhờ có chúng, gã mới sống lay lắt được tới bây giờ.

Hôm nay đã là ba mươi Tết, nằm ở bến xe buýt, gã nhìn theo dòng người tấp nập ngược xuôi. Ban nãy khi đi qua dãy đường, gã thấy nhà nhà như được sửa sang lại, trước cửa treo đèn lồng, bên trong vọng ra tiếng cười đùa ríu rít của mấy đứa trẻ con hòa cùng với các bài hát về mùa xuân đang vang lên ở mấy cửa hàng. Trước thời khắc chuyển giao sang năm mới, gã thấy nhộn nhịp hơn hẳn, trong lòng vui theo, miệng mỉm cười. Tuy nhiên, niềm vui đó chỉ hiện lên trong phút chốc rồi tan biến đi mất. Bởi lẽ khung cảnh ấy khiến gã nhớ về ngày gia đình còn bên nhau, vợ và gã cùng tổ chức mâm cơm cúng tất niên đầm ấm, những mong cuộc sống đầy đủ, trọn vẹn. Tiếp đó, gã nhớ đến con trai, con dâu cùng đứa cháu chưa một lần gặp mặt rồi bất giác thở ra một hơn dài thườn thượt. Càng nghĩ, gã càng thấy tủi thân.

Trong khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ, gió rít mạnh từng hồi, gã ho không ngớt. Trước mặt gã, dòng người như vội vã thêm, chẳng ai để ý tới gã. Còn gã, gã nhìn thấy căn nhà năm xưa, thấy bóng dáng của vợ bế đứa con trên tay. Rồi khi pháo hoa nổ tung trên bầu trời, thanh âm tí tách không ngừng vang lên, người ta bắt đầu hò hét không ngừng.

Hơn một giờ sáng, trời bắt đầu đổ cơn mưa, khí lạnh tràn đến khiến người gã run lên cầm cập, gã từ từ mở mắt. Trước mặt gã, màn mưa giăng kín cả bầu trời, mọi thứ trở nên mờ mờ ảo ảo. Cùng lúc đó, gã thấy vợ đang đứng trước mặt mình, bèn chầm chậm giơ cánh tay lên, chậm rãi hỏi:

- Mình tới đón tôi đấy à?

Chị không nói, chỉ mỉm cười gật đầu, nắm lấy tay gã rời khỏi mặt đất, bay lên trời.

Sáng hôm sau, đường phố vắng vẻ, yên tĩnh khác hẳn ngày thường. Trên băng ghế trải dài, không ai còn nhìn thấy gã nằm co quắp ở đó nữa.

* Nguồn ảnh: Internet
Tác giả: Trần Hàn
Bài dự thi "Mùa Tết Quê Tôi"
 

Đính kèm

  • Trần Hàn -  Bến Xe Bus và Người Vô Gia Cư.jpg
    Trần Hàn - Bến Xe Bus và Người Vô Gia Cư.jpg
    182.6 KB · Lượt xem: 364
Sửa lần cuối:
Từ khóa
#benxebuyt #nguoivogiacu #tacgiatranhan
912
4
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top