THƠ DUYÊN
Thơ Xuân Diệu thường quy chiếu thế giới thành hai hình mẫu tổng quát: Mảnh vườn tình ái và Sa mạc cô liêu. Trong “Thơ duyên”, hai hình ảnh này vừa tương sinh lại vừa tương khắc. Ở phía này, thế giới hiện ra như một mảnh vườn tình ái, trong đó vạn vật đang rạo rực đắm say, đang giao duyên tình tự, bao trùm lên là một bầu sinh khí ngập tràn ánh sáng và hơi ấm: “Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên, Cây me ríu rít cặp chim chuyền/ Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá/ Thu đến nơi nơi động tiếng huyền/ Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu/ Lả lả cành hoang nắng trở chiều”. Ở phía kia, thế giới lại hiện ra trong diện mạo một hoang mạc cô liêu, tất cả cứ như một cõi hoang vắng, sinh khí suy biến tiêu tán; tạo vật lẻ loi, lạnh lẽo, âu sầu “Mây biếc về đâu bay gấp gấp/ Con cò trên ruộng cánh phân vân/ Chim nghe trời rộng giang thêm cánh/ Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần”. Nếu mảnh vườn tình ái là thiên nhiên gợi tình, thì sa mạc cô liêu là thiên nhiên gợi buồn. Một đằng đánh thức dậy trong con người khát khao luyến ái yêu đương, một đằng lại đánh thức nỗi cô đơn cố hữu trong từng cá thể. Nhưng tịu chung lại, chúng đều dẫn lối cho con người đến một cái đích duy nhất: tình yêu! Bởi chỉ đến với tình yêu, con người mới được thoả mãn những khát khao tình ái, cũng chỉ đến với tình yêu mỗi cá thể mới vượt thoát khỏi nỗi cô đơn. Có thể nói, đó là 2 nguyên cớ chính để bén duyên cho những con người xa lạ. XD đã khéo giăng mắc trong thiên nhiên tạo vật hai sợi tơ tình như thế và sẵn sàng se duyên cho mọi lứa đôi. Mong ước của nhà thơ có gì ngoài biến lứa đôi từ chỗ vô tâm đến kẻ hữu tình, từ chỗ bạn bầy “đảo ngói” thành “anh-em”, từ chỗ sắc màu riêng lẻ đến một “cặp vần” – với ngầm ý không thể chia lìa và cũng không thể tách nhau. Như vậy, “Thơ duyên” là một vỡ lẽ, một khám phá về tơ duyên đã được nảy sinh như thế nào trên mặt đất này. Không phải tơ duyên hình thành từ kiếp trước một cách siêu hình theo quan niệm nhà Phật, mà chính lẽ đời đã se duyên cho họ. Đó là một quan niệm rất trần thế và cũng rất mực nhân văn của Xuân Diệu.
VỘI VÀNG
“Vội vàng” của XD được viết ra từ một cảm niệm triết học: ý thức về sự sống và phải sống như thế nào? Mở đầu bài thơ, thi sĩ thể hiện một ước muốn kì lạ: “tắt nắng”, “buộc gió” như muốn cưỡng chế lại qui luật tự nhiên, nhằm vĩnh viễn hoá cái đẹp cuộc sống vốn ngắn ngủi mong manh ở hiện tại. Tuy nhiên, cái ham muốn lạ lùng kia đã hé mở cho chúng ta một lòng yêu bồng bột vô bờ với cái thế giới thắm sắc đượm hương này: “Của ong bướm này đây tuần tháng mật…Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Thế giới này luôn được Xuân Diệu cảm nhận theo một cách riêng. Hãy xem cái cách mà XD diễn tả vồ vập về một thiên nhiên ở thì xuân sắc, một thiên nhiên rạo rực xuân tình. Nó hiện diện vừa như một mảnh vườn tình ái, vạn vật đang lúc lên hương, vừa như một mâm tiệc với thực đơn quyến rũ, lại vừa như một người tình đầy khiêu gợi. Xuân Diệu cũng hưởng thụ mâm tiệc ấy theo một cách riêng. Đó là hưởng thụ thiên nhiên như hưởng thụ ái tình, yêu thiên nhiên mà thực chất là tình tự với thiên nhiên. Tuy nhiên, thực tế thì luôn phũ phàng. Ngay trong lúc “sung sướng” nhất nhưng “tôi lại vội vàng một nửa”, “tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Ở đây, chàng thi sĩ vốn nhạy cảm nhanh chóng nhận thức về tính hạn chế của thời gian và tuổi trẻ. “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua… Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”. Con người thời trung đại lấy sinh mệnh vũ trụ để đo đếm thời gian nên hình như họ yên trí với quan niệm thời gian tuần hoàn, với cái chu kì bốn mùa, cũng như cái chu kì ba vạn sáu nghìn ngày của kiếp người. Con người hiện đại lại lấy sinh mệnh cá thể làm thước đo nên họ sống với quan niệm thời gian tuyến tính. Thời gian như một dòng chảy vô thuỷ vô chung mà mỗi một khoảnh khắc qua đi là mất đi vĩnh viễn. Cho nên Xuân Diệu đã nồng nhiệt phủ định và nhận thấy “trong gặp gỡ đã có mầm li biệt”: “Mùi tháng năm đã rớm vị chia phôi”. Là người đã tiếp thu ở mức nhuần nhuyễn phép "tương giao" của lối thơ tượng trưng, Xuân Diệu đã phát huy triệt để sự tương giao về cảm giác để cảm nhận và mô tả thế giới. Ở đây, thời gian được cảm nhận bằng khứu giác: "Mùi tháng năm". Một chữ "rớm" lại cho thấy khứu giác đã chuyển thành thị giác. Nó nhắc ta nhớ đến hình ảnh giọt lệ. Chữ "vị" liền đó, lại cho thấy cảm giác thơ đã chuyển qua vị giác. Và đây là một thứ vị hoàn toàn phi vật chất: "vị chia phôi"! Cái tinh tế của Xuân Diệu nằm ở chỗ thi sĩ cảm thấy mỗi khoảnh khắc hiển hiện là mỗi phút giây đang cố lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ. Thời gian đang chia tay với con người, chia tay với không gian và với cả chính thời gian nữa. Tựa như một phần đời của mỗi cá thể đang vĩnh viễn ra đi. Cho nên thi sĩ nghe thấy một lời thở than âm vang khắp sông núi: "than thầm tiễn biệt". Đối diện với thực tế phũ phàng ấy, thi sĩ làm gì? Không như Vũ Hoàng Chương, trốn chạy trong thế giới trụy lạc, XD lựa chọn cách ứng xử tích cực: sống vội vàng, gấp gáp. Nếu chọn một đoạn thơ trong đó cái giọng sôi nổi, bồng bột của Xuân Diệu thể hiện đầy đủ nhất, thì đó phải là đoạn cuối bài thơ này. Ta cảm nghe thấy giọng nói, nhịp đập con tim ham hố, khát thèm cuộc sống của Xuân Diệu trong đoạn thơ ấy. Ông đứng giữa trần gian, dang rộng vòng tay, nới rộng tâm hồn để ôm cho kì hết, cho cùng khắp mọi cảnh sắc mơn mởn trinh nguyên nơi trần thế. Điệp ngữ:"Ta muốn" lặp đi lặp lại với mật độ dày đặc và các động thái yêu đương mỗi lúc một mạnh mẽ, mãnh liệt, nồng nàn: ôm - riết - say - thâu - cắn. Hành động như vậy là để cuối cùng đạt được trạng thái hưởng thụ thoả thuê: chếnh choáng - đã đầy - no nê, ta thấy Xuân Diệu như một con ong hút nhuỵ đã no nê đang lảo đảo bay đi, lại thấy thi sĩ như một tình lang trong một cuộc tình men say chếnh choáng. Như vậy, với XD, Sống là cả một hạnh phúc lớn lao kì diệu. Mà sống là phải tận hưởng và tận hiến! Đời người thì ngắn ngủi, thời gian như thoi đưa, cái chết hiện hữu như là kết cục không thể tránh khỏi mai hậu, vì vậy cần tranh thủ sống, sống hết mình, sống đã đầy, chớp lấy từng khoảnh khắc, chạy đua với thời gian. Ý thức ấy luôn giục giã. Thế là, Vội vàng chính là cách duy nhất để đến với hạnh phúc, là chính hạnh phúc và dường như cũng là cái giá phải trả cho hạnh phúc! Xuân Diệu quả đã mang trong mình nguồn sống trẻ. Xuân Diệu là thi sĩ của nguồn sống trẻ. Ta hiểu vì sao, khi Xuân Diệu xuất hiện, lập tức thi sĩ đã thuộc về tuổi trẻ!
ĐÂY MÙA THU TỚI
Thơ là thu của lòng người, thu là thơ của đất trời. Mùa thu vốn là một nguồn đề tài rạt rào cho những tâm hồn thi sĩ đa sầu đa cảm từ cổ chí kim. Mỗi thi sĩ thường có một cách cảm nhận riêng: Nguyễn Du thấy thu về trong sắc đỏ lá phong, Lưu Trọng Lư nghe thấy tiếng thu trong tiếng lá kêu xào xạc, Nguyễn Đình Thi nhận ra thu trong làn hương cốm mới, Trần Đăng Khoa lại biết thu về khi hoa cau rụng vào những thoáng heo may..., nhưng với XD, cảm hứng về mùa thu là cảm hứng nghiêng về thời gian. Và theo bước đi của thời gian, mùa thu về dần lộ rõ dáng vẻ của nó, các trạng thái sự vật ngả dần sang thu, đất trời cứ thu dần, thu dần để rồi thu hẳn. Dấu hiệu chuyển giao mùa thu bắt đầu với dáng liễu “đứng chịu tang”. Đó là lúc thi sĩ biết rằng mùa thu đã hiện diện ở xứ sở này. Hành trình xâm lấn của mùa thu, từ đó, dường như cứ loang dần ra khu vườn, rặng núi, dòng sông, tầng trời... và cuối cùng, nó xâm chiếm lòng người. Mùa thu tới, cảnh sắc cũng theo đó phôi pha. Sắc lá rũa phai đi, cành nhánh gầy guộc đi, trăng ngẩn ngơ đi, dáng núi nhạt nhoà hơn, sông vắng vẻ hơn, khí trời lạnh lẽo hơn, lòng người u sầu hơn... Khi thiếu nữ cũng "buồn không nói, tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì", ấy là lúc mùa thu đã làm xong phần việc của nó: chuyển toàn bộ xứ sở này thành thu. Như thế, hành trình của mùa thu cũng chính là trình tự cấu tứ của Đây mùa thu tới. Cái đặc biệt nhất có lẽ là những phát hiện tinh vi và biết biểu đạt những phát hiện đó của thi sĩ bằng ngôn ngữ tiếng Việt theo một lối nói rất Tây. Chẳng hạn, chỉ với một chữ "rũa" mà đã có thể lột trần được bộ mặt của kẻ luôn nhạy cảm với mọi biến thái trong hồn người và hồn tạo vật. Có người đã hiểu đây là chữ "rữa", nhưng “rữa” là từ diễn tả sự phân huỷ của xác lá. Còn thi nhân lại muốn diễn tả sự phôi pha trên màu lá. Nói về sự chuyển màu trên thảo mộc cỏ cây, Nguyễn Du từng viết:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Nguyễn Bính cũng nói:
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Hay Tố Hữu cũng phát hiện tinh tế:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Bốn chữ “rũa”, “nhuốm”, “nhuộm”, “đổ” đều muốn diễn tả khoảnh khắc chuyển màu của lá để sang thu nhưng "nhuốm" là mới bắt đầu, đang diễn ra, chưa hoàn kết; "nhuộm" là đã kết thúc, hoàn tất, "đổ" lại nhấn mạnh sắc thái mau lẹ. Còn với chữ “rũa”, thi sĩ phát hiện thấy sự phôi pha trong từng hạt diệp lục. Nếu màu xanh thuộc về mùa hạ, thì màu đỏ là mùa thu. Trên từng chiếc lá, thu về và đương tranh chấp với mùa hạ. Màu đỏ lấn tới đâu làm màu xanh phôi pha tới đó. Mùa thu lan tới đâu, mùa hạ lùi bước tới đó. "Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh", câu thơ như đã thu nhỏ cả cuộc đổi mùa lớn lao vào một góc vườn, vào từng chiếc lá đang phai. Như vậy, trong cảm quan của XD, thiên nhiên cũng như một giai nhân đầy nhan sắc. Dù thời kì rực rỡ hoàng kim thuộc về mùa xuân nhưng cái tàn phai trong mùa thu của giai nhân ấy vẫn cứ kiêu sa, đài các, lộng lẫy và nó gieo vào hồn người nỗi cô đơn, nỗi buồn chất chứa, tái tê.
TỎA NHỊ KIỀU
Trên đời này, cái đáng sợ nhất cho cuộc đời mỗi con người không phải là cái nghèo, cái đói hay cái khổ, mà chính là sự nhạt nhòa vô vị của cuộc sống. Sống mà không có lấy một cái gì để chờ đợi và hi vọng, để yêu thương và giận hờn, để khổ đau và hạnh phúc, thì sao có thể gọi là sống? Viết truyện ngắn ý tưởng “Tỏa nhị Kiều” với trung tâm cảm xúc của “tôi” đặt lên lối sống của 2 cô Quỳnh và Giao, Xuân Diệu đã ngầm truyền đạt đến người đọc một mệnh đề đã được ông bày tỏ rất nhiệt tình trong thơ: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Giục giã). Đã từng “bỏng lưỡi” hay “đau răng vì uống tham lam vào suối mặt trời, ăn hăm hở vào trái mùa xuân”, cũng từng “uống tình yêu đến dập cả môi”, làm sao thi sĩ của niềm ham sống mãnh liệt ấy có thể chịu đựng được một lối sống nhàng nhàng, có mà như không. Nơi ấy thế giới là dãy phố không một chút sinh khí, nhà cửa ngẩn ngơ, con đường không rộng cũng không hẹp, ánh đèn không sáng cũng không tối, đồ đạc không nhiều không ít, gia cảnh không giàu cũng không nghèo,… Nơi ấy lại có sự cư ngụ của những cái bóng uể oải, dật dờ, những pho tượng không trọng lượng, ngẩn ngơ, trống rỗng. Đặc biệt, hình ảnh hai nàng Kiều Quỳnh và Giao: không xinh, không xấu, không ngây thơ mà chỉ ngây ngây thơ thơ, không vui, không buồn, k làm, k nói, k hi vọng, k ngổ ngáo cũng chẳng từ bi, chỉ có duy nhất hiền lành, suốt ngày ngồi trên trường kỉ “chờ đợi một cái gì không xảy đến”… Lối mô tả cái phủ định lặp đi lặp lại tạo nên một nhịp điệu chán ngán, mệt mỏi. Tất cả những cái “không” làm rõ nét cái lưng chừng, lỡ cỡ của các sự vật và nhân vật. Ở đây, tác giả không đánh giá nhân vật ở góc độ đạo đức, luân lí hay thẩm mĩ, mà đơn giản chỉ là một tiếng thở dài về cái vô nghĩa của sự tồn tại. Nhìn 2 nàng Kiều, “Tôi” liên tưởng đến những đồ vật và loài vật: hột cơm, hai cái cây, 2 cánh đồng, 2 con vật ngẩn ngơ giữa rừng lạnh khi chiều buông lưới. “Tôi” lại liên tưởng đến nhịp sống, điệu sống của những người già cả. Tệ hơn, họ còn k được như ng già bởi họ còn k ý thức được về cái đơn điệu tẻ nhạt đó. “Tôi” mong ước giá họ đừng chỉ có hiền lành, “Tôi” sẽ cười nếu thấy họ đàng điếm, hung dữ, trơ trẽn, lẳng lơ, có nghĩa là một chút phản ứng sinh động lại với “cuộc đời cũng đìu hiu như dặm khách”, cũng nghĩa là chỉ ước được thấy hai cô có được sự bứt phá, vươn lên. Giận và thương hai cô Kiều, Xuân Diệu đã bày tỏ xót thương cho bao nhiêu kiếp người dễ dàng thỏa hiệp với Ao đời bằng phẳng ngoài kia. Trình bày ý tưởng bằng hình thức phản đề, tác giả lay thức những con người trót đánh rơi niềm hạnh phúc kì diệu của mình là được “sống”. “Tỏa nhị Kiều” gây cho ta một cảm giác nghèn nghẹn ở lồng ngực. Ta trân trọng những cảm xúc đầy tính nhân văn của nhà thơ và hình như cũng cảm thấy rằng cần chỉnh đốn cái tôi một cách mạnh mẽ, sống làm sao cho có bản sắc, cá tính, có ý nghĩa, sống hết mình với cuộc đời này, đem tất cả tài năng và tâm huyết của mình đốt lên ngọn lửa chói lọi làm rạng rỡ cho đời, giống như ngọn núi Hi Mã Lạp Sơn: “Cao vút thẳm giữa muôn ngàn đỉnh núi/ Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta”.
PHẤN THÔNG VÀNG
Truyện ngắn là một bức thông điệp ý nghĩa, đồng thời cũng khẳng định thêm tuyên ngôn về tình yêu đã được nói đến rất nhiều trong thơ của Xuân Diệu: xem tình yêu là “phần ngon nhất của cuộc đời”, thi sĩ bộc lộ niềm khát khao yêu đương rạo rực cho thỏa nỗi khát thèm. Cốt truyện được xây dựng rất mờ nhạt, chủ yếu là những dòng cảm xúc của một chàng họa sĩ buồn rầu sau 3 lần thất bại trong tình yêu. “Lòng chàng đương mệt mỏi và trống không như một tòa lầu bị cướp”. Nhưng bên cạnh mạch cảm xúc còn là mạch luận lí. Hành trình vô tình lạc vào rừng thông với phấn thông vàng nhuộm lên trong nắng cũng là hành trình họa sĩ nhận thức được ý nghĩa của tình yêu. Cũng giống như “phấn thông vàng không gặp hoa cái thì phấn cũng đã làm lộng lẫy không gian. Sự phung phí đã thành mĩ thuật. Phấn thông vàng không hề uổng công”, chàng cảm thấy tình yêu của mình sau 3 lần hay trăm lần thất bại cũng không hề phung phí. Hiểu được điều đó, lòng chàng bỗng vui trở lại. Chàng nghĩ rằng mình sống là để cho đi, để cống hiến cho đời những cái hay, cái đẹp – cho dù không phải ai cũng sẵn sàng đáp lại. Từ cảm giác “mất trắng”, chàng trai đột nhiên yêu đời như có được tất cả. Ấy là do chàng đã tìm thấy lẽ sống của đời mình. Đó là yêu. Không chỉ bởi bài học từ phấn thông vàng, họa sĩ cũng nhận thức được khi không có tình yêu, “tranh chàng vẽ dẫu đẹp, song không có tinh thần sự sống, sắc màu không hồi hộp niềm yêu”. Bởi vậy, giải pháp duy nhất của chàng chỉ có thể là tiếp tục yêu say đắm, cuồng nhiệt thêm trăm nghìn bận nữa, “miễn lòng chàng yêu; miễn tình chàng đẹp” bởi “cuộc đời, nhờ bọn đa tình, sẽ kém bề hững hờ nhạt tẻ...” hơn. Qua đó, ta bỗng nhìn rõ chân dung kẻ “tù nhân chung thân” của chữ Tình như Chu Văn Sơn khẳng định về Xuân Diệu. Với ông, yêu là một hành động sống, là cách để tồn tại, là cách để làm rộn ràng ấm nóng lên cái “cuộc đời cũng đìu hiu như dặm khách”. Vì vậy, dẫu thừa biết “yêu là chết ở trong lòng một ít”, dù “nước đổ lá khoai”, thi sĩ vẫn lao vào như tự nguyện được cuốn theo cái guồng máy vận hành sự sống ấy: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào” (Bài thơ tuổi nhỏ).